TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chứng nhân không cô đơn

Thứ sáu - 14/05/2021 03:45 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   670
Chứng nhân không cô đơn

Chúa Nhật III – Ps – B

Bạn có là “người chứng nhân không cô đơn”?

Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh, đó là trung tâm điểm niềm tin Công Giáo. Hơn hai ngàn năm qua, Giáo Hội vẫn trung thành tuyên xưng và loan báo niềm tin này.

Nếu Đức Giê-su không Phục Sinh? Vâng, thánh Phao-lô nói: “… chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người”. Riêng tôi, tôi cho rằng: nếu Chúa Giê-su không sống lại, niềm tin của chúng ta, chỉ là một “niềm tin cô đơn”, cô đơn và buồn bã. (Mà, nếu chúng ta có làm chứng về Chúa, chúng ta chỉ là người chứng nhân cô đơn).

Vâng, cô đơn và buồn bã chính là tâm trạng của “nhóm mười một”, nhóm các môn đệ của Đức Giê-su, khi các ông chưa thật sự tin Người “trỗi dậy từ cõi chết”.

Thì đây, hãy trở lại Giê-ru-sa-lem của hơn hai ngàn năm trước, ta sẽ thấy. Vâng, tính từ thứ sáu, ngày Thầy Giê-su bị bắt và bị đóng đinh trên thập giá tại đồi Golgotha, các môn đệ của Ngài tuy sống nhưng cũng như đã chết, các ông mất phương hướng, cuộc sống của các ông chỉ là sợ hãi và âu lo, cô đơn và buồn nản.

Chung quanh các ông, lúc đó, toàn là những tin đồn bất lợi. Nhóm thượng tế và kỳ mục đã có một hành động hết sức ma mãnh. Họ chi một một số tiền lớn cho bọn lính canh mộ và bảo nhóm lính đó hãy tung tin đồn rằng, vào ban đêm “các môn đệ của ông Giêsu đã đến lấy trộm xác”, và đó chính là nguyên nhân khiến các ông bất an.

Sự bất an đó đã làm cho các ông, dù nhận được nguồn tin từ bà Maria Macdala, rằng bà ta “đã thấy Chúa”, vẫn cho là “tin vớ vẩn”. Ngay cả một nguồn tin thân cận, do hai người môn đệ trong lúc “nhọc nhằn lê gót chân buồn” trở về làng Emmau, cho biết, họ đã gặp Thầy Giêsu và họ “nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”, vẫn chưa đem đến cho các môn đệ niềm xác tín rằng Thầy Giê-su Phục Sinh.

Trong tâm trạng rối bời đó, Chúa Giê-su hiện ra. Thánh Luca kể lại rằng: “Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: Bình an cho anh em”.

Là một lời chúc bình an, ấy thế mà các ông lại bất an, bất an đến nỗi Phêrô cũng như toàn thể đồng môn “kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma”. Không thể tin được, mới chỉ có chưa đầy ba ngày mà các ông đã không nhận ra dung nhan Thầy mình.

Phải chăng vì các ông quá sợ, sợ rằng: nếu đúng là Thầy Giê-su, chắc hẳn Ngài sẽ quở trách về việc “chối Thầy… bỏ Thầy”! Thưa, không phải thế. Trái lại, hôm ấy, Đức Giêsu tiến về phía các ông và nói: “Sao lại hoảng hốt. Sao lòng anh em còn ngờ vực. Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà. Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” 

Như người mục tử xót xa nhìn đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt, Đức Giêsu nói với các ông rằng: “Tất cả những gì sách luật Môse, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. Và cuối cùng Người “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”.

Sách xưa có câu: “Kẻ thù của niềm tin là sự sợ hãi chứ không phải sự nghi ngờ”. Hôm đó, Đức Giêsu quả đúng là một bậc thầy về tâm lý. Ngài đã không trách cứ các môn đệ về sự nghi ngờ của các ông. Đức Giê-su, trái lại, chỉ gửi đến các môn đệ một lời truyền dạy, như để các ông xác tín về niềm tin của mình, lời truyền dạy, rằng: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại…”

Cuối cùng, Ngài nói: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này”.

**

Các môn đệ, sau những ngày sống mà như đã chết, nay như được “phục sinh” theo Thầy Giê-su. Nay, các ông sẵn sàng làm chứng về sự Phục Sinh của Thầy mình.

Thật vậy, sau này, khi phải đối mặt với các tư tế, các kỳ mục, các kinh sư, và dù các Tông Đồ bị đánh đòn và cấm rao giảng Đức Giêsu Phục Sinh, nhưng những hình phạt đó vẫn không làm cho các ông “hoảng hốt”. Ông Phêrô và các Tông Đồ khác vẫn hiên ngang làm chứng rằng “Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ… đã giết… nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết, về điều này chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3, …13-14).

Một điều chúng ta cũng nên biết, hầu hết tất cả các tông đồ đều đã “tử đạo” để làm chứng cho niềm tin cứu độ, niềm tin Đức Giêsu Phục Sinh. Máu tử đạo của các tông đồ đã chứng minh rằng, các ông quả thật đã làm trọn lời truyền dạy của Đức Giê-su, rằng: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này”.

***

“Chính anh em là chứng nhân về những điều này”. Phải chăng, đây cũng là lời Đức Giê-su truyền dạy chúng ta, hôm nay? Thưa, đúng vậy. Và, trong một thế giới tục hóa như hôm nay, việc làm chứng của chúng ta lại càng khẩn thiết hơn.

Chúng ta làm chứng như thế nào? Phải chăng là tuân theo lời truyền dạy của Đức Giê-su “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần?” Phải chăng là noi gương thánh Phê-rô kêu gọi mọi người: “sám hối và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Ki-tô, để được ơn tha tội?”

Vâng, làm chứng như thế là một cách làm chứng đúng truyền thống. Thế nhưng, không phải ai cũng làm được. Phương cách dễ dàng nhất, và ai cũng có thể làm được, đó là hãy sống đức tin, sống Lời Chúa, bởi, nó chính là lời chứng sống động nhất.

Lời chứng sống động nhất, đó là hãy sống như Đức Giê-su đã sống. Lời chứng sống động nhất, đó là Đức Giê-su làm gì ta hãy làm như Ngài. Lời chứng sống động nhất, đó là Đức Giê-su đã nói gì ta hãy nói như Ngài. Lời chứng sống động nhất, đó là Đức Giê-su nghĩ gì ta hãy nghĩ như Ngài.

Mà, Đức Ki-tô Phục Sinh đã nói gì, phải chăng Ngài nói: “Bình an cho anh em”! Nếu Ngài nói như thế, cớ gì chúng ta không trở thành “khí cụ bình an của Chúa”!

Đức Ki-tô Phục Sinh đã nói gì, phải chăng Ngài nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau”! Nếu Ngài nói như thế, cớ gì chúng ta không “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”!

Giờ đây, chúng ta hãy nghe một lần nữa lời Đức Giê-su truyền dạy: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này”.

Nghe rồi, chúng ta hãy tự hỏi: đã qua bao nhiêu mùa Phục Sinh, tôi đã thực sự là “chứng nhân” cho Chúa? Câu trả lời là của mỗi chúng ta.

Thế nhưng, theo lời chia sẻ của Lm. Charles E. Miller, thì: “Mùa Phục Sinh là thời gian để ta nhìn lại quá khứ, đồng thời cũng hướng tới tương lai”.

Nhìn lại quá khứ, ngài linh mục cho biết, đó chính là “các biến cố trọng đại về ơn cứu độ của chúng ta nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua: cái chết và sự sống lại của Đức Ki-tô”.

Còn, hướng tới tương lai ư! Thưa, ngài Lm cho biết, đó là: “được sống lại muôn đời vinh hiển nơi quê Cha trên trời, cùng với Đức Ki-tô nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần”.

“Đó là tương lai vinh phúc của chúng ta”. Lm. Charles E. Miller kết luận như thế.

Nhắc đến những điều này để làm gì? Thưa, là để chúng ta biết, biết để mà tái xác tín lại niềm tin vào sự Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô. Bởi vì, chỉ khi chúng ta có sự “xác tín”, chỉ khi đó, chúng ta mới có thể là “chứng nhân về những điều này”.

Nói cách khác, chỉ khi có sự xác tín, chúng ta mới có thể là “người chứng nhân không cô đơn”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây