TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sống sao để thành chứng nhân

Thứ tư - 26/05/2021 06:03 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1033

Chúa Nhật XIV – TN – C

Ta sống sao để thành chứng nhân

“Ta về thôi vì thánh lễ đã hết. Nhưng đời ta là thánh lễ nối dài. Đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi. Ta sống sao để thành chứng nhân. ĐK: Này Ngài sai ta đi đây đó. Sống chứng nhân Phúc Âm. Lãnh sứ mạng Chúa trao hôm nào vì là con Thiên Chúa. Này Ngài sai ta đi đây đó. Đi loan báo tin mừng. Loan tin mới tin vui của Ngài rằng Thiên Chúa yêu thương loài người”.


 

Trên đây là những lời của một bài thánh ca có tựa đề “Nhân Chứng Phúc Âm”, do Linh mục Thành Tâm sáng tác. Với bài thánh ca này, có lẽ không ai trong chúng ta lại không hơn một lần cất tiếng hát.

Nội dung bài hát thật rõ ràng, đó là những lời mời gọi, những lời mời gọi mọi người hãy trở thành Nhân Chứng Phúc Âm. Hay nói cách khác, đó là hãy ra đi loan báo Tin Mừng.

Xưa nay, khi nói tới việc loan báo Tin Mừng, không ít người cho rằng đó là công việc của các nhà truyền giáo chuyên nghiệp, hoặc của các linh mục, tu sĩ nam nữ. Suy nghĩ như thế, đó không phải là suy nghĩ của Giáo Hội và nhất là của Đức Giê-su.

Với Đức Giê-su, loan báo Tin Mừng là việc làm không của riêng ai. Khi còn tại thế, không chỉ nhóm Mười Hai là những người được Đức Giê-su “gọi đến với Người… để các ông ở với Người và để Người sai đi rao giảng” (x.Mc 3, 13-14), mà Người còn “chỉ định bảy mươi hai người khác” đi giảng.

Bảy mươi hai người này, theo quan điểm chung trong Giáo Hội, được xem như là tất cả những ai tin Đức Giê-su. Sự kiện Đức Giê-su chỉ định bảy mươi hai người đi giảng đã được ghi lại rất rõ ràng trong Tin Mừng thánh Luca.

** Theo thánh Luca ghi lại, hôm ấy, “Đức Giê-su chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (x.Lc 10, 1)

Vâng, chỉ là một lời tường thuật ngắn gọn, thế mà chúng ta cũng có thể nhận thấy vai trò của nhóm người này rất quan trọng và không kém phần nguy hiểm.

Quan trọng ở chỗ nào? Thưa, ở chỗ các ông là những người tiền trạm, một nhiệm vụ đến trước để tìm hiểu, chuẩn bị điều kiện cho những người đến sau. Và, nguy hiểm ra sao? Thưa, nguy hiểm ở chỗ các ông không thể biết trước lòng dạ của những người nơi các ông sẽ đến.

Mà, thật vậy, hôm ấy, khi sai các ông đi, Đức Giê-su đã bảo các ông rằng: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”.

Nguy hiểm như thế, nhóm bảy mươi hai các ông có đi? Thưa có, hôm ấy các ông đã đi. Các ông đã đi, như để đáp lời Thầy Giê-su nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Các ông đã đi, đã đi như để đáp lại lời kêu gọi của Thầy Giê-su: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.

Nếu xưa kia ngôn sứ Isaia có nói: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo Tin Mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ”. Thì, hôm nay, chúng ta cũng có thể nói về các vị trong nhóm bảy mươi hai như thế.

Đúng vậy, thật đẹp thay trên đồi núi bước chân của nhóm bảy mươi hai, những bước chân của các vị ấy đã để lại những dấu ấn vô tiền khoáng hậu cùng những âm vang mà các vị đã hớn hở nói với Đức Giê-su, rằng: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”.

***

Sau khi nghe câu chuyện về nhóm bảy mươi hai được sai đi, nên chăng, đã đến lúc chúng ta phải ý thức rằng, sứ mạng truyền giáo là công việc không của riêng ai! Thưa, đúng vậy.

Chúng ta hãy nghe lại điều Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo” (TG 2). Còn với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, ngài nói rất ngắn gọn: “Với Bí tích Thánh Tẩy, tất cả chúng ta mang nơi mình sứ mạng loan truyền Chúa Kitô”.

Vào một lần khác, ngài Phan-xi-cô chia sẻ chi tiết hơn: “Ơn gọi Kitô hữu là một quà tặng, một ân ban Chúa đã ban cho ta qua ngày lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy. Quà tặng này được nuôi dưỡng và lớn lên trong Giáo hội khi ta lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần thúc đẩy, chúng ta được trưởng thành trong đức tin, nhờ đó chúng ta có nhiệm vụ sống và giới thiệu Đức Kitô cho người khác”.

Vâng, đã là một Ki-tô hữu, chúng ta có nhiệm vụ sống và giới thiệu Đức Kitô cho người khác.

Chúng ta sẽ “sống” như thế nào? Thưa, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô có lời khuyên: “Sống như Chúa Kitô dạy ta sống, hòa điệu với điều chúng ta nói và rao truyền, và việc loan báo ấy sẽ sinh nhiều hoa trái. Ngược lại, nếu chúng ta sống không hội nhất, chúng ta nói một đằng, làm một nẻo, thì kết cục sẽ là những điều xấu hổ. Và những điều xấu hổ ấy gây ra rất nhiều điều tệ hại cho dân Chúa”.

Vâng, lời khuyên của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô rất đáng để chúng ta quan tâm. Quan tâm vì “những điều xấu hổ ấy” đã và đang xảy ra đó đây trong Giáo Hội.

Chính vì thế, hãy luôn tự hỏi: “tôi có sống như Chúa Kitô dạy ta sống, hòa điệu với điều chúng ta nói và rao truyền?”. 

Bởi vì, trong cuộc sống thường nhật, nếu chúng ta vâng nghe và thực thi lời truyền dạy của Đức Giê-su, “có một tâm hồn nghèo khó”, có phần chắc chẳng bao giờ chúng ta tham lam, tham nhũng, tham tiền, v.v… Và khi chúng ta sống một cuộc sống như thế, ai dám phủ nhận không sinh nhiều hoa trái cho sứ vụ loan báo Tin Mừng!

Trong cuộc sống thường nhật, nếu chúng ta thực hiện lời truyền dạy của Đức Giê-su, sống “hiền lành và khiêm nhường”, có phần chắc chúng ta sẽ đem đến cho những người sống quanh chúng ta một cuộc sống an bình và vui vẻ. Sống một cuộc sống như thế, ai dám phủ nhận không sinh nhiều hoa trái cho sứ vụ loan báo Tin Mừng!

Không nhất thiết phải loan báo Tin Mừng bằng máu như các thánh tông đồ xưa đã chịu tử đạo. Trái lại, với một cuộc sống âm thầm, trong gia đình hoặc nơi công sở, chúng ta vẫn có thể là chứng nhân cho Chúa Ki-tô, chúng ta vẫn có thể làm chứng về Chúa Giêsu Kitô mỗi ngày, trong thinh lặng. Làm chứng với tất cả cuộc sống của mình, với sự nhất quán giữa lời nói và việc làm.

****

Còn… còn rất nhiều lời Đức Giê-su truyền dạy. Và đó là lý do chúng ta trở lại câu chuyện bảy mươi hai môn đệ được sai đi, trở lại để nghe những lời truyền dạy của Ngài, những lời truyền dạy rất hữu ích cho người sứ giả loan báo Tin Mừng.

Vâng, không phải tự nhiên mà Đức Giê-su khi sai Bảy Mươi Hai người môn đệ, Ngài lại truyền dạy: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép”. Truyền dạy như thế Ngài muốn hướng người sứ giả hãy hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Thế còn, khi truyền dạy những vị sứ giả của mình “vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này” thì sao? Thưa, Ngài muốn nói với các môn đệ mình, hãy cử động con tim của mình. Chúc bình an, một cử động của con tim, một con tim tràn đầy lòng nhân ái.

Về chuyện “tiền bạc”, nên chăng, chúng ta hãy nhìn tấm gương hai vị sứ giả tiên khởi là tông đồ Phê-rô và Gioan? Vâng, hồi ấy, lúc ra đi loan báo Tin Mừng, mặc dù không mang tiền bạc, nhưng hai vị vẫn được xem là những vị sứ giả đem đến sự bình an và hạnh phúc cho tha nhân.

Chuyện kể rằng: Một hôm, ông Phê-rô và ông Gioan lên Đền Thờ. Cùng lúc đó, người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày người ta đặt anh ta bên cửa Đền Thờ, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí.

Vừa thấy hai vị tông đồ đi đến, anh ta liền xin bố thí. Hai ông nhìn thẳng vào anh ta, và niên trưởng Phê-rô nói: “Anh nhìn chúng tôi đây”. Ôi! trời ạ! Tưởng rằng ngư phủ Phê-rô cho anh ta vài ký lô cá, thế nhưng, ai ngờ ông Phê-rô nói: Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây”.

Tông đồ Phê-rô có cái gì? Thưa, “con tim của Đức Giê-su”. Hôm đó, ngài Phê-rô lớn tiếng nói với anh ta rằng: “Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Nazareth, anh đứng dậy mà đi”. Hôm đó, qua lời cầu nguyện của người sứ giả loan báo Tin Mừng mang tên Phê-rô, anh què “đứng phắt dậy, đi lại được” (x.Cv 3, 1-10)

Đừng quá quan trọng đến tiền bạc, vật chất. Chỉ cần một gói hành trang giản dị, đó là “con tim của Đức Giê-su”, một con tim chất chứa lòng bác ái, sự nhẫn nhục và nhân hậu, sự từ tâm, lòng trung tín, tính hiền hòa, sự tiết độ.

Nói tắt một lời, đó là cần có “lòng thương xót của Chúa đối với tha nhân” trong gói hành trang của ta. Cuối cùng, hãy luôn nhớ lời thánh Phao-lô đã nói: “Khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng”.

Tại sao phải luôn nhớ? Thưa, là bởi, khi luôn nhớ, chúng ta sẽ luôn tự hỏi: Ta sống sao để thành chứng nhân?

Vâng, hãy luôn tự hỏi: “Ta sống sao để thành chứng nhân?”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây