CHƯỚC CÁM DỖ ĐÁNG SỢ
(Thứ Ba sau Chúa Nhật VI Thường Niên – Gc 1,12-18; Mc 8,14-21)
Với người có niềm tin hay vô tín thì phạm trù “chước cám dỗ” như là một hiện thực của kiếp nhân sinh. Đã là người thì ai cũng chân nhận mình đã từng và có thể bị lôi cuốn bởi một mãnh lực nào đó, tốt có, xấu có. Mãnh lực tốt thì thúc đẩy chúng ta hướng thượng, sống hữu ích, thực hiện những điều tốt đẹp cho bản thân và tha nhân. Mãnh lực xấu thì lôi kéo chúng ta đi vào đường trái, làm những sự chẳng nên, những điều xấu xa, tội lỗi. Hạn từ “chước cám dỗ” được hiểu theo nghĩa thứ hai là mãnh lực xấu.
Thánh Giacôbê tông đồ khẳng định: “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: “Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ”, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu và chính Người cũng không cám dỗ ai” (Gc 1,13). Kitô hữu chúng ta đều hiểu rằng chính thần dữ, Satan mới đích thực là “tên cám dỗ” (x.Mt 4,3). Thần dữ cám dỗ chúng ta bằng nhiều cách thế tinh quái khiến chúng ta khó nhận diện và đề phòng. Chước cám dỗ đáng sợ mà thần dữ giăng ra đó là lợi dụng những thiện hảo đáng quý để dẫn dụ chúng ta chiếm hữu chúng cách bất chính, trái với đường lối của Thiên Chúa. Nó còn xảo quyệt hơn khi lợi dụng cả những người tự tôn về đức cao, vị trọng của mình dẫn dắt chúng ta đi lầm đường lạc lối.
Sau khi Chúa Giêsu dùng quyền năng hóa bánh ra nhiều nuôi khoảng bốn ngàn người no nê thì nhiều người biệt phái đã cố chấp đòi hỏi Người cho một điềm lạ từ trời. Chúa Giêsu đã thẳng thừng từ chối và bỏ đi. Tiếp liền đó Thánh sử Maccô tường thuật lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê” (Mc 8,14). Thánh sử Matthêu thì ghi: “Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pharisêu và Xađốc” (Mt 16,5). Vì các môn đệ hiểu lầm nên Chúa Giêsu đã giải thích và “bấy giờ các ông mới hiểu là Người không bảo phải coi chừng men bánh, mà phải coi chừng giáo lý Pharisêu và Xađốc” (Mt 16,12).
Điều nguy hại nơi giáo lý của nhóm Pharisêu và nhóm Xađốc, vốn thỏa hiệp với thế quyền (Hêrôđê) đó là sự ỷ lại. Khi ỷ lại vào công đức của mình qua những hành vi đạo đức bên ngoài và ỷ lại vào chức quyền, của cải thì người ta dễ rơi vào chước cám dỗ tự cao tự đại. Từ chỗ tự đại tự cao thì người ta đâm ra tự tôn cho mình luôn luôn đúng và thế là khép lòng trước chân lý. Đây chính là thái độ cố chấp, cứng lòng khiến Chúa Giêsu đã phải “thở dài não ruột” (x.Mc 8,12).
Chước cám dỗ thật đáng sợ khi nó do thần dữ giăng ra qua trung gian là những vị được xem là “đức cao” và “vị trọng” ngoài xã hội hay trong các tập thể tôn giáo. “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13). Một lời cầu xin trong kinh “Lạy Cha” mà Chúa Giêsu truyền dạy nhắc nhủ chúng ta luôn cẩn trọng và tỉnh thức vì thần dữ là ma quỷ như sư tử luôn rảo quanh chúng ta rình chờ cắn xé (x.1P 5,8).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn