TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIV Thường Niên -Năm B

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. (Mc 8,29-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nước Trời chỉ dành cho người vào cửa hẹp

Thứ sáu - 19/08/2022 19:07 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1621
“Hãy chiến đấu để được vào cửa hẹp.” Đây không phải là lời mời gọi, nhưng là lệnh truyền, lệnh truyền của Đức Giê-su.
ChuaNhat21TN C
ChuaNhat21TN C

 

Chúa Nhật – XXI– TN – C

Nước Trời chỉ dành cho người vào cửa hẹp...

Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi dài của những lựa chọn. Và khi đã lựa chọn, cứ sự thường, chúng ta sẽ lựa chọn những gì tốt nhất cho mình. Khi nói về cái ăn, chúng ta sẽ chọn những món ăn ngon, hợp khẩu vị. Khi nói về cái mặc, chúng ta sẽ chọn những bộ quần áo hợp thời trang. Khi nói về chốn ở, chúng ta sẽ chọn nhà cao cửa rộng. Và để cho ngôi nhà thêm giá trị, đôi khi chúng ta chọn thêm những gì là đẹp nhất, độc đáo nhất (tranh sơn mài, cây cảnh, v.v…), để trang trí cho ngôi nhà.

Còn nhiều sự lựa chọn khác nữa, và đó là chuyện thường tình của một cuộc sống thường tình, trong xã hội. Tuy nhiên, là một Ki-tô hữu, sự lựa chọn của chúng ta đôi khi sẽ không thường tình trong một cuộc sống thường tình, như chúng ta nghĩ.

Tại sao lại không-thường-tình-như-chúng-ta-nghĩ? Thưa bởi, là một Ki-tô hữu, chúng ta còn phải chuẩn bị cho một cuộc sống “đời sau”. Cuộc sống đời sau, như chúng ta được truyền dạy, đó là cuộc sống vĩnh cửu ở Nước Trời. Và, muốn có được cuộc sống vĩnh cửu ở Nước Trời, như đã nói ở trên, sự lựa chọn của chúng ta sẽ khác với sự lựa chọn của một cuộc sống đời thường.

Đây là điều không phải tự Giáo Hội áp đặt, nhưng là do chính Đức Giê-su đã công bố: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4, 17) Và, khi nói đến Nước Trời, Đức Giê-su không chỉ dừng lại nơi những lời công bố, Ngài… chính Ngài đã đưa ra một phương án, một phương án cho những ai muốn thừa hưởng Nước Trời, đó là phải lựa chọn, lựa chọn giữa “cửa rộng, đường thênh thang (và) cửa hẹp và chật”... Phương án này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca (x.Lc 13, 22-30).

**

Theo lời thánh Luca ghi lại: Hôm ấy, Đức Giê-su có một cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Lộ trình lên Giê-ru-sa-lem dẫn Ngài “đi ngang qua các thành trì và làng mạc”. Không bỏ phí thời gian, Đức Giê-su giảng dạy.

Đức Giê-su giảng dạy về Nước Trời ư! Đây… đây chỉ là sự phỏng đoán của người viết. Mà, đoán như vậy chẳng phải là cũng có lý lắm, sao! Này nhé, hôm ấy, có kẻ đã hỏi Đức Giê-su, rằng: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”

Những-người-được-cứu-thoát… cứu thoát cái gì đây! Phải chăng là cứu thoát khỏi sự dữ! Phải chăng là cứu thoát khỏi hỏa ngục đời sau! Vâng, thánh Luca không giải thích. Còn Đức Giê-su thì không trả lời thẳng vào câu hỏi.

Tại sao Đức Giê-su không trả lời? Thưa, rất có thể Đức Giê-su đọc được ý nghĩ của người này. Rất có thể người này nghĩ rằng, chỉ có dân tộc của họ, một dân tộc được Thiên Chúa chọn làm “dân riêng” của Người, mới là những người được hưởng ơn cứu thoát. Còn những dân tộc khác thì không…

Vâng, nếu thật sự đó là ý nghĩ riêng của người này, thì đúng là người này chưa biết đến lời Thiên Chúa đã phán qua miệng lưỡi ngôn sứ Isaia, rằng: “Còn Ta… Ta sẽ tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta.” (x.Is 66, 18).

Mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ là ai, nếu không phải là dân các nước khác! Hôm đó, thay vì trả lời “nhiều hay ít”, Đức Giê-su nói với người đã tìm đến gặp mình, rằng: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”.

Thiên Chúa, qua lời Ngôn sứ Isaia, là một Thiên Chúa của tất cả mọi người. Thế nên, sao lại nghĩ rằng “người được cứu thoát thì ít”! “Ơn cứu độ” không là của riêng ai, không chỉ là sự độc quyền của dân tộc Israel.

Hôm ấy, Đức Giê-su còn đưa ra một lời cảnh báo cho những ai còn chần chờ, còn ngần ngại trước lời truyền dạy “hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp”. Lời cảnh báo rất quyết liệt, rằng: “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại, mà anh em còn đứng ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi vào’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư! Ta không biết các anh từ đâu đến!”

Vâng, các anh quá muộn màng trong cuộc chiến đấu để dành Nước Trời. Muộn màng là điều không thể chấp nhận. Không thể chấp nhận cho những ai muốn được “cứu thoát”. Muộn màng sẽ làm cho hình ảnh những ai muốn được cứu thoát hoen mờ. Vâng, rất rõ nét khi Đức Giê-su diễn tả sự khó chịu của “chủ nhà” đối với những kẻ muộn màng, rằng: “Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính.” (x.Lc 13, …27).

***

“Hãy chiến đấu để được vào cửa hẹp.” Đây không phải là lời mời gọi, nhưng là lệnh truyền, lệnh truyền của Đức Giê-su. Sẽ hết sức ngây thơ khi chúng ta hiểu hai chữ “cửa hẹp” theo nghĩa đen. Giải nghĩa hai chữ “cửa hẹp” mà Đức Giê-su đã công bố, Lm. Giu-se Nguyễn Hữu An chia sẻ: “Tin Mừng hôm nay nói đến hình ảnh cửa hẹp. Cửa hẹp là cửa khó đi qua, chỉ dành cho ít người. Kinh Thánh dùng hình ảnh cửa hẹp để chỉ những đòi hỏi của Nước Trời. Hẹp ở đây không có nghĩa là hẹp hòi hay kém giá trị. Tính từ hẹp chỉ sự thách đố, chông gai, đòi hỏi nỗ lực để kiên vững bước đi. Hẹp chỉ sự khó khăn, vất vả, từ bỏ, cần phải ‘chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào’. Các bài đọc Thánh Kinh hôm nay nói về cửa vào Nước Trời tuy hẹp nhưng không chật mà vẫn rộng thênh thang.” (nguồn: internet).

Với “bác thợ mộc Giê-su”, cửa hẹp mà Ngài nói đến, không phải là cánh cửa bằng gỗ, nhưng nó là cánh cửa tâm hồn của mỗi chúng ta. Cánh cửa tâm hồn của mỗi chúng ta có sẵn sàng mở ra đón nhận lệnh truyền của Thầy Giê-su, rằng: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ chính mình?”

Phải từ bỏ chính mình, vì đó chính là “bàn đạp” để chúng ta sẵn sàng từ bỏ thế gian và lối sống của thế gian! Vâng, lối sống của thế gian, chúng ta biết rồi. Đó là lối sống: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén…” (x.Gl 5, 19-21).

Một lối sống rất quyến rũ… rất quyến rũ phải không, thưa quý vị! Đúng, rất quyến rũ. Thế nhưng, chúng ta phải từ bỏ. Phải từ bỏ, bởi thánh Phao-lô đã có lời khuyến cáo: “Những kẻ làm những điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Trời.”

Không-được-thừa-hưởng-Nước-Trời thì coi như “tiêu” rồi! Không-được-thừa-hưởng-Nước-Trời chúng ta sẽ mất cơ hội được “(nhìn) thấy các ông Ap-ra-ham, Isaac, và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ” là những người đã “được ở trong Nước Thiên Chúa”. Không-được-thừa-hưởng-Nước-Trời chúng ta sẽ chỉ có ngồi đó mà “khóc lóc nghiến răng”. Khóc lóc vì lỡ sống theo lối sống thế gian. Nghiến răng vì sự muộn màng cho việc tuân theo lệnh truyền của Đức Giê-su.

Thực hành lệnh truyền của Thầy Giê-su là điều rất khó. Khó nhưng nếu chúng ta “không sờn lòng và bền chí”, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng: “Gia-vê Thiên Chúa sẽ ở với ta, trong mọi nơi ta đi”. Còn nữa, thực hành lệnh truyền của Thầy Giê-su là điều rất cần thiết. Cần thiết là bởi chính Ngài đã có lời phán: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”

“Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy”, nhớ nha! Vâng, nói theo cách nói của Thầy Giê-su, đó là: “Nước Trời chỉ dành cho người vào cửa hẹp”.

Petrus.tran 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây