TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Phục Sinh - Năm B

Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nhà quê

Thứ sáu - 12/05/2023 22:41 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   728
Cuộc sống nhà quê ít tranh giành, vui cùng nhau cuộc sống êm đềm trôi.
Nhà quê
Nhà quê




Ngày xưa bà là người hoạt bát, hay hát vọng cổ mỗi khi có văn nghệ ở đâu đó trong làng. Nhiều chàng trai để ý muốn ngỏ lời về làm vợ, lập nên mối nhân duyên. Bà chẳng để ý đến ai, chỉ thương một người cũng chân quê chất phác gần nhà.

Lấy chồng nghèo, nhưng vui vì vợ chồng chăm chỉ làm ăn. Công việc ruộng vườn nhiều, lúc nào vợ chồng cũng tay lấm, tay bùn. Những lúc nghỉ ngơi, bà cũng hay ca hát vài câu tân cổ cho đời bớt nhọc, với những câu: “Còn nhớ không anh những tháng năm yêu tuổi thơ nhiều kỷ niệm. Áo trắng thơ ngây sớm chiều hai buổi lối nhỏ đương trơn mưa dầm ướt đẫm. Anh hái lá sen nhường che em trước sợ ướt bờ vai cô bạn nhỏ hay hờn. Nhắc nữa đi em kỷ niệm của đôi mình. Cho anh được sống lại những ngày thơ mộng đó.” (Tân cổ, hình bóng quê nhà). Tình yêu quê hương tình tự trong tình yêu đôi lứa, thơ mộng, xua tan những nặng nhọc mưa nắng ruộng vườn. Họ yêu nhau, đâu cần biệt thự cao sang, sớm trưa áo quần trang điểm. Tình yêu nhà quê chỉ có ao vườn, ruộng lúa, vài luống rau, khoai, vài cụm bắp và buồng chuối. Quanh quẩn mái hiên, sau nhà, vài nhành hoa, khóm thơm. Người nhà quê, con gà, con chó, vài con bò, con heo nuôi thêm nguồn thu nhập. Vợ chồng cùng nhau vun xới, và lo cho những người con ra đời, lớn khôn, học hành.  
Tình yêu người nhà quê, mau giận mà cũng mau thương. Tình thương ấy nó nhẹ nhàng sâu lắng, đơn giản mà đậm tình như “Ru lại câu hò”. Dù sao cũng mong ru lại câu hò thuỷ chung, sống bao dung với tấm lòng chân thật. “Dù phải đi qua bao ghềnh cao thác đổ, nhớ chị mà em cố gắng giữ tay chèo. Rồi dặn lòng mình khi gặp gieo neo, phải sống vững vàng và bao dung như chị” (Vọng cổ câu 6, Ru lại câu hò). Những câu ca cổ dạy ta biết bao cách sống yêu thương, giữ gìn hạnh phúc, khi vui, khi buồn. Những lời yêu thương thuỷ chung, chẳng muốn xa nhau một ngày, lòng nhớ, lẻ bạn, tiếng chim lạc bầy, lòng thương cứ ngỡ như con thuyền gắn với dòng sông.
Những ngày ông đau, bà bệnh, người này chăm sóc người kia. Ông giặt áo quần, cơm nước, cho vợ, cho con. Ông đau bà cũng thay ông làm những việc như thế. Họ chăm sóc nhau, trông nom nhà cửa, con cái, lo việc đồng áng, chẳng là việc riêng ai. Quanh năm suốt tháng, ruộng vườn nhà cửa, chẳng mấy khi ra tỉnh, lên thành phố. Rảnh rỗi ông vài chung rượu với bạn bè lối xóm, bà ngồi với bạn bè vài ván bài, chuyện trò vui chơi. Cuộc sống nhà quê cứ êm chèo, mát mái.
Các con lớn lên, lập gia đình, ra riêng, cuối cùng cũng chỉ còn ông bà, với ruộng vườn, hoa trái. Luống tuổi, sức lực không còn nhiều, ông bà gọi các con về chia cho mỗi đứa hai công đất, nhưng chẳng đứa nào chịu về. Ông bà đành thôi, thuê xe múc đất lên, lập bờ trồng dừa, dưới bỏ bông súng. Tưởng rằng đỡ vất vả hơn làm lúa, nhưng việc nhà quê đâu đơn giản như thế. Cứ mỗi sáng lo việc thờ phượng xong, ông lại thay quần áo, ra mương bứt bông súng về bán. Bà ở nhà lo cơm nước, quét dọn sân trước, sân sau, tước sợi lau những bông súng.
Tuổi già đau lưng, bệnh nhiều cũng nặng gánh. Ông đau mình ông, bà cũng đau mình bà. Thỉnh thoảng gọi mấy đứa về chở lên thành phố khám bệnh. Lên được mấy ngày rồi cũng nhớ nhà kêu mấy đứa: “Bay đưa ba về quê, ở đây buồn quá bay!” Ông bà sống nhà quê quen rồi, về thành phố nóng nực, quanh quẩn ba chục mét vuông, lại thương cho con cháu.
Về quê, có lẽ những ngày vui nhất là những ngày con cháu quy tụ về ở với ông bà vài ngày. Đứa này, đứa kia gửi cho ông bà tiền này, tiền nọ. Ông bà thì cứ lo cho mấy đứa cái ăn, món này món kia. Có hai món không thể thiếu của bà là bánh xèo và vịt khìa nước dừa. Hai món ngon từ những cốt dừa và thơm béo từ những con tôm tươi. Bà mệt mấy ngày nhưng lại vui, dâu này, dâu nọ thay nhau, nắn chân, nắn tay bà, hỏi thăm, quấn quýt. Cả nhà dâu rể, con trai, con gái cùng nhau, vài chung rượu rồi ca hát tận khuya. Rồi những câu ca tân cổ cũng lại cùng nhau nhắc lại những câu “Hình bóng quê nhà, chuyện Lan và Điệp, Ru lại câu hò…” Giả như thời gian không trôi nhanh, bao câu chuyện cũ, bao những kỷ niệm xưa sống lại làm cho cuộc đời thêm ấm áp.
Rồi mấy đứa trở lại thành phố, ông bà chỉ còn bờ dừa, bông súng dần trôi. Thời gian theo nếp trôi qua, mỗi ngày yếu hơn, bệnh đau thêm, hết đau chỗ này, chỗ kia, chẳng biết còn bao lâu nữa. Hết mong đứa này, đứa kia, cháu này cháu nọ, lấy chồng, lấy vợ. Đám cưới cháu nào còn sức, còn đi được, chỉ mong  các cháu sống cuộc đời êm trôi như đời sống ông bà theo cách người nhà quê. Vui với đời sống giản đơn, càng ít nhu cầu, càng bớt lo, dành nhiều thời gian để sống cho gia đình, cho con cháu, cho người lối xóm. Cuộc sống nhà quê ít tranh giành, vui cùng nhau cuộc sống êm đềm trôi.
Vì lẽ người nhà quê đơn giản mà ta cứ mong ngày nghỉ dài là muốn chạy về quê, vui hưởng những ngày hạnh phúc. Mong ông bà sống tuổi già khoẻ mạnh, vẫn còn những câu ca cổ: “Về phương Nam lắng nghe cung đàn, Thổn thức vọng dưới trăng mơ màng...”
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây