TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Một năm Ngày Giỗ Mẹ

Thứ tư - 01/11/2023 01:58 | Tác giả bài viết: Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD |   943
Vậy đã một năm trôi qua, ngày mà người mẹ thân yêu nhất của chúng tôi đã ra đi không ngày gặp lại, cái ngày đau buồn nhất của một người con xa nhà khi hay tin mẹ mình mất.
Một năm Ngày Giỗ Mẹ

Paraguay, Tháng các linh hồn -Một năm Ngày Giỗ Mẹ


Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con. 

Còn cha còn mẹ thì hơn,

Không cha không mẹ như đàn đứt dây,
Đàn đứt dây, còn xoay còn nối,
Cha mẹ mất rồi, con chịu mồ côi. 
Mồ côi, khổ lắm ai ơi,

Đói cơm ai giúp? lỡ lời không ai phân?

 

Khi ngồi vào vi tính để viết bài này thì tôi biết được con số thống kê chưa chính thức của cơn bão Hải Yến hay Haiyan (còn gọi là Yolanda của người Phi Luật Tân) đã tàn phá 2/3 quốc gia này với con số thiệt mạng vài ngàn người. Trận cuồng phong tồi tệ nhất trong lịch sử của nước Philippines đã gây thiệt hại nặng nề cho quốc gia có đông người Công giáo nhất châu Á này. Vị linh mục cùng Dòng, người Phi Luật Tân, đang ở chung cộng đoàn với chúng tôi đã đau buồn thốt lên rằng đây thật là một ngày đáng buồn cho nước Philippines. Không buồn sao được, khi những người đồng hương của ngài đã ra đi mà không được báo trước trong thảm họa thiên nhiên xảy ra chưa từng có trong lịch sử quốc gia này.
         
Tháng 11, tháng cầu cho các linh hồn đã qua đời. Mấy ngày qua có một người bạn không Công giáo email thăm hỏi tôi và có nhắc đến ngày giỗ một năm của thân mẫu tôi. Vậy đã một năm trôi qua, ngày mà người mẹ thân yêu nhất của chúng tôi đã ra đi không ngày gặp lại, cái ngày đau buồn nhất của một người con xa nhà khi hay tin mẹ mình mất. Cuộc chia tay nào rồi cũng có ngày gặp lại nhưng cuộc ra đi của người Mẹ thân yêu của chúng tôi trong năm vừa qua đã để lại trong tôi một nỗi trống vắng mà mấy ngày qua khi nghe lại câu ca dao về sự ra đi của cha mẹ khiến chúng tôi mủi lòng thổn thức. Người bạn không Công giáo có hỏi tôi là người Công giáo có ngày cúng kỵ như người Phật giáo không? Tôi trả lời là người Công giáo không có thói quen làm giỗ cúng kỵ nhưng hầu như có dịp là họ nhớ đến ông bà tổ tiên. Nhất là người Công giáo còn giành riêng tháng 11 để nhớ đến tất cả những người thân yêu đã nằm xuống.

         
Chết, một thực tại không ai chối cãi được. Chúng ta có thể chống lại sức tàn phá của nước, lửa, khí giới nhưng không ai trong chúng ta có thể chống nổi sự chết. Dẫu biết trước như thế nhưng khi một người thân nằm xuống thì tâm lý tự nhiên của con người là
khóc và xót thương khi nhớ lại thuở hàn vi, những ngày tháng vui buồn của người thân vừa ra đi rồi tự nhiên trong lòng thổn thức. Trường hợp ấy đã từng xảy ra với tôi khi vừa hay tin người mẹ thân yêu ra đi. Tôi nhớ lại năm ngoái trong lần từ Paraguay trở về Việt Nam để thọ tang mẹ, tôi không tài nào chợp mắt được suốt cuộc hành trình dài hơn hai ngày. Như một cuốn phim quay chậm, tôi đã nhớ lại những ngày còn ấu thơ bên mẹ; những ngày tôi nằm bệnh viện thập tử nhất sinh luôn có mẹ túc trực bên cạnh. Và nhất là ngày ra đi truyền giáo khiến lòng mẹ đau như cắt nhưng đành để con mình ra đi. Khi nghĩ đến đó tự nhiên nước mắt cứ trào ra lúc nào không hay. Ai là người trong cuộc mới thấu được tình thương của mẹ giành cho con và của con đối với mẹ. Một năm kể từ ngày mẹ mất và cũng ngần ấy thời gian không ngày nào quên mẹ trong thánh lễ và các giờ cầu nguyện. Ước mong những ai còn có mẹ luôn biết trân quý những tình cảm thiêng liêng này, dù cha mẹ mình lúc già nua tuổi tác, tính nết đổi thay nhưng vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất cho từng bước đi trong cuộc hành trình tại thế của chúng ta.

 
 
 

Trong khi những quốc gia châu Á chuẩn bị bước vào mùa Đông; một vài quốc gia như Philippines, Việt Nam, Trung Quốc… đang phải gánh chịu những đợt thiên tai bão táp khủng khiếp nhất từ trước đến nay, thì ở Nam Bán Cầu - các nước thuộc châu Mỹ Latinh đang bước vào mùa hè nóng bức với nhiệt độ ban ngày có khi lên đến 420C. Cái nắng nóng ở đây rất khác với cái nắng nóng ở Việt Nam. Ở đây nắng hanh, nắng róc người giống một phần nào cái nắng nóng ở vùng Phan Rang, Ninh Thuận. Nhớ ngày nào mới đến Paraguay như một chàng thư sinh, nhưng trải qua nhiều mùa nắng, nóng nên da dẻ bây giờ cũng sạm màu giống người Nam Mỹ và người ta cứ ngỡ tôi là người Nam Mỹ. Nhiều lúc tôi nghĩ vậy cũng tốt vì vừa hội nhập được văn hóa, vừa hội nhập được màu da để người ta khỏi ăn hiếp mình. Tuy nhiên đôi mắt thì không tài nào giấu được vì người Nam Mỹ có đôi mắt rất to, còn người Á Đông mình thì mắt nhỏ xíu và họ hay nói đùa là do người Á Đông hay ăn cơm nhiều nên mắt nhỏ!!!
         
Người dân Paraguay không có thói quen tưởng nhớ ông bà tổ tiên hay những người đã qua đời. Với họ, nếu một người thân qua đời thì sau 24 giờ sẽ chôn cất với một nghi thức rất đơn giản và họ chỉ xin linh mục cầu nguyện cho người quá cố trong tuần cửu nhật nếu gia đình là người Công giáo, và như thế là xong! Ngay cả một cái hình của người quá cố cũng không có trên quan tài nên nhiều lúc người ta mời tôi đến làm phép xác trước khi đem đi chôn mà mình cũng không biết người chết là đàn ông hay đàn bà và bao nhiêu tuổi nữa. Bởi thế, đám tang của người Paraguay không có gì là quan trọng, ngay cả các linh mục hay Giám mục khi qua đời cũng chỉ có một thánh lễ nếu ai biết được thì tham dự, còn không thì chỉ dự lễ “hàm thụ” từ xa mà thôi. Điều này cũng có cái hay là đỡ tốn kém và không câu nệ nhưng có cái không hay là người ta đã quá coi nhẹ nhân phẩm con người.

 

         
Kể từ ngày chúng tôi đến đây, chúng tôi đã cố gắng gợi lại cho những người dân nơi mình làm việc biết được con người là một tặng phẩm Chúa ban, và vì thế chúng ta phải biết trân trọng quà tặng đó lúc còn sống cũng như khi đã qua đời. Ngày 02/11, chúng tôi đã mời giáo dân trong vùng mình coi sóc tham dự thánh lễ tại các nghĩa trang để cầu cho những người thân đã qua đời. Vì là một quốc gia dân chủ tự do nên linh mục có thể làm bất cứ điều gì theo bổn phận mà luật không cấm. Lúc đầu nhiều người tham dự vì hiếu kỳ. Các phóng viên cũng ra nghĩa trang để phỏng vấn về ‎ý nghĩa của những thánh lễ này và đưa lên truyền hình để người dân được biết về một linh mục truyền giáo Á châu đang làm. Dần dần người ta thấy thích thú và bắt đầu năng viếng nghĩa trang để đọc kinh, cầu nguyện và mời các linh mục khác dâng lễ cầu hồn trong tháng 11. Những điều mình tưởng chừng lâu nay ai cũng biết nhưng không làm, nay họ lại thực hiện và mình cảm thấy vui. Đây là một trong những niềm vui khuyến khích các nhà truyền giáo trong đời sống mục vụ của họ vì truyền giáo ngày nay không cần phải làm những điều gì to tát nhưng chỉ cần giúp mọi người được hạnh phúc và bình an trong cuộc sống thường nhật.
         
Mấy ngày vừa qua chúng tôi cũng tiếp đón 2 tu sĩ trẻ cùng Dòng từ Việt Nam đến Paraguay để thực tập mục vụ theo chương trình đào tạo của Dòng. Hai anh em này vừa hoàn tất chương trình Triết học tại Học Viện Đa Minh. Sau mấy tháng chời đợi Visa, họ cũng đã đến Paraguay vào rạng sáng thứ Bảy ngày 02/11 vừa qua. Tình Dòng Ngôi Lời Việt Nam năm nay đã mạnh dạn gởi 10 tu sĩ trẻ đến các quốc gia như Togo, Argentina, Chile, Mozambique, Paraguay để thực tập mục vụ và làm quen với môi trường truyền giáo quốc tế mà sau này các anh em sẽ phải dấn thân. Rất may là các em đã can đảm ra đi dù biết rằng nhiều khó khăn, thách đố đang chờ đón mình. Cha Bề Trên Giám tỉnh hiện thời giao phó các em tu sĩ trẻ này để chúng tôi hướng dẫn và đồng hành trong thời gian học ngôn ngữ và làm quen với môi trường văn hóa mới. Nhìn các anh em trẻ dù đã 30 tuổi nhưng sống ở một môi trường văn hóa mới trông như một đứa trẻ giống mình ngày xưa vừa đặt chân đến xứ này mà thấy thương các em. Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để các em cảm thấy như ở nhà dù đang sống xa quê hương. Bên này cũng có 4 anh em tu sĩ trẻ Việt Nam thuộc Dòng Don Bosco đã sống ở đây được vài năm và chúng tôi đang cố gắng tạo điều kiện để lâu lâu người đồng hương được gặp nhau.

 

         
Dịp này cũng có một anh em linh mục cùng Dòng người Paraguay đang mục vụ tại Đài Loan về thăm quê hương sau 7 năm truyền giáo ở đó. Anh em này chia sẻ với chúng tôi về những việc đã và đang làm tại Đài Loan trong dịp Tỉnh Dòng chúng tôi có Tu Nghị Tỉnh đề đưa ra chương trình và kế hoạch hành động trong 6 năm tới. Anh em này đã chia sẻ rằng Đài Loan dù là một quốc gia nhưng rất ít được cộng đồng quốc tế công nhận như là một quốc gia độc lập vì sự can thiệp của đàn anh Trung quốc. Tuy nhiên, quốc gia này là một quốc gia có nhiều tự do tôn giáo nhưng lại rất ít người Công giáo. Chính vì điều đó anh em này rất thích sống ở Đài Loan dù người Paraguay rất hiếm khi rời xa quê hương trong một thời gian dài do nền văn hóa kết dính với gia đình từ ngàn xưa. Vị linh mục này nói rằng giáo xứ anh ta ở Đài Loan hàng năm chỉ có 2 hay 3 người lớn nhận Bí tích Rửa tội. Bí tích Hôn nhân lại càng hiếm hoi. Chỉ có lễ an táng là khá nhiều và đây cũng là dịp để các nhà truyền giáo làm chứng và nói về Chúa cho những người tham dự thánh lễ. Bởi thế, khi một giáo dân báo tin là vừa có một người qua đời thì cha xứ phải sắp xếp mọi việc để cử hành lễ an táng cho người đã khuất, vì người Đài Loan rất coi trọng việc ma chay, cúng kỵ. Nói đến đây thì người vị linh mục Paraguay giải thích thêm rằng người Á Đông có thói quen xem ngày giờ chôn cất mà người Việt Nam mình cho là mê tín dị đoan. Nhiều khi nhà truyền giáo cần phải hiểu một phong tục, tập quán của một nền văn hóa khác trước khi kết án nó. Chính người anh em này đã giúp các anh em đồng hương Paraguay tại quê nhà hiểu thêm một phần về văn hóa của người Á Đông bằng tiếng Guarani của họ hơn là những người Á Đông nói về người Á Đông cho những người thuộc nền văn hóa khác.  
    
 

Hôm nay là ngày giỗ một năm của người Mẹ thân yêu của chúng tôi. Má ơi! Một năm đã trôi qua kể từ ngày Má rời bỏ chúng con ra đi đến một nơi mà chúng con biết một ngày nào đó tất cả chúng ta đều được gặp nhau ở đó. Dẫu biết là như thế nhưng lòng con vẫn thấy buồn rười rượi khi thiếu vắng Má trên cõi đời này. Xin Má luôn phù hộ cho con trên bước đường truyền giáo xa quê này để con hoàn thành tốt sứ mạng của con. Con sẽ luôn nhớ Má trong những giờ kinh nguyện và thánh lễ hàng ngày. Gia đình mình có những điều không hay đang xảy ra và con mong Má hộ phù để mọi việc được suôn sẻ và các thành viên trong gia đình được hòa thuận, sum vầy. Hôm nay con đã dâng lễ cầu nguyện cho Má cũng như các nạn nhân của siêu bão Yolanda ở Philippines vừa qua đời. Xin vì lòng nhân từ của Chúa cho linh hồn của Má, của những ân nhân, thân nhân của con và những người vừa mới qua đời trong cơn cuồng phong vừa qua sớm được hưởng phúc thiên đàng vĩnh cửu. Nơi mà Chúa Giêsu đã nói trong bài Tin Mừng Chúa Nhật XXXII thường niên vừa qua là trở nên con cái đích thực của Chúa và được sống muôn đời. Amen.

Paraguay, Tháng các linh hồn 
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây