TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lên cao – Tỏa sáng

Thứ sáu - 11/03/2022 03:45 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1022
Tin mừng Luca thì nói rõ mục đích của việc đưa ba môn đệ thân tín lên núi cao là để cầu nguyện (x.Lc 9,28).
Lên cao – Tỏa sáng

LÊN CAO – TỎA SÁNG

(Chúa Nhật II Mùa Chay C – Lc 9,28b-36)

Cả ba Tin mừng Nhất lãm đều tường thuật rằng sau lần thứ nhất tiên báo về cuộc khổ nạn thập giá, khoảng sáu hay tám ngày sau đó Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao (x.Mt 17,1-8; Mc 9,2-8; Lc 9,28-36). Tin Mừng Matthêu và Maccô không nói rõ mục đích của việc Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ lên núi cao mà chỉ tường thuật là ở trên núi Người đã biến đổi hình dạng trước mặt các ông (x.Mt 17,2; Mc 9,2). Tin mừng Luca thì nói rõ mục đích của việc đưa ba môn đệ thân tín lên núi cao là để cầu nguyện (x.Lc 9,28).

Khởi đi từ thời các giáo phụ, chúng ta được nghe diễn giải mục đích Chúa Giêsu lên núi cao cùng với ba môn đệ là để bày tỏ vinh quang qua sự biến hình nên sáng láng hầu nâng đỡ, củng cố đức tin cho các môn đệ trước viễn ảnh thập giá đau thương mà Người sắp chịu. Tuy nhiên, mục đích này xem ra không mấy thuyết phục vì tại sao chỉ có ba môn đệ được củng cố đức tin mà thôi, còn chín vị còn lại thì sao? Và khi xuống núi thì Chúa Giêsu lại căn dặn ba vị không được kể lại chuyện vừa chứng kiến cho các bạn đồng môn (x.Mt 17,9; Mc 9,9). Bên cạnh đó Tin Mừng Maccô ghi rõ là ngay ba vị chứng kiến việc Chúa Giêsu biến hình cũng không hiểu lời Thầy nói “từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì” (x.Mc 9,10).

Mục đích lên núi của Chúa Giêsu là để cầu nguyện như Tin Mừng Luca tường thuật xem ra khá hữu lý vì chúa Giêsu trong những lúc gặp nghịch cảnh lớn hoặc cần có quyết định hay sự chọn lựa quan trọng thì Người thường lánh riêng ra một nơi hay lên núi cao cầu nguyện với Cha trên trời (x.Lc 6,12). Đêm Tiệc Ly, trong vườn dầu, khi sắp đối diện với khổ hình thập giá cần kề thì Chúa Giêsu cũng dẫn ba môn đệ thân tín lánh riêng để cầu nguyện (x.Mt 26,37; Mc 14,32-33).

Cuộc đời con người chúng ta ai cũng có những lúc đối diện với những quyết định quan trọng phải chọn lựa. Một bậc sống, một nghề nghiệp, một nơi định cư lâu dài… là những điều không chỉ đòi hỏi sự cân nhắc, tính toán mà còn cần cả sự can đảm và dứt khoát cách nào đó. Các nghịch cảnh đến với chúng ta cũng là chuyện thường tình của kiếp người. Lắm khi ‘phúc bất trùng lai” mà “họa thì vô đơn chí”. Thỉnh thoảng có đó những nghịch cảnh xem ra khó vượt qua không chỉ do thiên tai hay dịch bệnh mà còn do cả lòng người độc hiểm, gian ác gây ra. Chính những lúc này chúng ta cần phải sáng suốt hơn, can đảm hơn để đương đầu hay đón nhận.

Trong các tình huống trên, dưới ánh sáng Lời mạc khải, Kitô hữu chúng ta chân nhận rằng mình cần đến ơn soi sáng và ơn trợ giúp của Thiên Chúa biết là chửng nào. Vì thế việc cầu nguyện như là điều tất yếu. Cầu nguyện cách riêng tư, cầu nguyện cùng với vài ba người thân tín sẽ giúp chúng ta nhận ra chương trình ý định của Thiên Chúa trên đời mình. Chính qua những giờ khắc cầu nguyện sâu lắng này Chúa Kitô càng thêm xác tín về căn tính và sứ mạng của Người để rồi tự nguyện và can đảm thực thi thánh ý Cha trên trời.

Nét vinh quang hiển lộ trên dung mạo Chúa Kitô có thể nói là hệ quả của việc Người đón nhận sứ mạng cứu độ nhân trần bằng án hình thập giá. Chân dung của một con người sẽ hiển sáng khi họ vuông tròn sứ mạng của mình ở trần gian. Một chị Têrêxa Hài Đồng đã rực sáng khi làm cánh hoa hồng nhỏ cho đời. Một Phanxicô Axidi cũng đã rực sáng khi biểu lộ chân dung người nghèo của Thiên Chúa. Một Mẹ Têrêxa thành Calcutta cũng đã hiển sáng khi làm tỏa rạng tình thương của Thiên Chúa trên những mảnh đời bất hạnh, nghèo hèn… Cuộc đời các thánh nhân được dệt xây trên nền tảng của việc gắn bó với Thiên Chúa bằng sự cầu nguyện chuyên chăm sâu lắng. Dù không có chút quyền lực gì đáng kể trước mặt người đời và có khi cả trong Giáo hội, thế nhưng các nữ tu con cái mẹ Têrêxa thành Calcutta nhờ khởi đầu một ngày sống bằng việc kết hiệp với Thiên Chúa cả giờ đồng hồ, rồi sau đó thi hành sứ mạng và họ rực sáng ngay trong tấm tu phục Sari đơn sơ, bình thường.

Với người đời thì vinh quang thường đi với quyền lực hay với sự thành công hiển hách. Vinh quang ở đây nhiều khi thực ra chỉ là vẻ hào nhoáng nhất thời, chóng qua. Vinh quang thật là ở nơi những con người biết sống có ý nghĩa. Họ không chỉ cảm nhận mà còn biết nỗ lực thực thi sứ mạng của mình khi được hiện hữu trong cõi dương trần này. Với Kitô hữu, để có thể xác tín về căn tính và sứ mạng của mình thì điều tất yếu là cần phải “lên núi cao”, nghĩa là phải biết kết hiệp với Đấng cho mình làm người bằng sự cầu nguyện sâu lắng, chuyên chăm.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây