TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

“Chạm tới” kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa

Thứ bảy - 18/06/2022 19:56 | Tác giả bài viết: Giuse Hạt Bụi Tro |   1274
Hạt suy tư về tiến trình thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa
“Chạm tới” kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa

“CHẠM TỚI” KẾ HOẠCH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA
Hạt suy tư về tiến trình thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa

Nhìn lại kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa bằng “lăng kính Quản trị học”

Ngày còn học trên giảng đường Đại học Ngân hàng Tp. HCM, một trong những môn tôi thích nhất là môn Quản trị học. Bộ môn này dạy sinh viên rất nhiều kiến thức cơ bản về quản trị. Trong đó, điều làm tôi ấn tượng nhất và áp dụng trong mọi việc tôi làm là phương pháp để làm một việc gì đó.

Khi muốn làm bất kỳ một việc gì, dù là việc lớn hay việc nhỏ, trước tiên chúng ta phải xác định được những mục tiêu cụ thể mà mình muốn/cần đạt được, càng cụ thể càng tốt. Khi đã có mục tiêu, chúng ta mới bắt đầu phác họa kế hoạch tổng quát và kế hoạch chi tiết cho từng bước thực hiện: Thời gian, địa điểm, nhân sự, nguồn lực hiện có, chi phí phải bỏ ra so với lợi ích đạt được, kế hoạch như thế có khả thi không… Bước thứ ba là thực hiện kế hoạch, song song với bước này, chúng ta phải đánh giá việc thực hiện có theo sát kế hoạch hay không, cần điều chỉnh chỗ nào, thay đổi cái gì... Bước cuối cùng là tổng kết, đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm cho những lần tới.

Nhập đề một cách lung khởi như thế, vừa để chia sẻ với người đọc một bí quyết khi làm việc, vừa để chứng minh cho thấy: Thiên Chúa dường như cũng sử dụng một cách thức như thế khi cứu độ con người. Thật vậy, ngay từ đầu, Thiên Chúa đã có một bản kế hoạch đặc biệt cho con người, và Người thực hiện đúng theo chương trình đã định, dẫu cho con người có hiểu sai và làm sai kế hoạch ấy. Dưới đây, cùng với nhau, chúng ta sẽ nhìn lại lịch sử cứu độ của Thiên Chúa để nhận ra điều đó, và cố gắng tìm ra một lời đáp trả cho riêng mình, trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa.

1. Lúc khởi đầu, Thiên Chúa có một kế hoạch cứu độ

Chương trình cứu độ của Thiên Chúa bắt đầu khi Người tạo dựng vũ trụ, vạn vật, với đỉnh cao là con người và kết thúc vào ngày Cánh chung. Trong kế hoạch yêu thương ấy, Thiên Chúa Ba Ngôi muốn hết thảy mọi người được dự phần vào sự sống thần linh của Người (x. Ep 1,4-10).

Vì yêu con người, Thiên Chúa đã tạo dựng con người vì chính họ, và tiền định cho họ được làm con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô (x. Ep 1,5; Ga 1,16), được sống hạnh phúc trọn vẹn trong tình hiệp thông yêu thương với Người và với nhau trong vườn địa đàng.

Như thế, Thiên Chúa có một mục tiêu rất rõ ràng cho con người. Đó là cho họ được làm con trong Người Con Một là Chúa Giêsu Kitô và được dự phần vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thiên Chúa không bỏ rơi con người chìm trong tội lỗi

Tuy nhiên, hạnh phúc chưa được bao lâu thì ông bà nguyên tổ đã nghi ngờ tình yêu và lòng tốt của Thiên Chúa, muốn loại bỏ Người ra khỏi cuộc đời để tự mình làm “chúa” và bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa (SGLHTCG số 397). Chính việc đó đã làm tội lỗi xâm nhập vào trần gian và sự chết đã thống trị con người; Và vì ông bà nguyên tổ có liên hệ tới toàn thể nhân loại, nên tội lỗi và sự chết cũng đã lưu truyền cho hết thảy mọi người cho đến ngày tận thế (SGLHTCG số 404).

Vì yêu con người sâu thẳm, Thiên Chúa đã không bỏ rơi họ sống mãi trong tình cảnh bất hạnh ấy, nên đã hứa ban Đấng cứu thế cho nhân loại vào thời điểm mà Người đã định (x. St 3,15). Trải qua suốt dọc dài của lịch sử cứu độ, nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã dùng các ngôn sứ, để mặc khải ý định cứu độ của Người và lôi kéo con người trở về với Người, nhưng tất cả đều thất bại (x. Dt 1,1-2). Cuối cùng, Thiên Chúa đã sai Con Một duy nhất của mình là Chúa Giêsu Kitô đến trần gian để cứu độ con người (x. Ga 3,16-17).

2. Chúa Giêsu, nhân vật chính trong kế hoạch của Thiên Chúa Cha

Vì tình yêu vô biên đối với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã vâng lời và nhập thể nơi trần gian không phải để tìm đến cái chết nơi thập giá, nhưng để mặc khải cho con người biết kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Ngài đã khai mở Nước Thiên Chúa ở trần gian, qua sự hiện diện của chính Ngài và qua việc rao giảng về Thiên Chúa, đồng thời, kêu gọi con người sám hối và tin vào Tin Mừng (x. Mc 1,15). Những lời nói và hành động cứu độ của Chúa Giêsu chính là những mặc khải chung cuộc về Thiên Chúa là ai và kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa là gì. Tuy nhiên, con người thời ấy đã không đón nhận Chúa Giêsu và không lắng nghe sứ điệp của Ngài (x. Ga 1,11).

Vì tình yêu vô biên đối với con người, Chúa Giêsu đã thi hành sứ mạng mà Chúa Cha giao phó đến cùng và sẵn sàng chấp nhận cái chết trên thập giá (x. Ga 15,13). Khi Ngài rao giảng sự thật về Thiên Chúa Ba Ngôi, về yếu tính của Ngài và về tội lỗi của con người, họ đã không chấp nhận, nhưng đã giết Ngài qua bản án đóng đinh trên thập giá (x. Mc 12,1-12; Ga 19,15). Cái chết tàn nhẫn của Chúa Giêsu trên thập giá cho thấy gánh nặng ghê gớm của tội lỗi đang đè lên con người. Có lẽ, không còn kiểu khổ hình nào khác tương xứng hơn để diễn tả tình cảnh khốn cùng của nhân loại đang chìm trong bóng đêm tội lỗi. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo số 599 khẳng định rằng cái chết tàn nhẫn của Chúa Giêsu không phải là hậu quả tình cờ ngẫu nhiên của lịch sử, nhưng đó là một phần trong kế hoạch cứu độ huyền nhiệm của Thiên Chúa (x. Cv 2,23).

Thật ra, sứ mạng của Chúa Giêsu khi đến trần gian không phải để chết trên thập giá, nhưng là để làm chứng cho tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho con người, và dẫu có phải chết để làm chứng thì Ngài cũng chấp nhận. Như thế, vì tình yêu vô biên với Chúa Cha và với con người, vì sự vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha và vì tội lỗi của con người mà Chúa Giêsu đã phải chết trên thập giá.[1]

Ngài hoàn toàn khác với ông bà nguyên tổ. Họ đã không yêu Thiên Chúa cho đến cùng, nhưng đã bất tuân phục và muốn loại bỏ Thiên Chúa để tự mình làm “chúa”. Còn Chúa Giêsu thì yêu Chúa Cha cho đến cùng và vâng phục hoàn toàn, khi thực thi kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. Ngài là Thiên Chúa nhưng đã tự hủy mình ra không, một mực thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó, để cứu độ con người mà Ngài hết mực yêu thương như Chúa Cha yêu thương (x. Pl 2,6-8).

3. Chúa Giêsu, Đấng mang lại ơn cứu độ cho nhân loại

Con người, cụ thể là các vị lãnh tụ Do thái thời ấy, đã không đón nhận Con Thiên Chúa nên đã nhạo báng, đánh đập và giết chết Ngài (x. Mc 10,33-34). Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả những hành khổ do con người gây ra bằng tình yêu và sự tha thứ (x. Lc 23,34). Như thế, bằng tình yêu và sự vâng phục, Chúa Giêsu đã thánh hóa mọi tội lỗi của con người thuộc mọi thế hệ. Mọi hành khổ của con người không hề đụng chạm tới Ngài, và tội lỗi của con người cũng không thể ngăn cản tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa. Kinh Tiền tụng chung IV cho chúng ta biết rằng lời tạ ơn của chúng ta chẳng thêm gì cho Chúa. Cách tương tự, tội lỗi của chúng ta cũng không thể xúc phạm đến Thiên Chúa, vì tự bản chất, Người là Đấng toàn năng, thánh thiện và vô cùng viên mãn.

Con người là những thụ tạo của Thiên Chúa, nên tất nhiên phải chịu những định luật vật lý của loài thụ tạo: có sinh ắt có tử. Cái chết tự nhiên ắt phải có. Sự thật là chúng ta thường lầm lẫn giữa cái chết tự nhiên với cái chết ân sủng mà Kinh Thánh đề cập đến. Con người đã phạm tội và tiền công của tội lỗi là sự chết ân sủng (x. Rm 6,23), nghĩa là bị chia cắt khỏi nguồn mạch ân sủng là chính Thiên Chúa.

Thiên Chúa là Đấng vô cùng thánh thiện nên tội lỗi không thể tồn tại nơi Người, tội nhân cũng không thể đến gần Thiên Chúa nếu chưa gột bỏ sạch sẻ mọi tội lỗi. Do đó, con người cần phải có một của lễ giao hòa xứng đáng để đền trả cho tội lỗi họ đã gây ra. Tuy nhiên, họ không thể đền bù nỗi vì đã bị tước mất vinh quang Thiên Chúa (x. Rm 3,23). Chính vì thế, chỉ có của lễ của Chúa Giêsu - Đấng vô tội, vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật, mới đền bù được mà thôi (x. Dt 4,51; 1 Pr 3,18; 1 Ga 3,5).

4. Chúa Giêsu, Đấng giao hòa thế gian với Thiên Chúa

Quả thật, chỉ mình Chúa Giêsu mới có đủ tư cách để giao hòa thế gian với Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa đã đặt Người làm hy lễ xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng công chính” (Rm 3,25). Bởi đó, “Chúa Giêsu đã trở nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị thượng tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân” (Dt 2,17).

Chính Ngài là của lễ đền bù tội lỗi không chỉ cho chúng ta mà thôi, nhưng còn cho cả thế gian nữa (x. 1Ga 2,2). Ngài có khả năng làm điều đó, vì Ngài không chỉ là một con người hoàn hảo, nhưng còn là Con Thiên Chúa và là Chúa (x. 1Tm 2,5-6). Do đó, của lễ giao hòa của Ngài là hoàn hảo và có giá trị vĩnh viễn (x. Rm 5,18-21) ở hai điểm chính yếu sau đây.

Thứ nhất, qua của lễ giao hòa của Chúa Giêsu, con người lại được trở thành những vị “chúa”, tức là được làm con cái Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô (x. Ga 17,21; Gl 3,26). Chúa Giêsu đã ao ước và cầu xin cho chúng ta được nên một trong nhau và trong Thiên Chúa, như Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài (x. Ga 17,20). Ngài cho phép và dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Abba - Cha (x. Lc 11,2). Hơn nữa, Ngài còn có khả năng làm cho chúng ta sống lại trong ngày sau hết (x. Ga 5,21; Ga 6,39-40). Giờ đây, Cha của Ngài cũng là Cha của chúng ta (x. Ga 20,17), nhà của Ngài cũng là nhà của chúng ta (x. Ga 14,2-3).

Thứ hai, qua của lễ giao hòa của Chúa Giêsu, con người lại được dự phần vào sự sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa, nghĩa là có được sự sống viên mãn của Thiên Chúa, bằng các cách thức sau đây.

5. Con người được dự phần vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi

Trước hết, nhờ đón nhận và tin vào Chúa Giêsu Kitô, con người được dự phần vào sự sống thần linh của Thiên Chúa (x. Ga 6,40.47.54.57; 20,31; Gl 3,26). Đón nhận Chúa Giêsu là đón nhận chính Thiên Chúa. Ngài là mặc khải chung cuộc và đỉnh cao của Chúa Cha. Đồng thời, Ngài còn là hiện thân của Chúa Cha và là Đấng luôn nên một với Chúa Cha (x. Ga 10,30; 14,11; 17,20). Ân sủng lúc này là chính Thiên Chúa, và sự hiện diện của Người làm cho chúng ta được nên một với Người.

Thứ đến, Chúa Giêsu còn thiết lập Bí tích Thánh thể để ở lại với chúng ta cách đích thực, thật sự, bản thể, trọn vẹn linh hồn và thần tính (Sách GLHTCG số 1374). Mỗi khi đón rước Thánh Thể, chúng ta được nên một thân thể với Chúa Giêsu và có được sự sống viên mãn của Thiên Chúa (x. Ga 6,35.39), nghĩa là được nên một trong sự sống của Thiên Chúa, vì Ba Ngôi luôn ở trong nhau.

Hơn nữa, mỗi khi lắng nghe và tin vào Lời Chúa trong Kinh Thánh và trong kinh nguyện của Hội Thánh, chúng ta trở nên một lòng một ý với nhau và với Thiên Chúa, cùng có được sự sống đời đời của Thiên Chúa (x. Ga 5,24; 6,63.68). Chính Chúa Giêsu cũng đã xác nhận: ở đâu có hai hay nhiều người hiện diện vì Danh Chúa là ở đó có Thiên Chúa hiện diện (x. Mt 18,20).

Ngoài ra, chúng ta sẽ được nên một với Thiên Chúa khi đón nhận Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô (Ga 14,17). Thánh Thần ở giữa chúng ta và trong chúng ta luôn mãi. Người thánh hóa và biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa cùng với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu (x. Ga 3,5-6; 14,17; Rm 8,15; Gl 4,4-7). Người sáp nhập chúng ta vào thân thể của Chúa Giêsu và làm cho chúng ta được thông phần vào hy lễ của Chúa Giêsu (x. Kinh nguyện Thánh thể IV).

Cuối cùng, vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8.16), nên mỗi khi chúng ta thực sự yêu thương nhau thì chính Thiên Chúa đang hiện diện và sống trong chúng ta. Đón nhận tha nhân là đón nhận chính Chúa Giêsu, vì Ngài đã đồng hóa mình với hết thảy mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ rốt hết (x. Mt 18,20; Sách GLHTCG số 1373).

Như thế, chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa, được nên một với Người và có được sự sống viên mãn của Người, qua việc đón nhận và tin vào Danh thánh Chúa Giêsu, qua việc đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, qua việc lắng nghe Lời Chúa trong Kinh Thánh và trong kinh nguyện của Hội Thánh, qua việc đón nhận Chúa Thánh Thần, và qua việc sống chứng tá yêu thương.

Tóm lại, Thiên Chúa đã đi một chặng đường rất xa để có thể cứu độ con người và đưa họ về với kế hoạch của Người. Chính nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, qua và trong Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cha đã đưa con người quay trở lại với kế hoạch yêu thương mà Người đã định ngay từ thuở ban đầu. Rồi đây, vào ngày Cánh chung, tất cả sẽ lại được làm con cái Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đúng như mục tiêu mà Thiên Chúa đã đặt ra ngay từ đầu.

6. Giữa lòng Hội Thánh, con sẽ là một hạt bụi tro hạnh phúc trong tình yêu

Khi may mắn khám phá được một kho báu vô cùng giá trị, chắc chắn chúng ta sẽ rất vui mừng và thốt lên những lời kêu la sung sướng hạnh phúc. Qua muôn nẻo đường và cách thức, Thiên Chúa đã bày tỏ tập bản đồ kho báu của Người và truyền lại cho chúng ta. Nay, khi hiểu được những điều đã nói ở trên cũng là lúc chúng ta khám phá ra được kho báu trên mọi kho báu mà Thiên Chúa đã dành riêng cho chúng ta.

Có thể nói được rằng chúng ta đã “chạm tới” kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: từ mục đích thực hiện đến mục tiêu cần đạt được, tiến trình thực hiện, chỉnh sửa chỗ bị con người làm sai, ai sẽ tham gia và kết quả sẽ đi về đâu… Điều đó đồng nghĩa với việc Thiên Chúa đã mở rộng hết mức cánh cửa ân sủng cho chúng ta. Giờ đây, Thiên Chúa “đá” trái bóng qua cho chúng ta. Tới phiên mình, chúng ta hãy hành động, hãy “chơi” sao cho đẹp, hiệu quả và xứng đáng với sự kỳ vọng của Thiên Chúa và với lượng ân sủng vô ngần vô hạn mà chúng ta đã lãnh nhận. Tình yêu luôn luôn là một động từ, luôn thúc đẩy chúng ta hành động cho/vì người mình yêu.

Bản kế hoạch của Thiên Chúa thấm đẫm tình yêu từ đầu cho đến cuối, vì nó xuất phát từ Đấng tự bản tính là tình yêu (x. 1Ga 4,8.16). Chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương cách vô điều kiện, vậy thì, chúng ta phải đáp trả lại như thế nào cho cân xứng? Chị thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã chỉ cho chúng ta câu trả lời: Tình yêu chỉ có thể đáp đền bằng tình yêu mà thôi. Mọi việc tốt đẹp chúng ta đã làm cho Thiên Chúa và tha nhân, dù có lớn lao vĩ đại đến đâu, cũng không thể xứng đáng với lượng ân sủng mà Thiên Chúa đã đang và sẽ ban cho chúng ta. Chắc chắn là không, vì tất cả đều là hồng ân. Hãy yêu thương khi còn có thể. May ra, tất cả những việc chúng ta làm chỉ như một hạt bụi tro đang bay trong không gian và thời gian để về với Thiên Chúa mà thôi.

Bài ca đáp trả của người con khi khám ra tình yêu vô tận của Thiên Chúa là Cha

Hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu.

Hãy đem mạng sống báo đền mạng sống.

Hãy cứ yêu thương theo từng hơi thở, yêu Thiên Chúa và yêu con người.

Tình yêu với sức sáng tạo vô ngần vô hạn

sẽ dạy chúng ta biết cách yêu thương như thế nào cho đẹp,

biết phải làm gì cho Thiên Chúa và tha nhân.

Hãy thưa với Chúa rằng:

Lạy Chúa, Chúa trồng con ở đâu, con sẽ nở hoa ở đó.

Hoa tình yêu, hoa dấn thân, hoa phục vụ.

Đó là sứ mạng của con, khi Chúa đặt con giữa nhân gian.

Giữa lòng Hội Thánh, con sẽ là hạt bụi tình yêu.

 

Hãy chết đi cho chính mình.

Hãy tự hủy và mục nát cho tình yêu.

Hãy xóa mình cho ân sủng, vì biết rằng một ngày kia,

Gió Thánh Thần sẽ hóa kiếp bụi tro, nhờ công nghiệp của Chúa Con.

Một ngày kia, con sẽ được tái sinh trong ân sủng, được làm con cái của Abba tình yêu,

và sống sự sống sung mãn của Thần linh cực thánh.

Điều đã có ngay từ lúc khởi đầu, rồi đây sẽ được hoàn tất trong vinh quang.

Vinh quang ấy bắt đầu từ hôm nay, qua thập giá của mỗi ngày con vác,

vì con yêu Thiên Chúa và yêu con người.

 

Abba – Cha ơi!

Giữa lòng Hội Thánh, con sẽ là hạt bụi tro,

một hạt bụi tro hạnh phúc, trong tình yêu. Amen.

 

Giuse hạt bụi tro

 


[1] Để hiểu hơn về tầm quan trọng, cũng như giá trị cứu độ không thể thiếu nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, xin xem bài “Vì yêu chúng ta sâu thẳm”. http://gpbanmethuot.com/trang-ban-doc/vi-yeu-chung-ta-sau-tham-64494.html

THƯ MỤC THAM KHẢO

Francois Xavier Durwell. Thần học Đức Chúa Cha. Thiên Hựu và Xuân Hùng chuyển ngữ. NXB Phương Đông, 2016.

Jean Noel Bezanson, Thiên Chúa không đơn độc – Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống người Kitô hữu. Ban phiên dịch ĐCV Thánh Giuse - Hà Nội. NXB Đồng Nai, 2022.

Kinh thánh, ấn bản 2011. Bản dịch do Nhóm phiên dịch các Giờ kinh Phụng vụ. Hà Nôi: NXB Tôn Giáo, 2011.

Nguyễn Văn Khanh. Thiên Chúa của Tin mừng – Thiên Chúa Ba Ngôi. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2015.

Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo. Ủy ban Giáo lý đức tin – HĐGMVN. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2012.

Trần Ngọc Anh. Nhân Học Kitô giáo, Tạo dựng. NXB Đồng Nai, 2018.

_____________Nhân Học Kitô giáo, tập 2, Ân Sủng. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2020.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây