TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tin vào Đức Ki-tô Giê-su

Thứ sáu - 14/05/2021 03:34 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   638



Chúa Nhật IV – MC – B

Hãy tin vào Đức Ki-tô Giê-su

Có một nhà truyền giáo đã tuyên bố rằng: “Nếu chẳng may toàn bộ các sách Kinh Thánh thất lạc (hoặc bị đốt bỏ, như kiểu Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn nho), mà còn giữ lại được đoạn 3 câu 16 trong Tin Mừng thánh Gio-an, với câu đó cũng đủ để mọi người nhận biết tình yêu của Thiên Chúa đối với con người như thế nào.”

Đoạn 3 câu 16 của Tin Mừng thánh Gio-an, đã nói gì? Thưa, nói rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

Chính Đức Giê-su, chứ không là ai khác, Ngài đã nói điều đó trong một cuộc đàm đạo với một thủ lãnh của người Do Thái, tên là Ni-cô-đê-mô.

Chi tiết về cuộc đàm đạo đó đã được thánh sử Gio-an ghi lại như sau: Hồi ấy, “trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do Thái. Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm”.

Gặp Đức Giê-su, ông ta đã nói với Ngài như thể nói với một người mình từng quen biết, rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết, Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến”.

Dựa vào đâu mà ông ta nói về Đức Giê-su như thế? Thưa, ông ta đã dựa vào “những dấu lạ” mà ông ta cho rằng Đức Giê-su đã làm, vì như ông ta nói: “chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy đã làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy”.

Đúng vậy, Đức Giê-su, ngay khi bắt đầu ra đi loan báo Tin Mừng, Ngài đã làm rất nhiều dấu lạ, dấu lạ hóa nước thành rượu trong một bữa tiệc cưới tại Cana như là một điển hình.

Còn chuyện Ngài “được Thiên Chúa sai đến” ư! Thưa, cũng đúng. Thế nhưng, Đức Giê-su được sai đến không chỉ để người ta coi như là “một tôn sư”, nhưng là để khôi phục cho con người “quyền trở nên con Thiên Chúa”.

Hôm đó, sau những lời tranh luận với ông Ni-cô-đê-mô về sự tái sinh, Đức Giê-su đã khẳng định điều đó khi Ngài công bố một thông điệp, thông điệp rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

“Con của Người” sẽ làm gì để đem lại sự sống muôn đời cho nhân loại? Thưa, hôm đó Đức Giê-su cho biết: “như ông Mô-sê đã gương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được gương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. (Ga 3, 14-15)

Đối với người Do Thái, nói tới chuyện Mô-se gương cao con rắn đồng, có phần chắc ai cũng hiểu, nhưng khi nói “Con Người cũng sẽ phải được gương cao như vậy”, không biết, hồi đó, ông Ni-cô-đê-mô có hiểu câu nói đó của Đức Giê-su không!

Tuy nhiên, có phần chắc, ông ta sẽ hiểu, hiểu Đức Giê-su nói gì, khi Ngài nói tiếp rằng “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”.

Sau này, quả đúng như lời Đức Giê-su nói, vào một buổi chiều ngày thứ sáu, trên đồi Golgotha, “Con của Người”, chính là Ngài, đã bị giương cao, giương cao trên cây thập giá. Cây thập giá đó, trở thành cây thánh giá, một cây thánh giá, để ai tin, thì người ấy “được cứu độ”.

**

“Được Cứu Độ - Được Sống Muôn Đời”. Vâng, đó chính là kết quả từ cây Thánh Giá của Chúa Giêsu Kitô. Cây Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô như là cây trường sinh mới, một cây-trường-sinh-mới đã được tác tạo bằng chính thân xác của Ngài. Nó đã được gieo hạt tại miền đất Belem và đã trổ sinh hoa trái khi được “trồng xuống” tại đồi Golgotha.

Nói tắt một lời, nó chính là Tình yêu của Thiên Chúa qua Đức Giê-su Ki-tô, mà chúng ta được hưởng “ơn cứu độ”.

Thánh Phao-lô, đã cảm nghiệm được điều này, nên đã có lời chia sẻ: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ”.

“Ơn Cứu Độ và Sự Sống Muôn Đời” đã có, và ân huệ mà Thiên Chúa ban cho con người không bao giờ bị giới hạn bởi không gian lẫn thời gian. Vấn đề còn lại là “lòng tin”, lòng tin của chúng ta. Chúng ta có tin và đón nhận tình yêu của Người?

Mà, cớ gì chúng ta không đón nhận nhỉ!

***

Nói tới lòng tin, có thể nói, đó là một thách đố lớn đối với chúng ta, khi mà chúng ta đang phải sống trong một xã hội vô thần, một xã hội cổ võ cho một nền văn hóa sự chết, một nền văn hóa “tiền là tiên là phật”, một nền văn hóa dạy dỗ con người rằng: Thiên Chúa đã chết rồi, một nền văn hóa ngạo mạn rêu rao rằng: “Thằng trời đi chỗ khác chơi; Để cho nông hội tiến lên làm mùa” v.v…

Ở một xã hội như thế, một xã hội nhồi nhét chúng ta (cũng như con em chúng ta) một nền văn hóa như thế, rất có thể, chỉ vì một phút yếu lòng, chúng ta gục ngã trước những mưu ma chước quỷ của Sa-tan và bè lũ của chúng.

Rất có thể, chỉ vì một phút yếu lòng, chúng ta yêu thế gian đến nỗi “bán” Con Một của Người là chính Đức Giê-su, bằng cách này hay cách khác.

Thế nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi, tôi có “bán đứng” lương tâm mình chỉ vì một chút lợi lộc, của cải, tiền bạc mà thế gian ban cho? Tôi có “bán đứng” đồng nghiệp mình chỉ vì một chút danh vọng, mà thế gian ban cho? Tôi có bán đứng đồng môn mình chỉ vì một chút quyền lực mà thế gian ban cho?

Đối với gia đình, tôi có bán đứng người bạn trăm năm của mình chỉ vì một phút yếu lòng để cho “hồn lỡ sa vào đôi mắt em”, một em chân dài nào đó? v.v…

Nếu… nếu chúng ta có một phút yếu lòng! Hãy nhớ đến dụ ngôn “người cha nhân hậu”. (x.Lc 15, 11-32). Hãy tin vào lòng nhân hậu và sự bao dung của Thiên Chúa, như người con thứ trong dụ ngôn đã tin.

Hãy đứng lên và đi về với Thiên Chúa, như người con thứ đã “tin” rằng, người cha sẽ tha thứ và anh ta đã “đứng lên, đi về cùng cha”.

Còn nữa, hãy nhớ lời Chúa, qua miệng lưỡi ngôn sứ Isaia, đã phán rằng “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận. Tội các ngươi, dẫu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (x.Is 1, 18)

Cuối cùng, hãy mở cuốn Kinh Thánh ra, mở ra và xem Kinh Thánh đã nói gì về Thiên Chúa, một Thiên Chúa là tình yêu.

Phải chăng, Kinh Thánh cho chúng ta biết Thiên Chúa, qua Đức Giê-su Ki-tô, đã làm cho “năm chiếc bánh và hai con cá” hóa ra nhiều để cho con người có cái ăn, khi con người đói!

Phải chăng, Kinh Thánh cho chúng ta biết Thiên Chúa, qua Đức Giê-su Ki-tô, đã chữa lành bệnh tật cho những người đau yếu tật nguyền!

Phải chăng, Kinh Thánh cho chúng ta biết Thiên Chúa, qua Đức Giê-su Ki-tô, đã làm cho Lazaro đã chết và “chôn trong mồ được bốn ngày”, được sống lại!

Có phần chắc, (riêng tôi, tôi nghĩ như vậy), rằng: không ai trong chúng ta lại không nói: “đúng vậy”.

Nếu chúng ta đồng thanh nói: “đúng vậy…” Vậy thì, chớ có dại mà đặt niềm tin vào Satan cũng như vào sự gian trá của thế gian, nơi chỉ dẫn chúng ta đi về cõi thung lũng của nghi ngờ, của sự chết đời đời.

Nếu chúng ta đồng thanh nói: “đúng vậy…” Vậy thì, không gì tốt hơn là chúng ta hãy để cho tâm hồn trở về trong thinh lặng và tự hỏi rằng: tôi đã thật sự: “phó thác đời tôi vào Chúa”

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, đừng quên rằng, khi đã là Ki-tô hữu, con người của chúng ta chính là “tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su”(x.Ep 2, 10).

Thưa quý bạn, khi chúng ta sống trong Đức Ki-tô Giê-su, đó chính là lúc chúng ta đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, lời mời gọi “tin vào Con của Người”.

Thưa quý Bạn, thánh Phao-lô nói: “Bộ mặt thế gian này đang biến đi”. Và, như lời thánh vịnh 90, cho biết: “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi. Mà phần lớn chỉ là những gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi” (Tv 90, 10).

Và, thưa quý Bạn, cái gì sẽ tồn tại, nếu không là sự sống đời đời trong Đức Giê-su Ki-tô! Cái gì sẽ tồn tại, nếu không là niềm tin, “tin vào Con của Người” để được “sự sống muôn đời”!

Thế nên, đừng để quá muộn. Hãy đến và hãy nói với Thiên Chúa, rằng: Lạy Chúa, con “Tin vào Con của Người”.

Vâng, ngay bây giờ, tôi và bạn, chúng ta “Hãy tin vào Đức Ki-tô Giê-su”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây