Chúa Nhật III – MC – B
Nhà Chúa… là nhà cầu nguyện
Chúng ta vừa trải qua những ngày tết của năm âm lịch. Và, khi nói tới tết, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không liên tưởng đến những cuộc hành hương, những buổi lễ hội, được tổ chức đây đó trên khắp vùng miền của đất nước Việt Nam.
Điều đó, tất nhiên, là một truyền thống đẹp. Thế nhưng, trong nét đẹp đó lại xuất hiện không ít những nét xấu. Những nét xấu đó xảy ra càng ngày càng nhiều, càng ngày càng nhuốm màu bạo lực. Đó là cảnh “cướp lộc”, chen lấn, xô đẩy, v.v… thậm chí đánh nhau gây thương tích (một vài nơi còn xảy ra cảnh chết chóc), chỉ vì một bông hoa.
Chưa hết, nạn buôn thần bán thánh, mua chuộc thần thánh đã trở thành “chuyện thường xảy ra ở huyện” và đã là nỗi ám ảnh của không ít người đi hành hương.
Những chuyện như thế, cứ tưởng rằng chỉ xảy ra nơi các tôn giáo bạn. Thực tế thì, buồn thay! Những chuyện như thế vẫn xảy ra đó đây ngay trong những nơi hành hương của đạo Công Giáo chúng ta, mà không tiện nêu ở đây.
Có bao giờ chúng ta tự hỏi, nếu… nếu Đức Giê-su, bất chợt hiện ra và thấy những cảnh tệ hại đó, Ngài sẽ làm gì? Phải chăng, Ngài sẽ nổi giận như đã có lần nổi giận trong một lần lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem? Đúng, Ngài sẽ nổi giận. Ngài sẽ lớn tiếng nói: “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.
**
“Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Đó chính là lời Đức Giê-su đã nói trong một lần lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Tại sao Ngài lại nổi giận như thế!
Thưa, chuyện là thế này. Hôm ấy, theo lịch Do Thái, đó là ngày “gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái”. Tưởng chúng ta nên biết, Do Thái giáo có ba ngày lễ quan trọng buộc người tín hữu phải lên Giê-ru-sa-lem. Đó là: lễ Ngũ Tuần, lễ Lều Tạm và lễ Vượt Qua. Thế nên, hôm ấy, cũng như mọi thành phần dân Chúa, “Đức Giêsu lên thành Giê-ru-sa-lem”.
Đây không phải lần đầu tiên Đức Giêsu lên Đền Thờ dự lễ Vượt Qua.
Nhớ, hồi năm mười hai tuổi, Ngài cũng đã cùng với cha mẹ của mình “trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua… như người ta thường làm trong ngày lễ” (Lc 2, 41-42).
Lần trẩy hội, hồi đó, Đức Giê-su đã làm cho mọi người kinh ngạc “về trí thông minh và những lời đối đáp” của mình.
Còn lần này thì sao? Thưa, lần này khác hẳn. Lần này, Ngài lên Giê-ru-sa-lem trong vai trò là một Đấng Cứu Thế. Một Đấng chính là “Con Thiên Chúa hằng sống”.
Con Thiên Chúa hằng sống đã không thể nào chấp nhận được cảnh bát nháo đang diễn ra trước mắt mình.
Đền Thờ, nơi Thiên Chúa ngự, tại sao lại có “những kẻ bán chiên, bò, bồ câu”? Đền Thờ, nơi Thiên Chúa ngự, tại sao lại có: “những người đang ngồi đổi tiền”?
Và, Ngài đã nổi giận, một sự nổi giận chưa từng thấy nơi Ngài. Hôm ấy, Đức Giê-su đã “lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò ra khỏi Đền Thờ, còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ”.
Cuối cùng, Ngài nói: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”.
Thưa quý vị, nếu một buổi sáng nào đó, mở cửa ra, bạn thấy một nhóm người tụ tập trước nhà mình, họ bày bán đủ mọi thứ: tôm, cá, gà, vịt, v.v… tạo ra một ngôi chợ chồm hổm (điều này đã xảy ra tại một vài nơi ngoại thành Saigon), với những tiếng rao, tiếng mời chào, tiếng trả giá, tiếng cãi cọ vì cân đo đong đếm…
Chưa hết, còn những mùi xú uế của tôm, cá, gà, vịt bài tiết ra… Bạn và những người hàng xóm của bạn có để yên không? Chắc chắn là không? Chắc chắn bạn và cư dân ở dãy phố đó sẽ có biện pháp để những người bày bán ở đó kinh sợ, “cuốn tượng” ngay lập tức...
Trước cửa tư gia còn không chấp nhận, vậy trước cửa Đền Thờ sao chấp nhận được, phải không thưa quý vị! Cứ thử đi một vòng Saigon, đến những ngôi nhà thờ hay chùa chiền, xem thử, chắc chắn chúng ta sẽ thấy có những tấm bảng gắn trên tường với câu “nơi tôn nghiêm, xin đừng buôn bán và phóng uế”.
Trở lại câu chuyện của Đức Giê-su. Hôm ấy, nhìn hành động của Đức Giê-su, các môn đệ đã nhớ lại lời được chép trong Kinh Thánh: “Vì nhiệt tâm lo việc cho Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”.
Thật vậy, hôm đó, nhiều người Do Thái đã chạm đến “thân phận” của Đức Giê-su. Họ chất vấn Ngài, rằng “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”
Dấu lạ nào ư! Thì đây, bữa tiệc cưới tại Cana với “dấu lạ” nước hóa thành rượu còn sờ sờ ra đó, nay còn thắc mắc mà chi?! Thế nhưng, để thỏa lòng ước muốn của mọi người, Đức Giê-su hứa sẽ làm một “Dấu Lạ” mới, Ngài nói: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”.
Trời đất, xây lại Đền Thờ trong ba ngày, đúng là dấu lạ, nhưng ai mà tin nổi! Vâng, hôm ấy, không một người nào tin. Vì, Đền Thờ, như mọi người đều biết, “phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong”.
Thế nhưng, “dấu lạ xây Đền Thờ trong ba ngày”, mà Đức Giê-su sẽ làm và nó sẽ được thực hiện, đó là “chính thân thể Người”. Cái thân thể đó sẽ bị đóng đinh trên thập giá, tại đồi Golgotha.
Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, mỗi khi nói “đi Giêrusalem”, Đức Giêsu đều giải thích cho các môn đệ biết rằng, là để Người “phải chịu nhiều đau khổ… bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”.
Người nói điều này tới ba lần, nhưng chỉ tới khi “Người từ cõi chết trỗi dậy”, các môn đệ mới “nhớ lại Người đã nói điều đó”. Chẳng những họ đã nhớ mà họ còn tin. Họ “tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói”.
***
Vâng, câu chuyện đã xảy ra trên hai ngàn năm. Thế nhưng, đừng nghĩ rằng, câu chuyện này không liên quan với chúng ta, hôm nay.
Thật vậy, với chúng ta hôm nay, Đền Thờ Giê-ru-sa-lem chỉ còn là dĩ vãng. Nhưng còn một “đền thờ” khác, một đền thờ mà chúng ta có trách nhiệm để nó không bao giờ “trở thành nơi buôn bán”, đó chính là ngôi “Nhà Thờ”, nơi chúng ta đến thờ phượng mỗi ngày, mỗi tuần.
Trách nhiệm chúng ta là gì? Thưa, đó là, hãy tự hỏi: “mỗi khi tham dự thánh lễ tay tôi có lả lướt iphone! Tay tôi có mâm mê ipad! Nếu không! Tốt. Nếu có! Vâng, nếu có, thế thì có khác nào ta đã “Biến nhà Cha (nhà thờ) thành câu lạc bộ chơi game”!
Hãy tự hỏi: “mỗi khi tham dự thánh lễ, tay tôi có cầm iphone, miệng tôi có a-lô ồ-la”! Nếu có… coi chừng, có ngày Chúa Giê-su từ trên trời cao, Ngài sẽ bắt được tầng số của ta và trả lời rằng: “Dạ nghe! Ôi! sao con biến nhà Cha Ta thành trạm điện thoại công cộng!”
Hôm lễ giao thừa tại Dòng Chúa Cứu Thế, vừa qua. Sau thánh lễ, nơi hang đá Đức Mẹ, một cảnh tượng hết sức xấu xảy ra, đó là người ta chen chúc, xô lấn nhau, tiến vào hang đá để giật… phải nói là “giành giật”, chỉ có mỗi cái bông huệ.
Vâng, nếu ngay lúc đó, Chúa Giê-su hiện ra, Ngài sẽ nói gì? Phải chăng, Ngài sẽ nói: “Đừng biến nhà Mẹ Ta thành nơi đầy bọn cướp giật, đầy sự mê tín”?
Mà, đúng. Theo trình thuật của thánh Mát-thêu, Đức Giê-su có nói: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta (hang đá của Mẹ Ta) sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp”.
Linh mục Gio-an Bao-ti-xi-ta Nguyễn Đức Phương, sau khi sự việc xấu đó xảy ra, trong một bài giảng lễ Chúa Nhật, ngài đã nói: “Thật đáng buồn!”
Phải “Tẩy Uế” thôi. Và, nơi phải tẩy uế trước nhất, đó chính là “đền thờ tâm hồn” chúng ta. Hãy nhớ, thánh Phao-lô có nói “Thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần”, cho nên, chúng ta rất cần xem lại ngôi “đền thờ tâm hồn” của chúng ta.
Phải xem lại, xem đền thờ tâm hồn ta có chất chứa những thứ “rác rưới thờ quấy”, những “cặn bã phù phép”, những “ô uế mê tín dị đoan”, không?
Chưa hết đâu! Mùa chay là mùa của sám hối và trở về. Vì thế, còn phải xem tiếp, xem đền thờ tâm hồn ta có đang chất chứa những “con lợn lòng”, những con lợn quyền lực, những con lợn danh vọng, những con lợn tiền bạc, hay không? Nó có đang nuôi dưỡng những con lợn dâm bôn, con lợn phóng đãng, con lợn hận thù, con lợn tranh chấp, con lợn chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, con lợn say sưa chè chén, v.v… hay không?
Đừng quên, thánh Phao-lô có dạy, rằng: “Làm sao đền thờ Thiên Chúa lại đi đôi với tà thần được” Thánh nhân nói tiếp: khi đã thuộc về Đức Giê-su, chúng ta phải “Hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để… thờ phượng Người” (x.Rm 12, 1)
Vì thế, hôm nay, những thứ rác rưới, những con lợn lòng nêu trên, nếu có hiện hữu trong đền thờ tâm hồn ta, (không phải là Đức Giê-su), mà chính là chúng ta, chính chúng ta phải “lấy dây làm roi” mà xua đuổi những con lợn lòng đó.
“Dây” đó, chính là Bí Tích Hòa Giải, một ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Chính Bí Tích Hòa Giải sẽ “sơn lại” lại ngôi đền tâm hồn chúng ta, một thứ sơn đem lại cho ngôi đền tâm hồn ta ánh sáng Chúa Thánh Thần.
Hôm nay, Đức Giê-su vẫn luôn đi ngang qua cuộc đời ta. Ngài vẫn nhìn ngôi đền tâm hồn ta và phán: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (x.Kh 3, 20)
Ta sẽ mở! Ta sẽ dùng bữa với Ngài! Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, nếu ta muốn được “dùng bữa với Chúa”, đừng bao giờ biến ngôi đền tâm hồn mình “thành hang trộm cướp” hoặc “thành nơi buôn bán”.
Chúa sẽ dùng bữa với ta và ta sẽ dùng bữa với Ngài, nếu ngôi đền tâm hồn của ta không thành-nơi-buôn-bán, buôn bán trao đổi lợi lộc với Sa-tan, với thế gian và bè lũ của chúng.
Chúa sẽ dùng bữa với ta và ta sẽ dùng bữa với Ngài, nếu ngôi đền tâm hồn của ta không thành-hang-trộm-cướp, cướp đi niềm vui, hạnh phúc, sự bình an của gia đình mình, của bạn bè, của hàng xóm láng giềng, bằng những thú vui say sưa chén chén, bằng những tranh chấp hận thù, bằng những nóng giận, chia rẽ, bè phái v.v…
Cuối cùng, hãy nhớ rằng, chỉ khi (mỗi) ngôi đền thờ tâm hồn nhỏ bé của ta rực rỡ ánh sáng Chúa Thánh Thần, chỉ khi đó, ngôi “Đền Thờ Lớn”, nói rõ hơn, ngôi “Nhà Thờ” nơi chúng ta thường đến thờ phượng, mới có thể “sạch sẽ”, sạch sẽ những mưu ma chước quỷ, sạch sẽ sự thờ quấy, mê tín dị đoan.
Nói tắt một lời, chỉ khi đó, chúng ta mới dám cất tiếng đáp lời Đức Giê-su, rằng: “Lạy Chúa, nhà Chúa… là nhà cầu nguyện”.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn