Theo Chúa thì được gì?
Thánh Phêrô đã từng hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, này đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Ông Phêrô dừng lại ở đó, nhưng mạch văn cho ta biết những chữ tiếp là ‘chúng con sẽ được gì?. Vâng, mừng lễ CTTĐVN là dịp rất tốt để chúng ta đặt lại vấn đề với chính mình: tôi theo đạo thì được gì?
Có đặt lại vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát như vậy, chúng ta mới dám đi ngược dòng và trung thành với Chúa, dù hoàn cảnh nào đi nữa. Để thử thách niềm tin vào Thiên Chúa, các vua quan thường đưa ra sự so sánh một bên là sự yên ổn thịnh vượng và bên kia là mất mạng vì niềm tin vào Chúa. Không ít lần, nhiều tín hữu đã nhát sợ mà chối bỏ niềm tin để được yên ổn. Nhưng rồi, có những người sau đó hối lỗi và đã trở lại trình diện với vua quan để được minh chứng niềm tin vào Thiên Chúa.
Chúa không muốn mọi người phải chịu chết vì đạo, nhưng Chúa đòi buộc mọi người phải trở nên muối men cho đời, làm chứng cho Chúa qua cuộc sống của những người con cái Chúa. Đã có biết bao người bỏ đạo hằng mấy chục năm trời, vì bất mãn với Chúa hoặc thiếu hiểu biết về đạo, vì niềm tin bị cười nhạo, hoặc muốn được yên thân hay được thăng tiến trong danh vọng và quyền lực. Tuy vậy, Thiên Chúa không bỏ rơi họ, Ngài đánh động họ - một lúc nào đó và họ đã trở về lại mái nhà Giáo hội, nhưng cũng có những kẻ bị hư đi mãi mãi.
Chúa trả lời cho Thánh Phêrô rằng: “chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ hay con cái hay ruộng đất vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này lại không được gấp trăm … cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”(Mc 10,28-30). Ở đây, chúng ta khám phá ra một quy luật của Tin Mừng: khi mình tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Chúa, thì Chúa lo liệu mọi sự về cơm ăn áo mặc. Chứng từ của Mẹ Têrêxa cũng nói lên điều đó: khi Chúa muốn công việc nào đó được tiến hành thì Chúa gửi phương tiện đến; đến lúc Thiên Chúa muốn, mọi sự sẽ dễ dàng và khi không phải lúc của Ngài thì mọi sự sẽ khó khăn.
Cứ theo sự tính toán bình thường của lý trí, người ta thường chọn cho mình điều có giá trị hơn và từ bỏ điều ít giá trị hơn. Điều đó thường xảy ra trong trường hợp hôn nhân tan vỡ: không ai bỏ gia đình mình nếu không có đối tượng thứ 3 tốt đẹp và hấp dẫn hơn. Ai đó đã xếp loại các giá trị cuộc sống từ thấp đến cao như sau: sự yên ổn vật chất và tinh thần, giá trị tinh thần và cao nhất là phần rỗi linh hồn. Theo đó, người ta có thể hy sinh sự yên ổn vật chất cho những giá trị cao hơn như tự do, lòng quảng đại, tình yêu quê hương…; và người Kitô hữu sẵn sàng mất mạng sống mình để minh chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, là Chúa và là chủ của mọi loài, để chọn lấy hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.
Đức Phanxicô nói đến hai hình thức ngược đãi các Kitô hữu: “một hình thức là cái chết của các vị tử đạo, còn cách kia được đặt tên là sự ‘ngược đãi lịch sự’ (polite persecution). Lịch sử Giáo hội là lịch sử của các cuộc bách hại, từ các vị tử đạo ở hý trường Colosseum cho tới cái chết thảm của những tín hữu ở Pakistan: các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Hình thức đầu của sự ngược đãi là ‘cốt ở việc tuyên xưng danh Đức Giêsu Kitô, đây là hình thức tử đạo cách rõ ràng. Còn hình thức ngược đãi khác ‘được ngụy trang dưới vỏ bọc là văn hóa, là văn minh, là tiến bộ - tôi có thể nói cách châm biếm – là sự ngược đãi lịch sự (polite persecution).
Chúng ta có thể nhận ra cách bách hại thứ hai này khi các nhà lãnh đạo đưa ra những đạo luật không cho con người sống đúng tư cách con cái Chúa, khi họ tước bỏ tự do của con người, nhất là tự do lương tâm. Ai không chấp nhận luật pháp họ đưa ra, ai lên tiếng về những điều bất cập trong hiến pháp… thì bị kết án và ngược đãi lịch sự: mất việc, bêu xấu, loại ra bên lề xã hội”.
Người đời sợ nhất là chứng từ tử đạo, họ muốn dùng hết sức mạnh của mình để chiến thắng, nhưng khi các vị tử đạo sẵn sàng dâng hiến những gì quý nhất ở trần gian vì niềm tin, thì những kẻ hành hình đã thực sự thất bại. Họ đi từ ngạo mạn đến ngỡ ngàng trước một sự thật vượt quá tầm hiểu biết của họ, nhất là khi chứng kiến các vị tử đạo ra đi trong hiên ngang, an bình, tha thứ, cầu nguyện, có sự đồng hành của của Đức Kitô và anh em đồng đạo.
Nguyễn Văn Thiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn