TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lẽ nào chúng ta lại không muốn!

Thứ tư - 26/05/2021 22:50 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   666

Chúa Nhật XXXII – TN – C

Lẽ nào chúng ta lại không muốn!

Hôm nay, chúng ta bước vào tuần thứ hai của tháng mười một. Và, theo truyền thống, thì, đây là tháng dành riêng để cầu nguyện cho các Linh Hồn trong Luyện ngục.

“Công Đồng Trentô dạy rằng các linh hồn ở Luyện ngục là thành phần của Hội Thánh cần nhờ đến lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta, những người còn sống. Giáo lý của Hội Thánh về Luyện ngục là điều có sức yên ủi lòng ta và tỏ bày lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa đối với chúng ta. Việc cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện ngục là một việc làm do tình thương thúc đẩy để bù đắp phần nào mối tình và bổn phận phải có đối với các kẻ đã qua đời mà có lẽ khi các ngài còn sống chúng ta đã không chu toàn” (nguồn: internet)

Cầu nguyện cho các linh hồn ở Luyện ngục còn như là một lời tuyên xưng: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy Amen”.

**

Tin xác loài người ngày sau sống lại... có thật vậy không? Vâng, vào thời Chúa Giê-su còn tại thế, một số người Do Thái không tin có sự sống lại. Họ chính là nhóm Sa-đốc.

Nói về nhóm Sa-đốc, ngài Jos. Vinc. Ngọc Biển có lời tổng hợp về họ như sau:Đây là một trong ba nhóm quyền lực nhất trong dân thời bấy giờ, đó là: Pharisêu, Kinh sư và Sađốc.

Với nhóm Pha-ri-sêu và Kinh sư, họ chú trọng đến việc đạo đức và giữ luật cách tỉ mỉ, hình thức bên ngoài. Còn nhóm Sađốc lại quan tâm đến vấn đề chính trị và tiền bạc. Tuy khác nhau về hình thức, nhưng họ đều là những người chống đối Đức Giêsu. 

Chủ trương của nhóm Sađốc là không tin có sự sống lại. Họ hoàn toàn phủ nhận tất cả những gì không nằm trong bộ Ngũ Thư, bởi vì họ chỉ tin năm cuốn sách đầu của Cựu Ước, và họ bác bỏ hết tất cả các sách còn lại.

Trong bộ Ngũ Thư của Mô-sê không có nói trực tiếp đến vấn đề sống lại. Có chăng chỉ là những hình ảnh. Vì thế, họ không tin. Mặt khác, giả thiết của nhóm này là: nếu có tin thì sự sống đời sau chẳng khác gì cuộc sống hiện tại trên trần gian, và, quyền năng của Thiên Chúa không xa hơn khả năng của con người là bao!” (trích nguồn: internet)

Bảo thủ với quan điểm này, nhóm Sa-đốc đã tìm đến Đức Giê-su để gây ra một cuộc tranh luận. Gây ra một cuộc tranh luận, thứ nhất là để tạo tiếng vang với nhóm Pha-ri-sêu và Kinh sư, vì hai nhóm này luôn thất bại trước những cuộc tranh luận với Đức Giê-su. Và, thứ hai là để tìm sự sơ hở của Đức Giê-su để tố cáo Ngài.

Cuộc tranh luận này được thánh sử Luca ghi lại như sau: Một hôm, có mấy người thuộc nhóm Sa-đốc đến gặp Đức Giêsu. Cứ sự thường, mỗi khi có một nhóm nào đến gặp Ngài, y như rằng, hôm đó sẽ có một cuộc tranh luận gay gắt.

Với nhóm Sa-đốc hôm nay, cũng không là ngoại lệ. Khi gặp Đức Giêsu, thoạt tiên họ giả lả nói với Ngài một câu chuyện rất bình thường, chuyện rằng: “Thưa Thầy, ông Môse có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dõi cho anh hay em mình…”

Ơ hay! Thì cứ theo luật (luật thế huynh), mà thi hành, chứ kể ra với chủ ý gì hả, thưa mấy ông Sa-đốc!

Mà, quả đúng vậy. Sau khi đưa ra những lời đưa đẩy đó, mấy ông Sa-đốc bắt đầu tấn công Đức Giê-su.

Hôm ấy, họ đã tấn công Đức Giêsu bằng một câu hỏi đầy hóc búa, hỏi rằng: “Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ góa ấy. Cứ như vậy, bảy anh em chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng người đàn bà ấy cũng chết. Vậy, trong ngày sống lại, người đàn bà sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” (x.Lc 20, 33)

Ghê chưa? Chẳng biết đây là chuyện có thật hay là do quý ngài Sa-đốc “phịa” ra. Thế nhưng, dù thật hay phịa thì câu chuyện này như một sự thách thức mà nhóm Sa-đốc muốn thách thức Đức Giêsu.

Họ thách thức Đức Giêsu điều gì? Thưa, họ thách thức Ngài về việc chuyện gì sẽ xảy ra ở thế giới bên kia, nơi mà “xác loài người ngày sau sẽ sống lại?”

Đúng, quả là một thách thức gay go. Thế nhưng, có gay go thì cũng chỉ gay go đối với những ai chưa biết gì về “cuộc sống đời sau”.

Với Đức Giêsu, Đấng “từ trời mà xuống” - Đấng đã tuyên bố rằng “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”, thì có gì ngăn trở Ngài biết đến những gì sẽ xảy ra ở “cuộc sống đời sau”!

Hôm ấy, để trả lời cho câu hỏi, Đức Giêsu nói rằng, “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” (Lc 20, 34-35).

Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra ở sự sống đời sau! Thưa, chúng ta có thể nghĩ rằng: Sự sống đời sau, không có luật sư, vì cuộc sống ở đó không có sự tranh tụng. Không có bác sĩ, vì ở đó không có bệnh nhân. Không có kỹ sư, vì ở đó không cần xây dựng nhà cửa. Không có linh mục để làm phép hôn phối, vì ở đó không có chuyện “cưới vợ cũng chẳng lấy chồng”.

Tại sao chúng ta có thể suy nghĩ như thế? Thưa, là bởi, dựa vào lời Đức Giêsu đã tuyên bố, con người sẽ “không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần”. (Lc 20, 36). Không có sự chết thì cần gì bác sĩ, nhỉ!

Như vậy, chuyện “kẻ chết sống lại” và cuộc sống đời sau ra sao, đã được Đức Giê-su mặc khải quá rõ ràng. Thật đáng tiếc cho nhóm Sa-đốc xưa, tiếc vì họ chỉ công nhận “ngũ kinh”, năm cuốn đầu bộ Cựu Ước và không tin có đời sau.

Vâng, đó là một thiếu sót lớn. Thật vậy, nếu họ công nhận thêm những sách khác trong Kinh Thánh, họ sẽ nghe được Thiên Chúa nói gì với dân riêng của Người. Thì đây, sách Macabe chẳng từng chép: “dựa vào Lời Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại”, đó sao! (2Mcb 7,14).

Mà thật, những phép lạ (sau này), “cho con trai một bà góa thành Nain sống lại”, rồi đến “cho con gái ông Gia-ia sống lại”, kế đến sự kiện “anh Lazaro đã chôn trong mồ được bốn ngày” được sống lại, do Đức Giê-su thực hiện, như để củng cố thêm niềm tin, rằng: vào ngày sau hết, Thiên Chúa “Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời”.

***

“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại…” và đó là lý do mà vào ngày 02/11 hằng năm, toàn thể Giáo Hội cử hành Thánh Lễ “cầu cho các tín hữu đã qua đời”.

Nhớ và cầu cho những người ấy, không chỉ để “rút ngắn” thời gian thanh luyện (của các linh hồn) vì lời nguyện của chúng ta, nhưng còn là để nghĩ về chúng ta, rồi sẽ có một ngày, chúng ta cũng sẽ xuôi tay ra đi giã từ cuộc đời, rồi sẽ có một ngày chúng ta phải đứng trước một cuộc phán xét, xét rằng: tôi… tôi có được “ngang hàng với các thiên thần” hay không?

Vâng, thật dễ dàng cho mỗi chúng ta được “ngang hàng với các thiên thần”. Sự dễ dàng này phụ thuộc vào cách sống ngay trong hiện tại của chính mỗi chúng ta, như có lời đã chép “sống sao chết vậy”.

Thật vậy, Kinh Thánh chẳng đã có lời chép rằng, “Trong ngày mệnh chung, trả cho con người theo lối họ đã sống, đối với Đức Chúa, là chuyện thật dễ dàng”, đó sao! (x.Hc 11, 26).

Thế nên, hãy ghi khắc câu Kinh Thánh (nêu trên) vào tâm hồn mình, bởi, “cái lối” mà chúng ta đã và đang sống chính là “tiêu chuẩn”, chính là “thước đo”, và là “câu trả lời” trước tòa phán xét, nơi Thiên Chúa sẽ chọn “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết” (x.Lc 20, 34-35).

Thật… thật dễ dàng để mỗi chúng ta được “ngang hàng với các thiên thần”. Sự dễ dàng này phụ thuộc vào cách sống của chúng ta hôm nay, rằng chúng ta đã sống đúng như những gì Đức Giê-su đã truyền dạy!

Sự dễ dàng này phụ thuộc vào cách sống của chúng ta hôm nay, rằng, chúng ta có một “tâm hồn nghèo khó”! Rằng, chúng ta “hiền lành” ! Rằng, chúng ta “khát khao nên người công chính”! Rằng, chúng ta biết “xót thương người”! Rằng, chúng ta “có tâm hồn trong sạch”! Rằng, chúng ta không sợ bị “bách hại vì sống công chính”, hay không!

Nói tắt một lời, rằng cách sống của chúng ta có sống đúng với tinh thần của “tám mối phúc thật”, hay không!

Còn nếu lối sống của chúng ta là một lối sống “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa chè chén…” Vâng, nếu lối sống của chúng ta như thế, thánh Phao-lô nói: “sẽ không được hưởng Nước Thiên Chúa”.

Mà, không được hưởng Nước Thiên Chúa thì làm sao được “ngang hàng với các thiên thần”!

Và, đã là một Ki-tô hữu, lẽ nào chúng ta lại không muốn được “ngang hàng với các thiên thần”! Vâng, lẽ nào chúng ta lại không muốn!

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây