TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chẳng bao lâu nữa CHÚA sẽ đến

Thứ năm - 27/05/2021 20:18 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   618



CHÚA NHẬT IV – MV – B


Chẳng bao lâu nữa CHÚA sẽ đến

“Kìa bà nào đang tiến lên như rạng đông. Kìa bà nào đang tiến lên như rạng đông. Đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời. Oai hung như đạo binh xếp hàng vào trận. Bà là ai!”

Vâng, trên đây là những lời của bài thánh ca có tên là “Kìa Bà Nào”. Và, tác giả là: Lm. Hoàng Diệp. Là một tín hữu Công Giáo, hẳn rằng, không ai trong chúng ta lại không hơn một lần cất tiếng hát bài thánh ca này.

Chúng ta đã cất tiếng hát, và chúng ta hiểu rằng, người phụ nữ được nói đến trong bài thánh ca chính là Đức Maria.

Tiếp theo bài thánh ca, chúng ta được biết tác giả đã ca ngợi Đức Maria: “Như huệ giữa chòm gai. Như hồng thiêng mầu nhiệm. Như đền vua vinh hiển. Như thành thánh Salem”. Và ngài tác giả đã không ngần ngại tôn vinh Đức Maria “Như hào quang Thiên Chúa. Như mùa xuân không úa. Như vì sao mai rạng. Như chính cửa Thiên Đàng”.

Do đâu Đức Maria được ca ngợi và tôn vinh như thế! Thưa, do bởi Đức Maria chính là Mẹ Đức Giê-su – một Giê-su “được gọi là Con Đấng Tối Cao”.

Điều này không do con người bịa đặt ra, nhưng đã được sứ thần Gáp-ri-en công bố và được ghi lại chi tiết trong Tin Mừng thánh Luca.

**
Vâng, câu chuyện về Đức Maria được kể lại rằng: “Khi bà Elisabet có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David. Trinh nữ ấy tên là Maria”.

Sứ thần tìm đến cô Maria để làm gì? Thưa, để gửi đến cô Maria một thông điệp của Thiên Chúa. Hôm ấy, trước khi công bố thông điệp, sứ thần đã cất tiếng chào cô Maria, rằng: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”

Nghe lời chào đó phản ứng của cô Maria thế nào! Thưa,cô Maria “rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.” (x.Lc 1, 29).

Để xua tan sự bối rối của cô Maria, sứ thần Chúa tiếp lời rằng “Thưa Bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”. Và rồi, sứ thần Chúa loan báo thông điệp rằng: “Này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”.

Khi thông điệp được đưa ra, cô Maria lại càng thêm bối rối. Vâng, không ai có thể nghĩ rằng, Thiên Chúa là Đấng vô hình mà lại có thể mang thân xác hữu hình. Không ai có thể tin rằng, Thiên Chúa là Đấng vô hạn mà lại có thể đến sống với con người hữu hạn.

Vả lại, khi nghe nói tới việc mang thai, cô Maria không khỏi hoảng hốt. Cô đã nói với sứ thần, rằng: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

Không biết đến chuyện vợ chồng thì đã sao! Hôm ấy, để trấn an cô Maria, sứ thần đã nói: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.

Hôm ấy, sứ thần Chúa đã cho cô Maria nhìn thấy một minh chứng hùng hồn về quyền năng của Thiên Chúa, đó là sự kiện bà E-li-sa-bet. Bà Elisabet, sứ thần nói: “người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai, bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng”.

Cuối cùng, sứ thần Chúa khẳng định: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không làm được”.

Nghe được những lời giải thích, cô Maria như bừng tỉnh, tấm lòng khép kín lập tức được rộng mở và cô Maria không ngần ngại thốt lên: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 38).

***
Thiên Chúa đã chọn Đức Maria. Và, Đức Maria đã đáp lời xin vâng.

Lời xin vâng này đem đến cho thế gian: “một Đấng Cứu Độ đã sinh ra”. Lời xin vâng này đem đến cho thế gian niềm vui: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Lời xin vâng này đem đến cho thế gian “quyền trở nên con Thiên Chúa”.

Những điều này chẳng phải là “Hồng Ân Thiên Chúa bao la!” Những điều này chẳng phải là “một tin mừng trọng đại!”

Nếu đúng là vậy, thế thì chúng ta hãy tự hỏi mình, rằng Mùa Giáng Sinh năm nay chúng ta sẽ làm gì… làm gì để: “đáp lại hồng ân Thiên Chúa”?

Nếu đúng là vậy, thế thì chúng ta hãy tự hỏi mình, rằng Mùa Giáng Sinh năm nay chúng ta sẽ làm gì… làm gì để: “loan báo tin mừng trọng đại”?

Nên chăng, chúng ta hãy ghi khắc hai chữ “xin vâng” vào trong con tim mình và xem đó như là hành trang cho cuộc hành trình đáp lại lời mời gọi của Đức Giê-su, rằng: “hãy theo Ta”
Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, chính hai chữ xin vâng, Đức Maria đã chứng minh niềm tin của mình là một niềm tin “phó thác vào Thiên Chúa”.

Vâng, rất cần… rất cần có một “niềm tin phó thác vào Thiên Chúa” khi mà hôm nay chúng ta phải sống trong một thế giới đang bị điều khiển bởi “Con Thú”.

Con Thú này, chính nó… chính nó là Con Thú mà tác giả sách Khải Huyền đã mô tả rằng: “Nó có mười sừng và bảy đầu, trên mười sừng đều có vương miện, và trên các đầu có danh hiệu xúc phạm đến Thiên Chúa”.

Con Thú này: “Nó đã được ban cho một cái mồm ăn nói huyên hoang và phạm thượng… Nó mở miệng nói phạm đến Thiên Chúa, đến danh Người, đến lều thánh Người”. Chính “Con Mãng Xà ban cho nó quyền năng và ngai báu của mình cùng quyền hành lớn lao” (x.Kh 13, …2).

Quyền hành của Con Thú hiện nay đã lan tỏa khắp thế giới. Từ Châu Âu đến Châu Á. Từ Châu Mỹ đến Châu Phi. Mỗi nơi, nó khoác lên người một chiếc áo. Khi là chiếc áo của một chính trị gia. Khi là chiếc áo của một khoa học gia. Khi là chiếc áo của một doanh gia. Có lúc lại là chiếc áo của một hồng y giáo chủ. Nói chung là muôn hình vạn trạng.

Và, nhìn hiện tình thế giới hôm nay, có vẻ như mọi thứ đang xảy ra đúng như lời tác giả sách Khải Huyền đã nói: “Nó được phép giao chiến với dân thánh và thắng họ, và nó được ban quyền trên mọi chi tộc, mọi nước, mọi ngôn ngữ, và mọi dân. Mọi người sống trên mặt đất sẽ thờ lạy nó” (x.Kh 13, 7-8).

Hôm nay, nói mà không sợ sai, rằng có vẻ như mọi người sống trên mặt đất “đã và đang” thờ lạy nó. Hôm nay, đã có vị Hồng Y “mồm ăn nói huênh hoang” tuyên bố rằng, người ủng hộ phá thai vẫn có thể được tham dự Bí Tích Thánh Thể. (vietcatholic.news).

Đó… đó là những nguồn tin đáng buồn. Và, phải chăng đó cũng là những nguồn tin dễ làm cho chúng ta chao đảo đức tin!

Vâng, nếu chúng ta chao đảo đức tin, điều đó cũng không có gì ngạc nhiên, không ngạc nhiên vì ngoại cảnh (thường) chi phối nội tâm. Thế nên, điều chúng ta nên làm hôm nay, đó là hãy ghi khắc trong con tim mình lời khuyên của tác giả sách Khải Huyền, lời khuyên rằng: “Đây là lúc dân thánh cần phải có lòng kiên nhẫn và đức tin”.

Đúng vậy, chúng ta cần có lòng kiên nhẫn và đức tin, tin rằng: “Chẳng bao lâu nữa Chúa sẽ đến” (x.Kh 22, 20).

 

Petrus.tran

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây