TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ân Huệ Chúa ban

Thứ hai - 10/05/2021 23:21 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1259
Ân Huệ Chúa ban

Ân Huệ Chúa ban

Cuộc sống đời này như một vòng tuần hoàn sinh-bệnh-lão-tử. Thật vậy, mọi sự sống đều kết thúc một cách bi đát bằng cái chết, như hoa sớm nở tối tàn. Đóa hoa hồng vươn sắc trong ngày đầu xuân sẽ tàn úa thảm hại khi mùa hạ chưa tới. Một em bé sơ sinh “thoạt sinh ra thì đà khóc chóe” rồi cũng sẽ phải nối bước tiền nhân trở về với cát bụi.

Vâng, sự chết, đó là nỗi ám ảnh suốt chiều dài lịch sử con người. Bắt nguồn từ sự bội phản và bất trung của nguyên tổ Adam và Eva.

Sách Sáng Thế Ký chép lại rằng: “Từ ban đầu Thiên Chúa sáng tạo trời và đất” (St 1,1). Thiên Chúa “lấy bụi đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Eden, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra”.

Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn, nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2, 16-17).

Buồn thay! con người đã phạm tội bất tuân. Chính tội lỗi đã phá hủy chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Tội lỗi đã hủy diệt tất cả những gì là tình yêu thương mà Thiên Chúa đã dành cho con người. Tội lỗi đã làm cho con người sợ hãi để rồi trốn chạy Thiên Chúa. Tội lỗi đã đặt sự chết thống trị con người. “Là bụi đất, (con người) sẽ trở về với bụi đất” (St 3,…19).

Thế nhưng, không vì sự phản bội bất trung của nguyên tổ mà Thiên Chúa bỏ rơi con người. “Thiên Chúa là thẩm phán công minh”. Nhưng Thiên Chúa còn là “Đấng từ bi nhân hậu. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,9).

Theo đúng kế hoạnh, Thiên Chúa đã “sai Con của Người đến thế gian…” Người Con đó chính là Đức Giêsu. Ngài đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa thế gian như là dấu chỉ của lòng nhân hậu và tình yêu thương của Thiên Chúa.

Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu, qua những lời giảng dạy, Ngài đã nói với con người rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Với bài dụ ngôn “người con hoang đàng” (Lc 15, 11-32), qua nhân vật người cha, Đức Giêsu đã cho con người thấy rõ nét về một Thiên Chúa Cha nhân hậu và bao dung. Một Thiên Chúa luôn “chạnh lòng thương xót” trước những hối nhân trở về.

Và rằng, con người không thể đón nhận lòng nhân hậu và sự bao dung của Thiên Chúa nếu không “tin vào” sự tha thứ, không đứng lên và đi về với Thiên Chúa, như người con hoang đàng đã “tin” rằng người cha sẽ tha thứ và anh ta đã “đứng lên, đi về cùng cha”.

Và cuối cùng, bài qua dụ ngôn đó, Đức Giêsu gửi đến cho con người một thông điệp rằng, Thiên Chúa “sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian…” nhưng là để tháo cởi “án tử” đã dành cho thế gian và là “để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17).

Một chút tâm tình

“Ơn Cứu Độ - Để Sống Muôn Đời”. Vâng, có thể nói, đó chính là hoa trái của “cây trường sinh mới” - cây Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô.

Vâng. Cây-trường-sinh-mới - cây thánh giá Chúa Giêsu Kitô đã được tác tạo bằng chính thân xác của Ngài. Nó đã được gieo hạt tại miền đất Belem và đã trổ sinh hoa trái khi được “giương cao lên” tại đồi Golgotha…

Đúng như lời Đức Giêsu đã nói trong đêm gặp ông Nicôđêmô: “như ông Mosê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”.

Nếu như cây trường sinh ở vườn Eden năm xưa bị “các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng lóe canh giữ ” để ngăn chận con người “hái ăn và được sống mãi” (St 3, 24)

Thì hôm nay, cây-trường-sinh-mới – cây Thánh giá Chúa Giêsu “ở giữa thế gian… cư ngụ giữa chúng ta”… và luôn cất tiếng mời gọi chúng ta “Hãy nếm thử và hãy nhìn coi Chúa thiện hảo dường bao” (Tv).

Thật vậy, tông Đồ Phaolô qua trải nghiệm đã xác tín rằng: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã… Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời”.

Đây chính là “ân huệ của Thiên Chúa. Và để có được ân huệ này, thánh Phaolô nói, “chính do ân sủng và nhờ lòng tin” (Ep 2, 8).

Một phút suy tư

“Ân sủng và nhờ lòng tin”. Vâng, đó chính là chìa khóa giúp chúng ta bước vào Eden mới nơi có cây-trường-sinh-mới ban “Ơn Cứu Độ và Sự Sống Muôn Đời”.

Chúng ta đã có chiếc “chìa khóa vàng” này!?

Chắc hẳn không ít người trong chúng ta sẽ trả lời rằng “tôi đã có”. Tôi có theo đạo… đạo Công Giáo. Vậy thì lẽ đương nhiên là tôi phải có chứ!!!

Thưa, không chắc lắm. Chúng ta hãy đọc lại thông điệp tình yêu của Thiên Chúa. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

Vâng, Chúa Giêsu không nói “để ai theo” mà là “để ai tin”. Xưa kia, khi còn tại thế đã có không ít người “đã đi theo” Chúa Giêsu nhưng dưới chân thập tự tại đồi Golgotha có được mấy người “đã tin”!!!

“Để ai tin”. Chúa Giêsu đã nói điều này ba lần. “Để ai tin vào Người… Để ai tin vào Con của Người” và cuối cùng là “Ai tin vào Con của Người”.

Phải “có lòng tin”. Không chỉ “tin về” ơn-cứu-độ-và-sự-sống-muôn-đời nhưng còn phải “tin vào” “lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với chúng ta trong Đức Giêsu Kitô” (Ep 2, 7).

Nói cách khác, để có “chiếc chìa khóa vàng” phải có lòng tin “phó thác”.

Hôm nay, chúng ta bước vào tuần thứ tư của Mùa Chay. Và cũng là lúc chúng ta sắp sửa bước vào những ngày tĩnh tâm. Không gì tốt hơn là chúng ta hãy để cho tâm hồn tĩnh lặng và tự hỏi rằng “tôi đã thật sự phó thác đời tôi vào Chúa?”

Nếu đã thật sự “phó thác đường đời cho Chúa”. Vâng, chúng ta hãy cùng nhau cất tiếng nguyện ca rằng: “Tôi tin, tôi tin Chúa đã thương tôi. Nên Người đã phải chết, chết vì tôi” (*)

Petrus.tran
 

………

(*) TÔI TIN – Lm Thành Tâm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây