TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Liên khúc của tình yêu

Thứ năm - 13/05/2021 00:14 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   699
Liên khúc của tình yêu

Chúa Nhật XXVII – TN – B

Chuỗi Mân Côi: “Liên khúc của tình yêu”

Chúng ta bắt đầu bước vào tháng mười. Theo lịch phụng vụ, tháng này được gọi là tháng Mân Côi. Và như một truyền thống đẹp, Giáo hội dành riêng Chúa Nhật đầu tháng để kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi.

**
Đức Mẹ là ai? Thưa, đó là Đức Maria, ngài là người đã được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện chương trình cứu độ của Người.

Cuộc tuyển chọn Đức Maria không ồn ào, không ầm ĩ bởi những tiếng sấm chớp như những cuộc tuyển chọn các ngôn sứ trong thời Cựu Ước. Sứ thần của Thiên Chúa đến nhà Mẹ trong sự tĩnh lặng với những lời đối thoại đầy chân tình.

Hôm ấy, qua môi miệng sứ thần, Thiên Chúa đã gửi đến Đức Maria một lời chào hỏi đầy trân trọng “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”.

Chuyện kể rằng: “Nghe lời ấy, (Mẹ) bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1, 29).

Nhìn nét mặt bối rối của Đức Maria, sứ thần Chúa giải thích, rằng “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”.

Thiên Chúa, qua lời sứ thần, đã gởi đến Đức Maria một lời tuyên bố, lời tuyên bố có thể hiểu như một lời tuyển chọn, rằng “Này đây bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao…”

Thế nhưng, với cô nàng thiếu nữ Maria xưa, thì lời tuyển chọn đó lại như thể là một tiếng sét… tiếng sét của âu lo, của bối rối…

Biết rằng mình chỉ là một cô thiếu nữ thôn dã. Lại là cư dân của Galilê, gọi là Na-da-rét, một địa danh được biết đến như là một nơi “chẳng có cái gì hay cả…”, làm sao có thể là mẹ “Con Đấng Tối Cao”? Hơn nữa, vâng, Đức Maria đã nói lên những trở ngại của mình rằng: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”.

Thế nhưng, đó vẫn là cách Thiên Chúa tuyển chọn.

Trước kia, Người đã tuyển chọn một Môsê, dù ông ta “không phải là kẻ có tài ăn nói” (Xh 4, 10) hoặc như ngôn sứ Giêrêmia, khi ông ta “còn quá trẻ (và cũng) không biết ăn nói” (Gr 1, 6)…

Thì, hôm nay, chuyện “không biết đến việc vợ chồng” ư! Cũng chẳng sao. Như là một mệnh lệnh, sứ thần Chúa tuyên bố: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.

Để đóng ấn cho việc tuyển chọn, sứ thần Chúa lớn tiếng nói: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Nghe thế, Đức Maria cất tiếng nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

Maria, nàng thôn nữ miền Na-da-rét, từ giờ phút cất tiếng “Xin vâng”, người đã gắn chặt cuộc đời mình cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa, gắn chặt cho tới khi được thực hiện một cách hoàn hảo, hoàn hảo với cái chết của Con Trời Giê-su trên thập giá tại Golgotha.

***
Trên đây, chúng ta đã nói về Đức Mẹ. Bây giờ hãy nói tới hai chữ Mân Côi. Vâng, có rất nhiều tác giả, cách này cách khác, phân tích, giải nghĩa về hai chữ này. Tuy nhiên, tựu chung khi kết luận, hầu như mọi tác giả cùng đưa ra một lời khuyên chung, đó là “Hãy năng lần hạt Mân Côi”

“Lần hạt Mân Côi” là gì? Thưa, lần hạt Mân Côi hay còn gọi là chuỗi Mân Côi, theo truyền thống là một trăm năm mươi kinh, được chia thành mười lăm mầu nhiệm, dựa vào Kinh Thánh, đó là: năm sự Vui, năm sự Thương, năm sự Mừng. (Và mới đây, thêm năm mầu nhiệm: năm sự sáng).

Tổng hợp tất cả hai mươi mầu nhiệm, nên chăng gọi chuỗi Mân Côi chính là một “Liên khúc của tình yêu”?

Thật vậy, với mầu nhiệm “năm sự vui”, Thiên Chúa, qua sứ thần Gáp-ri-en, loan báo cho chúng ta tin vui rằng: Một “Người trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

“Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” đó chính là những lời nhạc đầu tiên cho “Liên khúc của tình yêu”, một liên khúc, sau này đã được chính Đức Giê-su tiếp nối với những lời ca, rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Và đến mầu nhiệm “năm sự thương”. Vâng, đúng là đáng thương, đáng thương đến độ phải “nén đau thương, vương ngậm ngùi” về một Giê-su Con Trời, bị đánh đòn, đầu đội mão gai, vác thánh giá, và cuối cùng là chết trên Thánh giá… vì ai? Thưa, “Chỉ vì tình yêu Chúa chịu nhục thân chết cho trần gian… Để cứu muôn người lỗi tội đưa về Trời đẹp tươi”

Vâng, qua việc hy sinh chính mạng sống của mình, “Con Chúa Trời” đã làm đúng như những gì Ngài đã rao giảng, “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu. Người liều mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13)

Với mầu nhiệm “năm sự mừng” ư! Vâng, quả đúng là vui mừng và hy vọng. Con Chúa Trời đã đem niềm vui mừng và hy vọng đến cho nhân loại qua việc “sống lại và lên trời”.

Sự sống lại và lên trời của Đức Giê-su đã cho những ai “tin vào Ngài” niềm vui mừng và hy vọng về một ngày sau cũng sẽ được sống lại từ cõi chết.

Với mầu nhiệm “năm sự sáng”. Suy niệm mầu nhiệm năm sự sáng chúng ta sẽ nhìn thấy dung nhan “Giêsu Con Trời” sáng tỏa trên núi Tabor, tại nơi đây, Thiên Chúa đã xác thực Ngài chính là “Con (Trời) yêu dấu”. Ngài đến thế gian “không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ (Ngài) mà được cứu độ”.

Còn nữa, Ngài đến thế gian để ban tặng cho nhân loại “Mình và Máu” với lời khẳng định “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (x.Ga 6, 54).

Hai mươi mầu nhiệm, tất cả đều tỏa sáng bốn chữ “chỉ vì tình yêu”, đúng như lời thánh Gioan tông đồ đã nói “Chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, …10).

Vậy, có gì ngăn cản chúng ta gọi chuỗi Mân Côi chính là một “Liên khúc của tình yêu”.

****
Là một tín hữu Công Giáo, có lẽ không ai trong chúng ta lại không lần chuỗi Mân Côi. Thế nhưng, có bao giờ chúng ta đặt ra một câu hỏi cho mình, rằng: “Tôi đã đọc chuỗi Mân Côi trong tâm tình như thế nào?”

Hãy tự hỏi lòng mình, rằng: tôi có đọc “lấy cho được một trăm năm chục kinh”, đọc tới đọc lui cho vui cửa vui nhà? Xin thưa, nếu đọc như vậy, chẳng khác nào chúng ta “tụng kinh”… chỉ thiếu “cái mõ”!

Hãy tự hỏi lòng mình, rằng: tôi có “miệng đọc lòng suy”, suy gẫm những mầu nhiệm trong tâm tình phó thác, xin vâng… như Đức Maria xưa đã một lòng phó thác xin vâng? Xin thưa, nếu đọc như vậy, chúng ta đã làm cho chuỗi Mân Côi trở thành một bản concerto bất hủ.

Đừng quên, Đức Giê-su đã dạy rằng: “Không phải tất cả những ai nói với Thầy: ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa’, là được vào nước trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”.

Cũng vậy với Chuỗi Mân Côi. Chúng ta không thể cất tiếng đọc “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội…” nhưng rồi cuộc đời của mình lại chẳng bao giờ xin cho được “ăn năn tội nên” hầu có thể “đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa”.

Cất tiếng đọc kinh Mân Côi, chúng ta còn phải sống “khiêm nhường”, biết “vâng lời chịu lụy” và có “lòng yêu người” đúng như những lời suy gẫm… Vâng, chỉ cần thế thôi… có phần chắc, chuỗi Mân Côi của chúng ta sẽ là một “Liên khúc của tình yêu”.

Thưa Bạn, trong ngăn tủ tâm hồn của bạn đã có bản “Liên khúc của tình yêu” bất hủ này? Nếu chưa, chúng ta hãy “trông lên Mẹ là gương mẫu của đời ta”.

Tại sao phải trông lên Mẹ? Thưa, là bởi, Mẹ sẽ là người dạy ta hai tiếng “xin vâng”. Chính hai tiếng “xin vâng” này, nó sẽ là tiền đề giúp ta phổ lên những ca khúc “khiêm nhường”, “vâng lời chịu lụy” và cuối cùng là “lòng yêu người”.

Có những ca khúc này, có gì ngăn trở ta trình làng trước bàn dân thiên hạ bản “Liên khúc của tình yêu”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây