TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VII PS-B - Chúa Thăng Thiên

“Ðang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời”. (Mc 16, 15-20)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ngày 13 thứ Sáu có phải là ngày xấu?

Thứ năm - 13/05/2021 02:45 | Tác giả bài viết: Nguyễn Vĩnh Căn |   643
Ngày 13 thứ Sáu có phải là ngày xấu?

Ngày 13 thứ Sáu có phải là ngày xấu?

Những ngày này, cả thế giới kinh hoàng sau vụ khủng bố đồng loạt ở nhiều khu phố thủ đô Paris, khiến cho hàng trăm người bị thiệt mạng.

Đêm hôm đó, lại đúng là ngày 13 thứ 6.

Buổi sáng trước đó, thứ sáu, ngày 13.2015, trong chương trình “Cà phê sáng” của VTV3, MC nhà đài đưa ra vấn đề: Có nên tin thứ 6 ngày13 là sui xẻo không? Đặc biệt năm nay có đến 3 ngày thứ 6/13: 13/01 - 13/03 và 13/11… Có vẻ như MC nhà đài rất tự tin để bày tỏ: “Xét trong quá trình cuộc sống, tôi vẫn thấy an toàn và thoái mái trong những ngày ấy. Và tưởng chẳng có điều gì bất hạnh xui xẻo xẩy ra trong những ngày 13 thứ sáu với tôi”. Lời chưa dứt thì đúng 13 thứ 6 hôm đó, xảy ra vụ khủng bố hãi hùng ở Paris.

Vậy thì tại sao người tây phương lại có sự mặc định cho ngày 13 thứ 6 là ngày xấu, ngày đen đủi? Nhiều nhà chuyên môn đã truy tìm nguồn gốc, cho biết:

“Theo quan niệm của người tây phương, thứ sáu là ngày xấu nhất trong tuần và 13 là ngày xấu nhất trong tháng. Hai ngày này kết hợp lại là 13 thứ 6 thì sẽ rất là xấu. Thậm chí người ta còn đặt cho ngày đó cái tên gọi: Paraskevidekatriaphobia, trong đó Paraskevi là ngày thứ 6, dekatria là ngày 13 và phobia là nỗi sợ hãi (theo tiếng Hy lạp)”.

Nhưng có lẽ, ngày 13 thứ 6 được xem là ngày xấu, nguyên nhân chính bắt nguồn từ Kitô giáo, dựa vào bữa tiệc ly cuối cùng, các tông đồ và Chúa Giêsu sum họp bên nhau. Và Juda là vị khách thứ 13, tên phản đồ đã bán Chúa, để Chúa Giêsu phải chịu đóng đanh vào ngày thứ 6. Người ta còn truy tìm ra, ở thành Rome cổ, các vị phù thủy thường hợp thành 12 nhóm, và nhân vật thứ 13 là quỷ dữ. Kể cả việc Adam và Eve bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng cũng vào ngày thứ 6, sau khi ăn trái cấm.

Vào thời hiện đại, phi thuyền Apolo 13 của Mỹ, đã bị phát nổ trên không… Đúng vào ngày 13.04.1970.

Cũng vì tin vào ngày 13 thứ 6 là ngày xấu và xui xẻo, khiến cho người Âu Mỹ đã tránh không dùng con số 13 để đặt: phòng số 13, bàn 13, tầng 13…

Nếu nói về mê tín dị đoan thì người Á Đông có nhiều mê tín hơn người Tây phương. Người Việt Nam lại cho rằng những ngày mồng 5, 14, 23 là ngày xui, nhưng không hề có một căn cớ nào để chứng minh ngày đó là ngày xui xẻo.

Vậy đạo Công giáo chúng ta quan niệm về việc mê tín dị đoan ra sao? Theo bài viết của TS Phạm Huy Thông về “Đạo Công giáo với vấn đề mê tín và tệ nạn xã hội”:

 “Công giáo là một tôn giáo độc thần, vì vậy giáo lý của đạo nghiêm cấm việc thờ các thần linh khác và tất cả các hành vi có ảnh hưởng đến căn tính  được ghi trong điều răn thứ nhất: Thờ phượng một Chúa Trời và kính mến Chúa trên hết mọi sự. Do đó, các hiện tượng vốn được coi là quen thuộc với phong tục dân gian ở Á Đông và Việt Nam như lên đồng, bói toán, chọn ngày tốt xấu, chọn đất chôn táng, đốt vàng mã… đều bị đạo Công giáo cấm tín đồ tham gia. Ai dù vô tình hay cố ý tham gia đều coi là lỗi phạm giới răn thứ nhất và buộc phải sám hối, xưng tội trước toà giải tội”.

Mê tín dị đoan là một thói quen tập tính lâu đời của người Việt Nam chúng ta, cho nên dù là người Công giáo, giáo dân chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng rơi rớt của những tục mê tín trong dân gian là khó tránh khỏi.

Trong cuộc sống, những khi gặp phải những chuyện “tai bay vạ gió”: vỡ nợ, cháy nhà, tai nạn, chết người… Một số người Công giáo chúng ta vẫn tin vào một thế giới thần bí nào đó, chi phối cuộc sống của chúng ta, để đi xem bói toán giải hạn. Thậm chí là có linh mục làm việc mê tín, bằng cách xem chỉ tay, xem mặt… để nói hung cát, tiền vận, hậu vận… chỉ nơi chốn những người đã chết cho thân nhân cải táng, hoặc làm cho những người đàn bà son sẻ hiếm muộn, có thể mang bầu được...??

Trong cuộc sống, nhiều khi ốm đau bệnh hoạn trong nhà triền miên, khiến cho con người ta khủng hoảng tâm lý để tìm đến thầy bói toán giải hạn. Có khi phải đào bới tìm kiếm hài cốt của những người chết chôn dưới nền nhà lên, để cải táng nơi khác.

Làm nhà mới, khai trương cửa hàng, mở công ty, chạy xe khách… kể cả việc dựng vợ gã chồng cũng đều xem lịch để chọn giờ, chọn ngày lành, tháng tốt…

Và dù ai có cứng lòng bài bác: 13 thứ 6 là ngày xấu, chỉ là chuyện nhảm nhí, là mê tín, thì họ cũng đều tránh chọn ngày vu quy và thành hôn cho con cái vào ngày đó. Vì thói tục cố hữu của dân gian ta vốn đã tiềm ẩn cái câu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Vì thế, chẳng ai dại gì mà chọn ngày đó, lỡ có chuyện xui xẻo xảy ra cho con cái mình thì, bàn dân thiên hạ sẽ chê cười. Cho nên “khôn không ai khen, mà dại có người chê”, để tránh ngày 13 thứ 6 là thế đấy!

Vậy, đối với người Công giáo chúng ta có nên tin 13 thứ 6 là ngày xấu, ngày xui xẻo không?
 
Trong Sáng Thế Ký, Thiên Chúa đã sáng tạo nên vũ trụ muôn vật trong 6 ngày, Ngài cảm thấy mọi điều tốt đẹp, và đến ngày thứ 7 Ngài nghỉ ngơi. Xem thế thì chẳng có ngày nào xấu hơn ngày nào, chẳng có ngày nào xui xẻo hơn ngày nào. Ngày nào cũng là ngày của Chúa, ngày nào cũng là ngày tốt đẹp cả.

Tuy là nói thế, nhưng tâm lý ai cũng thích ngày Chúa nhật hơn những ngày khác. Bởi ngày này, thường đem đến cho chúng ta những cảm giác vui thích và thoải mái hơn, vì được nghỉ ngơi sau 6 ngày vất vả lao động mệt nhọc… Và trước mắt, những cuộc vui cho ngày Chúa nhật cũng được dự tính: Đôi trai gái hẹn nhau đi xem phim, uống cà phê, đi xem ca nhạc… Phía các đàn ông rủ nhau đi ăn nhậu, đi hát karaoke, xả trét. Còn các bà các cô đi shopping…, đi làm đẹp make up, đi spa… Xem ra cảm tính của con người vẫn có ngày thích và ngày không thích. Chắc chắn là Giáo Hội cũng chẳng cấm đoán được điều cảm tính này! 

Để làm sáng tỏ việc xem: 13 thứ 6 có phải là ngày xấu trong cuộc sống?
 
Một nghiên cứu ở Đức vào năm 2011, đã xem xét các thông tin trong 3.281 ngày tại một bệnh viện, trong đó có 15 ngày thứ Sáu ngày 13, nhưng họ không tìm ra bất kỳ mối tương quan nào. Nghiên cứu kết luận “Dữ liệu của chúng tôi chỉ ra rằng những niềm tin này không có cơ sở”. Ngay cả giáo sư Vyse và giáo sư Bailey cũng đều cho biết, không rõ từ khi nào thứ Sáu ngày 13 được coi là một ngày đen đủi. Các tài liệu cho thấy trước thế kỷ 19 chưa có khái niệm gì về ngày này.

Tất cả những chứng cớ trên, minh chứng cho thấy ngày 13 thứ 6 không phải là ngày xấu và xui xẻo như chúng ta thường nghĩ. Đó, chẳng qua cũng chỉ là lời truyền khẩu dân gian quen miệng mà thôi. 

Cuộc sống vẫn là một dòng chảy của những cảm xúc phức hợp lẫn lộn: vui buồn, hên xui, may rủi, đỏ đen, xấu tốt… Dù có phải chịu những đau khổ hay dâu bể trong cuộc sống, chúng ta hãy luôn tin tưởng và phó thác trong sự quan phòng của Thiên Chúa, bởi Ngài là Người Cha Nhân Từ, Đấng Giàu Lòng Xót Thương, há lẽ lại để chúng ta phải sống trong tuyệt vọng cùng đường… mà không ra tay nâng đỡ, ủi an chúng ta sao!!

Là người Công giáo, chúng ta chỉ tin duy nhất vào Một-Đấng-Tối-Cao-Đầy-Quyền-Năng, đó chính là Đức Ki-Tô, Chúa chúng ta. Không có một quyền lực thần bí nào có thể vượt lên trên Ngài được. Vậy tại sao chúng ta lại tin vào những điều phù phiếm nhảm nhí đó? Trong khi sách Sáng Thế Ký đã cho chúng ta biết: Ngày nào cũng là ngày của Chúa, ngày nào cũng tốt lành cả.

Những người tin vào những điều mê tín dị đoan, hãy xét lại đức tin của chính mình? Phải chăng, chúng ta đang làm tôi hai chủ, làm tôi hai thế lực?

Chính khi chúng ta tin vào những điều mê tín nhảm nhí, là chính lúc chúng ta tự làm tổn hại đến đời sống đạo đức và tổn hại đến đức tin của chúng ta vậy.

Nguyễn Vĩnh Căn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây