Chúa Nhật XXXI – TN – B
Bạn không còn xa Nước Thiên Chúa!
Hôm nay, chúng ta bắt đầu bước vào tháng mười một. Và theo lịch Phụng vụ, thì, vào hai ngày đầu tháng, chúng ta có hai lễ quan trọng, đó là: lễ kính trọng thể Các Thánh Nam Nữ và lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời.
Trước hết, nói về “lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời”. Thánh lễ này cầu cho họ, vì họ là “Những tín hữu đã chết trong ơn nghĩa Chúa nhưng chưa sạch hết mọi tội và chưa đền tội bằng những hình phạt tạm thời này thì không thể vào thẳng Thiên Đàng được, chưa xứng đáng hưởng nhan thánh Chúa nên họ phải chờ đợi thanh luyện xong mới vào Thiên Đàng. Công đồng Floren đã định tín: có luyện ngục để thanh luyện các linh hồn. Các linh hồn ra khỏi trần gian không còn có thể làm được việc gì lành để cứu mình nên chỉ trông cậy vào những người còn sống lập công cầu nguyện cho mình, để rút ngắn thời gian thanh luyện. Vì thế mà Giáo hội kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội. Đặc biệt là việc dâng thánh lễ, dành tháng mười một (hằng năm) cầu nguyện cho họ” (nguồn: internet).
Thế còn “lễ kính trọng thể các thánh Nam Nữ”! Thưa, đây là một thánh lễ nói lên niềm vui mừng của Giáo Hội, một niềm vui về những người con của Giáo Hội, sau khi chết đã được hưởng vinh quang, vinh quang trên Thiên Quốc.
Có lẽ, không ít người trong chúng ta sẽ tự hỏi rằng: các thánh nam nữ đã sống như thế nào mà lại được hưởng vinh quang Thiên Quốc!
Thưa, bình thường thôi. Các ngài đã sống một đời sống đúng như lời Đức Giê-su truyền dạy, đó là: Mến Chúa và Yêu người. “Phải yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi (và) phải yêu người thân cận như chính mình”.
Chính Đức Giê-su, trong một lần gặp gỡ một vị kinh sư, đã nói như thế. Và, thật phải đạo khi hôm nay chúng ta cùng đọc lại sự kiện này, đọc để nghe lại lời Đức Giê-su đã truyền dạy, hầu đem ra thực hiện trong đời sống đức tin của mình. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.
** Theo thánh Mác-cô, chuyện kể rằng: “Có một người trong kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Sa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi…”
Ông ta hỏi gì? Thưa, ông hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?”
Trời ạ! Hỏi gì không hỏi, lại đi hỏi “điều răn nào đứng đầu?” Phải chăng ông muốn “trêu ngươi” Đức Giê-su?
Do Thái giáo có 613 điều răn. Trong 613 điều răn đó, có 365 điều răn tiêu cực và 248 điều răn tích cực. “Các điều răn tiêu cực được áp dụng theo nguyên tắc hy sinh yehareg ve'al ya'avor, nghĩa là “thà chết chứ không vi phạm”, thuộc về ba thể loại là giết người, thờ ngẫu tượng, và các hành vi tình dục bị cấm.” (nguồn: Wikipedia).
Vậy thì điều gì đứng đầu! Vâng, quả là một câu hỏi đầy thách thức. Tuy nhiên, với Đức Giê-su, Ngài không xem đó như là một sự thách thức, trái lại Ngài đã có một câu trả lời, một câu trả lời, không một người Do Thái nào, khi nghe, mà không biết đến.
Hôm ấy, Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”.
“Nghe đây, hỡi Israel…” rất truyền cảm, Đức Giê-su nói tiếp: “Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Và, sau đó, Ngài kết luận: “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”.
Anh chàng kinh sư nghĩ thế nào về câu trả lời của Đức Giê-su? Thưa, là một kinh sư, tất nhiên anh ta biết điều luật này. Hôm ấy, anh ta đáp lời rằng: “Thưa Thầy hay lắm. Thầy nói rất đúng”.
Tiếp đến anh ta nói với sự hiểu biết của mình, rằng: “Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”.
Vâng, “quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. Chàng kinh sư, quả là rất am hiểu lề luật. Sách Xuất Hành xác định rằng, người ta không thể sống Lề Luật của Thiên Chúa mà lại đối xử sai trái với những người đang được hưởng sự bảo vệ của Người.
Ai… ai là những người được hưởng sự bảo vệ này? Thưa, đó là: những người góa phụ, cô nhi, người khách lạ, người nhập cư, nói tắt một lời, là những người cô đơn, thấp cổ bé miệng. (x. Xh 22, 20-21).
Hôm ấy, nhìn thấy sự khôn ngoan của anh kinh sư, Đức Giê-su nói: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu”.
*** Như đã nói ở trên, chàng kinh sư khen Đức Giê-su “nói đúng lắm”. Mà, sao không đúng cho được, trong những giới luật của luật Do Thái, giới răn quan trọng nhất là “Thập Giới”. Và, chính Thiên Chúa đã trực tiếp thông truyền cho ông Mô-sê trên núi Sinai.
Hôm nay, Thiên Chúa, qua Con của Người là Đức Giê-su, Thập Giới đã được tóm lại thành “hai điều”, chỉ là hai điều thôi, đó là “Mến Chúa và Yêu người”. Thế nhưng, nếu được thực thi với một tâm tình “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”, thì kể như người ấy “không còn xa Nước Thiên Chúa”.
Nhắc lại điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta hiểu rằng, muốn được hưởng vinh quang trên Thiên Quốc, như các thánh nam nữ mà hôm nay chúng ta kính nhớ, thì chúng ta cũng phải thực thi trọn hảo những giới luật (nêu trên) đã được Đức Giê-su tuyên bố.
Đừng bao giờ có tư tưởng chủ bại mà nghĩ rằng, các thánh là “thánh” nên họ có thể thực thi trọn hảo giới răn Chúa truyền dạy, còn chúng ta chỉ là phàm nhân đầy tội lỗi, nên thật khó để mà thực thi.
Hãy nhớ rằng: “Chẳng vị thánh nào không có một quá khứ, cũng chẳng tội nhân nào không có một tương lai”.
Đây! Chúng ta hãy nhìn Augustinô như một ví dụ điển hình. Quá khứ là một tội nhân. Thế nhưng, tương lai của vị tội nhân này đã được nhiều thế hệ ca ngợi.
Người ta ca ngợi ông ta điều gì? Thưa, lời ca ngợi được gói gọn trong lời nhận định sau đây: “Nếu trước kia Augustinô là người lớn lên trong tội, sống trong tội, vương vấn tội lụy trần ai, thì giờ đây ngài là một con người tốt lành thánh thiện. Ngài yêu mến Thiên Chúa đến say mê, đến nỗi khi cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, ngài đã thốt lên: “Lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng!”; và “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, linh hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa ”. Song song với việc yêu mến Chúa, ngài còn yêu con người đến mức anh hùng. Vì thế, ngay sau khi mẹ ngài qua đời, ngài trở về Carthage và bán hết tài sản để cho người nghèo”. (nguồn: internet)
Là Kitô hữu lúc 33 tuổi, làm linh mục lúc 36 tuổi, được tấn phong giám mục lúc 41 tuổi, cuộc đời của Augustino có thể gồm tóm trong một câu: “Một tội nhân trở thành thánh nhân”. Thành thánh nhân, bởi ngài đã thực thi trọn hảo giới luật “Mến Chúa – Yêu người”.
Thế nên, một lần nữa chúng ta hãy nghe lại những giới luật được xem là “quan trọng nhất” đã được Đức Giê-su công bố: “Nghe đây, hỡi Israel: Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”. Và, “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”.
Và, hôm nay, đừng quên rằng, giáo lý Công Giáo cũng dạy chúng ta rằng “Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen”.
Những yêu cầu mà Thiên Chúa đề ra không là điều phức tạp. Tất cả chỉ là ba chữ “tình yêu thương”. Đó là cách biểu lộ “đức tin thật”, tất nhiên là phải qua hành động, qua hành động như lời thánh Gio-an tông đồ khuyên dạy: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3, 18).
Mở đầu cho một bài giảng trong thánh lễ “Ngày quốc tế cho người nghèo”, ĐTC Phan-xi-cô có nói: “Trước con mắt trần gian người nghèo ít có giá trị, nhưng họ lại là những người mở ra cho chúng ta con đường về trời, họ là thông hành vào thiên đàng của chúng ta…”.
Hôm nay, trước sự kiện Đức Giê-su nói đến hai giới luật (nêu trên) quan trọng nhất, nên chăng, chúng ta cũng nói: “Mến Chúa và Yêu người chính là thông hành vào Nước Thiên Chúa”!
Chắc chắn là vậy, bởi vì, chỉ khi ta thực thi trọn vẹn giới luật “yêu thương”, một giới luật đã được Đức Giê-su truyền dạy trong bữa tiệc ly, rằng: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”…
Vâng, chỉ khi đó Đức Giê-su mới có thể nói với chúng ta, rằng: “Bạn không còn xa Nước Thiên Chúa”.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn