Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 11/05/2021 10:19 |
909
Bàn về chữ “Danh”
Mở bất cứ cuốn tự điển Việt Nam nào, gã cũng thấy được hai ý nghĩa của chữ danh. Nghĩa thứ nhất, đó là tên. Nghĩa thứ hai, đó là tiếng tăm. Gã sẽ từ từ mổ xẻ hai ý nghĩa này.
Trước hết, danh có nghĩa là tên. Kể từ khi cất tiếng khóc oe oe đi vào cuộc sống, chúng ta được cha mẹ đặt cho một cái tên, nhờ đó thiên hạ có thể phân biệt chúng ta với người này người nọ. Phép đặt tên của người Việt Nam cũng khá nhiêu khê và rắc rối. Gã chỉ xin ghi lại những điểm chính đã được Toan Ánh trình bày trong cuốn “Con người Việt Nam”, rồi sau đó thêm mắm thêm muối cho đậm đà hơn một tí.
Theo tác giả, ngày xưa nước ta không có hộ tịch hộ khẩu, thành thử đứa bé mở mắt chào đời không phải làm giấy khai sinh, người ta có thói quen gọi nó là thằng cu, cái đĩ, thằng tý, con đỏ… tùy theo nó là con giai hay con gái. Riêng với những gia đình hiếm muộn, thường gọi con cái bằng một cái tên rất xấu, như thằng Tèo, cái Tủn… vì sợ rằng tên đẹp quá, thì sẽ bị ông “ngáo ộp” vồ mất, hay sẽ bị cô hồn các đẳng rước đi. Và cứ thế, cứ thế cho đến lúc khôn lớn. Lắm khi sắp sửa lấy vợ lấy chồng, con cái mới được cha mẹ chính thức đặt tên cho. Còn ngày nay thì khác, vợ vừa mới có “cứt gián”, chồng đã hý hửng chọn tên cho con. Hay vừa mới siêu âm về, biết được con mình là giai hay là gái, cha mẹ đã vội xì xầm bàn tán chuyện đặt tên cho con.
Và khi đặt tên cho con, cha mẹ phải lưu ý không được trùng tên với vua quan, hay chú bác, ông cụ bà kỵ của mình cũng như của lối xóm, bằng không thì rắc rối to. Gã đã từng chứng kiến cảnh hai vợ chồng trẻ có được đứa con đầu lòng, hớn hở đặt tên và làm giấy khai sinh cho con. Nhưng vừa về tới nhà, liền bị người bà con xa lắc xa lơ đến mắng cho một chặp:
- Bộ hết tên rồi sao mà đặt tên ấy cho nó. Chúng mày có biết không tên ấy là tên cụ cố sinh ra ông ngoại của thím tao.
Và thế là trong giấy tờ đứa bé có một tên, còn trong đời thường thì nó lại được gọi bằng một tên khác. Tuy nhiên, nhiều người khi oán ghét một ai, lại cố tình lấy tên kẻ ấy mà đặt cho con của mình và coi đó như một cách… trả thù dân tộc vậy!
Hầu như dân tộc nào cũng thế, người ta rất thận trọng trong khi đặt tên, bởi vì tên gọi ít ra cũng phải nói lên ước vọng của cha mẹ đối với con cái.
Chẳng hạn trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời hẳn đã đặt tên cho người đờn ông đầu tiên là Adong và Adong vừa có nghĩa là bùn đất vừa có nghĩa là con người. Sau đó, Adong, người đờn ông đầu tiên ấy đã chớp chớp đôi mắt khi gặp người đờn bà đầu tiên và ông đặt tên cho nàng là Eva, có nghĩa là mẹ của chúng sinh. Đức Giavê đã đổi tên cho Abram thành Abraham, có nghĩa là cha của nhiều dân tộc. Còn Đức Kitô đã cải tên cho ông Simon thành Phêrô, có nghĩa là đá tảng.
Người Việt Nam cũng thế, cha mẹ thường gửi gấm những ước vọng thầm kín của mình vào tên gọi của con cái. Chẳng hạn cụ thân sinh ông Cao Bá Quát đặt tên cho hai con của mình là Bá Đạt và Bá Quát, bởi vì đời nhà Chu bên Tàu có tám vị hiền sĩ, đó là Bá Quát và Bá Đạt, Trọng Đột và Trọng Hốt, Thúc Dạ và Thúc Quý, Quý Quỳ và Quý Đa. Đặt tên cho hai con là Bá Đạt và Bá Quát, cụ thân sinh ra các ông đã muốn cho các con mình sau này cũng sẽ trở nên những bậc hiền sĩ.
Một tên đầy đủ thường gồm có ba phần, đó là họ, chữ đệm và tên.
Trước hết là họ. Họ từ tổ tiên truyền xuống, đời này qua đời khác. Thường thì con lấy họ của bố, nhưng cũng có trường hợp theo họ mẹ, chẳng hạn khi người mẹ không có anh em trai, thì một trong những người con sẽ lấy họ mẹ để lo việc phụng thờ ngoại tộc, hay khi người mẹ sinh con ra mà không có bố.
Tiếp đến là chữ đệm. Đờn bà con gái thường dùng chữ Thị. Còn đờn ông con giai thường dùng mấy chữ như Văn, Đình, Hữu, Duy… Ngày nay chữ đệm đã thay đổi nhiều. Đờn bà con gái lắm người không thích chữ Thị, vì xem ra có vẻ bị lép vế, nên dùng những chữ khác cho thêm phần mộng mơ, lãng mạn và âm vang leng keng, như chữ Mộng, Lệ, Thùy…
Viết tới đây, gã rất lấy làm “tâm phục khẩu phục” các bậc phụ mẫu thời trước. Tuy hoàn cảnh lúc bấy giờ chưa sáng, nhưng quí cụ ông, quí cụ bà đã từng đặt những cái tên thật kêu và thật đẹp cho con cái mình, chẳng hạn như Mộng Xuân, Lệ Thu, Thúy Lam, Diễm Quỳnh… Quả là hết xảy và trên cả tuyệt vời nữa!
Sau cùng là tên. Đây là phần cuối, nhưng lại là phần chính. Như đã nói ở trên, tên được chọn để nói lên sở nguyện của cha mẹ, của kẻ mang tên, hay ít ra cũng phải có một ý nghĩa nào đó.
Đối với con gái, người ta ưa chọn tên các loài hoa như Lan, Huệ, Cúc, Mai, Đào, Liễu, Liên… hay tên bốn mùa như Xuân, Hạ, Thu, Đông… Đối với con giai, người ta thích những tên có tính cách hùng mạnh, nói lên bổn tính của phái nam, như Nhân, Trí, Dũng, Tín, Trực… hay đôi khi giản tiện, người ta lấy ngay năm sinh để đặt cho con, như Tý, Sửu, Dần, Mão…
Cũng giống như dân Do Thái, người Việt Nam ta có tục kiêng tên. Khi có con đầu lòng, thì người ta dùng tên con để gọi bố mẹ nó, dù tên nó lúc bấy giờ mới chỉ là một tên tạm bợ, như tên Tí, tên Tẹo. Người ta gọi bố mẹ nó là bác Tí giai và bác Tí gái, hay bác Tẹo giai và bác Tẹo gái.
Chính vì sự kiêng tên, mà nhiều chữ phải đọc chệch sang chữ khác, chẳng hạn như Hoàng đổi thành Huỳnh, Vũ đổi thành Võ, Long đổi thành Luông…
Khi có tí chức, tí quyền hay tí tiếng tăm, có khi người ta dùng họ để gọi thay tên, chẳng hạn như Nguyễn tiên sinh, bác Hồ, bác Tôn… Có khi người ta dùng chức tước văn bằng để gọi, chẳng hạn như ông Huyện Đặng, cụ Cử Vũ… có khi người ta dùng tên làng, tên xã để gọi, chẳng hạn như Ông tú Vị Xuyên, cụ Tam nguyên Yên Đổ.
Bình thường, chỉ những kẻ bạch đinh, vai nặng chân trơn, mới phải dùng tên để gọi, vì thế tại các làng xã, người ta cố dành dụm chút tiền còm để mua cho mình tí chức như chân nhiêu, chân xã hầu được bàn dân thiên hạ gọi là ông nhiêu và bà nhiêu, ông xã và bà xã thay cho tên của mình.
Đặc biệt khi vác lều chõng đi thi, thì phải biết kiêng húy, có nghĩa là trong bài văn, thí sinh không được dùng những chữ dính dáng đến tên của nhà vua và các vị tôn tộc trực hệ. Nếu chẳng may phạm húy, thì dù bài văn có tuyệt vời đến đâu, cũng sẽ bị sổ toẹt và nhiều khi còn mang lấy vạ vào thân.
Tuy nhiên, đã có danh thì cũng cần phải có tiếng, nghĩa là cái tên của mình phải được nhiều người biết đến. Hơn thế nữa, người ta vốn không ưa những sự quá đơn giản, mà lại thích những sự rườm rà hoa lá cành. Trần xì cái tên cha mẹ đặt cho như Tí, Tèo, Tẹo… mà thôi chưa đủ, cần phải phụ đề vào đó chút ít, như ông giám đốc Tí, bà bác sĩ Tèo, bác chủ tịch Tẹo… Chính những thứ phụ tùng lỉnh kỉnh này làm cho người ta nở mày nở mũi và nghênh ngang với đời.
Vì thế, chữ danh, ngoài cái ý nghĩa là tên gọi, còn mang một ý nghĩa khác nữa, đó là tiếng tăm. Đứng trước cái danh này, gã nhận thấy bàn dân thiên hạ được chia làm hai phe: tiêu cực và tích cực.
Phe thứ nhất mang tính cách tiêu cực, coi tiếng tăm chỉ là sự giả trá thế gian, hay như một thứ phân bón, nên không màng chi đến. Chẳng hạn như tục ngữ đã bảo:
- Công danh bánh vẽ, giàu sang chiêm bao.
Hay như Tản Đà cũng đã viết:
- Vèo trông lá rụng đầy sân,
Công danh phù thế có ngần ấy thôi.
Bởi đó, người ta rất e dè và ngần ngại:
- Cây cao thì gió càng lay,
Càng cao danh vọng, càng dày gian truân.
- Làm trai quyết chí tu thân,
Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo.
Điều quan trọng là phải chí thú làm ăn, ra sức gầy dựng sự nghiệp, rồi tiếng tăm ắt sẽ tới, mà lỡ nó không tới cũng chẳng sao cả, vì rốt cuộc ta vẫn là ta kia mà, như lời Hoàng Đạo trong “Mười điều tâm niệm” đã khuyên giới trẻ:
- Cần sự nghiệp, chứ không cần công danh.
Hay như ca dao cũng đã nhắc nhở:
- Công danh đeo đuổi mà chi,
Sao bằng chăm chỉ giữ nghề canh nông.
Thậm chí có người còn phớt lờ cái danh, xóa tên nó trong sổ nhân sinh và đặt nó ra bên rìa cuộc đời mình:
- Chen chúc lợi danh đà chán ngắt,
Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao.
Phe thứ hai mang tính cách tích cực, phải hăm hở lăn xả và nhập cuộc để kiếm chút cháo. Đại diện cho phe chịu chơi, phe diều hâu, chủ chiến này chính là Nguyễn Công Trứ. Rải rắc trong thơ văn, ông luôn hô hào:
- Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái,
Cái công danh là cái nợ lần.
Đường đường là một kẻ trượng phu, một đấng tu mi nam tử mà chẳng có một tí công danh thì thà chết quách đi cho rồi:
- Có trung hiếu nên đứng trong trời đất,
Không công danh thà nát với cỏ cây.
Vì thế, phải dứt khoát lập trường, phải ra sức tạo lập cho mình một tiếng tăm cho thiên hạ biết mặt cũng như cho đời biết tên:
- Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông.
Chữ danh thường đi đôi với chữ lợi. Có tiếng tăm thì cũng thường có nhiều bổng lộc vật chất, nói chung là có nhiều tiền. Danh và lợi vốn tỷ lệ thuận với nhau. Người ta thường hay lợi dụng cái danh của mình để vơ vét về cho thật nhiều. Đồng thời cái lợi chính là một chất kích thích làm cho người ta phấn khởi và hồ hởi leo lên cao, lên cao hơn nữa, cho dù có phải luồn, phải lách, hay phải cúi gập người xuống.
Nhìn thấy cái lợi, hay cụ thể hơn, nhìn thấy tiền, mắt ai mà chẳng sáng lên như đèn ô tô. Từ đứa con nít cho chí tới ông già, nghĩa là tất tật nam phụ lão ấu đều thấu triệt giá trị của đồng tiền, như một câu ca dao hôm nay đã sánh ví:
- Tiền là tiên là phật,
Là sức bật của tuổi trẻ,
Là sức khỏe của tuổi già,
Là cái đà của danh vọng,
Là cái lọng để che thân,
Là cán cân của công lý.
Tự bổn chất, có danh có tiếng là chuyện bình thường, vô thưởng vô phạt, nhưng xem ra lại rất thích hợp với bản tính con người. Bởi vì ông chính trị gia nào cũng mong được người đời sau biết đến tên tuổi của mình. Anh nhà văn nhà thơ nào cũng muốn được chui tọt vào trong văn học sử và lưu lại ở đó dù chỉ một vài dòng ngăn ngắn. Tuy nhiên, vấn đề trở nên nhiêu khê và rắc rối ở chỗ là phải leo lên đài danh vọng bằng cách nào? Phải làm sao để mà “có danh gì với núi sông”?
Trước hết, gã thấy có những kẻ nhờ vợ hay nhờ nhà vợ mà leo lên. Chẳng hạn như một anh chàng sinh viên vừa mới mãn đại học, đang thất nghiệp dài dài, vớ ngay được cô vợ, con ông giám đốc, thế là chỉ một thời gian ngắn, sau khi rước “cô nàng về dinh”, anh ta nghiễm nhiên ngồi vào chiếc ghế “trợ lý giám đốc” và từ đó việc làm ăn phất lên như diều gặp gió. Đường công danh mở toang, anh ta chẳng thèm thênh thang cử bộ, mà lái ô tô con phom phom đi vào.
Đúng là:
- Có người nhờ vợ nên ông,
Lắm người vì vợ mất không cơ đồ.
Tiếp đến, gã thấy có những kẻ nhờ thế giá hay nhờ sự phò trợ của bè bạn mà leo lên, theo kiểu “phe ta thổi phồng phe mình”. Chẳng hạn như một anh thợ hát, giọng ca đặc sệt mùi thuốc lào, nhưng được mấy tay bạn, vốn nghề ký giả, nhà báo thổi lên và phong làm “siêu sao”, làm “quái kiệt”… khiến cho bàn dân thiên hạ cứ phải ngẩn tò te, lò mò muốn biết.
Sau cùng, gã thấy có những kẻ nhờ công sức của mình mà leo lên. Tuy nhiên, công sức ở đây lại được rẽ vào nhiều ngả khác nhau, giống như chữ tu kia cũng có dăm bảy đường:
- Thứ nhất thì tu tại gia,
Thứ hai tu chợ,
Thứ ba tu… nhà dòng.
Đúng thế, có những kẻ ra công gian giảo, ra sức dối trá để kiếm cho mình tí danh. Chẳng hạn mấy cô cậu học trò, hay mấy anh chị sinh viên đã khều cho mình mảnh bằng tú tài và cử nhân qua việc quay cóp trong các cuộc thi. Theo sự nhận xét của gã, đa số các thí sinh tại Việt Nam, không ít thì nhiều, cũng đã gian lận trong lúc làm bài thi. Như vậy, một khi đã “ra lò”, không hiểu họ sẽ dẫn đất nước này đi về đâu?
Quay cóp mà thôi chưa đủ, mấy ông cán bộ và công chức còn sử dụng quái chiêu độc địa hơn nữa. Số là nhà nước muốn nâng cấp phe ta, đòi buộc các quan lớn cũng như các quan nhỏ phải có văn bằng nọ, văn bằng kia. Bởi đó, thay vì đi học hàm thụ, để cập nhật hóa trình độ của mình, mấy ông quan này chỉ việc ngồi ở nhà rung đùi, rồi tung tiền ra, mua bằng giả để giữ cho được cái ghế mình đang ngồi.
Nếu cụ Tam Nguyên Yên Đổ đội mồ mà sống dậy, nhìn thấy các quan, chắc chắn cũng phải kêu trời, như ngày xưa cụ đã từng than thở cả tiếng về những ông tiến sĩ giấy:
- Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,
Cái giá khoa danh ấy mới hời.
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.
Gã biết một tên nọ, học mãi học hoài mà vẫn chẳng được “tốt nghiệp trường làng”, nghĩa là vẫn chưa vượt qua được ngưỡng cửa cấp một. Thế nhưng, khi lớn lên và bước chân xuống cuộc đời, xét về phương diện mánh khóe và xảo quyệt, thì chẳng ai bằng hắn cả. Lúc nào trong chiếc “cạc táp”, hắn cũng có những tấm danh thiếp với rất nhiều học vị và chức vụ khác nhau, để lòe bịp thiên hạ. Rồi sau đó, tùy hoàn cảnh hắn sẽ sử dụng những tấm danh thiếp ấy để hạ gục nhanh con mồi. Chẳng khi hạn đến với mấy ông quan vốn mắc bệnh tham nhũng mãn tính, hắn xùy ngay ra tấm danh thiếp tự xưng mình là phóng viên báo này, ký giả báo kia, hầu đòi buộc vị quan ấy phải xùy tiền mua sự yên lặng của hắn, bằng không hắn sẽ huỵch toẹt cho bàn dân thiên hạ được biết sự thật. Và thế là, dù tức như bị bò đá, ông quan kia cũng vẫn phải vui vẻ bất đắc dĩ chi tiền cho hắn.
Tuy nhiên, trong cái xã hội đảo điên, vàng thau lẫn lộn, cũng không thiếu những người đã đứng lên bằng chính đôi chân của mình, đã tạo dựng sự nghiệp bằng chính công sức của mình. Và nếu có tí danh vọng đính kèm, thì danh vọng ấy cũng xuất phát bởi những cố gắng liên tục của bản thân. Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật có kể lại câu chuyện “Chị em xe rác và ước mơ tiến sĩ” như sau:
Ở Cần Thơ, có ba chị em gái sinh ra trong một gia đình mẹ hốt rác. Từ 4-5 tuồi, họ đã theo mẹ đẩy xe rác lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm. Người dân khu vực Xuân Khánh, Cần Thơ, quen gọi họ là “chị em xe hốt rác”, nhưng ít ai biết ba chị em đang âm thầm trui rèn tương lai của mình trên giảng đường đại học. Cô chị tích cóp tiền thu gom phế liệu, giấy vụn, vỏ lon bia… để có 480.000 đồng trả học phí bằng A Anh văn, 550.000 đồng đóng bằng B, 700.000 đồng đóng bằng C. Sau khi cô chị đạt bằng C, tội nghiệp bà mẹ quá lo lắng không biết còn bằng D, bằng E, bằng F gì nữa không? Nêu sự kiện trên, tác giả đã chua thêm vào đó chút suy tư vụn vặt của mình như sau: Thiết nghĩ, các bằng cấp mà ba chị em gái này có được là do thực học, do quyết tâm vượt qua danh phận của mình một cách danh dự và chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng ước mơ của ba chị em có cơ sở để đạt được bằng thực học.
Nghĩ lại cảnh quay cóp, ném phao… của các cuộc thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, bác sĩ chính, giảng viên chính mà cảm thấy ngậm ngùi cho cái “đạo học” ngày nay.
Có danh một cách đường đường chính chính đã là chuyện khó, nhưng gìn giữ và duy trì cái danh ấy khỏi hoen ố, khỏi bị mai một cũng không phải là chuyện dễ, bởi vì nhiều khi đã phải đầu tư biết bao nhiêu công sức mới có được một tí danh, thế mà bỗng chốc đùng một phát, tất cả đều đi đoong, đều tiêu tan thành mây khói, thân thì bại, danh thì liệt, như người xưa đã bảo:
- Kiếm củi ba năm thiêu một giờ.
- Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng.
Đêm nằm vắt tay lên trán mà ngẫm nghĩ sự đời, gã nhận thấy có hai nguyên nhân chính khiến người ta thường bị thân bại danh liệt, đó là tình và tiền.
Có kẻ vì tình, hay nói toạc móng heo ra, vì tình cảm lem nhem, dính dấp đến chuyện đờn bà con gái mà đi đoong sự nghiệp. Lịch sử đã để lại quá nhiều bằng chứng về vần đề này:
Ngày xưa vua Kiệt vì say mê nàng Muội Hỷ, bỏ bê việc triều chính, ăn chơi trác táng, nên bị vua Thành Thang cướp mất nước. Vua Trụ vì say mê nàng Đắc Kỷ, giết hại công thần, hoang dâm vô độ, khiến cho sự nghiệp bị tan tành. Ngô Phù Sai, vì say mê nhan sắc của Tây Thi, cô gái ở thôn Trữ La do Việt Câu Tiễn hiến cống, đã phung phí của chung, đày ải các tôi trung, khiến lòng dân oán thán. Lợi dụng cơ hội ấy, Câu Tiễn liền cử binh sang đánh chiếm nước Ngô, tàn phá Cô Tô đài, nơi vua Phù Sai cùng Tây Thi đêm ngày vui vẻ “mí nhau”. Phù Sai phải bỏ kinh thành chạy trốn và cuối cùng đã tự sát để khỏi bị rơi vào tay Việt Vương Câu Tiễn.
Còn ngày nay cũng không thiếu những tấm gương để đời. Chẳng hạn hình như vào thập niên sáu mươi, ông bộ trưởng chiến tranh của dân Ăng lê tên là Profuno, vì lẹo tẹo với cô gái điếm Christine Keller, khiến cho toàn bộ nội các nước Anh lúc bấy giờ phải từ chức, còn bản thân ông bộ trưởng cũng tiêu tùng luôn. Sở dĩ như vậy vì cô gái điếm này là một điệp viên của Liên Xô, được cài vào để lấy những tin tức tối mật. Và mới đây, tổng thống Bill Clinton nước Huê kỳ cũng suýt đi tong sự nghiệp cũng chỉ vì đã nhăng nhít với cô tập sự viên Nhà Trắng tên là Monica Lewinsky.
Ngoài ra, cũng có kẻ vì tiền mà mất toi cơ đồ. Thực vậy, thấy tiền ai mà chẳng ham, chẳng thích, chẳng mê, để rồi tìm mọi cách kiếm cho được thật nhiều. Kiếm tiền bằng công sức lao động chân chính thì chẳng nói làm chi, nhưng kiếm tiền bằng cách gian giảo trong khi buôn bán, tham nhũng hối lộ trong khi thi hành chức vụ, bỏ nhầm công quĩ vào túi để xài riêng… Thôi thì thiên hình vạn trạng đến quỉ thần cũng không lường nổi. Đây cũng chính là một con đường ngắn nhất dẫn những kẻ tham lam vào vòng tù tội, còn sự nghiệp thì cũng tan vỡ thành mảnh vụn.
Có người đã leo lên tới tột đỉnh danh vọng rồi, chẳng hạn như ông tổng thống của nước Đại Hàn, quê hương của những củ sâm Cao Ly, song cũng vì cái túi tham không đáy của mình, đã vô tư xơi những khoản tiền “bồi dưỡng” của mấy công ty lớn, nên đã bị tòa án sờ vào gáy. Quả là chua xót và đắng cay như lời Kinh Thánh:
- Phù hoa trên mọi phù hoa, trần gian tất cả chỉ là phù hoa.
Để kết luận, gã xin mượn lại mấy tư tưởng sau đây, đã được tác giả Diệp Văn Sơn, ghi lại trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật.
Dân Trung quốc có câu: Người biết đạo, tất không khoe. Người biết nghĩa, tất không tham. Người biết đức, tất không thích tiếng tăm lừng lẫy. Hay như: Người đi không cầu cho có bóng mà bóng tự nhiên theo. Người kêu không cầu cho có tiếng dội mà tiếng dội vẫn vang. Vì thế, người quân tử chỉ cần làm nên công, rồi danh ắt sẽ đến.