TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức Giê-su là ai?

Thứ năm - 13/05/2021 00:08 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   915
Đức Giê-su là ai?

Chúa Nhật XXIV - TN – B

Đối với tôi, Đức Giê-su là ai?

Là một Ki-tô hữu, là người tin vào Đức Giê-su. có bao giờ chúng ta tự hỏi: “Giờ này, đối với tôi, Đức Giê-su là ai?”.

Đức Giê-su là ai? Đó là một câu hỏi đã làm thổn thức cho rất nhiều học giả, đã làm tốn kém không biết bao nhiêu giấy mực trong giòng chảy văn hóa của con người.

Ki-tô giáo đã có hơn hai ngàn năm. Tất nhiên nhân loại ít nhiều cũng đã biết Đức Giê-su là ai. Thế nhưng, những cái “biết” của nhân loại thường thì để thỏa mãn tính hiếu kỳ và có đôi lúc để xúc phạm hoặc là để châm biếm rằng thì-là-mà một ông Giê-su chỉ là con bác thợ mộc, cớ sao lại là người đến thế gian, để thế gian nhờ đó mà được cứu độ?

Với chúng ta, là một Ki-tô hữu, đặt câu hỏi Đức Giê-su là ai, là để biết, để sống, để yêu, để dấn thân, để phục vụ… như Ngài, và nếu cần, để sẵn sàng chết như Ngài.

Thế nên, thật phải đạo khi chúng ta trở về vùng Xê-da-rê Phi-lip-phê, nơi được biết đến, xưa kia, chính Đức Giê-su cũng đã đặt ra một câu hỏi với các môn đệ của mình, rằng “anh em bảo Thầy là ai?”, để xem các môn đệ đã trả lời ra sao và câu trả lời đó có phải cũng là câu trả lời của chúng ta hôm nay, hay không?

**
Vâng, câu chuyện được kể lại rằng: Hôm đó, Đức Giê-su cùng các môn đệ của Người đi tới các làng mạc vùng Xê-da-rê Phi-lip-phê. Dọc đường, Người đã hỏi các môn đệ, rằng: “Người ta nói Thầy là ai?”

Thầy là ai ư! Thưa, hôm đó, các môn đệ đã nói với Đức Giê-su rằng: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (x.Mc 8, 28)

Nghe những lời tường trình đó, không thấy Đức Giê-su xác nhận hay phủ nhận. Chỉ thấy Ngài tiếp tục đặt thêm một câu hỏi, một câu hỏi dành riêng cho các môn đệ. Ngài hỏi rằng: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Thầy là ai ư! Vâng, tuy đã theo Thầy Giê-su đã lâu và được thấy nhiều việc Ngài đã làm, từ những lời giảng dạy như một “Đấng có thẩm quyền”, đến những phép lạ vô tiền khoáng hậu, như trừ quỷ, chữa khỏi bất cứ ai ốm đau hoặc mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, thế nhưng, các ông vẫn không thể nói lên được một lời nhận định về Thầy của mình.

Rất may, hôm đó, duy nhất… duy nhất chỉ có một mình tông đồ Phê-rô lên tiếng trả lời. Ông đã trả lời, rằng: “Thầy là Đấng Ki-tô”.

***
“Thầy là Đấng Ki-tô”. Thật ra, không chỉ mình Phê-rô nói lên được lời tuyên xưng này. Tại Giê-ru-sa-lem cũng đã có người nói Đức Giê-su “là Đấng Ki-tô” (x.Ga 7, 41).

Vấn đề ở đây là Đấng Ki-tô mà người Do Thái nói đến là một Ki-tô thế tục, một Ki-tô sẽ làm vua Israel, một Ki-tô sẽ đứng lên chống lại đế quốc Roma, một đế quốc đang cai trị Israel, để tái lập lại đất nước Israel mới. Có vẻ như Tông đồ Phê-rô cũng có cùng suy nghĩ như những người Do Thái.

Đúng vậy, khi Đức Giê-su tiếp tục nói với các ông, rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”, phản ứng của Phê-rô sau lời tuyên bố của Đức Giê-su là “trách Người”.

“Thầy là Đấng Ki-tô”. Đúng, một Đấng Kitô là vua, nhưng chỉ là vua, sau khi “từ cõi chết trỗi dậy”. Thế nên, Ngài đã nói cho Phêrô cùng nhóm môn đệ rằng: “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

****
Tư tưởng của Thiên Chúa, đó là: Đức Giê-su là Đấng Ki-tô nhưng là Đấng Ki-tô “phải được giương cao”, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, một Đấng Ki-tô đã được Đức Giê-su mô tả như là “một cây nho” như có lần Ngài nói “Thầy là cây nho các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong kẻ ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (x.Ga 15, 5).

Thế nên, là một Ki-tô hữu, chúng ta không chỉ cần biết đến Đức Giê-su qua việc học giáo lý hay qua những chân lý mà Giáo Hội Công Giáo dạy, nhưng còn cần phải có được một đời sống liên kết mật thiết với Đức Giê-su như cành nho và cây nho. Không có sự liên kết mật thiết với Đức Giê-su trong đời sống của mình, chúng ta chưa thể trở thành một Ki-tô hữu đích thực.

Ki-tô hữu đích thực không thể tách khỏi Đức Giê-su Ki-tô. Không có Đức Giê-su Ki-tô, người Ki-tô hữu đích thực hết là Ki-tô hữu đích thực. Người Ki-tô hữu đích thực, vì là một cành nho trong một cây nho là Đức Giê-su Ki-tô, nên được gọi là “Alter Christus – Ki-tô khác”.

Tông đồ Phao-lô đã có được sự cảm nghiệm này trong đời sống đức tin của mình. Ngài đã nói lên niềm xác tín này với cộng đoàn Ga-lát, rằng: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (x.Gl 2, 20)

Thế nên chúng ta… chúng ta cũng cần có được sự cảm nghiệm này trong đời sống đức tin của mình. Bởi vì, chỉ có sự cảm nghiệm này, chúng ta mới có thể, có câu trả lời chính xác cho câu hỏi: “Giờ này, đối với tôi, Đức Giê-su là ai?”

*****
Giờ này, đối với tôi, Đức Giê-su là ai? Vâng, có một lời chia sẻ, tuy đã cũ, nhưng thiết tưởng vẫn còn giá trị cho chúng ta hôm nay.

Linh mục Jude Siciliano, OP, chia sẻ, rằng “Vào những giai đoạn khác nhau trong đời, chúng ta cũng bị chất vấn những câu như thế và chúng ta phải trả lời chứ không chỉ dừng lại công thức tuyên xưng đức tin hay câu trả lời mà chúng ta học được từ các lớp giáo lý khi còn là trẻ con, nhưng phải là câu trả lời từ một đức tin trưởng thành được nuôi dưỡng bởi các bí tích, bài đọc, các cơ hội học hỏi trong giáo xứ, qua cầu nguyện, suy tư Lời Chúa – cũng như những gì chúng ta học được từ nỗ lực nhằm trả lời cho những thiếu thốn của con người và thế giới quanh ta”.

Đúng vậy, nếu câu trả lời của chúng ta chỉ là những câu tuyên xưng ngoài môi miệng thì, chẳng khác nào, như lời tông đồ Giacôbê nói “mình có đức tin mà không hành động theo đức tin”.

Hãy tưởng tượng, mỗi Chúa Nhật, chúng ta sốt sắng tham dự thánh lễ, chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng đã “chịu nạn chịu chết để chuộc tội” cho chúng ta… Thế nhưng, chúng ta lại phớt lờ lời Chúa dạy dỗ “anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em”, chúng ta thờ ơ, trước biết bao con người “…Đang ngồi quanh đây trán in vết nhăn. Đêm nằm nghe lòng quặn sôi lên giữa cơn mộng lành”… Tuyên xưng như thế, thánh Giacôbê nói, thì “nào có ích lợi gì”. (Gc 2, …14).

Vâng, chẳng có ích lợi gì “cho những thiếu thốn của con người và thế giới quanh ta” và điều đó tố cáo chúng ta là những kẻ, tuy có “đức tin”, nhưng chỉ là thứ “đức tin không có hành động… đức tin chết”.

Để cho lời tuyên xưng sống động, chúng ta phải hành động, một hành động dám sống một cuộc sống phản ảnh trung thực một hình ảnh Đức Giêsu “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu”, dám “từ-bỏ-chính-mình, vác thập giá mình hằng ngày”, thập giá của tình yêu thương “không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù” (1Cor 13, 4-5)

Hãy thử nghĩ xem, nếu ai trong chúng ta đều có một đời sống “không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù” thì, trong gia đình, làm sao có thể xảy ra cảnh đâm-cha-chém-chú, làm sao có thể vì chút khó khăn, chút buồn phiền mà vợ hoặc chồng phải cất lên tiếng ca “Thôi là hết em đi đường em… Tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi” v.v… Trái lại, gia đình chúng ta sẽ là một gia đình “Anh em hòa thuận. Vợ chồng ý hợp tâm đầu”. Còn ngoài xã hội thì sao! Có phần chắc là, nơi chúng ta ở sẽ là một nơi “láng giềng thân thiết”.

Vâng, có thể kết luận rằng, thực hiện những điều nêu trên, đó là cách tuyên xưng sống động nhất, một lời tuyên xưng mang nhãn hiệu “Mến Chúa – Yêu người”, điều mà chính Đức Giê-su mời gọi.

Nói cách khác, đó chính là câu trả lời tuyệt hảo nhất cho câu hỏi “Giờ này, đối với tôi, Đức Giê-su là ai?”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây