TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hạnh phúc là Đức Ki-tô

Thứ bảy - 12/02/2022 04:43 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1100
“Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA, và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân” (Gr 17, 7).
Hạnh phúc là Đức Ki-tô

Chúa Nhật – VI – TN – C

 

Hạnh phúc là Đức Ki-tô

“Thiên Chúa muốn ta được hạnh phúc”. Vâng, đó là lời Lm. Charles E.Miller viết trong tác phẩm của Ngài, tác phẩm có tên “Sunday Preaching”. Và, con người… con người thì sao nhỉ! Thưa, con người cũng muốn mình được hạnh phúc.

Với người Tây Phương thì: “Happy New Year”. Người Việt Nam thực tế hơn, ai cũng muốn “trăm năm hạnh phúc”. Ước muốn của con người, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời đại nào, đều là vậy.

Thế nhưng, như lời tác giả sách Thánh Vịnh nói, thì không giản dị là vậy. Con người: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng (ta) đã khuất rồi” (Tv 90, 10).

Ôi! Nghe xong, chắc hẳn mỗi chúng ta không thể không để lại “một tiếng thở dài”! Nguyên nhân do đâu, bởi đâu… mà con người phải đối diện với “phần lớn gian lao khốn khổ” trong một cuộc đời “giỏi chăng là được tám mươi”? Thưa, nói không sợ sai, đó là do nguyên tổ Adam và Eva.

Vâng, Thiên Chúa đã ban cho nguyên tổ Adam và Eva “phúc lành”, phúc lành “thống trị mặt đất”, thế mà hai ông bà đã vứt bỏ, vứt bỏ vì cứ tưởng rằng, nghe theo lời Satan dụ ngọt, sẽ được hạnh phúc hơn, hạnh phúc “sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác”. Ai dè, sau khi nghe lời Satan, vi phạm luật cấm Chúa truyền, hai ông bà chẳng nên gì cả, chỉ thấy xấu hổ “sợ hãi và lẫn trốn” Thiên Chúa. Hạnh phúc của con người, kể từ đó, chỉ là thứ hạnh phúc “như bụi cây trong hoang địa” (Giê-rê-mi).

Thế nhưng, dù nguyên tổ đã vứt bỏ phúc lành Thiên Chúa ban, Thiên Chúa vẫn muốn con người nhận phúc lành nơi Người. Thiên Chúa vẫn muốn con người hạnh phúc, một thứ hạnh phúc vĩnh cửu, trường tồn.

Thiên Chúa, qua suốt chiều dài lịch sử con người, Người vẫn chỉ đường dẫn lối, chỉ đường dẫn lối để con người có được hạnh phúc.

Thiên Chúa chỉ đường dẫn lối cho con người bằng đủ mọi cách. Thông thường đó là, qua ngôn sứ. Với ngôn sứ Giê-rê-mi, Thiên Chúa công bố rằng: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA, và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân” (Gr 17, 7).

Qua sách Thánh Vịnh, Thiên Chúa tuyên bố rằng: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật CHÚA, nhẩm đi nhẩm lại suốt ngày đêm.” (Tv 1, 1-2).

Và, cuối cùng, là Đức Giê-su. Đúng, tác giả thư gửi tín hữu Do Thái cho biết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy (con người) qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa phán dạy (con người) qua Thánh Tử.” 

Vâng, chính Đức Giê-su, Thánh Tử Con Một Người, đã tiếp tục công bố với mọi người rằng, thế nào là người có (hạnh) phúc, người có “phúc” là bởi đâu và do đâu. Những lời Đức Giê-su công bố, ngày nay chúng ta gọi là “bát phúc” và đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.

**

Theo lời thánh sử Luca ghi lại, thì một ngày nọ, có rất đông dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền Tia và Si-đôn đến để nghe Đức Giê-su giảng và để được chữa lành bệnh tật.

Về việc chữa bệnh. Hôm ấy, sự việc xảy ra rất kỳ diệu, kỳ diệu ở chỗ: “Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người” (x.Lc 6, 19).

Còn về việc giảng dạy. Vâng, hôm ấy, trước đám đông dân chúng cùng mười hai vị môn đệ, lời giảng dạy của Đức Giê-su rất khác lạ, khác lạ vì đó không phải là những lời dạy dỗ, nhưng là những lời công bố, công bố về một niềm hạnh phúc, một niềm hạnh phúc vĩnh cửu, trường tồn, cho những ai đón nhận những lời công bố của Ngài và xem đó như là một lối sống mới, cho mình.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã công bố rằng: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười”.

Và, lời công bố cuối cùng, đó là: “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa.”

Thánh Luca không nói ra, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng rằng, cả một rừng người ngơ ngác trước những lời công bố “khó nghe”, như thế. Và, có thể họ sẽ xầm xì: “Thế mà gọi là phúc à!”.

Vâng, đó chỉ là suy nghĩ, nếu có, suy nghĩ theo kiểu thế gian. Mà, suy nghĩ của thế gian nào phải là của Thiên Chúa, như có lần Đức Giê-su đã trách tông đồ Phê-rô, vì đã ngăn cản sứ vụ của Ngài: “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Lời công bố của Đức Giê-su, hôm đó, là lời công bố của chính Thiên Chúa, và qua Đức Giê-su, Người phán hứa rằng: “Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

Thật… thật lớn lao. Hôm ấy, Đức Giê-su công bố thêm một chi tiết, một chi tiết như để khẳng định rằng, điều khó nghe đó, đã là sự thật. Ngài công bố rằng: “Các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông đối xử như thế.”

***

Hạnh phúc mà Thiên Chúa, qua lời công bố của Đức Giê-su, ban cho con người là thế đấy. Nghe qua có vẻ nghịch lý! Vâng, một số ngươi đã cho là nghịch lý.

Sáng thế ký thuật lại việc tạo dựng con người “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” Không ít người nhao nhao lên, cho là nghịch lý. Họ… chính xác là một số nhà khoa học đã phản đối và cho rằng nguồn gốc con người “bắt nguồn từ loài vượn cổ.” Và, đó là lý do một số người tin rằng chính họ, chính họ chứ không là ai khác “đã từng trải nghiệm thế nào là hạnh phúc.”

Luật Chúa dạy phải “một vợ một chồng”, nhiều người đã không ủng hộ và cho rằng, xưa kia “trai năm thê bảy thiếp” có ai nói gì đâu! Luật Chúa dạy, hôn nhân phải là một nam một nữ, nhiều người đã đi ngược lại và ủng hộ hôn nhân đồng tính. Luật Chúa dạy, không được phá thai, nhiều quý bà ở Na-Uy (nếu người viết không lầm) đã tụ tập ở quảng trường nhảy cỡn lên vui mừng khi Quốc hội thông qua đạo luật tự do phá thai.

Hạnh phúc của những con người này, nói theo cách nói của Lm. Charles E.Miller, đó là: “điều ngược lại với những gì Đức Giê-su dạy bảo mới là chân lý”. Họ đã và đang đi vào tử lộ. Chớ bước theo họ. 

Không, sự nghịch lý của “bát phúc”, nếu cho là vậy, cũng không phải là tử lộ, nhưng chính là sinh lộ. Một sinh lộ cho những ai biết “quay sang Thiên Chúa và đặt niềm tin vào Ngài”.

Vâng, Lm. Charles E.Miller khẳng định như thế đấy. Ngài Lm. nói tiếp rằng: “Đói khát vẫn có thể hạnh phúc, nếu ta để cơn đói khiến mình ao ước có Chúa lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn, chứ không chỉ trong dạ dày. Khóc than vẫn có thể hạnh phúc, nếu nỗi ưu phiền của chúng ta phát xuất từ việc ‘không’ thi hành ý Chúa trong mọi sự.”

Để biện minh trước những kẻ cho rằng lời Đức Giê-su công bố khó nghe, tưởng chúng ta nên nghe (lại) lời chia sẻ của Đức TGM. Ngô Quang Kiệt.

Vâng, ngài TGM có lời chia sẻ: “Chúa không lên án vật chất, nhưng chỉ lên án thái độ sử dụng vật chất. Vật chất do Chúa dựng nên để phục vụ con người. Chúa dựng nên và Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp. Nhưng con người đã làm sai chương trình của Chúa.

Thay vì sử dụng vật chất như phương tiện, người ta đã biến nó thành mục đích. Thay vì sử dụng vật chất phục vụ đồng loại, người ta đã sử dụng đồng loại để phục vụ vật chất. Đó là những thái độ bị Chúa lên án. Những thái độ ấy biến vật chất thành chướng ngại ngăn cản ta đạt đến hạnh phúc Nước Trời.

Sau cùng, Chúa không khuyến khích cảnh nghèo, càng không khuyến khích những người vì lười biếng mà trở nên nghèo. Chúa chỉ khuyến khích những người vì Nước Trời mà tự nguyện sống nghèo”.

Bây giờ, chúng ta nghe lại lời ngôn sứ Giê-rê-mi thêm một lần nữa nhé, nghe lại để biết rằng: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA, và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân”. Nghe lại để biết rằng: “Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái” (x.Gr 17, 8).

****

Hôm ấy, Đức Giê-su không chỉ công bố những mối phúc, Ngài còn nêu ra những mối họa, những mối họa như là lời cảnh báo: “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ bị đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than”.

Nghe thấy “ghê ghê”, phải không, thưa quý vị! Thật ra thì không quá ghê lắm đâu. Chúng ta… chúng ta vẫn có thể hóa giải những mối họa này.

Với mối họa “giàu có” ư! Thưa, giàu không phải là tội. Xưa, Ông Gióp “là người giàu có nhất trong số các con cái Phương Đông”, thì đã sao! Nếu chúng ta được Chúa ban cho giàu có, đừng hành xử như ông nhà giàu trong dụ ngôn “ông nhà giàu và Lazaro nghèo khó” (x.Lc 16, 19-31). Vâng, “Đừng xòe tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi.” (Hc 4, 31).

Với việc được “no đủ” ư! Hãy thực hiện lời sách châm ngôn khuyên: “Đừng làm cho kẻ đói phải buồn tủi…”

Hãy “vui với kẻ vui, khóc với người khóc” (x.Rm 12, 14). Đó chính là cách thức chúng ta hóa giải mối họa cuối cùng, mối họa “sẽ phải khóc than”, mà Đức Giê-su đã công bố.

Như vậy, những lời chúc “phúc” mà Đức Giê-su đã truyền dạy cho chúng ta, có gì là “khó” đón nhận! Cũng vậy, những “mối họa” mà Đức Giê-su đã cảnh báo cho chúng ta, có gì là khó hóa giải?

Không… không có gì khó đón nhận. Và, không có gì khó hóa giải. Chỉ cần một cử động của tâm hồn, một tâm hồn mở rộng đón nhận Đức Giê-su và thực hiện lối sống, lối sống mà Ngài đã truyền dạy: “Hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em”.

Đón nhận Đức Giê-su và chấp nhận sống lối sống Ngài đã công bố, Lm.Charles nói: “Đó là cách duy nhất để được Chúa chúc phúc, để có hạnh phúc thật sự”. Nói, theo cách nói của lời một bản thánh ca: “Hạnh phúc là Đức Ki-tô”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây