TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

SỐNG ĐẠO… CHÍNH LÀ TỬ ĐẠO

Thứ sáu - 14/05/2021 05:42 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   832
SỐNG ĐẠO… CHÍNH LÀ TỬ ĐẠO

Chúa Nhật XXXIII – TN – B

SỐNG ĐẠO… CHÍNH LÀ TỬ ĐẠO

Theo truyền thống, vào tháng mười một hàng năm, Giáo Hội dành riêng ngày Chúa Nhật (thứ XXXIII – TN) để kính nhớ các thánh tử đạo Việt Nam.

Có lẽ, không ít người, (nhất là các bạn trẻ), sẽ tự hỏi rằng: các vị thánh đó đã sống như thế nào, để hôm nay được gọi là tử vì đạo.

Thưa, rất dễ hiểu. Các vị là những người tin vào Chúa Giêsu, sống trung thành với những gì Chúa Giêsu, qua Giáo Hội, đã truyền dạy. Và, quan trọng hơn cả, đó là sẵn sàng chịu bắt bớ tù đày, chịu nhiều hình phạt khắc nghiệt, dẫu cho đó là cái chết, chỉ vì không từ bỏ niềm tin của mình.

Lịch sử Giáo Hội Việt Nam cho biết, có khoảng vài trăm ngàn vị tử đạo, kéo dài qua các triều đại: “vua Lê - chúa Trịnh, Cảnh Thịnh và triều Nguyễn bởi các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức”.

Có rất nhiều hình phạt dành cho những vị tử đạo. Nào là bị gông cùm, xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói. Nặng hơn thì bị voi dầy, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng. Tàn bạo hơn thì bị xử trảm, xử giảo (thắt cổ) hoặc bị thiêu sống.

Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (một hình thức phân thây ra từng mảnh) hay bá đao (bị xẻo từng mảnh thịt)… cho tới chết, đúng như tác giả thư gửi tín hữu Do Thái mô tả: “Có những người phải chịu nhạo cười và roi vọt, hơn nữa còn bị xiềng xích, và bỏ tù, họ bị ném đá, bị cưa đôi, bị chết vì gươm…” (x.Dt 11, 36-37)

Tổng cộng 117 vị đã được Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II tuyên thánh vào ngày 19/06/1988, và ngài An-rê Phú Yên được tôn chân phước vào ngày 5/3/2000.

Một số người ghét Công Giáo cho rằng, những cái chết của các vị tử đạo chẳng qua cũng giống như những cái chết (cũng được gọi là tử đạo) của nhóm ISIS, mà thôi.

Nói như thế quả là lối nói đầy ác ý. Các thánh tử đạo Công Giáo, khi còn sống, họ đã sống “Thân ái với mọi người. Tôn trọng nhà cầm quyền (vua quan). Sống Tin Mừng yêu thương. Có tình nghĩa với gia đình. Yêu kính Đức Maria”.

Rồi, khi phải chết (tử đạo), thì các ngài đã chấp nhận “uống chén đắng”, không để ai liên lụy, không man trá và coi cái chết như là “thánh lễ cuộc đời”. Chưa hết, các ngài còn tỏ lộ thái độ “bao dung tha thứ”.

Các thánh tử đạo Công Giáo, sống và chết như thế, sao gọi là giống như nhóm ISIS, một nhóm lấy cái chết (càng nhiều càng tốt) của người khác, như là chiến tích cho sự tử đạo của mình!

Cuộc đời của các thánh tử đạo Công Giáo là một cuộc đời của chứng từ, một hành trình sống kết hợp với ân sủng của Chúa, cho tới khi “phải” làm chứng cho Chúa bằng chính “máu đào” của mình.

Ba vị thánh tử đạo, linh mục Gioan Đạt, thừa sai Gagelin Kính và linh Mục Đặng Đình Viên, như là những minh chứng điển hình. 

Chuyện kể rằng: linh mục Gioan Đạt, khi ngài vừa dâng lễ xong thì quân lính vây bắt. Cha đã chạy thoát, nhưng vì để quên áo lễ, cha thấy quân lính tra tấn gia chủ nên ra nộp mạng và nói: “Vẫn biết tôi có thể thoát, nhưng như thế anh chị em sẽ bị khổ nhiều”. 

Với thừa sai Gagelin Kính ư! Vâng, ngài đã viết thư xin phép giám mục cho mình ra trình diện để tín hữu Bình Định được bình an. 

Còn linh mục Đặng Đình Viên thì sao? Thưa, cha đã trốn an toàn trong vườn mía dày đặc, nhưng khi thấy quân lính đánh đập tra khảo con của chủ nhà, cha cũng tự động ra thế mạng. (trích: Chân dung các thánh tử đạo Việt Nam - Lm PX. Đào Trung Hiệu. OP). 

Nếu xưa kia vào thời Cựu Ước, có chuyện ông Elêazaro không chấp nhận việc giả bộ ăn của cúng, để thoát án tử hình, thì ngày nay, các thánh tử đạo cũng không “man trá” qua việc khai lý lịch của mình. Đó là các linh mục: Tùy, Yến, Khanh, Hường, Thịnh… các ngài nhất định không khai man lý lịch là lang y (một hình thức ‘quá khóa’ trá hình), dù được hứa trả tự do.  

Chỉ là phàm nhân yếu đuối, nhờ đâu mà các vị có sức chịu đựng, chịu đựng cho đến chết? Thưa, đó là “nhờ đức tin”, cùng với “Ơn của Chúa” các ngài đã vượt thắng được sự sợ hãi, tù đày, chết chóc, để trở thành những vị tử vì đạo. 

Vâng, có thể kết luận rằng: cái chết của các ngài không phải là cái chết của những kẻ cuồng tín, nhưng là cái chết để làm chứng, làm chứng cho tình yêu thương theo tinh thần Đức Giê-su. 

**

Truyền thống người Việt chúng ta là “uống nước nhớ nguồn”. Và đó… đó là lý do mà hôm nay toàn thể Giáo Hội Việt Nam long trọng “Mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam”.  

Mừng kính các ngài, trước là để chiêm ngắm lại những con người đã trở thành những “hạt giống”, những hạt giống một thời đã làm tăng thêm vẻ đẹp cho “Ngôi vườn Giáo Hội”, như lời ngài Tertuliano có nói: “Máu các vị tử đạo, là hạt giống sinh nhiều giáo hữu”. Và sau là, để xem đó như những tấm gương mẫu mực, những tấm gương mẫu mực hầu đem ra so sánh với “hạt giống đức tin” của mỗi chúng ta. 

Vâng, điều mà chúng ta cần so sánh, đó là, hãy tự hỏi “hạt giống đức tin” của tôi, sau bao nhiêu năm gieo trồng trong ngôi vườn Giáo Hội, nay có sinh được hoa trái? 

Nói rõ hơn, hạt giống đức tin của tôi hôm nay, có sinh được hoa trái “bác ái”, như sự bác ái của ngài “y sĩ Phan Đắc Hòa”, một vị đã tử vì đạo? Chuyện kể rằng: ông ta luôn giúp người nghèo khổ, những bệnh nhân túng thiếu, không những ông chữa bệnh miễn phí cho họ, mà còn giúp đỡ họ tiền bạc để mưu sinh. 

Tất nhiên, ngoài hoa trái bác ái, chúng ta còn phải xem lại những hoa trái khác, những hoa trái “nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” có nở rộ trong ngôi vườn Giáo Hội, bởi chính hạt giống đức tin của mình!? 

Đừng bỏ qua sự so sánh này. Bởi nó chính là bằng chứng sống động chứng tỏ chúng ta có thật là một “Martyr”, một “chứng nhân” của niềm tin và tình yêu thương, hay không.  

Bởi vì ngày nay, tử đạo đâu cứ phải đổ “máu đào”, mà chính là phải trở thành “chứng nhân”, như có lời nói: “Con người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy. Tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý, tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết”.  

***

Đức Giê-su khi nói về ngày quang lâm, Ngài cho biết có vài “dấu chỉ” sẽ xảy ra, như: “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển”.  

Tiếp đến, dùng một hình ảnh rất “trực quan sinh động”, Ngài nói tiếp rằng: “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi”.

Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, là để củng cố thêm cho sự so sánh nêu trên. Nói rõ hơn, nhắc đến điều này là để chúng ta xem đó như một lời nhắc nhở cho người “chứng nhân” của Thiên Chúa. Một lời nhắc nhở, rằng: hoa trái của người chứng nhân chính là “dấu chỉ” về cách sống đạo của người chứng nhân.  

Bởi vì, “SỐNG ĐẠO CHÍNH LÀ TỬ ĐẠO”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây