TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ

Thứ hai - 10/05/2021 21:05 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   782
Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ

Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ

Thứ bảy ngày 11.02.2012 vừa qua, Giáo Hội Công Giáo long trọng mừng ngày Đức Maria hiện ra ở Lộ Đức. Đây cũng là ngày đã được Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chọn làm Ngày Quốc tế Bệnh nhân.

Trong ngày này, song song với việc cử hành thánh lễ cầu nguyện cho các bệnh nhân, nhiều buổi hội thảo, nhiều bài tham luận với chủ đề “lương y với bệnh nhân” đã được chia sẻ đến với cộng đồng. Có nhiều tấm gương tốt của Y bác sĩ cũng như của điều dưỡng viên được nêu ra.

Hỏi vì sao họ được nêu tên như là mẫu mực của một lương y trong một thời mà ngành y đang bị phê phán là “lương y như từ mẫu... ghẻ!” như hôm nay.

Thưa rằng, đó chính là nhờ có tấm gương của vị “lương y Giêsu” đã nằm trong tâm khảm của họ. Một điều dưỡng viên, được biết tên là Elizabeth CC, đã phục vụ trên 34 năm trong nghề, qua hai bệnh viện (BV Nhi Đồng I và BV Bình Dân) đã chia sẻ như thế.

Chị Elizabeth CC đã tâm sự rằng: “Năm đầu trong nghề, tôi chỉ làm việc bằng cái tâm của mình, và cố gắng hết mình để chu toàn bổn phận một người điều dưỡng...” Nhưng sau khi chị tìm đến lớp cầu nguyện để học Lời Chúa, chị nhận ra rằng “Lời Ngài là sức sống của tôi, Lời Ngài là ánh sáng đời tôi…”. Và chị thú nhận: “Lời Chúa đã biến đổi cuộc đời tôi hoàn toàn, để tôi thuộc trọn về Ngài. Ngài ban tặng cho tôi một quả tim biết yêu thương”.

Chính vì nhận được một-quả-tim-mới, quả tim yêu thương của Thầy Giêsu, nên chị ta đã có thể “yên lặng thầm mong phục vụ tha nhân” (1) suốt 34 năm trời.

Lời chia sẻ của chị Elizabeth CC đáng tin cậy. Đáng tin cậy bởi vì như người ta thường nói “không ai có thể cho đi cái mà mình không có”. Với Chúa Giêsu, người đã cho chị ta một quả tim mới, có rất nhiều bằng chứng cho thấy Ngài là một lương y có “quả tim biết yêu thương”.

Những bằng chứng đó đã được ghi chép đầy đủ trong bốn sách Phúc Âm: Matthêu, Máccô, Luca và Gioan. Và câu chuyện Đức Giêsu đã chữa lành một người bại liệt tại Capharnaum được trích trong Phúc Âm Máccô (2, 1-12) như là một bằng chứng sống động cho lời nhận định nêu trên.

Chuyện đã được kể lại rằng: Sau những ngày dong duổi khắp Galilê rao giảng Tin Mừng. “Đức Giêsu trở lại thành Capharnaum”. Không giống như lần trước, Đức Giêsu đã vào hội đường giảng dạy. Lần trở lại hôm nay “Người ở nhà” (Mc 2, 1)

Khi nguồn tin đó được loan ra, Capharnaum lại thêm một phen rúng động. Lần rúng động trước chỉ cách vài hôm. Hôm đó, thành Capharnaum đã rúng động khi toàn dân đã chứng kiến Thầy Giêsu, với quả-tim-biết-yêu-thương, đã dùng quyền năng để chữa bệnh cho nhiều người và Ngài cũng đã dùng quyền lực để trừ quỷ cho một bệnh nhân bị quỷ ám.

Còn hôm nay, cả một rừng người đã làm rúng động nơi Đức Giêsu vừa mới trở lại. Không muốn Đức Giêsu bất ngờ bỏ đi nơi khác như lần trước, họ đã hô hoán “dân chúng tụ tập lại” vây quanh căn nhà Đức Giêsu đang hiện diện, họ vây quanh “đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết” (Mc 2, 2)

Vâng. Capharnaum là như thế đó. Capharnaum là một thành phố của đón nhận. Trái tim yêu thương của Đức Giêsu không thể không trao ban cho cư dân của nó. Hôm nay, khi trở lại Capharnaum, Đức Giêsu, một lần nữa tiếp tục “giảng lời cho họ”. Một lần nữa, Ngài lại biểu lộ cho mọi người thấy thế nào là một “quả tim biết yêu thương”.

Họ ngồi vây quanh Đức Giêsu và nghe lời Ngài giảng dạy. Họ chờ đợi mong được thấy, một lần nữa, quả tim biết yêu của Ngài rung lên. Họ đã không thất vọng.

Có nhiều tiếng động lớn, xuất phát từ mái nhà, át hẳn lời giảng dạy của Đức Giêsu. Có một luồng ánh sáng chiếu tỏa xuống những gương mặt đang ngơ ngác ngước lên nhìn. Có một hình hài co rúm được thòng dây chão thả xuống…

“Một kẻ bại liệt”.

Đang khi cả gian phòng ồ lên thì trái tim Thầy Giêsu co thắt lại. Tâm hồn Ngài không thể không rung động. Người bại liệt không cất nổi một lời nói, dù chỉ là một lời ngắn ngủi: “Lạy Thầy! Nếu Thấy muốn…”. Nhưng quả-tim-biết-yêu-thương của Thầy Giêsu thì biết nói, biết nhìn thấu suốt cõi lòng, thấu tận tâm can chàng bại liệt.

Chàng bại liệt “có lòng tin?”. Đúng. Đức Giêsu thấy chàng ta “có lòng tin”.

Vâng. Chỉ một lời phán bảo của Đức Giêsu với chàng bại liệt “Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về”. Tất cả mọi người hiện diện nơi đó đều đã thấy chàng bại liệt “đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người” (Mc 2, …12).

Câu chuyện kết thúc bởi những lời suýt soa không ngớt của những nhân chứng rằng: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”.

Một chút tâm tình       

“Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”

Thật vậy, từ thuở tạo thiên lập địa cho đến hôm nay, chưa có ai “thấy vậy bao giờ!”. Chưa có ai thấy một con người bằng xương bằng thịt dám công bố mình có “quyền tha tội”!

Chính vì thế những người thuộc phái kinh sư sầm sì rằng, Đức Giêsu đã “nói phạm thượng!” khi nghe Ngài nói với chàng bại liệt rằng “Con đã được tha tội rồi.”

Được giáo huấn theo truyền thống Do Thái nên các kinh sư quan niệm rằng, bệnh là hậu quả của tội lỗi. Và ai có quyền tha tội, nếu không phải là Thiên Chúa. Các kinh sư đã quá thuộc nằm lòng Lời Chúa, qua ngôn sứ Isaia, đã phán “Chính Ta đây… Ta sẽ xóa bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa” (Is 43, 25).

Ôi! Thật đáng tiếc cho các kinh sư. Họ không biết sứ mạng Đức Giêsu đến thế gian là để làm gì. Gioan tẩy giả đã chẳng nói về Đức Giêsu rằng “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” đó sao!

Nếu chỉ dừng lại ở việc “chữa lành thể xác” thì Thiên Chúa có cần thiết phải “sai Con của Người đến thế gian”?

Nếu các kinh sư nghe được lời Đức Giêsu nói với Nicôđêmô “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16) !!!

Và nếu các kinh sư các tin vào lời làm chứng của ông Gioan tẩy giả về Đức Giêsu rằng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên Người” ứng nghiệm với lời ngôn sứ Isaia đã chép “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”!!!

Nếu các kinh sư tin như thế, chắc hẳn họ sẽ không phản đối Đức Giêsu khi Ngài nói “Con Người có quyền tha tội”. Bởi hồng-ân-của-Chúa-để-được-sống-muôn-đời là gì nếu không phải là “ơn tha tội”!?

Vâng. Nếu tin, chắc hẳn các kinh sư sẽ cùng mọi người hiện diện nơi đó đồng thanh cất tiếng “tôn vinh Thiên Chúa” (Mc 2, 12).

Một phút suy tư

Theo bạn, hình ảnh nào gây ấn tượng nhất trong câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người bại liệt?

Phải chăng hình ảnh “dân chúng tụ tập lại đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết”? Vâng, hình ảnh này gợi cho chúng ta nhớ đến những buổi tụ tập đông đảo của các tín hữu trong những dịp lễ trọng, như lễ Giáng Sinh hay lễ Phục Sinh hoặc như những buổi tham dự “lòng thương xót Chúa” tại giáo xứ Chí Hòa, tại giáo xứ Đồng Tiến và nhiều giáo xứ khác khắp Giáo phận Saigon… 

Thế còn hình ảnh “người ta đem đến cho Đức Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng” thì sao?

Xét về mặt con người, bốn người khiêng một người “bại liệt” cho ta thấy tinh thần “huynh đệ chi binh” thật đáng trân trọng và đáng noi theo, phải không thưa quý Bạn?

Đó là một tinh thần đoàn kết và biết chia sẻ trong cộng đồng.

Tinh thần đoàn kết và biết chia sẻ đó đã ghi đậm trong tâm khảm mỗi gia đình Công Giáo Hàn Quốc. Người ta kể rằng: cứ bốn gia đình Công Giáo Hàn Quốc, với mức sống ổn định, họ kết hợp lại với nhau, bảo trợ cho một gia đình Công Giáo nào đó đang gặp khó khăn về phương diện vật chất. Nếu gia đình này tài trợ học bổng, thì gia đình kia chia sẻ tiền bạc, rồi một gia đình khác sẽ tìm kiếm một công việc làm phù hợp cho gia đình đó.

Quả là một cách làm đúng tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Và hơn nữa, làm như thế có khác nào họ đã nối tiếp cánh tay của Chúa Giêsu “đem niềm vui đến chốn u sầu” (2). Làm như thế có khác nào họ biểu lộ “trái tim biết yêu thương” đến với tha nhân. Làm như thế có khác nào họ cùng nhau “khiêng” căn-bệnh-nghèo-đói, căn-bệnh-thất-học ra khỏi gia đình của những người anh chị em đang sầu khổ. 

Hãy tự hỏi rằng, chúng ta có thể làm được điều này hay không? Nếu chúng ta không làm được, hãy coi lại xem, phải chăng chúng ta đang nhiễm phải những căn bệnh “ích kỷ, hưởng thụ, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi” những căn bệnh “an phận thủ thường” v.v…!? Và như thế có khác gì chúng ta cũng mắc phải căn bệnh bại liệt… “liệt kháng tâm hồn”!!!

Vâng, hãy có những ý nghĩ tích cực. Bởi vì, dù chỉ có “hai đồng bạc” nhưng nếu chúng ta hợp lực như tấm gương của những gia đình Công Giáo Hàn Quốc đã hợp lực, chúng ta cũng có thể làm được như họ.

Hãy thử tượng tưởng, nếu bốn hoặc tám, thậm chí hai mươi gia đình Công Giáo Việt Nam, đồng bảo trợ cho một gia đình nghèo nào đó, bất kể họ có là Công Giáo hay không, một cách bất vụ lợi. Vâng, chắc chắn chúng ta sẽ được thấy nhiều ánh mắt “sửng sốt” và nhiều tiếng trầm trồ vang lên: “Ồ! Chúng tôi chưa thấy vậy bao giờ!”.

 

Petrus.tran


…….
(1) Tình người áo trắng (thơ): Elizabeth CC.

(2) Kinh Hòa Bình : Kim Long.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây