TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lòng Thương Xót (Ga 20, 19-31)

Thứ năm - 13/04/2023 03:46 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   766
“Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

LÒNG THƯƠNG XÓT
Chúa Nhật 2 Phục Sinh: Ga 20, 19-31

LmTN 130423a

 

Suy niệm

Đức Giêsu Phục Sinh bất ngờ xuất hiện giữa các tông đồ. Ngài trao ban bình an và cho họ xem các vết thương. Thân xác chiến thắng sự chết của Chúa vẫn mang dấu tích của cuộc khổ nạn. Các tông đồ vui mừng vì được thấy Thầy, và hơn nữa còn được Thầy ủy thác sứ mạng trọng đại: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”.

Chỉ có một người không vui là ông Tôma, vì ông vắng mặt khi Chúa hiện ra. Có vẻ giữa ông và nhóm anh em có cái gì xa cách, nên ông thẳng thừng từ chối tin vào lời chứng của các bạn. Ông không tin ai khác, chỉ tin vào giác quan của mình. Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Trước sự thách thức và cố chấp của ông, Chúa Giêsu lại hạ mình để hiện ra một lần nữa. Con người Tôma có cái gì bất thường, lập dị, nhưng may là ông trở về với cộng đoàn, nên chứng kiến việc Chúa phục sinh.   

Khi hiện ra, Đức Giêsu nói với Tôma: “Đặt ngón tay vào đây… Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Tôma kinh hoàng thưa với Chúa: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Như thế, dấu chỉ để người nhận ra Chúa phục sinh không phải là vinh quang chói lọi hay điều gì kinh khủng, mà là chính dấu đinh. Đấng Phục Sinh vinh hiển đã không muốn dùng vinh quang hay quyền lực của mình để khuất phục thế gian, mà chỉ dùng những dấu đinh nơi chân tay và cạnh sườn Ngài. Đức Giêsu thực sự là “người” khi “đầu đội vòng gai, mình mặc áo đỏ” nghĩa là khi Ngài bị hành hình, bị sỉ nhục; Ngài thực sự là “Chúa” khi bị đóng đinh trên thập giá và sống lại vì chúng ta, để ta cùng được sống lại với Ngài.

Thánh giá Chúa mới thực sự là biểu hiện vinh quang, và dấu đinh mới là dấu chỉ của Chúa Phục Sinh. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ mong cho mình được vinh hoa phú quí hay quyền cao chức trọng, vì như vậy chúng ta muốn sống khác biệt với Chúa. Lối sống đó đối nghịch với thập giá Chúa và không đạt tới sự phục sinh với Ngài. Lối sống đó đào hố sâu ngăn cách giữa người với người, không thể hiện được tình yêu mà chỉ là sự ích kỷ, làm điên đảo và tổn thương đời sống con người.

Đức tin của chúng ta hôm nay dựa trên đức tin của những người đã thấy Chúa, đã sờ chạm vào Chúa. Tất cả các tông đồ đều đã hy sinh mạng sống mình để làm chứng là Đức Kitô đã sống lại, Ngài là Đấng cứu độ duy nhất cho loài người, chứ không ai khác. Tiếp nối các tông đồ đã có hàng triệu người cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, đã dâng hiến đời mình vì niềm tin ấy, trong số đó có hằng ngàn cha ông chúng ta đã hiên ngang đổ máu mình để lưu truyền đức tin lại cho con cháu hôm nay, cụ thể là 118 thánh tử đạo Việt Nam.

Quanh chúng ta cũng vẫn có nhiều anh chị em đạo đức, đầy lòng tin mến. Họ đã được ơn “thấy và chạm đến” Chúa một cách nào đó, nên họ rất chuyên chăm trong đời sống cầu nguyện, sốt sắng trong thánh lễ, và tích cực làm việc tông đồ. “Thấy và chạm” đến Chúa nghĩa là “cảm nghiệm” hay “cảm nhận” về sự hiện diện của Chúa khi nghe Lời Chúa, khi rước Mình Chúa, khi phục vụ anh chị em, khi thăm viếng và cứu giúp những người bệnh tật, nghèo hèn, khốn khó… 

Để làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta cũng không cần phải nổi bật cái gì hết, mà chỉ cần nổi bật lòng thương xót của Chúa. Thương xót nói theo thánh Phaolô là: đón nhận tất cả, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tuy nhiên, thương xót không có nghĩa là làm ngơ trước tội lỗi và sai lạc của con người, cũng không phải là dung túng hay nhượng bộ cho những xấu xa trong đời sống. Thương xót là muốn nâng nhau lên một cuộc sống tốt lành hơn, chân thật hơn, thiện hảo hơn, theo đường nẻo của Thiên Chúa.

Cũng như xưa, con người ngày nay làm sao có thể tin Chúa được, nếu họ không thấy chứng tích của những khuôn mặt đẫm mồ hôi vì phục vụ, hay của những cuộc đời xả thân hy sinh cho tha nhân? Con người ngày nay cũng đang đòi kiểm nghiệm những chứng tích tình yêu nơi Giáo hội, nơi các bạn trẻ. Đạo của bạn là đạo tình yêu ư? Xin đừng nói nhiều, hãy cho tôi xem những chứng tích tình yêu của bạn đi! Mahatma Gandhi đã từng tuyên bố với người công giáo như thế.

Ước gì mỗi người chúng ta nhận ra mình là người được Chúa thương xót, để suốt cuộc đời ta là trở nên lòng thương xót của Chúa cho mọi anh chị em, nhất là những người bé nhỏ nghèo hèn. Quả thật “Phúc thay ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Chúa xót thương”. 

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Thương xót là hành động của Cha,
là tiêu chuẩn để biết ai con cái,
là sống với tất cả lòng nhân ái,
nhưng bao hàm công bằng và sự thật.


Thương xót không dung túng điều xấu xa,
nhưng đòi con phải kiên nhẫn vượt qua,
để đón nhận những hồng ân cao cả,
xứng đáng với những gì con người “là”.


Thương xót là hành động cao quí nhất,
đó chính là phẩm chất của con người,
là hành vi thờ phượng rất đẹp tươi,
vì điều Chúa muốn không phải là lễ vật,
mà trước tiên là sống với lòng nhân,
để trở nên ánh sáng giữa cuộc trần.


Đức Giê-su đã trở nên người thế,
để thể hiện lòng thương xót của Cha,
trên thập giá Ngài cũng đã thứ tha,
trước lòng dạ bạc ác của con người,
ngay cả ông Tô-ma cứng lòng tin,
Ngài cũng đã hạ mình cho xem thấy.


Chúa muốn con nên hoàn thiện như Cha,
không phải là không còn gì thiếu sót,
mà là sống nhân từ và tha thứ,
không xét đoán và càng không lên án,
luôn bao dung và đại lượng vô vàn,
vì thương xót là tình yêu vô giới hạn.


Xin cho con được đầy lòng thương xót,
dù nhiều khi rất đắng đót trong đời,
nhưng nhờ vậy phát sinh con người mới,
để tình Chúa sáng tỏa khắp muôn nơi,
là niềm vui ơn cứu độ cho đời. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây