TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

“Hãy ra đi và làm…”

Thứ năm - 13/05/2021 22:01 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   959
“Hãy ra đi và làm…”

Chúa Nhật VII - PS - A - Lễ Thăng Thiên

“Hãy ra đi và làm…”

Từ cổ chí kim, chưa có ai từ cõi chết sống lại, và cũng chẳng có ai “lên trời”, ngoại trừ Đức Giê-su Ki-tô, là người mà chúng ta tôn thờ, và hôm nay, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng kính và tái tuyên xưng, rằng: “…Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết…”

Niềm tin Đức Giê-su lên trời không do tự Giáo Hội đặt ra, nhưng do chính các tông đồ truyền dạy. Các ngài truyền dạy, bởi các ngài chính là nhân chứng.

Thật vậy, tác giả sách Công Vụ, đã dựa vào lời kể của các tông đồ và ghi lại biến cố này, như sau: Đức Giê-su “Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (x.Cv 1, 9-11)

Cũng theo tác giả sách Công Vụ, hôm ấy, có thể nói rằng, các môn đệ đã sống trong tâm trạng rất lạc quan và hy vọng. Niềm lạc quan và hy vọng đó đã kết thành một giấc mơ, và giấc mơ đó đã được thổ lộ với Thầy của mình, rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?”

Khôi phục vương quốc Israel ư! Thật đáng tiếc! Đó không phải là sứ vụ của Đức Giê-su, như có lần Ngài đã nói trước quan tổng trấn Philato: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (x.Ga 18, 36)

Bốn mươi ngày qua, kể từ khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu không ngừng hiện ra với các môn đệ. Và mỗi khi hiện ra với các ông, Ngài chưa một lần hứa sẽ thực hiện nguyện vọng nhuốm mùi “trần thế” của các ông.

Điều Đức Giê-su thực hiện cho các ông, đó là ban sự bình an, như có lần Ngài đã chúc “Bình An cho anh em”. Và, quan trọng hơn, đó là Ngài đã “thổi hơi vào các ông và bảo: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Với “sức mạnh của Thánh Thần”, Đức Giê-su nói: “…khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (x.Cv 1, 8)

Thật vậy, tại Ga-li-lê trên một ngọn núi, nơi “Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến, Ngài cũng đã truyền dạy cho các ông, rằng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (x.Mt 28, 19-20)

Hôm đó, như đã nói ở trên, Đức Giê-su được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người.

Vâng, câu chuyện được kể tiếp rằng: “Đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh mà nói: ‘Hỡi những người Ga-li-lê sao còn đứng nhìn trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1, 10-11).

**

Qua biến cố Đức Giê-su lên trời, thánh Phao-lô đã để lại cho chúng ta một lời chia sẻ sâu sắc, rằng: “Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt bên hữu Người trên trời” (Ep 1, …19-20).

“Người” ở đây, thánh Phao-lô ngụ ý nói đến “Chúa Cha”.

Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, để nói rằng, sẽ thật là ấu trĩ khi nghĩ rằng sự lên trời của Đức Giêsu có nghĩa là “Ngài bay bổng lên không trung và các tầng mây quyện quanh thân Ngài.”

Đức Giê-su lên trời không như một viên phi công lái một chiếc phản lực cơ, bay lên trời. Ngài không lên trời như một phi hành gia lên trời bằng một chiếc phi thuyền.

Trong Kinh Thánh, từ ngữ “trên trời” có nghĩa là chỉ nơi Thiên Chúa hiện diện. “Lên trời” là đi vào sự hiệp thông tuyệt hảo và vĩnh cửu với Chúa Cha và được chia sẻ với Chúa Cha quyền năng và vinh quang. Như có lời được ghi trong Thánh Vịnh: “Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con”.

Biết được như thế, hiểu được như thế, để làm gì? Thưa, là để, nếu hôm nay, có một ai đó nói với chúng ta, đại loại như lời nói của một nữ phi hành gia thời Xô Viết, sau ba ngày “thím ấy” bay trên vũ trụ, khi trở về trái đất, đã tuyên bố rằng: Tôi đã “lên trời” nhưng chẳng thấy Chúa đâu, thì chúng ta có thể trả lời, rằng: Cảm ơn thím, nhờ thím đã không thấy Chúa đâu, nên chân lý ngàn đời: Đức Giêsu thật sự đã “Được rước lên trời”, lại càng đáng tin cậy.

Có không ít người cho rằng, niềm tin vào Đức Giê-su lên trời chỉ là một niềm tin mơ hồ, vớ vẩn của những kẻ ngu dốt, ngu muội.

Có lẽ chúng ta không cần tranh luận gì về lời nhận định này. Chỉ cần nhìn lại lịch sử con người cận đại, ta sẽ thấy, tám mươi phần trăm các nhà khoa học đã tin vào Thiên Chúa. Isaac Newton (1643–1727) hoặc Louis Pasteur (1822-1895), như là những điển hình.

***

Với Lm. Charles E.Miller, khi nói đến biến cố Đức Giê-su lên trời, ngài chú trọng, không phải là Chúa lên bằng cách nào, nhưng là hướng chúng ta đến lời chỉ bảo sau cùng của Đức Giê-su. Vâng, lời chỉ bảo, rất ngắn gọn, rằng: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.

Xưa, các môn đệ đã thi hành mệnh lệnh của Ngài. Và nay, với chúng ta, là một Ki-tô hữu, cũng không loại trừ.

Theo tông huấn Giáo hội tại Châu Á ở số 45, do Đức Gioan Phaolo II viết, thì: “Như Công đồng Va-ti-can II đã chỉ rõ, ơn gọi của người giáo dân đặt họ ngay vào trong thế giới để thi hành những phận vụ đa dạng nhất, chính tại đây họ được mời gọi truyền bá Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô.

Do ơn sủng và do tiếng gọi của bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mọi giáo dân đều là nhà truyền giáo; và địa bàn truyền giáo của họ là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp như: chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao…

Tôi xin gửi lời cám ơn của toàn thể Giáo hội đến họ, và tôi khuyên tất cả các giáo dân hãy nhận lấy vai trò riêng của mình trong đời sống và sứ mạng của Dân Chúa, là làm chứng cho Đức Ki-tô ở bất cứ nơi nào mình có mặt”. (nguồn: Tông Đồ Giáo Dân Thực Hành).

Làm chứng cho Đức Ki-tô ở bất cứ nơi nào mình có mặt ư! Đúng vậy không nhất thiết chúng ta phải có mặt ở Phi Châu, ở Trung Đông hay một nơi nào đó trên thế giới.

Nhưng, trước nhất và quan trọng nhất, đó chính là trong gia đình chúng ta, nơi ta “có mặt” hằng ngày.

Gia đình, như chúng ta được biết, chính là rường cột xã hội, là nền tảng cộng đồng, là chiếc nôi sự sống và là nhà giáo dục đầu tiên, và tất nhiên cũng là một tập hợp để hình thành Giáo Hội.

Chính vì thế, hãy tự hỏi rằng: “Tôi có là một chứng nhân của Đức Giê-su ngay trong gia đình tôi?”

Làm sao để trở thành chứng nhân của Đức Giê-su! Thưa, hãy sống như Đức Giê-su đã sống, đó là một cuộc sống “hiền lành và khiêm nhường”, đó là một cuộc sống biểu lộ tình yêu thương.

Nói rộng ra, đó là biết “đem yêu thương vào nơi oán thù… đem thứ tha vào nơi lăng nhục… đem an hòa vào nơi tranh chấp… chiếu trông cậy vào nơi thất vọng… đem niềm vui đến chốn u sầu”.

Khó lắm chăng? Câu trả lời thuộc về mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, chỉ khi chúng ta thực hiện những điều nêu trên, chỉ khi đó chúng ta mới được gọi là “môn đệ” của Đức Giê-su. Và, chỉ khi chúng ta đã trở thành “môn đệ” của Chúa, chỉ khi đó chúng ta mới có đủ thẩm quyền “đi và làm cho muôn dân thành môn đệ”.

Thế nên, hôm nay, sau khi tham dự thánh lễ mừng kính trọng thể Chúa Giê-su lên trời, chúng ta đừng như các môn đệ xưa, “đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi” nữa, mà hãy nhìn vào chính bản thân mỉnh, và tự hỏi: Tôi có sẵn sàng “ra đi và làm cho muôn dân thành môn đệ”.

Vâng, “Hãy ra đi và làm”, vì đó là lời Chúa truyền dạy.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây