TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Thánh lễ Mồng Một Tết Ất Tỵ

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,25-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đừng bỏ lễ Chúa Nhật…

Thứ bảy - 15/04/2023 04:50 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1104
“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).
tbd 150423a

 

Chúa Nhật II – PS – Năm A
Đừng bỏ lễ Chúa Nhật…

“Mừng Chúa Phục Sinh – Chúa đã Phục Sinh - Mừng Chúa sống lại – Happy Easter.” Vâng, trong suốt một tuần qua, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không nhìn thấy những dòng chữ này. Đây là những dòng chữ được viết, được vẽ, nói chung là được thiết kế rất, rất đẹp, và được treo trang trọng trước cổng những ngôi thánh đường.

Những dòng chữ này được treo trang trọng như một cách để nói lên niềm tin của gần hai tỷ người Ki-tô hữu, rằng: Chúng tôi tin Đức Giê-su: “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô, Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh”.

Niềm tin Chúa-đã-Phục-Sinh không phải do Giáo Hội tự bịa đặt ra. Nhưng là do các thánh tông đồ truyền dạy. Các ngài đã truyền dạy rằng: “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su đã bị nộp… kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết.” (x.Cv 2, 23-24)

Các thánh tông đồ đã truyền dạy. Và hôm nay, chúng ta tin một cách đơn sơ, chân thành. Thế nhưng, với các môn đệ xưa, để có được một niềm tin tuyệt đối về điều mình truyền dạy, không phải là một sớm một chiều.

Đó, đó là sự thật, sự thật của hơn hai ngàn năm xa trước đó. Thầy Giê-su đã sống lại. “Người đang sống và (tôi) đã thấy Người”. Vâng, bà Maria Mác-đa-la đã làm chứng như thế.

Thế nhưng, các môn đệ “vẫn không tin”. Các ông còn cho đó là “chuyện vớ vẩn.” Chưa hết, một ông trong nhóm mười một còn tuyên bố xanh rờn, rằng: “thấy mới tin”.

Thấy-mới-tin, đó là lời tuyên bố của tông đồ Tô-ma. Vâng, câu chuyện này đã được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Gio-an. (x.Ga 20, 19-31)

**
Theo thánh sử Gio-an kể lại thì, sự kiện này xảy ra vào buổi chiều “ngày thứ nhất trong tuần”. Chiều hôm đó, các môn đệ của Đức Giêsu tụ họp trong một ngôi nhà. Vâng, sau hai ngày tan tác, kể từ khi Thầy Giê-su bị bắt và bị giết, nay các ông tụ họp nơi đây trong nỗi sợ hãi lẫn âu lo.

Các ông sợ là bởi nhóm thượng tế và các kỳ mục, họ đã mua chuộc nhóm lính tung tin đồn rằng “các môn đệ của ông Giêsu đã đến lấy trộm xác”. Tin đồn đó như sợi dây thòng lọng sẵn sàng xiết vào cổ các môn đệ bất cứ lúc nào.

Và, như người ta thường nói “ngoại cảnh chi phối nội tâm”. Thế nên, những lời tuyên truyền dối trá đó đã chi phối rất mãnh liệt đến nội tâm các ông. Mãnh liệt đến độ, ai nấy đều “sợ người Do Thái”. Vâng, bởi vì sợ, nên các ông đã “đóng kín” các cánh cửa ngôi nhà mình.

Còn âu lo! Sao không lo! Tính từ hôm thứ-sáu-buồn, ngày Thầy Giêsu thọ nạn, cho đến hôm nay là “ngày thứ nhất trong tuần”… trời đã xế chiều. Sắp hết ba ngày rồi! Nhớ đến lời phán hứa của Thầy rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”, các ông không khỏi thở than: Ôi! Sao vẫn chưa thấy ứng nghiệm!

Thế rồi… vào chiều hôm ấy, đang lúc Gio-an suy đi nghĩ lại về hiện tượng lúc sáng sớm ra mộ, ông chỉ thấy ngôi mộ trống. Còn Phê-rô… có thể, có thể ông đang buồn bã “ngồi một mình, nghe mưa rơi, mặc lệ tràn câu thiên thu”… thì bất ngờ, một điều không tưởng đã xảy ra.

Điều không tưởng đó là: “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông”. Người đã nói với các ông rằng: “Bình an cho anh em” (Ga 20, 19).

Sau lời chào bình an, khung cảnh sầu thảm của gian phòng nơi các ông tụ tập được nhường chỗ cho sự vui mừng. Chuyện kể rằng: “các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20, 20).

Thầy đó ư! Lời Thầy đã ứng nghiệm rồi sao! Nhớ lại lời bà Maria Mác-đa-la cho biết “Tôi đã thấy Chúa” và đã “kể lại những gì Người đã nói với bà”, bây giờ các ông mới cảm thấy xấu hổ vì đã “cho là chuyện vớ vẩn” (x.Lc 24, 11).

Vâng. Chính Đức Giêsu chứ không là ai khác. “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”. Bàn tay và cạnh sườn in đậm dấu tích của vết đinh và mũi đòng, chứng tích của cuộc khổ nạn mà Ngài đã phải trải qua.

Các môn đệ như người chết sống lại. Mà quả thật, các ông sống cũng như chết. Sau cái chết của Thầy Giê-su, các ông mất hẳn sức sống, sức sống mà ông Phê-rô đã tự hào, rằng: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã.” Vâng, hôm ấy, các ông đã sợ hãi và lẩn trốn.

Và, hôm nay, Đức Giê-su Phục Sinh đến, các ông đã được “tái sinh”, tái sinh qua việc Đức Giê-su “thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”, một sự tái sinh đúng nghĩa, đó là “tái sinh trong Thần Khí”, một sự tái sinh đủ mạnh để đón nhận niềm tin, tin rằng “Người đã sống lại thật”.

Thật đáng tiếc! Tông đồ Tôma, hôm đó, vì không có mặt, nên đã không tin sự kiện “Người đã sống lại thật”, mặc cho tất cả các môn đệ đều xác quyết rằng, “chúng tôi đã được thấy Chúa”.

Không tin, bởi ông Tô-ma cho rằng: “Bách văn bất như nhất kiến - Trăm nghe không bằng một thấy”. Do vậy, ông lớn tiếng nói với các bạn đồng môn của mình, rằng “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).

Thế rồi, tám ngày sau, Tôma đã phải giật thót mình khi nhìn thấy Đức Giê-su. Cũng giống như lần trước, mặc cho “các cửa còn đóng kín”, Ngài hiện đến, đứng giữa các ông, cũng một lời chúc “Bình an cho anh em”, rồi Ngài bảo với ông Tôma rằng, “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”.

Nhìn Thầy Giê-su, một Giê-su bằng xương bằng thịt, với tất cả dấu tích của cuộc khổ hình, sự hồ nghi đã biến khỏi tâm hồn của Tôma, thay vào đó là một tâm hồn tan vỡ, một tâm hồn mở ra, xác tín niềm tin của mình vào Đức Giê-su với lời tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28).

***
Đức Giêsu Phục Sinh còn nói gì với tông đồ Tôma? Thưa, Ngài bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.” Phải chăng đây là lời Đức Giêsu trách cứ Tôma?

Thưa không. Mà, nếu đúng thì đâu chỉ mình ông Tô-ma “cứng lòng tin”! Còn đó là cả nhóm mười người trong họ, dù đã nghe bà Maria Mác-đa-la nói “(Chúa) đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin”.

Một lần nọ, trong một lần tỏ mình ra cho các ông, khi các ông đang dùng bữa, Đức Giê-su đã chẳng “khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người, sau khi Người trỗi dậy”, đó sao!

Đức Giêsu Phục Sinh và hiện đến không phải để trách móc những yếu đuối của các môn đệ. Ngài đến là để “Ban Bình An” cho các ông. Điều mà các ông đang rất cần, rất cần để vượt qua sự sợ hãi, sợ hãi trước những thách đố mà các ông đã và đang phải đối diện. Đó là những thách đố giữa cuộc đời.

Còn việc ông Tô-ma muốn thấy-mới-tin ư! Vâng, không có gì lạ, Tôma muốn được dùng chính “thị giác” hơn là “thính giác” để khẳng định lòng tin của mình.

Vâng, chính việc tông đồ Tôma có nhu cầu “nhìn sự thật” hơn là “nghe sự thật” nên nhờ đó Đức Giêsu ưu ái tặng cho các môn đệ và cũng là cho chúng ta hôm nay thêm một lời chúc phúc: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20, …29).

****
Nói về niềm tin của các môn đệ về sự Phục Sinh của Đức Giê-su, thì cũng nên nói về niềm tin của chúng ta trước biến cố trọng đại này.

“Mừng Chúa Phục Sinh -Chúa đã Phục Sinh- Mừng Chúa sống lại - Happy Easter.” Vâng, chúng ta đã tin, chắc chắn là thế. Thế nhưng, chúng ta đã thật sự gặp Đức Giê-su Phục Sinh? Chúng ta đã “thật sự” được thấy, được chạm, được “đặt bàn tay vào cạnh sườn Người”?!

Chúa Giêsu Phục Sinh không quá thiên vị, Ngài vẫn hiện đến với chúng ta nơi “Bàn Tiệc Thánh Thể”.

Nơi bàn Tiệc-Thánh-Thể, chúng ta sẽ được thấy, được chạm, được đặt-bàn-tay-vào-cạnh-sườn-Người. Nơi bàn Tiệc-Thánh-Thể, Đức Giê-su, qua các vị linh mục, chúng ta được nhận thêm một lời chúc phúc, chúc rằng: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”

 Vâng, một hình ảnh mẫu mực, mà chúng ta cần noi theo, để được gặp Đức Giê-su Phục Sinh và nhận được sự “Bình An trong Chúa” đó chính là hình ảnh cộng đoàn tiên khởi “luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42).

Lm Charles E. Miller gọi sự hiệp thông của các tín hữu xưa là một “ngày đại hội”, ngài Lm. có lời khuyên: “Anh chị em không được vắng mặt tại ngày đại hội này như tông đồ Tô-ma tại buổi họp đầu tiên của các môn đệ”.

Đức Giê-su Phục Sinh còn cho chúng ta thấy Ngài qua: “những kẻ đói cần miếng ăn, những kẻ khát cần nước uống, những kẻ rách rưới cần mặc, những người đau ốm bệnh hoạn cần viếng thăm. v.v…”

Chúng ta còn có thể gặp gỡ Ngài, ngay trong gia đình mình, qua hình ảnh người chồng (hay người vợ), với tất cả tình yêu thương, một tình yêu “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu”, và với tất cả sự trung thành “sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly”.

Không gặp được Đức Giê-su Phục Sinh là do chúng ta đến không đúng địa chỉ. Không gặp được Đức Giê-su Phục Sinh là vì chúng ta tìm “sự sống trong vòng cái chết”. Mà, thật vậy, làm sao gặp Ngài khi chúng ta tìm đến những phù phiếm của thế gian, đại loại là quyền lực, là danh vọng, là tiền bạc, v.v...

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, đã nói: “Được cả thế gian mà mất linh hồn thì nào ích gì.” Như vậy, nếu chúng ta tìm kiếm quyền lực, danh vọng, tiền bạc chẳng phải là đi vào trong-vòng-cái-chết, đó sao!

Tông đồ Tô-ma, sau khi gặp Thầy Giê-su Phục Sinh, ông ta đã cất tiếng thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Còn chúng ta hôm nay, thì sao?

Thưa, câu trả lời dành riêng cho mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, cộng đoàn tín hữu đầu tiên, khi đã đặt niềm tin vào Đức Giê-su Phục Sinh, họ đã “ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ.”

Vâng, đúng là một việc làm rất, rất thiết thực mà chúng ta cũng cần phải làm. Nói rõ hơn, việc chúng ta cần thực hiện, đó là đừng bao giờ vắng mặt như ông Tô-ma vắng mặt “ngày thứ nhất trong tuần”.

Nói, theo cách nói ngày nay, “Đừng bỏ lễ Chúa Nhật”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây