Đức Giê-su: Ngài thật sẽ đến
Petrus.tran
2021-05-26T23:10:39-04:00
2021-05-26T23:10:39-04:00
https://gpbanmethuot.vn/van-hoc-nghe-thuat/duc-gie-su-ngai-that-se-den-4081.html
https://gpbanmethuot.vn/uploads/news/2021_05/tbd-270521a44.jpg
Giáo Phận Ban Mê Thuột
https://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 26/05/2021 23:09 |
Tác giả bài viết: Petrus.tran |
578
Chúa Nhật III – MV – C
Đức Giê-su: Ngài thật sẽ đến
Theo lịch Phụng Vụ, Chúa Nhật hôm nay (15/12/2019), toàn thể Giáo Hội bước vào tuần thứ ba Mùa Vọng. Như vậy, hơn phân nửa Mùa Vọng đã trôi qua. Phân nửa Mùa Vọng đã trôi qua, có nghĩa là Lễ Giáng Sinh đã gần kề.
Vâng, Lễ Chúa Giê-su Giáng Sinh, hay nói đúng hơn, lễ kỷ niệm ngày Chúa Giê-su Giáng Sinh đã gần kề. Niềm vui, tất nhiên là niềm vui về một Đức Giê-su “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế” chính là niềm vui của tất cả mọi người Ki-tô hữu.
Hơn hai ngàn năm xưa, sự xuất hiện của Đức Giê-su cũng là một niềm vui lớn. Và, niềm vui đó đã lan tỏa… lan tỏa khắp miền Ga-li-lê. Đức Giê-su đã đem đến cho mọi người niềm vui được chữa lành. Ngài đã chữa lành “mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; Người đã chữa họ” (x.Mt 4, 24).
Tuy nhiên, niềm vui này vẫn không làm cho mọi người (thời Đức Giê-su) nhận ra Ngài chính là Đấng Messia. Ngay cả ông Gio-an Tiền Hô cũng đã bán tín bán nghi về vai trò và sứ vụ của Đức Giê-su, một Giê-su “thật là Đấng phải đến”.
Trong tâm trạng nửa tin nửa ngờ đó, ông Gio-an Tiền Hô đã sai các người môn đệ của mình tìm đến Đức Giê-su để hỏi cho ra lẽ. Sự kiện này được ghi trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (x.Mt 11, 2-11)
**
Vâng, chuyện được kể lại rằng: “Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù”. Lý do gì ông ta bị ở tù? Thưa, chuyện là thế này. Hồi ấy, vua Hê-rô-đê muốn lấy một người phụ nữ, mà người phụ nữ ấy lại chính là “vợ ông Philipphê anh của nhà vua”. Ông Gio-an Tẩy Giả đã ngăn cản việc làm sai trái đó của vua. Chính việc ngăn cản này, vua Hê-rô-đê đã bắt ông Gio-an bỏ tù.
Dù đang ở tù, nhưng ông Gio-an vẫn được cung cấp nhiều thông tin về “những việc Đức Ki-tô làm”. Những thông tin này chính là nguyên cớ làm cho ông Gio-an bán tín bán nghi về vai trò và sứ vụ của Đức Giê-su. Thế là ông “liền sai các môn đệ” tìm đến Đức Giêsu.
Khi các môn đệ của ông Gio-an gặp Đức Giê-su, họ đã hỏi Ngài, rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (x.Mt 11, 3)
Đừng… đừng nhìn vào sự kiện này mà cho rằng ông Gioan nghi ngờ vai trò của Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế, Người mà ông đã giới thiệu cho các môn đệ của mình, rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Nghĩ như vậy chẳng khác nào hạ thấp “lòng tin” của một con người mà chính Đức Giê-su nhìn nhận là “chưa từng có ai cao trọng hơn”.
Lòng mong ước của ông Gio-an được toại nguyện. Hôm ấy, Đức Giê-su tuyên bố: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”. Tiếp sau đó, Đức Giê-su kết luận: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”.
***
Trở lại với ông Gio-an Tẩy Giả, chúng ta đừng quên, ông ta được sinh ra trong một gia đình cha là tư tế, mẹ là bà Êlizabeth “cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon”, tất nhiên, ông ta không thể không am hiểu Kinh Thánh. Ông hiểu. hiểu ngay những lời Đức Giê-su đã nói với các môn đệ của mình.
Thế nên, chúng ta có thể tin rằng, trong ngục tối, ông Gio-an Tẩy Giả rất mãn nguyện, mãn nguyện về điều mình đã nói trước đây, thật quá đúng về Đức Giê-su: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.
Tuy Thánh sử Mát-thêu không ghi lại, nhưng có phần chắc, khi những người môn đệ trở lại gặp ông Gio-an, ông ta sẽ khẳng định với họ, rằng: Đức Giêsu “thật là Đấng phải đến”, không còn phải-đợi-ai-khác nữa.
****
“Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không?” Hôm nay, câu trả lời quá dễ dàng, phải không thưa quý vị! Có lẽ, đa phần chúng ta sẽ trả lời rằng: Đúng, Đức Giê-su – Đấng phải đến, đã đến. Ngài “thật đã đến” hơn hai ngàn năm qua. Và hôm nay, chúng tôi đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm lần thứ 2019 ngày Ngài đã “xuống thế làm người”.
Có lẽ, chúng ta sẽ nói rằng, Ngài sinh ra tại Belem, sau ba mươi năm sống tại Nazareth, Ngài ra đi loan báo Tin Mừng làm nhiều phép lạ v.v… Nói tắt một lời, Ngài đã làm cho “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”.
Vâng, đó là những câu trả lời rất đúng. Rất đúng, thế nhưng, sẽ tuyệt hảo hơn nếu câu trả lời đó được trả lời bằng chính cuộc sống của mình.
Hình ảnh Đức Giê-su – “Đấng phải đến - đã đến”, sẽ rạng rỡ hơn, rạng rỡ không phải do những sợi dây đèn lấp lánh những màu sắc xanh-đỏ-tím-vàng mang đầy vẻ ma quái do Trung Quốc sản xuất, được chúng ta trang trí nơi máng cỏ trong ngày lễ Giáng Sinh, nhưng là do những việc làm thiết thực của mỗi chúng ta, trước bàn dân thiên hạ.
Những việc làm thiết thực, đó là: giảm bớt chi phí cho việc trang trí (cho Lễ Giáng Sinh) mang tính cách phô trương, khoe khoang… đại loại như: cây thông xứ đạo của tao phải cao hơn cây thông xứ đạo của mày.
Xin lỗi, ngày xưa khi Chúa Giê-su sinh ra, Kinh Thánh đã ghi chép rằng: “Bà (Maria) sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con rồi đặt nằm trong máng cỏ” (x.Lc 2, 7). Có thấy thánh sử Luca nói gì đến cây thông đâu? Nếu… nếu chúng ta có thấy, thì chỉ thấy: “Ôi! Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn”, mà thôi!
Chúa đã “giáng sinh khó khăn thấp hèn”. Thế nên, những việc làm thiết thực, mà chúng ta nên làm, đó là: “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc”. Những việc làm thiết thực này chính là những “sợi dây đèn” tuyệt mỹ, những sợi dây đèn tỏa ra nguồn ánh sáng yêu thương, nguồn ánh sáng bác ái.
Chưa hết, những việc làm thiết thực, mà chúng ta nên làm, đó là: “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp… chiếu trông cậy vào nơi thất vọng”.
Còn nữa, những việc làm thiết thực, mà chúng ta nên làm, đó là: “tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu”.
Những việc làm thiết thực này chính là những sợi dây đèn tuyệt hảo, những sợi dây đèn tỏa ra nguồn ánh sáng của lòng thương xót, đủ để làm cho “tan giá đêm đông ấm thân con người”.
Vâng, nói rất dễ, làm mới là khó. Khó, nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện, bởi đó là lời truyền dạy của Đức Giê-su “Mọi người nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”.
Mà, khi thiên hạ nhận ra chúng ta là môn đệ Đức Giê-su, có khác gì họ đã nhận ra Đức Giê-su, một Đức Giê-su thật là Đấng phải đến – đã đến, phải không, thưa quý bạn!
*****
Cuối cùng, thật phải đạo khi chúng ta cùng đọc lại lời khuyến cáo của Đức Giê-su. Hôm ấy, Ngài khuyến cáo rằng: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”. Quả là… quả là một lời khuyến cáo thật hữu ích cho chúng ta.
Vâng, sẽ có người hỏi rằng: “hữu ích ở chỗ nào?” Thưa, hữu ích ở chỗ, lời khuyến cáo của Đức Giê-su chính là tiếng chuông cảnh báo, một tiếng chuông cảnh báo cho những ai còn vấn vương bụi trần.
Xã hội chúng ta đang sống hôn nay, bụi trần vẫn còn vấn vương khắp nơi. Những hạt bụi được tô son trát phấn bằng một rổ danh từ mỹ miều, quyến rũ rằng thì-là-mà “Thiên Chúa đã chết rồi”, rằng: “Bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm” và rằng: “Tôn giáo là thuốc phiện” và rằng đã đến lúc phải cho tự do phá thai, tự do hôn nhân đồng tính, v.v… và v.v…
Vâng, satan và con cái chúng đang ra sức lôi kéo, quyến rũ, thậm chí dùng cả vũ lực dọa nạt để chúng ta “vấp ngã”.
Nhắc đến chuyện này để làm gì? Thưa, để chúng ta nhận ra, nhận ra rằng, thật cần thiết để chúng ta, cùng lập lại việc ông Gio-an Tiền Hô đã làm khi xưa, đó là: “nghe biết những việc Đức Ki-tô đã làm”.
Nghe (để) biết những việc Đức Ki-tô đã làm không ở đâu hết, không ở ông triết gia này, ông thần gia nọ nhưng là trong quyển Kinh Thánh - Sách Kinh Thánh, thưa quý vị.
Một khi chúng ta “nghe biết những việc Đức Ki-tô đã làm”, sẽ chẳng bao giờ chúng ta lại đi nghe những chủ thuyết vô thần vớ vẩn đã bị vất vào xọt rác vào thế kỷ trước.
Một khi chúng ta “nghe biết những việc Đức Ki-tô đã làm”, vâng, sẽ chẳng bao giờ chúng ta nghe, học tập và làm theo gương đạo đức của một “ông kẹ” vớ vẩn nào đó. Một khi chúng ta “nghe biết những việc Đức Ki-tô đã làm”, sẽ chẳng bao giờ chúng ta “vấp ngã” cả.
Cuối cùng, một khi chúng ta “nghe biết những việc Đức Ki-tô đã làm”, nói mà không sợ thiên hạ cười, chúng ta sẽ thốt lên rằng: Đức Giê-su, thật là Đấng phải đến.
Nói chính xác hơn, chúng ta tin chắc rằng: Đức Giê-su thật là Đấng sẽ đến. Ngài thật sẽ đến lần thứ hai.
Vâng, Đức Giê-su – Ngài thật sẽ đến.
Petrus.tran