TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy đến cùng TA

Chủ nhật - 09/05/2021 04:22 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   744
Hãy đến cùng TA

Hãy đến cùng TA

“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất, Thiên Chúa sáng tạo con người. Cho con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”. (Stk 1, 26). “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Một hồng phúc mà chỉ “con người” mới có diễm phúc được nhận lãnh.

Chương thứ hai sách Sáng thế ký mô tả rõ nét về hồng phúc đó, rằng: “Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Eden, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra... Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eden, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2, 8...15).

Buồn thay! Chỉ vì nguyên tổ phạm tội bất tuân; con người mất hết hồng phúc Thiên Chúa đã ban. Đang ở địa vị bá chủ muôn loài, giờ đây nguyên tổ đã phải lãnh nhận một án phạt nặng nề. Một án phạt chỉ nghĩ đến cũng đủ “mệt mỏi và gánh nặng”. Đó là, con người từ đây “phải cực nhọc mọi ngày trong đời mới có miếng ăn.” (Stk 3, …17)

Án phạt “phải cực nhọc” được ba lần tuyên bố. Lệnh trục xuất con người ra khỏi vườn Eden cũng đã được thực thi. Có thể kết luận rằng, cuộc sống của con người như bị phủ trùm bởi một màn đêm của những “gánh sầu thương mệt mỏi hai vai” (1), để rồi hôm nay, hậu duệ của nguyên tổ chỉ còn biết thở than rằng: “Cuộc đời bon chen giữa muôn con người; Cùng niềm lo lắng, áo cơm bạc tiền!!!” (2).

Thế nhưng, Thiên Chúa không vì thế mà để cho con người chìm đắm trong mệt mỏi và gánh nặng. Ngài là Ðấng từ bi và nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên”. (Tv 145:8-9).

Nếu xưa kia, Thiên Chúa “đuổi con người” ra khỏi vườn Eden. Thì hôm nay, Con Thiên Chúa là Đức Giêsu, cất tiếng kêu gọi con người “Hãy đến cùng TA”.

Nếu xưa kia, Thiên Chúa phạt con người “phải cực nhọc mọi ngày trong đời”. Thì hôm nay, Thánh Tử của Người, hứa sẽ đem lại cho con người một cuộc sống “êm ái và nhẹ nhàng”.

Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đã chuyển hóa những lời rao giảng bằng hành động cụ thể. Ngài đã làm vơi đi những mệt mỏi và gánh nặng nơi con người. Ngài khiến cho người mù thấy được, người điếc nghe được. Ngài đã chữa lành “mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt”. Nói tắt một lời, Đức Giêsu đã làm cho con người “được sống và sống sung mãn”(Ga 10,10).

Trước hàng ngàn cử tọa, Đức Giêsu đã cất tiếng nói: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường, nên hãy gánh lấy ách của ta và học theo ta, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Một phút tâm tình

Với những gì Đức Giêsu đã nói, phải chăng đây là một lời mời gọi có kèm theo một lệnh truyền!? Và phải chăng chính lệnh truyền đó gây ra sự mâu thuẫn cho lời nói trên!?

Đúng vậy! Đến với Thiên Chúa, lời mời gọi luôn kèm theo một lệnh truyền. Hãy nhớ lại trường hợp của Apraham khi xưa. Ông ta cũng đã nhận được một lời mời gọi của Thiên Chúa: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha người, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (Stk 12,1). Và kèm theo lệnh truyền “hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của người là Isaac… mà dâng nó làm lễ toàn thiêu”. (Stk 22,1).

Và cũng chẳng mâu thuẫn chút nào, lệnh truyền kèm theo, dẫu có nghiệt ngã đến đâu, cũng là cách Thiên Chúa thử thách lòng tin con người. Câu chuyện ông quan Naaman là một ví dụ điển hình. Nếu ông ta không thực thi lệnh truyền của “ông Elisa… đi tắm bảy lần trong sông Giodan”, nếu ông ta không vượt qua được sự thử thách đó, thì làm sao, đang là một kẻ “mắc bệnh phong hủi” nay “da thịt ông trở nên như da thịt một đứa trẻ nhỏ” cho được!!!

Một điều cần lưu ý là, chính sự “khiêm nhường” của Naaman, không kiêu ngạo coi mình là một “nước lớn” có hai con sông hùng vĩ “Avana và Pacpa” tốt hơn và sạch hơn con sông Giodan của một Israel nhỏ bé, nó đã chuyển động tâm hồn ông, một con người “thần thế” trở nên khiêm hạ trước một “Êlisa – người của Thiên Chúa”.
“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường, nên hãy gánh lấy ách của ta và học theo ta, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.”. Vâng, đây chính là một lệnh truyền vàng ngọc, một lệnh truyền, chỉ những ai, như lời Đức Giêsu nói “được Thiên Chúa mặc khải” mới có thể cảm nhận rằng, quả thật “Ách của Chúa thật dễ chịu và gánh của Ngài thật nhẹ nhàng”.

Một phút suy tư

Thế giới hôm nay không thiếu những lo lắng và gánh nặng. Có người mang gánh nặng tài chánh, thiếu trước hụt sau vì đang trong cảnh thất nghiệp! Có người mang gánh nặng gia đình, ông nói gà bà nói vịt, con cái có biểu hiện bất tuân. Cũng có người mang gánh nặng về thể xác, bệnh hoạn yếu đau. Tuổi đời càng cao, ôi sao, sức khỏe càng yếu!!!

Đó là chưa nói tới gánh nặng tội lỗi. Chính gánh nặng tội lỗi đã đưa con người đến chỗ diệt vong.

Hãy tự hỏi mình rằng, tôi đang ở trong tình trạng nào!? Gánh nặng nào đang đè nặng trên cuộc đời tôi? Tôi sẽ làm gì để tháo bớt gánh nặng trên cuộc đời mình!?

Câu chuyện sau đây như một lời giải đáp. Một anh quản thủ thư viện, phải ôm một chồng sách lớn, đi từ lầu một lên lầu năm. Quả là một gánh nặng đối với anh ta. Để bớt đi gánh nặng đó, anh ta chỉ cần làm một động tác giản dị, đó là giao bớt số sách cho một người khác mang dùm.

Cũng vậy, với những ai đang “dong duỗi đường gió bụi, gánh sầu thương mệt mỏi hai vai”(3). Vâng! Hãy đến cùng Đức Giêsu. Và hãy giao bớt gánh nặng của mình cho Ngài.

Hãy nghe lại lời mời gọi vàng ngọc của Đức Giêsu: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường, nên hãy gánh lấy ách của ta và học theo ta, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Lời mời gọi này gợi cho chúng ta nhớ lại hình ảnh Simon người Kyrene năm xưa. Ông ta đã “gánh lấy ách của Đức Giêsu” qua việc vác chung gánh nặng thập giá của Ngài. Một cách nào đó, Đức Giêsu cũng đã gánh bớt gánh nặng đường đời của ông ta.

Đức Giêsu không nói: hãy đến ông vua này, ông quan lớn kia để xin các vị đó cho ta được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Ngài nói: “Hãy đến cùng TA”.

Chúng ta sẽ đến cùng Giêsu? Nếu chúng ta đến. Vâng, hãy hợp lòng cùng Vua David, một người đã từng trải nghiệm ơn cứu rỗi, mà: “trút nhẹ gánh lo vào tay CHÚA. Người sẽ đỡ đần cho, chẳng để chính nhân phải nghiêng ngửa bao giờ” (Tv 55, 23).

Petrus.tran

...........
(1) và (3) : trích nhạc phẩm Kìa ai - tác giả Vinh Hạnh.
(2) : trích nhạc phẩm Lo gì - tác giả Đức Dũng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây