TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thứ tha để được tha thứ

Thứ bảy - 19/02/2022 02:16 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1141
“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em.” (Lc 6, 27).
Thứ tha để được tha thứ

 Chúa Nhật – VII – TN – C
 

Thứ tha để được tha thứ


Tình yêu thương và sự tha thứ là điều không thể thiếu cho cuộc sống của con người. Không có tình yêu thương và sự tha thứ, cuộc sống của con người sẽ chỉ là địa ngục trần gian.


Với Ki-tô giáo, “tình yêu thương” chính là dấu hiệu của người Ki-tô hữu, như có lần Đức Giê-su đã nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (x.Ga 13, 34-35).


Về sự tha thứ, sự tha thứ là một đòi hỏi mà bất cứ ai đã là môn đệ của Đức Giê-su đều phải thực hiện. Một lần nọ, tông đồ Phê-rô hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không? Đức Giê-su đáp: Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (x.Mt 18, 21-22).


Vâng, tình yêu thương và sự tha thứ là điều được Đức Giê-su nói đến rất nhiều lần, trong những ngày Ngài ra đi rao giảng Tin Mừng. Tình yêu thương và sự tha thứ, đối với Đức Giê-su, trước hết và trên hết, đó chính là tình yêu thương và sự tha thứ mà Thiên Chúa đã ban cho con người.


Theo thánh sử Gio-an, một đêm nọ, sau khi chuyện trò với ông Ni-cô-đê-mô, “một thủ lãnh của người Do Thái”, về vấn đề tái sinh và ơn cứu độ, Đức Giê-su đã tuyên bố rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (x.Ga 3, 16).


Nói đến việc Thiên Chúa đã yêu thương và tha thứ cho con người, Đức Giê-su cũng không quên nói đến việc con người cũng phải yêu thương và tha thứ cho nhau.


Vâng, Ngài đã nói và nói rất thẳng thắn với các người môn đệ của mình. Sự kiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.


**

Câu chuyện được ghi lại như sau: Hôm ấy, sau khi đã truyền dạy cho các môn đệ phương cách sống, sống sao để nhận được phước hạnh bây giờ cũng như mai sau ở trên trời, sống sao để tránh những mối họa, những mối họa làm cho con người phải diệt vong, Đức Giê-su tiếp lời, rằng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em.” (Lc 6, 27).


Anh-em-là-những-người-đang-nghe-Thầy-đây, tất nhiên hôm nay, có cả chúng ta. Vì thế, chúng ta cùng nghe tiếp nhé!


Hôm ấy, Đức Giê-su có lời truyền dạy tiếp, rằng: “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.”


Chỉ mới hai lời truyền dạy, hai lời truyền thôi, không biết tâm trạng quý ngài môn đệ hồi ấy thế nào, chứ đối với chúng ta, chắc hẳn nghe xong, chúng ta sẽ thốt lên rằng, “lời truyền dạy sao kỳ lạ thế!”


Đúng, lời truyền dạy của Đức Giê-su còn kỳ lạ hơn nữa, khi Ngài nói: “Ai vả má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.”


Vâng, lại thêm bốn lời truyền dạy kỳ lạ. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng, với Thiên Chúa, Thiên Chúa – Người có thể làm cho sự kỳ lạ này trở thành “kỳ vĩ”.


Đây, chúng ta cùng nghe lời truyền dạy tiếp sau: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.”


Sao! Nghe qua lời truyền dạy này, chắc hẳn chúng ta sẽ không còn thấy kỳ lạ nữa. Sẽ không còn kỳ lạ, bởi vì nếu chúng ta “muốn” và nếu chúng ta “làm”.


Thật vậy, khi chúng ta “muốn và làm” những điều tốt đẹp cho xã hội, cho tha nhân, cho bất cứ ai, thử hỏi, có ai lại đòi “vả má” mình chứ! Khi chúng ta ‘muốn” nhường cơm sẻ áo cho người nghèo, thử hỏi, có ai lại đòi “đoạt áo” của chúng ta!


Rất chí lý và thực tế khi Đức Giê-su tiếp lời, rằng: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế.”


Chưa hết. Đức Giê-su còn nói thêm một vài trường hợp rất “hợp” với đời thường. Ngài nói: “Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả sòng phẳng.”


Và để kết thúc, Đức Giê-su thẳng thắn nhắc lại một lần nữa với các môn đệ, rằng: “Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả”.


***

Không, những lời truyền dạy của Đức Giê-su không kỳ lạ. Những lời truyền dạy của Ngài chỉ “khác lạ” với những lời dạy dỗ của người đời. Khác lạ ở điểm Đức Giê-su không chấp nhận sự trả đũa “mắt đền mắt, răng đền răng”. Bởi nếu hành xử như thế, biết đến bao giờ con người mới hết hận thù. Ngài lại càng không hoan nghênh đạo lý “quân tử trả thù, mười năm chưa muộn”. “Sự trả thù cao quý nhất chính là tha thứ.”, ngài Thomas Fuller có lời khuyên thế đấy.


Tưởng chúng ta cũng nên biết, chữ “yêu” trong lời truyền dạy: “Anh em hãy yêu kẻ thù” không đồng nghĩa với chữ “yêu – love” trong tình yêu nam nữ.


Chữ “yêu” ở lời khuyên này được hiểu theo chữ “Agape – Tình Bác Ái” thường được dùng trong Kinh Thánh. Thế nên, lời truyền dạy của Đức Giê-su “hãy yêu”, nếu chúng ta thực thi, kết quả sẽ là một “kỳ tích.”


Vào cuối thế kỷ trước, có một người, đã thực thi những lời truyền dạy “kỳ lạ” của Đức Giê-su, kết quả cho thấy một “kỳ tích” đã được ghi nhận, người đó chính là ngài Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II.


Nói tới vị Giáo Hoàng này, hầu như cả thế giới đều biết câu chuyện ngài đã tha thứ cho kẻ mưu sát mình, người Thổ Nhĩ Kỳ, tên là Mehmet Ali Agca.


Trong cuốn “Ký ức và Căn Tính” (Memory & Identity do Nhà xuất bản Weidebfeld & Nicolson, UK) trang 180, Đức Giáo Hoàng kể lại rằng: “Đúng, tôi nhớ lại chặng đường tới bệnh viện. Trong một khoảng khắc ngắn ngủi, tôi đã bất tỉnh. Tôi có một cảm giác rằng tôi sẽ sống sót. Tôi bị đau và đây đã là một lý do để sợ sệt nhưng tôi có một sự tín thác lạ thường. Tôi nói với cha Stanislaw (vị thư ký riêng của Đức Thánh Cha nay là Tổng Giám Mục tại Krakow, Balan) rằng tôi đã tha thứ cho kẻ sát hạt tôi. Những gì đã xảy ra tại bệnh viện, tôi không còn nhớ.” (nguồn: internet).


Chưa dừng ở đó, chuyện được ghi lại rằng: vào năm 1983 Đức Thánh Cha đã đến nhà tù Roma thăm và ôm lấy kẻ đã bắn vào mình.


Vâng, ngài Gio-an Phao-lô II đã thực hiện rõ nét điều Đức Giê-su đã cầu nguyện trên thập giá tại Golgotha: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.


Luận bàn về sự tha thứ, Mahatma Gandhi nói: “Kẻ yếu không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm cách của kẻ mạnh.” Victor Hugo thì nói: “Tha thứ là tôn giáo tuyệt vời nhất”. Còn Martin Luther ư! Ông ta nói: “Tha thứ là mệnh lệnh của Chúa”.


Là mệnh lệnh của Đức Giê-su, thế nên, đã là một Ki-tô hữu, chúng ta phải thực thi những gì Ngài đã truyền dạy, đó là: yêu thương và tha thứ.


Phải yêu thương nhau, như Đức Giê-su đã yêu thương chúng ta. Và, phải tha thứ, vì lời Đức Giê-su đã phán truyền: “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” (x.Lc 6, …37).


Ngày nay, tuy chúng ta đang phải sống trong một thế giới đầy bạo lực, một thứ bạo-lực-ăn-miếng-trả-miếng, thế nhưng, vì là một Ki-tô hữu, chúng ta không thể thiếu lòng bao dung và sự tha thứ. Chúng ta vẫn phải “có lòng nhân từ” vì Thiên Chúa “là Đấng nhân từ”, Đức Giê-su đã nói như thế. (Lc 6, 36).


Cuộc sống hôm nay, còn lắm kẻ lầm lạc, còn lắm kẻ thiếu nhân cách, thích gièm pha, ưa xúc xiểm gây tổn thương trầm trọng kẻ khác v.v… lòng bao dung và sự tha thứ chính là liều thuốc “hồi sinh” nhân cách những con người đó.


Chúng ta đừng xa rời thánh lễ. Thánh lễ chính là nơi đem đến cho chúng ta nguồn sức mạnh, một nguồn sức mạnh để chúng ta “đủ sức” thực thi lý tưởng mà Đức Giê-su đã truyền dạy “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em”.


Tham dự thánh lễ, chúng ta được tham dự Tiệc Thánh Thể, một bữa tiệc Thiên Chúa đã khoản đãi chúng ta bằng Mình và Máu Thánh Đức Giê-su Ki-tô - “chén Máu Thầy… đổ ra cho chúng ta và để chúng ta được tha tội”, thì có lẽ nào chúng ta không “tha thứ” cho kẻ ngược đãi chúng ta!


Vâng, thật quan trọng để chúng ta nghe thêm lời “dặn dò” của Đức Giê-su: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu đó.” (Lc 6, 38).


Lời Đức Giê-su dặn dò, đâu có gì quá khó hiểu, phải không, thưa quý vị! Đúng, không quá khó hiểu. Thế nên, để được Thiên Chúa đong-lại-bằng-đấu-đó, ngay hôm nay, bây giờ, đừng chần chờ gì nữa, chúng ta hãy: “Góp hết tương lai vào tiếng. Yêu thương trao (nhau) một đời… Hãy cố yêu người mà sống. Lâu rồi đời mình cũng qua.” (Vũ Thành An).


Vâng, sẽ đến lúc cuộc đời của mỗi chúng ta “cũng qua” Tuy nhiên, cái ngày “cũng qua” của chúng ta, không giống như cái ngày “cũng qua” của người đời. Cái ngày “cũng qua” của chúng ta, sẽ là cái ngày chúng ta được “phần thưởng lớn lao”. Và hơn thế nữa, chúng ta được Thiên Chúa nhìn nhận “là con Đấng Tối Cao” (x.Lc 6, 35).


Cuối cùng, chúng ta đừng quên, ngài Phanxicô thành Assisi cũng đã để lại cho hậu thế lời nhắn nhủ: “chính khi thứ tha là khi được tha thứ”.


Vâng, chúng ta hãy thứ tha để được tha thứ.

Petrus.tran 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây