TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đôi mắt ta “nhìn thấy được”?

Thứ năm - 13/05/2021 00:37 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   719
Đôi mắt ta “nhìn thấy được”?

Chúa Nhật XXX – TN – B

Đôi mắt ta “nhìn thấy được”?

Đức Giê-su trong những ngày còn tại thế, Ngài có phán dạy rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy… Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy…”. (x.Mt 7, 7-8)

Lời phán hứa của Đức Giê-su, không phải là “hứa cho nhiều rồi lại quên” như người đời thường hứa. Đối với Ngài, hứa phải làm và vấn đề còn lại, đó là: hãy tin.

Câu chuyện “Người mù ở thành Giê-ri-khô” được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mac-cô, như một minh chứng điển hình.

**
Vâng, diễn tiến câu chuyện xảy ra vào một ngày Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. 

Nói tới thành Giêrikhô, tưởng cũng nên biết, xưa kia, vào thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã làm rất nhiều phép lạ tại đây. Một trong những phép lạ đó, chính là phép lạ Thiên Chúa làm cho “nước hóa lành” khi mà ở Giêrikhô “địa thế của thành thì tốt, nhưng nước thì độc và xứ sở bị nạn vô sinh”. Phép lạ đó đã hồi sinh dân thành Giêrikhô. (2V2, 21-22).

Còn hôm nay, cũng là Giêrikhô, một lần nữa, người ta lại một phen sửng sốt khi nhìn thấy tỏ tường phép lạ của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu.

Hôm đó, khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì, có một anh mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh ta tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. Khi nghe nói đó là “Đức Giê-su Na-da-rét”, thế là anh ta vội vàng ngồi bật dậy và lớn tiếng kêu “Lạy ông Giêsu, Con Vua David, xin rủ lòng thương tôi!” (Mc 10, 48).

Nói tới sự mù lòa, có thể nói rằng, đó là nỗi bất hạnh lớn đối với những ai phải gánh chịu. Hãy tưởng tượng, nếu tôi là một người mù, một người mù cô đơn trong một căn nhà lá tồi tàn, ngày hay đêm đều không có ý nghĩa gì, vì đôi mắt đã trở thành vô dụng. Hãy tưởng tượng đi! Phải chăng, đó là một cảm giác tồi tệ nhất trong đời mình!

Vâng, Deep Purple cảm thông được điều đó, qua nhạc phẩm “When a Blind Man Cries”, người nhạc sĩ đã nói lên nỗi lòng của một người mù như sau: “… I’m a blind man and my world is pale. When a blind man cries, Lord, you know there ain’t no sadder tale.” (tạm dịch: Tôi là một người đàn ông mù và thế giới của tôi là nhạt. Khi người đàn ông mù khóc, lạy Chúa, Chúa biết… đó không phải là không có câu chuyện buồn)

Trở lại với anh mù Ba-ti-mê, buồn thay, những người cùng thời với anh ta không một chút cảm thông, khi thấy anh cất tiếng gọi Đức Giê-su, họ… tệ thật, đã “quát nạt bảo anh ta im đi”.

Nhưng, với Đức Giê-su thì khác. Anh mù Ba-ti-mê đã nhận được từ nơi Ngài, không chỉ sự cảm thông mà còn cả lòng thương xót.

Đức Giê-su đã từng nói: “Con Người đến là để tìm và cứu”. Nay, có người tìm đến, có lẽ nào Ngài không cứu sao!

Người đàn ông trong nhạc phẩm của Deep Purple rất cô đơn, anh ta đã than thở, rằng: “If you’re leaving, close the door. I’m not expecting people anymore - Nếu anh ra đi thì đóng cửa lại, tôi chẳng chờ mong ai đó đến thăm đâu”.

Nhưng, với Ba-ti-mê thì không. Đức Giê-su đã không để anh ta phải cô đơn, như những người mù sống cô đơn trong một căn nhà trống vắng nào đó. Ngài đã đến và đã nói với mọi người, rằng: “Gọi anh ta lại đây!”

Thế là, người ta gọi anh mù và bảo “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy”.

Khi được gọi, thánh Mác-cô đã mô tả niềm vui mừng của anh rất xúc động: “Anh mù vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su”.

Xưa, ngôn sứ Giêrêmia có nói “Đức Chúa đã phán thế này: Reo vui lên mừng Giacop… Này Ta sẽ … quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất. Trong chúng, có kẻ đui, người què… tất cả cùng nhau trở về… Chúng trở về nước mắt tuôn rơi. Ta sẽ an ủi, và dẫn đưa chúng”! (Gr 31, 7-9)

Và, hôm nay, Đức Giê-su đã làm cho anh mù Ba-ti-mê phải “reo vui lên” và gửi đến anh ta một lời an ủi hơn cả lời an ủi, rằng: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” – “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Vâng, anh ta đã nói lên ước muốn của mình với một tâm trạng tràn đầy niềm tin và hy vọng.

Hôm đó, Chúa biết… Đức Giê-su biết và Ngài đã nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh”.

Câu chuyện kết thúc thấm đậm lòng thương xót của Đức Giêsu, Ngài đã cho “anh ta nhìn thấy được” (Mc 11, …52).

**
Chúng ta thường nghe nói “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Tạ ơn Chúa, đại đa số chúng ta có một “cửa sổ tâm hồn” rất đẹp. Thế nhưng, có phải thế mà chúng ta nghĩ rằng câu chuyện anh mù Ba-ti-mê không liên quan tới chúng ta!

Thưa, có đấy. Anh Ba-ti-mê mù phần “thuộc thể” nhưng không mù phần “thuộc linh”. Đôi mắt thuộc thể của anh không nhìn thấy khuôn mặt Đức Giê-su ra sao, nhưng đôi mắt thuộc linh của anh ta đã nhìn ra Đức Giê-su là “Con vua Đa-vít”. Anh ta đã cất tiếng cầu xin “Lạy Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi”.

Đối với người Do Thái thời đó, Con vua Đa-vít chính là Đấng Mê-sia, Đấng mà mọi người đang chờ đợi, rằng, Người sẽ làm cho “…kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy.” (x.Is 29, 18).

Thế nên, qua câu chuyện anh mù Ba-ti-mê, chúng ta cần tự hỏi mình, rằng: “tôi có mù phần thuộc linh?”

Đôi mắt thuộc linh bị mù, điều tất yếu xảy ra, đó là, đôi mắt thuộc thể của ta sẽ trở nên “mù…quáng”.

Mà, sự “mù quáng”… vâng, lịch sử đã cho thấy, nó dẫn con người đi đến thung lũng âm u của tội lỗi và chết chóc.

Xưa, vua Hê-rô-đê như là một ví dụ điển hình, Đôi mắt “mù quáng” của ông ta đã kéo theo căn bệnh “mù tâm hồn” để rồi ông ta đã gây ra một loạt tội ác, cướp vợ của anh mình, và khủng khiếp nhất chính là giết Gioan tẩy giả chỉ vì một điệu múa dâm dật của một cô gái làm cho ông ta vui thích.

Xưa hơn nữa, cũng là một ông vua, vua Đa-vít. Đôi mắt của ông ta cũng trở nên “mù… quáng” trước một “người đàn bà đang tắm, nàng nhan sắc tuyệt vời”, nàng tên là Bát Seva…

Hậu quả là ông ta tìm cách chiếm đoạt bà Bát Seva, bằng một thủ đoạn hạ cấp, ông ta thuyên chuyển Urigia, chồng của Bát Seva, ra tiền tuyến với lời căn dặn “hãy đặt Urigia hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết”… và Urigia đã chết tức tưởi, không bởi sự nhát đảm, mà bởi đôi mắt “mù …quáng” của vua Đa-vít.

***
Vâng, nói không quá lời, có phần chắc, đôi mắt của chúng ta cũng không ít lần bị “mù...quáng”, mù...quáng trước tiền bạc, trước danh vọng, trước quyền lực, trước sắc dục, trước những quyến rũ của trần gian v.v…

Điều đó không có gì lạ, không lạ bởi chúng ta chỉ là những phàm nhân yếu đuối.

Thế nhưng, vì là một Ki-tô hữu, sẽ thật kỳ lạ, nếu chúng ta cứ để đôi mắt mình mãi mãi “mù quáng” trước những quyến rũ của trần gian, là những thứ hay hư mất, những thứ ngăn cản chúng ta bước vào bàn tiệc Nước Trời.

Thế nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi “đôi mắt tôi có bị mù…quáng” trước tiền bạc, trước danh vọng, trước quyền lực, trước sắc dục, trước những quyến rũ của trần gian?

Nếu có… đừng chần chờ gì nữa, trước khi lên giường ngủ đêm nay, hãy đến bên thánh giá Chúa Ki-tô và thưa với Ngài, rằng: “Lạy Chúa, xin Ngài chữa lành đôi mắt mù… quáng của con, để con nhận ra chỉ có Ngài mới là “Đường, là sự thật và là sự sống”.

Nhận ra Đức Giê-su là “Đường, là sự thật và là sự sống”, đó chính là lúc đôi mắt ta được chữa lành. Nói cách khác, đôi mắt ta “nhìn thấy được”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây