TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI

Chủ nhật - 09/05/2021 05:17 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1139
MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI

MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI

Cách nay khoảng gần một năm, chính xác là vào ngày 14.07, Ủy ban đối ngoại thượng viện Hoa Kỳ đã công bố hơn một ngàn trang tài liệu từng được coi là những “bí mật” về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Việc công bố những bí mật này, không biết có đem lại điều gì tốt lành cho cuộc sống của con người hôm nay cũng như mai sau hay không?! Thực tế, khi những “bí mật” này được công bố, chỉ thấy khơi lại trong cõi lòng nhiều người những mất mát, những đau thương, những buồn phiền, những uất hận…

Cũng là những điều được cho là “bí mật”, nhưng khi được công bố, nó đã không đưa con người đến những điều tồi tệ, không dẫn con người “đi vào cõi thung lũng âm u, nghi ngờ và chết chóc”.

Ngược lại, những bí mật này, khi được công bố, nó đem lại cho con người niềm tin, sự hy vọng, và hơn hết, là niềm hạnh phúc có được một sự sống đời đời.

Sẽ có một câu hỏi được đặt ra. Đó là bí mật gì?

Thưa rằng, hãy trở lại Palestin của hơn hai mươi thế kỷ trước. Trong khung cảnh đầy thơ mộng của Biển Hồ Tiberia, có một người tên là Giêsu, được mọi người quen gọi là Giêsu Nazareth. Tại nơi đây, Đức Giêsu đã công bố một bí mật. Nó không phải là một bí mật thông thường, đại loại như bí mật của các “sao” mà báo chí “lá cải” thường đưa tin. Bí mật mà Đức Giêsu công bố là một bí mật đặc biệt và đã gây chấn động toàn cầu. Đó chính là “Bí Mật Nước Trời”, theo ngôn ngữ Kinh Thánh được quen gọi là “Mầu nhiệm Nước Trời”.

Câu chuyện được kể lại rằng: “Hôm ấy, Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ”. Một rừng người vây quanh Ngài. Và cũng như những lần trước. “Ngài dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều”.

Một trong những điều rất quan trọng luôn được Đức Giêsu đề cập đến đó là ân sủng. Phải có ân sủng, phải có “ơn trên” con người mới có thể “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13, 11).

Không phải hôm nay Đức Giêsu mới nhắc đến “phải có ân sủng, phải có ơn trên”. Vào một đêm nọ, khi Nicôđêmô đến gặp Đức Giêsu để tìm hiểu mầu nhiệm Nước Trời. Đức Giêsu đã nói với ông ta rằng: “Không ai có thể thấy Nước Trời, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”. Vâng, phải có “ơn trên”.

Cũng không phải hôm nay Ngài mới nhắc đến “Nước Trời”. Ngay khi bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đã lớn tiếng nói cho mọi người biết rằng, “Nước Trời đã đến gần”. Không chỉ loan báo vu vơ, Đức Giêsu còn khuyến cáo mọi người rằng “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Trời và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

“Nước Trời” không có gì là bí ẩn để mọi người không thể nhận ra. Và mầu nhiệm Nước Trời không phải là “bí mật quốc gia” để mà che dấu cả thế giới.

Qua dụ ngôn “người gieo giống”, Đức Giêsu đã bày tỏ cho mọi người thấy, rằng mầu nhiệm Nước Trời, chẳng phải là điều gì đó xa vời đối với mọi người. Như một người ra đi gieo giống và những hạt giống đó được gieo vào lòng đất. Mầu nhiệm Nước Trời cũng được gieo vào mảnh đất tâm hồn mỗi con người.

Vâng, vấn đề là, tâm hồn con người có mở ra để “nghe Lời và hiểu” về mầu nhiệm Nước Trời, hay tâm lại khép kín và hồn thì chai đá, để rồi “có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy”!!

Đức Giêsu chấm hết dụ ngôn bằng một lời hết sức tế nhị: “Ai có tai thì nghe”. (Mt 13,8).

Một chút tâm tình

“Ai có tai thì nghe”. Vâng, phụng vụ Lời Chúa hôm nay kêu gọi mọi người “nghe” lại dụ ngôn “người gieo giống”, một hình ảnh rất đời thường. Nhưng trong cái hình ảnh người gieo giống “bình thường” đó, nó lại phảng phất một con người “khác thường”. Con người khác thường đó chính là Đức Giêsu Kitô.

Vâng, Đức Giêsu Kitô, không ai khác, chính là hình ảnh người gieo giống. Ngài đã ra đi gieo những hạt giống “Nước Trời”. Qua Đức Giêsu Kitô, mọi người được nghe Ngài “rao giảng mầu nhiệm Nước Trời”.

Làm sao có thể am hiểu mầu nhiệm Nước Trời khi chưa am hiểu Lời Chúa! Mà “Lời Chúa” lại chính là những lời “rao giảng Nước Trời” được loan báo bởi chính Đức Giêsu Kitô.

Vì thế, trước hết, phải nhận biết Đức Giêsu Kitô, nghĩa là phải đón nhận Ngài. Và một khi đã đón nhận Đức Giêsu thì sẽ am hiểu mầu nhiệm Đức Kitô. Am hiểu mầu nhiệm Đức Kitô sẽ dẫn đến am hiểu mầu nhiệm Nước Trời. Một khi đã am hiểu Nước Trời thì, như lời Đức Giêsu nói: “Ai có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa”.

Cho thêm và dư thừa điều gì?! Phải chăng là “ơn hiểu biết” ?

Thưa đúng vậy. Chính ơn hiểu biết sẽ dẫn đưa đến việc “nghe Lời và hiểu” những lời rao giảng Nước Trời. Và điều tất yếu như lời Đức Giêsu đã giải thích trong dụ ngôn người gieo giống rằng, người đó “tất nhiên sinh hoa kết quả” (Mt 13,23).

“Quả” đó là quả gì!? Thưa chính là, như lời tông đồ Phaolô đã nói rằng, sẽ “được cùng thừa kế gia nghiệp… cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa ban” (Ep 3,6).

Điều Thiên Chúa hứa ban chính là “Nước Trời” và một cuộc sống đời đời.

Một chút suy tư

“Ai có tai thì nghe”. Vâng, chúng ta đã “nghe” dụ ngôn người gieo giống” được bao nhiêu lần? Mới lần đầu! Mười lần! Hai mươi lần!

Dù chúng ta đã nghe bao nhiêu lần đi chăng nữa, nhưng nó sẽ chẳng ích lợi gì, nếu chúng ta “nghe mà không hiểu”. Và một khi không hiểu Lời Chúa dạy thì làm sao chúng ta có thể đem ra thực hành!

Phải chăng Lời Chúa khó hiểu? Hay chúng ta làm bộ không hiểu? Chúng ta làm bộ không hiểu, không phải vì chúng ta không hiểu, nhưng rất có thể chúng là cố tình không muốn hiểu.

Và một điều quan trọng không kém, đó là, đôi khi chúng ta nghe Lời Chúa, nhưng “không sinh ích gì cho chúng ta” bởi vì tuy đã nghe, nhưng chúng ta, như lời tông đồ Phêrô đã nói: “không lấy đức tin đáp lại lời giảng” (Dt 4,…2).

Câu chuyện dụ ngôn người gieo giống đã được Đức Giêsu giải thích quá rõ ràng. Vâng, đừng nói là khó hiểu, nhưng hãy tự hỏi lòng mình rằng, mảnh-đất-tâm-hồn-của-tôi thuộc loại nào trong bốn loại đất đã được Đức Giêsu nêu trong dụ ngôn người gieo giống!?

Mảnh đất bên vệ đường ư! Hay là mảnh đất chỉ toàn sỏi đá! Có phải là mảnh đất đầy gai góc! Hay mảnh đất tốt chính là mảnh đất tâm hồn của tôi?

Dĩ nhiên là không ai trong chúng ta lại mong muốn mảnh đất tâm hồn của mình thuộc ba mảnh đất “xấu” nêu bên trên. Thế nhưng, chắc hẳn chúng ta sẽ băn khoăn và tự hỏi rằng: làm thế nào để mảnh đất tâm hồn mình thuộc loại “mảnh đất tốt”!

Đức Giêsu đã trả lời băn khoăn đó cho chúng ta. Chỉ cần thực hiện bốn chữ mà thôi, “nghe Lời và hiểu”. Hãy chú ý! Chữ “Lời” viết hoa trong Kinh Thánh đồng nghĩa với chữ “Chúa”. Vâng, phải “nghe Chúa và hiểu lời Chúa dạy”.

Một câu chuyện trong sách Samuel được kể lại rằng: “Samuel đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa. Nơi có đặt hòm bia Thiên Chúa” (1Sm3,3). Chúa gọi Samuel, thế mà ông ta lại tưởng thầy của mình là Êli gọi. Ba lần Chúa gọi nhưng Samuel vẫn không nhận ra. Chỉ đến khi thầy Êli “hiểu là Đức Chúa gọi” và dạy cho Samuel cách trả lời. Samuel mới “hiểu” và mới có thể nhận ra lời Chúa phán dạy cho mình.

Qua câu chuyện được kể trên, không thể phủ nhận rằng, sự thiếu hiểu biết về lời Chúa chính là rào cản để chúng ta đến với Chúa. Hay nói đúng hơn sự thiếu hiểu biết lời Chúa đã ngăn cản chúng ta nhận ra “mầu nhiệm Nước Trời”.

Một điều chắc rằng, chúng ta sẽ không thể “hiểu lời Chúa dạy” nếu không đọc và học hỏi Lời Chúa hàng ngày. Đừng nghĩ rằng chỉ các linh mục hay các tu sĩ mới phải “đọc Lời Chúa” mỗi ngày.

Hãy nhìn cộng đoàn dân Chúa ở Beroia năm xưa, họ chính là mẫu mực cho chúng ta hôm nay về việc đọc và học hỏi Lời Chúa.

Tác giả Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại việc đó như sau: “Những người Do Thái ở đây cởi mở hơn những người ở Thesalonica: họ đón nhận lời Chúa với tất cả nhiệt tâm, ngày ngày tra cứu Sách Thánh để xem có đúng như vậy không” (Cv 17,11).

Nếu chúng ta “đón nhận lời Chúa với tất cả nhiệt tâm, ngày ngày tra cứu Sách Thánh”. Vâng, chắc chắn rằng, mảnh đất tâm hồn của chúng ta sẽ là “mảnh đất tốt” và hãy tin rằng, chúng ta sẽ được ơn: “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây