Hóa ra, nhà thật gần!
"Nhà, chưa bao giờ gần hơn thế!", cảm nhận của một người trẻ khi nghe sứ điệp video của ĐTC cho giới trẻ Công giáo Việt Nam
“Các con hãy trở về nhà!”
Cho đến lúc gõ những dòng chữ này, tôi chưa thể tìm ra được một tính từ đủ sắc để diễn tả cho nổi cảm xúc của mình. Giống như tôi đã từng nghe nhiều bức thư tình, nhưng bức thư tình dành riêng cho mình thì đó là món quà đặc biệt.
Tôi nghĩ, 20.000 nghìn bạn trẻ mà tôi nhìn thấy trên màn hình trực tuyến tại Đại hội cũng giống như tôi. Vui có, hồi hộp có, chăm chú có và “đụng chạm” cũng có. Nó chạm, bởi những lời Đức Thánh Cha nói là dành riêng cho “tụi mình”. Và khi ấy, tôi thấy cụ ông 83 tuổi, vị cha dẫn dắt Giáo hội Công giáo của mình thực sự như gần bên để dặn dò.
Ngài nói, không có một từ nào đẹp cho bằng chữ “nhà”. Còn tôi, không có từ nào khó để định nghĩa cho bằng chữ “nhà”.
Những ngày đầu cho đến ngày đuôi bước chân ra khỏi “nhà”, tôi như bị lạc lối về. Tôi bắt đầu tìm cho mình sự định hình rõ ràng hơn thế nào là một “Việt Nam” – ngôi nhà mà tôi được sinh ra, được lớn lên.
“Nhà” mà tôi mang theo mình bị nhìn với đôi mắt dì dị, nhiều dấu hỏi. Nhóm bạn da trắng, mắt xanh vẫn băn khoăn “người Việt ăn thịt chó với uống rượu rắn hả”. Việt Nam vẫn chỉ còn biết đến bởi hai chữ “chiến tranh”. Còn ở Nhật, Hàn hay thậm chí Thái Lan, những biển hiệu ghi chú “đừng ăn trộm” bằng tiếng Việt hẳn có lời nhắn riêng cho “người nhà mình”. Nhà của chúng ta đang bị bôi xấu bởi những vết vẽ nguệch ngoạc mà trong đó có bàn tay tôi, bàn tay bạn.
Sự kiện 39 người chết trong xe tải để tìm đường vào Anh đã choán lấy con người tôi hàng tháng trời. Khi nhận được tin mới nhất, tôi tự bày biện ra cho mình vài lời giải thích nhằm ứng phó mấy bạn học báo trong nhà. “Tôi không đến từ những vùng đấy”. Rồi, tôi tự nhận ra, mình đang chối bỏ ngôi nhà của mình. Và chính tôi cũng khóc cho sự tha hương ấy!
“Nhà” không chỉ đơn giản là nơi không gian sống với sự gắn bó về màu da, tiếng nói, dân tộc. “Nhà” là nơi mà chúng ta cảm thấy mình có liên quan, nơi mà mình thuộc về. Nó có sứt mẻ, mốc meo hay hôi hám thì tôi vẫn thấy ta trong đó. Tôi không tìm cách bịt mắt thiên hạ, chặn mũi họ lại để không nghe, nhìn, ngửi thấy những thứ đang diễn ra. Tôi đối diện với cái nhìn “là lạ” đó để tìm cách sơn sửa ngôi nhà của chính mình.
Tôi đã đắn đo thật nhiều về ngôi nhà mà mình thuộc về. Sao tôi không thuộc một nơi “sáng chói” hơn nhỉ? Nhưng, việc chọn lựa màu da của, dân tộc hay còn gọi ngôi nhà của mình đều nằm ngoài khả năng hữu hạn con người. Tôi dần khám phá, đó là ơn gọi của sự hiện hữu. Và Chúa gọi tôi hiện hữu trong ngôi nhà Việt Nam, và vẽ lên nó một “Tin mừng”.
Sự hiện hữu luôn đòi hỏi tôi, một người trẻ ý thức về chính sứ mệnh của mình. Như Đức Thánh Cha đã nói, chúng ta được sinh ra bởi một thế hệ anh hùng. Giáo hội nhà chúng ta được lớn lên bởi những sự hy sinh quảng đại của nhà truyền giáo, của bậc tiền nhân. Nếu có lạc lối trong những bước đường đang ở tuổi “phải lớn”, chúng ta tìm về “Tin mừng” trong nhà Giáo hội.
“Tiếng chuông thanh thoát/Việt Nam hy vọng”. Một Việt Nam hy vọng mà ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận “đã hy vọng” không chỉ dừng lại ở niềm vui ở điệu nhảy “I love Papa”. Niềm hy vọng đó cần nhiều sự trăn trở và cả sự cho đi. Điều đó chúng ta học được từ ngôi nhà Giáo hội và từ chính Giê-su, một thần tượng của sự hy sinh.
Nhà, chưa bao giờ gần hơn thế!
An Duyên - CTV Vatican News