Đường vinh quang
Không có con đường nào giống con đường nào mỗi người đang đi. Thế nhưng, có một khát vọng chung, cùng đi trên đường đến vinh quang. Vinh quang rồi sau đó là gì tuỳ thuộc vào mỗi người sử dụng vinh quang đó. Các môn đệ theo Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, đây là đường đến vinh quang. Vinh quang đó là gì? Trần thế hay Nước Thiên Chúa.
Vinh quang trần thế. Có những vinh quang đã được định sẵn được cha mẹ, đàn anh sắp xếp cho. Chỉ cần cố gắng học hành, đạt được những học vị này, học vị kia là sẽ được ngồi vào chỗ mong muốn.
Kẻ chân đất, tự mình đi lên. Con đường vinh quang rất chật hẹp, hiếm khi đạt ở đỉnh cao quyền thế, bởi thiếu lực đẩy. Hai môn đệ theo Chúa, nghĩ tưởng về vinh quang sắp tới. Chúa là vua thống trị Israel theo quyền lực thế tục. Bà mẹ các con ông Giêbêđê "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” (Mt 20, 21). Câu chuyện sắp xếp chỗ ngồi có từ ngàn xưa chứ đâu phải nay. Câu trả lời của Chúa khác với suy nghĩ của con người: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được." (Mt 20, 23)
Quyền đi với tiền, tài, danh vọng. Tất cả các thứ đó là cám dỗ của con người. Có nó là có các thứ khác, an nhàn, hưởng thụ phú quý vinh quang. Theo Chúa, các môn đệ cũng mơ tưởng ngày vinh quang đó, các ông bàn nhau xem, ai sẽ ngồi chỗ nhất, chỗ nhì, rồi sắp xếp nhau những chiếc ghế. Giống như các quan lớn sắp xếp nội các của mình. Chúa Giêsu biết được điều các ông bàn luận: "ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất" (Lc 9, 48), "Người làm lớn là người phục vụ".
Vinh quang do chiếm hữu, sắp xếp có được, thường không thể chia sẻ với kẻ ngoại lai, không thuộc phe nhóm. Nó là một thứ độc quyền để có thể thêm doanh thu, kiếm thêm lợi lộc. Miễn phí bao giờ cũng phổ quát cho mọi người, độc quyền nào cũng giá cao và ít người tiếp cận được. Độc quyền nói chung là thu tích về cho mình, các tông đồ Chúa Giêsu cũng muốn độc quyền chữa trị, rao giảng như vậy, bị Chúa cấm: "Ông Gio-an lên tiếng nói: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy."Đức Giê-su bảo ông: "Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta! " (Lc 9, 49 – 50)
Kẻ chân đất đi trên con đường đá sỏi, gập ghềnh. Trải qua bao gian nan, khổ cực, học hành, trau dồi tay nghề. Vinh quang đã đến trong một nỗ lực không ngừng. Ở đỉnh cao nghề nghiệp, quyền uy, họ hiểu thế nào là qua thập giá đến vinh quang. Vinh quang không thuộc về họ, vinh quang họ đạt được là cho nhiều người, mọi người. Một vinh quang đáng trân trọng, ngả mũ kính trọng. Vinh quang họ có đó, đã phải chịu bao nhiêu kẻ ghen ghét vây đánh đủ cách. Họ vẫn lách qua những cửa hẹp để tiến tới. Mục đích không phải tìm vinh quang cho họ mà vinh quang cho mọi người được sống tốt lành. Con đường vinh quang đó đang hoạ lại con đường của Chúa Giêsu: "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mt 20, 28).
Con đường đến vinh quang của Nước Thiên Chúa, như các Tông đồ sau phục sinh dấn thân phục vụ mọi người trong Chúa Kitô. Hy sinh mạng sống vì lợi ích các linh hồn. Con đường vinh quang mà Thánh Phaolô đi tới: "“Tôi đã chiến đấu trong trận đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (Tm 4,7)
Lm Giuse Hoàng Kim Toan