TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

BÁNH HẰNG SỐNG

Chủ nhật - 09/05/2021 04:17 |   937
BÁNH HẰNG SỐNG

BÁNH HẰNG SỐNG

Không ai có thể phủ nhận rằng, ăn uống là một phần không thể thiếu cho sự sống của con người. Sách Lĩnh Nam chích quái cho biết đôi nét về đồ ăn thức uống của người Việt hồi quốc sơ khi mới dựng nước như sau: “…lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung lư làm cơm, lấy cầm thú, cá, ba ba làm mắm; lấy rễ gừng làm muối, cày bằng dao, trồng lúa, sản xuất nhiều lúa nếp, lấy ống tre mà thổi cơm”. (nguồn: internet)

Rồi từ những nguyên liệu thiên nhiên, bằng tài năng và óc sáng tạo, thức ăn còn được con người chế biến đa dạng và phong phú. Trong những loại thức ăn chế biến, có loại được gọi là bánh.

“Bánh”. Vâng, có thể nói đó là loại thức ăn mà hầu như bất cứ ai cũng đã hơn một lần dùng qua trong cuộc đời mình. Và có vẻ như, bánh là loại thức ăn được tiêu thụ mạnh nhất trong các loại thức ăn trên thị trường thế giới hôm nay.

Có bao nhiêu loại bánh trên khắp thế giới này? Quả là một câu hỏi đầy thú vị. Gõ vào Google chữ “các loại bánh trên thế giới”, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều kết quả hiện ra. Nào là bánh pizza, bánh cake, bánh hotdog, patechaux, bánh dày, bánh chưng, bánh bò, bánh tiêu v.v… Vâng, có rất nhiều loại bánh, với nhiều tên gọi khác nhau, tùy theo cách gọi của mỗi quốc gia, vùng, miền trên hành tinh này.

Có rất nhiều loại bánh. Đúng. Nhưng sự thật hiển nhiên, là có một loại bánh, có đi khắp cả thế giới này, có lên rừng xuống biển, cũng không thể tìm thấy, đó chính là “Bánh Hằng Sống”. Và đó cũng chính là điều mà hôm nay, Giáo Hội Công Giáo muốn mời gọi mọi người hãy trở về Palestina, cách nay hơn hai mươi thế kỷ, để khám phá ra ai là tác giả của loại bánh được mang tên “Bánh Hằng Sống”.

Hơn hai mươi thế kỷ trước, tại thành phố Caphanaum, trong một ngày không êm ả, từng đoàn người bên kia Biển Hồ tràn qua hội tụ nơi đây, khi họ biết rằng, có sự hiện diện của Đức Giêsu.

Nguyên nhân sâu xa của cuộc hội tụ này, là do trước kia, vào những ngày đầu Đức Giêsu thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, họ đã chứng kiến quyền năng của Ngài qua việc chữa lành “mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 4,24).

Một nguyên nhân khác khiến họ kéo đến với Đức Giêsu, đó là, do vài hôm trước, vào một buổi chiều tà, Đức Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để cứu đói họ.

Vì thế, không lạ gì khi thấy, hôm nay, họ lại “đi Caphanaum tìm Người” (Ga 6,24). Họ đi tìm Ngài với mong muốn rằng, Ngài sẽ, một lần nữa, dùng quyền năng, để biến hóa nhiều thứ khác trở thành bánh, để cho họ có thể lại được một bữa ăn no nê.

Họ đã gặp Đức Giêsu. Thế nhưng, cuộc gặp gỡ này, không có tiếng nói chung; Một bên chỉ nghĩ đến những chuyện liên quan tới sự sống “dưới đất”. Còn Đức Giêsu, Ngài muốn họ nhận ra rằng, còn có sự sống “trên trời”. Sự sống đó không thể được nuôi dưỡng bởi những thứ “lương thực mau hư nát” nhưng phải được nuôi bởi thứ “lương thực trường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh” (Ga 6,27).

Thật ra, không phải là họ không ao ước có được thứ lương thực đem lại hạnh phúc trường sinh. Nhưng! Vâng, quả thực là khó nuốt trôi bởi những lời Đức Giêsu đã công bố với họ rằng: “Chính tôi là bánh trường sinh… Và bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,48-…51).

Bất chấp những lời “xầm xì phản đối”. Bất chấp những lời tranh luận giữa họ với nhau. Bất chấp họ nghi ngờ về việc “Ngài có thể cho mọi người ăn thịt của Ngài”. Đức Giêsu vẫn xác quyết rằng: “Tôi là BÁNH HẰNG SỐNG”.

Một chút tâm tình.

Qua cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và nhóm người Do Thái được kể lại ở trên, phải chăng, Đức Giêsu không quan tâm điều mà con người rất cần đến, đó là lương thực nuôi thân xác!?

Thưa rằng, không phải vậy! Muốn có bánh để “được ăn, được no nê” ư?! Chẳng có gì khó đối với Đức Giêsu. Ngài đã chẳng từng nói “hãy xin thì sẽ được” kia mà.

Vấn đề là, biết đâu, như lời ông Môse đã nói với toàn dân Israel năm xưa, rất có thể, khi được như thế “anh em sẽ… kiêu ngạo mà quên Đức Chúa” (Dnl 8,…14).

Có lẽ, nhóm người Do Thái quên mất vai trò và sứ vụ của Đức Giêsu. Ngài đến thế gian không để trở thành nhà ảo thuật, biến “đá thành bánh”. Bởi nếu có làm như thế thì tấm bánh đó cũng chẳng khác nào “manna xưa, tổ tiên họ đã ăn và đã chết”

Vai trò và sứ vụ của Đức Giêsu đến thế gian, là “để cho thế gian được sống”. Được-sống-muôn-đời bằng một thứ manna mới. Manna mới đó chính là Mình và Máu của Ngài, như lời Ngài đã nói “thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” (Ga 6,55).

Một phút suy tư

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng Lễ Mình Máu Chúa Kitô. Mình Máu Chúa Kitô chính là trung tâm điểm của đời sống Kitô hữu. Hay nói một cách rõ nét hơn, Mình Máu Chúa Kitô chính là nguồn sống cho những ai là Kitô hữu.

Đây không phải là một niềm tin mơ hồ. Nó đã được xác tín bởi lời khẳng định của Đức Giêsu: “Tôi là BÁNH HẰNG SỐNG từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.

“Được sống và sống muôn đời”. Vâng, đó là ước mơ không nguôi của con người. Đã có nhiều người tốn biết bao thời gian lẫn tiền bạc để mua cho được sự sống đời đời. Rất tiếc, mọi người đều thất bại. Hay bất quá, họ chỉ có thể kéo dài sự sống mà không thể ngăn được sự chết.

Muốn “được sống và sống muôn đời” ư?! Chỉ cần một niềm tin: “Tin vào Đấng Người đã sai đến” và hãy đến với Đức Giêsu theo lời mời gọi của Ngài: “Hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

Tin và đến. Vâng, chắc chắn rằng: Đức Giêsu sẽ “bồi dưỡng” chúng ta thứ bánh hằng sống từ trời xuống.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây