TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Xin giúp lòng tin yếu kém của con

Thứ tư - 26/05/2021 22:35 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   696

Chúa Nhật XXVII – TN – C

Xin giúp lòng tin yếu kém của con

Trong những ngày còn tại thế, theo Kinh Thánh ghi lại, Đức Giê-su đã chữa lành rất nhiều người bịnh hoạn tật nguyền. Những người được chữa lành tuyệt đại đa số đều có một lòng tin vững mạnh và một sự khiêm tốn trước lời cầu xin của mình. Lòng tin và sự khiêm tốn của những người này đã được Đức Giê-su khen ngợi, đã có lần Ngài khen ngợi một viên đại đội trưởng, khi ông ta đến xin Ngài chữa lành một tên đầy tớ bị tê bại nằm liệt ở nhà, lời khen rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế”.

Các vị tông đồ xưa họ đã nghe lời khen ngợi này, và họ đã tận mắt chứng kiến những phép lạ kinh thiên động địa mà Thầy mình đã thực hiện cho những người có sức mạnh của lòng tin.

Chính vì thế, một lần nọ, khi Thầy và trò bên nhau, các ông thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”.

Tại sao các môn đệ không xin những điều khác như quyền phép trừ quỷ, quyền phép chữa bịnh v.v… mà lại chỉ “xin thêm lòng tin”? Thưa, rất có thể xin thêm lòng tin là do bởi sự trải nghiệm, sự trải nghiệm về lòng tin của chính bản thân mình.

Mà, thật vậy, đã có một lần Đức Giê-su khiển trách lòng tin của các ông. Lần đó, Đức Giêsu cùng các môn đệ có một chuyến hải trình trên biển hồ. Và, đang khi thuyền rẽ sóng, bất ngờ, một trận cuồng phong nổi lên. Thuyền của các ông bị ngập nước và như muốn chìm.

Tuy là các ngư phủ lão luyện, các ông vẫn không khỏi sợ hãi. Sự sợ hãi đó khiến các ông gọi Đức Giê-su dậy, vì lúc đó Ngài đang ngủ.

Hôm đó, khi Đức Giê-su thức dậy, Ngài đã “ngăm nghe sóng gió, sóng gió liền ngừng và biển lặng ngay”. Nhìn các ông như những con nai vàng ngơ ngác, Đức Giê-su khiển trách: “Đức tin anh em ở đâu?”

Trở lại với lời cầu xin của các môn đệ. Đây… đây không phải là lần đầu tiên các môn đệ xin Đức Giê-su điều liên quan đến đời sống tâm linh.

Nhớ, có lần các ông đã ngỏ ý với Ngài “xin dạy chúng con cầu nguyện”. Và, Đức Giê-su đã dạy các ông “Kinh Lạy Cha”. Nay, xin thêm lòng tin ư! Đức Giê-su sẵn sàng. Hôm đó, đáp lại lời xin của các ông, Đức Giêsu nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì, dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”. (Lc 17, 6).

Hôm ấy, sau khi đáp lại nguyện vọng của các môn đệ, Đức Giê-su còn dạy bảo cho các ông một bài học, bài học về sự khiêm tốn. Dạy cho các ông bài học khiêm tốn vì trước đó, chính Ngài đã cảnh báo các ông rằng: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã…” (x.Lc 17, 1).

Nói lên lời cảnh báo này, Đức Giê-su muốn chỉ dẫn cho các môn đệ của mình sự chuẩn bị tạo dựng một cộng đồng đức tin. Một cộng đồng đức tin không thể không có sự vấp ngã, và sự vấp ngã đó cần được tha thứ.

Mà, làm sao có thể tha thứ nếu các môn đệ không có sự khiêm tốn? Vâng, sự khiêm tốn mà các môn đệ cần phải có, cần phải thể hiện, đó là: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm…” – Đức Giê-su truyền dạy: “…thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.

***

Nói về nhóm mười hai. Thật phước hạnh khi các ông xin thêm lòng tin. Xin thêm lòng tin, vì các ngài hiểu rằng, đó chính là “sức mạnh thuộc linh”, một sức mạnh để làm hành trang cho cuộc đời chứng nhân của mình.

Thì đây, đã có lần Đức Giê-su chẳng nói “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”, đó sao! Chiên con, một biểu tượng của sự hiền lành Nước Trời, mà đâm đầu vào giữa bầy sói, một biểu tượng của sự dữ trần gian, làm sao chiến thắng nếu không có sức mạnh của lòng tin!

Nói về lời truyền dạy của Đức Giê-su, thật tuyệt diệu khi Ngài dùng hình ảnh hạt cải, một hình ảnh ai cũng biết đến, để dẫn đến điều ít người biết đến, đó là sự lớn mạnh của lòng tin.

Hạt cải… nếu nhìn hạt cải theo cái nhìn thuộc thể, đây là một loại hạt giống nhỏ nhất, nhưng nó lại lớn lên rất nhanh. Nó có thể lớn ba thước, và như thánh Mat-thêu cho biết, “chim trời làm tổ trên cành được” (x.Mt 13, 31).

Còn nếu nhìn hạt cải theo cái nhìn thuộc linh, thì đó là cách để diễn tả sự lớn mạnh nhanh chóng của lòng tin, một sự lớn mạnh, theo lời Đức Giê-su nói, đủ để có thể “dời núi dời non”.

Vâng, biết được điều tuyệt diệu này, cớ gì hôm nay chúng ta không theo gương các môn đệ xưa, cất lên lời nguyện xin với Thiên Chúa rằng: xin cho chúng con thêm lòng tin, nhỉ!

****

Xin thêm lòng tin đó là điều phải đạo. Phải đạo là bởi, hôm nay chúng ta sống trong một xã hội đang bị điều khiển bởi “Ác Quỷ và các sứ thần của nó”.

Những cám dỗ, những quyến rũ xấu xa của thế gian như những cơn sóng thần đang ồ ạt tấn công con thuyền đức tin của chúng ta.

Còn nói theo cách nói của ngôn sứ Kha-ba-cúc, xã hội chúng ta đang sống là một xã hội “phải chứng kiến tội ác hoài”, là một xã hội “toàn là cảnh phá phách bạo tàn, chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ”…

Chúng ta sẽ làm gì? Phàn nàn như ngài ngôn sứ đã phàn nàn với Chúa: “Cho đến bao giờ, lạy ĐỨC CHÚA, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên: Bạo tàn mà Ngài không cứu vớt” sao?

Vâng, nếu chúng ta có phàn nàn, hãy phàn nàn trong đức tin. Bởi vì, lòng tin, chính là “đặc sủng của Thiên Chúa”, đặc sủng mà chúng ta đã nhận được qua Bí Tích rửa tội, như lời thánh Phao-lô nói với Ti-mô-thê, rằng; “đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh” (x.2Tm 1, …6).

Thế nên, việc xin thêm lòng tin, chính là cơ hội để chúng ta “khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa”. Đặc sủng đó chính là “một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ” (x.2Tm 1, 7).

Thưa quý bạn, một khi Thần Khí Chúa khiến chúng ta đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ, có lẽ nào chúng ta không đánh bật được những cây dâu, cây dâu “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, chia rẽ, tranh chấp, ganh tị, say sưa, chè chén”, ra khỏi mảnh đất tâm hồn của chúng ta!

Có lẽ nào chúng ta không khiêm tốn: “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm”?

*****

Cốt lõi đời sống của một Ki-tô hữu đó là lòng tin và sự khiêm tốn. Không có lòng tin, người Ki-tô hữu không thể vững bước trên cuộc hành trình về Nước Trời. Không có sự khiêm tốn người Ki-tô hữu không thể có mặt trong Nước Thiên Chúa.

Mà, nói tới lòng tin và sự khiêm tốn, thật phải lẽ khi nhìn về Đức Maria như là mẫu mực cho chúng ta noi theo.

Nhớ, vào ngày sứ thần Chúa loan báo với Đức Maria, rằng: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người, Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”.

Nghe thế, Đức Maria không khỏi run rẩy thốt lên: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”.

Để trấn an trước một Maria “run như run thần tử thấy long nhan”, sứ thần Chúa nói: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.

Lời sứ thần Chúa nói như thế, Đức Maria chỉ còn biết đáp lời mời gọi bằng hai chữ xin vâng. Xin vâng, vì Mẹ “đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói”. Và lòng tin đó đã được thể hiện qua sự khiêm tốn, khiêm tốn khi Đức Maria thốt lên với sứ thần Chúa rằng: “Tôi đây là nữ tỳ Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

Đừng quên, lòng tin và sự khiêm tốn đó đã cùng đi với Đức Maria đến Belem, qua Ai Cập, rồi về Na-da-rét và cuối cùng là lên đồi Golgotha. Nói tắt một lời lòng tin và sự khiêm tốn đã đi cùng với Đức Maria suốt cả cuộc đời.

Chúa Nhật hôm nay, (06/10/2019) toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể Lễ Đức Mẹ Mân Côi. Chúng ta sẽ mừng kính Đức Maria như thế nào? Nên chăng, mừng kính bằng cách ghi khắc lòng tin và sự khiêm tốn của Mẹ vào tâm hồn và xem đó như là hành trang cho cuộc hành trình về Nước Trời của mỗi chúng ta?

Không nặng nề lắm đâu. Lòng tin đó, hôm nay, Đức Giê-su cũng vẫn yêu cầu chúng ta “chỉ cần lớn bằng hạt cải”. Và, sự khiêm tốn Ngài muốn thấy nơi chúng ta đó là hãy luôn nhớ rằng: chúng ta chỉ là những “đầy tớ vô dụng”, mà thôi.

Cuối cùng, chúng ta hãy nhìn vào Giáo Hội, một Giáo Hội hơn hai ngàn năm lịch sử. Giả sử… giả sử chúng ta là người ngoài hành tinh này, và chúng ta đang nhìn về trái đất của thế kỷ thứ nhất. Có ai trong chúng ta dám “cá cược” giữa Giáo Hội tiên khởi và Đế quốc Roma, thể chế nào sẽ tồn tại?

Vâng, tiến sĩ J.P. Moreland có câu trả lời rằng: Chắc chắn là bạn sẽ không bỏ ra xu nào để cá cược cho một nhóm người nghèo đi truyền đạo mà sứ điệp chánh của họ nói về một người thợ mộc từ một làng nhỏ đen tối bị đóng đinh chết và đã đắc thắng mồ mả. Dù vậy bạn biết là họ đã rất thành công, đến nỗi hôm nay chúng ta đặt tên cho con cái là Phao-lô và Phê-rô, trong khi chúng ta gọi con chó nuôi trong nhà là Sê-sa và Nê-rô!” (nguồn: internet).

Tiến sĩ J.P. Moreland nhận định đúng. Đúng là chúng ta sẽ không bỏ ra xu nào để cá cược, bởi vì lòng tin của chúng ta chưa bằng hạt cải. Còn “một nhóm người nghèo đi truyền đạo” đó, nhờ biết biến mình thành “hạt cải của Chúa”, chỉ là hạt cải thôi, thế mà hôm nay, sau hơn hai ngàn năm, mười hai hạt cải đó đã trở thành cây cải khổng lồ, một cây cải mang tên Vatican, và từng đàn chim tín hữu khắp năm châu bốn bể đã bay về làm tổ trên cây cải đó.

Đưa ra giả sử này (giả sử nêu trên) để làm gì? Thưa, để mỗi chúng ta tự hỏi lòng mình rằng: sau bao nhiêu năm là một Ki-tô hữu, lòng tin của tôi có bằng hạt cải? Nếu chưa bằng, điều này chỉ mỗi chúng ta biết mà thôi, thì hãy như người cha cậu bé bị quỷ ám mà thưa với Chúa rằng: “Xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi” (x.Mc 9, 24).

Vâng, rất giản dị cho lời cầu xin của chúng ta hôm nay: “Lạy Chúa, xin giúp lòng tin yếu kém của con”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây