TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ơn Chúa: chúng ta có thể tự nguyện

Thứ tư - 26/05/2021 06:02 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   601

Chúa Nhật XIII – TN – C

Ơn Chúa: chúng ta có thể tự nguyện

“Bắt cá hai tay”. Vâng, đây là một thành ngữ mà không ai trong chúng ta lại không hơn một lần nghe đến. Có nhiều cách để hiểu ý nghĩa của thành ngữ này. Và, thông thường người ta dùng thành ngữ này: “để chỉ những người có tư tưởng nước đôi, hoặc tham lam, ôm đồm, muốn có nhiều thứ, muốn làm nhiều việc cùng một lúc, không được việc này thì được việc khác, kết quả hoặc là không được gì, xôi hỏng bỏng không, hoặc được chắc một thứ, nhưng thường bị chê trách là tham lam, khôn ranh” (trích nguồn: kể chuyện thành ngữ, tục ngữ).


 

Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài cũng đã có lần lên tiếng chỉ trích những ai có hành vi này, nhất là những ai muốn trở thành môn đệ của Ngài. Sự kiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.

**

Vâng, theo lời tường thuật của thánh Luca: hôm đó, trong lúc Đức Giêsu cùng với các môn đệ đang đi đường, thì bỗng nhiên, có người đến bên Người và thưa rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo”.

Xin đi theo Đức Giê-su ư! Xin mời, cứ việc đến, bởi vì Ngài chưa bao giờ ngăn cản đối với những ai muốn đi theo mình. Đã có lần, Ngài cất tiếng mời gọi: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng tôi”.

Tuy nhiên, khi xin đi theo Ngài, người ấy có dám “ra đi không vương thê nhi”, như những người môn đệ đầu tiên đã “bỏ hết mọi sự” và đi theo Ngài, hay không?

Nhớ, một lần kia, khi Đức Giêsu vừa lên đường đi, thì có một chàng thanh niên đến và ngỏ lời muốn theo Ngài. Thế nhưng, khi vừa nghe Đức Giêsu đưa ra điều kiện “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi”. Thật đáng tiếc, anh ta đã không đáp ứng. Chuyện kể rằng: “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi…”.

Còn hôm nay, sau khi người xin đi theo Ngài nói xong, Đức Giê-su chưa vội ra điều kiện. Ngài cho người ấy biết tình trạng về cuộc sống mà người môn đệ đi theo Ngài sẽ phải đón nhận. Đó chính là một cuộc sống “không có chỗ tựa đầu”. Vâng, đây là nguyên văn lời Đức Giê-su nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”.

Ngoài việc đối diện một cuộc sống khắc nghiệt như thế, Đức Giê-su còn muốn người môn đệ đi theo Ngài phải chứng tỏ mình là một con người không đem chuyện “riêng tư” như là cái cớ để trì hoãn cho quyết định của mình.

Vâng, thánh sử Luca đã ghi lại hai mẩu đối thoại; hai mẩu đối thoại như là một thông điệp cho những ai muốn “theo Đức Giê-su”.

Cuộc đối thoại thứ nhất, Đức Giê-su mở lời với một người khác rằng: “Anh hãy theo tôi”. Tiếc thay! người ấy, dựa vào cách trả lời, có vẻ như chưa sẵn sàng cho lắm.

Vâng, đúng là chưa sẵn sàng khi người ấy thưa: “Thưa Thầy, cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước”. Và, tất nhiên Đức Giê-su không tán thành. Hôm ấy, Ngài đã có lời bảo ban, rằng: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”.

Phải sẵn sàng, và sự sẵn sàng mà Đức Giê-su nói đến, đó là sự sẵn sàng ngay lập tức, không chần chờ.

Thật vậy, hôm ấy, khi có một người khác nữa đưa ra một lý do xem ra có vẻ hợp lý, lý do rằng: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã”. Đức Giê-su lập tức phản bác ngay. Ngài phản bác rằng: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”.

Câu chuyện được khép lại ở đó. Và, chúng ta có thể thấy, qua những yêu cầu Đức Giê-su đưa ra, những ai muốn đi theo Ngài, chớ có bắt cá hai tay, chớ có “Nhủ rồi nhủ lại cầm tay. Bước đi một bước dây dây lại dừng”.

Những ai muốn đi theo Ngài, Đức Giê-su đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng, thông điệp rằng: phải sẵn sàng, ngay lập tức và từ bỏ mọi sự.

***

Thông điệp của Đức Giê-su là thế đó. Và, sau khi nghe thông điệp này, chắc hẳn không ít người trong chúng ta sẽ xầm xì bàn tán rằng thì-là-mà thông điệp nghe sao thấy thiếu tình người!

Thì đây, điều răn thứ tư trong mười điều răn Đức Chúa Trời đã dạy: “Thảo kính cha mẹ”. Nay, cha chết xin về chôn cất, thế mà lại nhận được lời bảo ban: “cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ”… Kẻ chết sao chôn được kẻ chết!

Ô hay! Chớ… chớ có hiểu như thế. Vâng, về lời yêu cầu này, Lm. Charles E. Miller có lời chia sẻ, rằng: “Những lời bí ẩn này không hàm ý Người phản đối việc chôn cất các thân nhân đã chết, mà Người muốn nói rằng, ai bác bỏ Người, thì về mặt nào đó, cũng giống như những người chết bởi lẽ họ đã bác bỏ Chúa-sự-sống. Đồng thời, đây cũng là cách nói của Chúa Giêsu rằng chúng ta phải xác định không có gì quan trọng hơn là hết lòng hết dạ với Người”.

Trong sách Cựu Ước, có ghi chuyện ông “Ê-li-sa được gọi” (x.1V 19, 19-21). Qua câu chuyện này, với cách hành xử của ngài ngôn sứ Ê-li-sa, chúng ta sẽ thấy rõ ý nghĩa điều Lm. Charles E. Miller đã chia sẻ được nêu trên: “Không có gì quan trọng hơn là hết lòng hết dạ với Người”. Nói các khác, đó là “từ bỏ mọi sự”.

Vâng, chuyện kể rằng: hồi ấy, Ê-li-sa được ơn gọi làm ngôn sứ. Ông Ê-li-a đi ngang qua, ném tấm áo choàng của mình lên người ông Ê-li-sa. Tấm áo choàng của Ê-li-a tượng trưng cho chức vụ ngôn sứ, và ông Ê-li-a kêu gọi ông Ê-li-sa lên thay chức vụ của mình.

Với một thoáng ngập ngừng, ưu tư đến cha mẹ, ông Ê-li-sa đã nói với ông Ê-li-a rằng: “xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã, rồi con sẽ đi theo ông”.

Đừng… đừng so sánh việc “về hôn cha mẹ để từ giã” của Ê-li-sa với việc xin Đức Giê-su “cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã” của một người trong câu chuyện thánh Luca đã ghi lại.

Tại sao? Thưa, là bởi, việc xin về của Ê-li-sa đó chính là cơ hội để ông ta thể hiện “ơn tự do” mà Thiên Chúa đã ban cho con người từ thuở tạo thiên lập địa.

Xưa, với ơn tự do, Eva đã sập bẫy của Satan. Nhưng, Ê-li-sa thì không. Ông ta đã trở về “bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Ê-li-a và phục vụ ông”.

Vâng, giết bò, lấy cày làm củi, một hình thức “từ bỏ phương tiện sinh sống”… đó chính là “từ bỏ mọi sự”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, nhắc lại tấm gương những người môn đệ đầu tiên là: Anrê, Simon Phêrô, Gioan và Giacôbê, khi đáp lời mời gọi của Đức Giêsu, để xem như là tấm gương mẫu mực cho chúng ta noi theo.

Chuyện kể rằng, khi Đức Giê-su gọi: “Các anh hãy theo tôi”, các ông đã “lập tức… bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4, 22).

Đức Giêsu không “hoan nghênh” thái độ lấp lửng “xin phép cho tôi về… xin phép cho tôi từ biệt…”, rồi tôi sẽ v.v… và v.v… Cái giá phải trả để theo Chúa chính là “sự từ bỏ”.

Chính Đức Giêsu đãcó lần nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình…” (Lc 9, 23).

Chúng ta cũng đừng quên tấm gương thánh Phaolô. Là một công dân Roma, một thứ quyền “phải tốn bao nhiêu tiền của mới mua được quyền công dân ấy” thế mà ngài dám “từ bỏ” để trở nên người môn đệ của Chúa.

****

Trở lại chuyện ngôn sứ Ê-li-a. Thiên Chúa đã ban cho ông “ơn tự do”, và ông ta đã sự dụng đúng ơn tự do đó. Ông đã tự do chọn lựa, chọn lựa “từ bỏ mọi sự” và đi theo phục vụ Ê-li-a.

Nhắc tới điều này để làm gì? Thưa, là để nhắc với chúng ta rằng: chúng ta cũng được ơn tự do để chọn lựa.

Chúng ta sẽ sử dụng ơn tự do ra sao? Câu trả lời của chúng ta là: Kệ! Có ra sao thì ra ư! Ô! Nếu trả lời như vậy thì nguy hiểm lắm! Nguy hiểm ở chỗ chúng ta sẽ “lạm dụng” sự tự do mà Thiên Chúa đã ban cho mình.

Khi lạm dụng sự tự do, chúng ta rất dễ dàng sập bẫy trước những cơn cám dỗ, những cơn cám dỗ do chính Satan dàn dựng, một sự dàn dựng rất tinh vi xảo trá.

Thì đây, khi con cái của Satan là thế gian bảo: phá thai đi, vì đây là một bào thai dị dạng, có sanh được cũng khó nuôi. Nếu chúng ta lạm dụng sự tự do, chúng ta rất dễ dàng thi hành.

Con cái của Satan là thế gian bảo: Chúa sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, nhưng điều đó còn rất lâu, rất lâu với hàng triệu triệu thế kỷ mới xảy ra, thế nên cứ vui chơi đi, cứ “chơi cho lịch mới là chơi, chơi cho đài các cho đời biết tay”. Nếu chúng ta lạm dụng sự tự do, chúng ta rất dễ dàng nghe theo.

Lạm dụng ơn tự do để sống theo xác thịt, chúng ta sẽ sống trong sự nô lệ.

Hãy thử nhìn xem một người sống theo xác thịt, nghiện ngập ma túy, họ có tự do không? Thưa không, họ sẽ bị nô lệ triền miên trong những cơn vật vả đói thuốc, và điều tất yếu sẽ xảy ra, đó là bị sai khiến phạm tội.

Hãy thử nhìn xem, một người sống theo xác thịt, nghiện sex, chẳng hạn, họ có tự do không? Thưa không, họ sẽ bị nô lệ triền miên trong những cơn đói sắc dục, những cơn đói dẫn họ đến bịnh hoạn và chết chóc, cả xác lần hồn, đời này lẫn đời sau.

Lạm dụng sự tự do nguy hiểm như thế đấy. Thế nên, hãy ghi khắc lời khuyên sau đây của thánh Phao-lô, ghi khắc vào tâm hồn và xem đó như là hành trang cho cuộc sống của mình, lời khuyên rằng: “Anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (x.Gl 5, 13).

Đức mến, đó chính là chất xúc tác giúp chúng ta dám từ bỏ chính mình.

Cuối cùng, đừng quên Đức Giê-su, qua cái chết và sự Phục Sinh của Ngài, Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ tội lỗi, một sự giải thoát ngoạn mục giúp chúng ta đủ sức tự nguyện “từ bỏ mọi sự” để theo Ngài.

Nói theo cách nói của Lm. Charles E. Miller: “Chúng ta có thể tự nguyện yêu mến Chúa hết lòng”. Vâng, với ơn Chúa, chúng ta có thể tự nguyện.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây