NHÌN LẠI CHÂN DUNG VỊ MỤC TỬ: ĐỨC CHA GIUSE NGUYỄN TÍCH ĐỨC
Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức đã đi vào cõi vĩnh hằng. Thánh lễ an táng được cử hành thật long trọng. Hàng ngàn giáo dân từ khắp nơi trong giáo phận, từng đoàn khách từ phương xa quy tụ về Tòa Giám mục Banmêthuột để viếng linh cữu của người quá cố và tham dự thánh lễ, đồng thời tiễn đưa Giám mục Giuse nghỉ yên trong lòng đất mẹ...
Tất cả những nghĩa cử này đã nói lên tấm lòng của Cộng đoàn giáo phận Banmêthuột đối với vị cha chung. Trong tâm thức, mọi người vẫn nghĩ rằng người ra đi phải là Đức cha Giuse Trịnh Chính Trực, bởi ngài đang ở trong tình trạng bất động, đau lâu ốm dài. Tòa Giám mục Banmêthuột đã nhiều lần trong tư thế chuẩn bị hậu sự cho người cha khả kính. Nhưng mọi người phải chấp nhận một thực tại trong ý định quan phòng của Thiên Chúa. Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức đã ra đi trước, an nghỉ trong vòng tay Thiên Chúa từ nhân.
Đã có nhiều bài viết về Đức cha Giuse. Những tình cảm trào dâng chân thành của những học trò, của những người thân, của những người gần gũi đã tạo nên những ấn tượng sâu đậm. Tuy nhiên để nhìn rõ chân dung mục tử nơi Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức, chúng ta cần phải đặt mình vào trong hoàn cảnh của thời cuộc để có một cái nhìn đúng đắn và toàn diện hơn.
Năm 1967, Giáo phận Banmêthuột được thiết lập. Việc đầu tiên Đức cố Giám mục tiên khởi Phêrô Nguyễn Huy Mai nghĩ tới là việc đào tạo Linh mục. Trên cánh đồng truyền giáo bao la của giáo phận gồm ba tỉnh Daklak, Quảng Đức và Phước Long phần lớn được hình thành từ các giáo xứ thuộc những trại định cư sau Hiệp định Genève năm 1954, một số các cơ sở truyền giáo của các Linh mục Thừa sai chuyển lại từ Giáo phận Kontum và Giáo phận Đà Lạt. Ngoài ra còn nhiều các thôn buôn, làng mạc và nhiều cư dân chưa được đón nhận ánh sáng Tin Mừng... Cha Giuse Nguyễn Tích Đức nhận bài sai về làm giáo sư Chủng viện Lê Bảo Tịnh trong hoàn cảnh này. Từ năm 1958 – 1967, thầy Đức theo học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X, ngày 21/12/1967 được thụ phong Linh mục và sau đó lên đường nhận nhiệm sở mới. Trong ngày tiễn chân con ra phi trường, ông cố của cha trên đường trở về đã gặp tai nạn dẫn đến tử vong. Cuộc đời Linh mục của cha trong giai đoạn đầu cho thấy ý định của bề trên đã định hướng cho cha trong công việc đào tạo ơn gọi. Những thử thách chia ly người thân trong ngày lên đường nhận sứ vụ là sự tôi luyện để con người thêm cứng rắn hầu tiếp tục chiến đấu trong những thử thách sau này.
Biến cố năm 1975 đã làm gián đoạn những dự định chưa thành của một giáo phận còn non trẻ như Giáo phận Banmêthuột. Năm 1978, chủng viện Lê Bảo Tịnh bị giải tán lần 2, các chủng sinh phải trở về quê cũ. Chủng viện bị trưng thu và các cha giáo phải quay trở lại Tòa Giám mục. Hoàn cảnh chung của xã hội khi ấy hầu như tất cả mọi người đều phải trở về đời sống nông nghiệp… Tuy nhiên, Đức cố Giám mục Phêrô vẫn vững niềm tin. Các cha giáo chủng viện Lê Bảo Tịnh lần lượt được sai đi các xứ lân cận gần trung tâm với hy vọng sẽ tiếp tục nuôi dưỡng ơn gọi. Trong thời điểm này, Ngài đã chính thức bổ nhiệm cha Nguyễn Tích Đức làm Giám đốc chủng viện. Với cương vị mới này đặt trên vai cha gánh nặng đào tạo chủng sinh mà không có một nhiệm sở cụ thể. Năm 1986, cha được sai về quản xứ Hưng Đạo, tại đây cha tiếp tục công việc đào tạo và nuôi dưỡng ơn gọi cho tới ngày 31/12/1991, Đại chủng viện Sao Biển được thành lập, khóa chủng sinh đầu tiên được gửi đi học và các khóa kế tiếp đã nhanh chóng bổ sung cho hàng ngũ Linh mục còn thiếu trong giáo phận. Cha vẫn tiếp tục đóng góp công việc đào tạo trên cương vị Giáo sư Đại chủng viện. Giáo xứ Hưng Đạo, một giáo xứ nhỏ nằm gần trung tâm thành phố BMT, là nơi gần gũi để cho các bạn trẻ có chí hướng theo đuổi đời tu trì có dịp gặp gỡ và nuôi dưỡng ơn gọi của mình. Tại giáo xứ này đã nuôi dưỡng biết bao ơn gọi của Giáo phận nhà và đặc biệt là đã hun đúc nên vị Giám mục trong tương lai… Xin được nói thêm về sự kiện khi cha Đức được sai về Quản xứ Hưng Đạo, cha lo âu vì cả đời chỉ biết chăm lo việc dạy dỗ, giáo dục chủng sinh và chưa có một kinh nghiệm nào về việc coi xứ. Vì vậy đối với cha tất cả đều bỡ ngỡ. Tuy nhiên công việc của giáo xứ không đến nỗi bộn bề nên cha có đủ thời giờ chăm lo cho các ứng sinh.
Ngày 04/08/1990, Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Mai qua đời, Đức cha Giuse Trịnh Chính Trực lên kế vị. Đây là một trong những giai đoạn khó khăn chung của xã hội với một cái nhìn hẹp về tôn giáo. Ngày 17/06/1997, cha Giuse Nguyễn Tích Đức được tấn phong Giám mục và được bổ nhiệm làm Giám mục phó. Kể từ đây ngài chính thức chia sẻ và gánh vác công việc của giáo phận với Đức cha Giuse Trịnh Chính Trực. Ngày 29/08/2000, Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức lên lãnh nhận trách nhiệm Giám mục chính tòa, một giai đoạn mới cho vị Giám mục trước đây chỉ chuyên lo cho việc đào tạo vì thế trong khẩu hiệu Giám mục của Ngài ta nhận thấy ý tưởng bộc lộ rõ của một nhà mô phạm: “Xuyến Thượng Tân Nhân” (Ep.4,24) có nghĩa là “Đạt Tới Người Mới”. Một quyết tâm mang một ý nghĩa tích cực trong đời sống của người Kitô hữu. Trong các giáo huấn của Ngài thể hiện tính triết học hơn là những sự kiện của đời thường. Bởi thế khi lãnh nhận trách nhiệm Giám mục, Ngài hết sức lo âu và đã từng tâm sự: “Cuộc đời của cha chỉ muốn dành hết tâm huyết của mình cho việc đào chủng sinh, cánh đồng truyền giáo của Giáo Phận còn bao la. Cương vị Giám mục thật nặng nề với cha. Tuy nhiên trong hoàn cảnh này cha phải chia sẻ gánh nặng với Đức cha chính”.
Đức cha Giuse lên nhận quyền Giám mục Chính tòa Giáo phận Banmêthuột trong những năm đầu của Thiên niên kỷ mới. Xã hội bắt đầu có sự chuyển mình. Tuy nhiên những sự thay đổi chậm chạp đó không đủ làm đổi mới tư duy vốn đã được định hình từ lâu đời. Rất may Đức cha Trịnh Chính Trực tuy về hưu nhưng vẫn còn đủ sức khỏe để chia sẻ với Giám mục đương nhiệm trong những công việc kinh lý mục vụ… 25 năm sau ngày đất nước thống nhất, thời gian chuyển tiếp của thế hệ mới, những Đại chủng sinh của Chủng viện Lê Bảo Tịnh còn lại đã tiến lên bàn tiệc thánh, những ứng sinh của thế hệ mới vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng và gửi đi đào tạo tại Đại chủng viện Sao Biển. Giáo phận Banmêthuột tiếp tục phát triển trong điều kiện khó khăn và thiếu thuận lợi về mặt xã hội. Trong giai đoạn này mọi người đều nhận thấy sức sống của Giáo Hội vẫn bùng lên một cách mãnh liệt từ niềm tin căn bản được gieo trong tâm hồn mỗi người Kitô hữu. Nỗi khát khao đổi mới được biểu hiện qua sự phát triển tại các giáo xứ, các hội đoàn truyền thống được phục hồi. Ban Giáo lý của Giáo phận đã kịp thời hệ thống hóa để đưa chương trình giáo lý của Giáo phận vào một tổ chức nhất quán… Nỗi trăn trở lớn nhất trong cuộc đời Giám mục của Đức cha Giuse đó là sự hiệp nhất trong Giáo hội. Ngài cảm thấy mình bất lực vì không thể xoay chuyển được tình thế mà chỉ biết phó thác chờ đợi sự tác động của Thánh Linh. Cộng thêm trong giai đoạn này, Ngài mắc phải chứng bệnh nan y. Mọi người cảm thấy lo âu khi nghe thông tin Đức cha có dấu hiệu hoại tử ngón chân vì di chứng của bệnh tiểu đường. Mỗi lần kinh lý về các giáo xứ, giáo dân luôn dành cho vị cha chung những món ăn kiêng như nước trái cây và trứng luộc. Sức khỏe của Đức cha ngày càng sa sút trong những năm về sau làm ảnh hưởng tới công việc điều hành của Giáo phận. Những trăn trở về tiền đồ của Giáo phận vượt quá khả năng hạn hữu của một con người đau bệnh. Đôi khi Ngài vẫn ngâm nga câu nói của thánh hiền: “Quân tử ố kỳ danh phi xứ - Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền”, (Người quân tử không để ố danh về những điều thị phi, thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng tới quyền hành)… Vì tinh thần hiệp nhất của Giáo hội, vì lợi ích của Giáo phận và vì xác định giá trị mọn hèn tôi tớ của Thiên Chúa, ngài đã đệ đơn xin từ chức Giám mục. Ngày 17/05/2006, Tòa thánh chấp thuận đơn xin từ nhiệm nghỉ hưu của Ngài.
Trong những năm về sau, căn bệnh trầm kha biểu hiện rõ các di chứng. Ngài đi lại khó khăn, trên khuôn mặt luôn thể hiện dấu hiệu của bệnh hoạn nhưng không ai nghĩ rằng Ngài lại đi trước Đức cha Trịnh Chính Trực, vốn bị tai biến và đang được chăm sóc tại Giáo phận. Và…vào lúc 7g45 sáng thứ 2, ngày 23/05/2011, ngài đã an nghỉ trong Chúa, hưởng thọ 73 tuổi, 44 năm Linh mục (1967 – 2011), 14 năm Giám mục (1997 – 2011).
Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức là một trong bốn cha giáo đầu tiên của chủng viện Lê Bảo Tịnh, cùng với cha Giám đốc Augustinô Nguyễn Văn Tra (Rip), cha Phaolô Lê Thanh Thiên (Rip) và Cha Gioan Bùi Quang Đạo. “Tứ trụ” đầu tiên của chủng viện nay chỉ còn một. Sau Thánh lễ an táng, tôi gặp lại thầy mình. Tôi vừa tiễn một người đi và gặp người còn ở lại. Trong gia đình Lê Bảo Tịnh, có lẽ lớp Vô Nhiễm chúng tôi, lớp anh cả, là những người cảm nhận được nhiều hơn, sâu sắc hơn… Sau 43 năm kể từ năm 1968, mái tóc của trò cũng bạc ngang thầy. Dấu thời gian đã để lại trên khuôn mặt anh em chúng tôi nhiều hoang phế. Những con người bất phùng thời nhưng may mắn được thành nhân nhờ vào nền giáo dục căn bản chủng viện. Tôi muốn dành cho các ÂN SƯ của chúng tôi những tình cảm trìu mến và lòng biết ơn vô hạn. Tôi đứng cạnh cha giáo Bùi Quang Đạo ghi tấm hình kỷ niệm. Tôi thầm thì với cha: “Tứ trụ mất 3 còn 1”. Cha nói lại với tôi: “Hãy làm những gì khi còn có thể”…
Tôi muốn viết thật nhiều những chia sẻ chân thành, giản dị: về Giáo phận Banmêthuột, về Đức cha Vinh Sơn; về những bạn bè thân yêu của tôi đang tiếp tục trên con đường sứ vụ; về những cộng tác viên mà tôi đã có thời cùng hoạt động, về những tấm gương khó nghèo, khả kính; về những nữ tu tài năng nhưng đầy khiêm tốn; những con người đang tiếp tục cuộc hành trình xây dựng nước Trời tại trần thế… Và hôm nay, xin được gửi những chia sẻ này, như thắp một nén nhang thành kính, nguyện cầu cho Thầy an nghỉ trong Chúa từ nhân và cho Giáo phận Banmêthuột thân yêu của tôi ngày càng phát triển.
Cựu môn sinh Lê Bảo Tịnh
Hoàng Công Nga
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn