TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phải gọi Thiên Chúa là Áp-ba! Cha ơi

Thứ tư - 26/05/2021 21:44 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   736

Chúa Nhật XVII – TN – C

Phải gọi Thiên Chúa là Áp-ba! Cha ơi

Cầu nguyện là việc làm không thể thiếu của bất cứ tôn giáo nào. Với Ki-tô giáo, khi đã là một người tín hữu, lẽ tất nhiên, ai cũng biết mình phải cầu nguyện. Tuy nhiên, không phải người Ki-tô hữu nào cũng có một đời sống cầu nguyện tốt.

Không có đời sống cầu nguyện tốt, theo lời nhận xét của nhà truyền giáo B. Graham Dienert, là bởi: “Người ta cầu nguyện cứ như Chúa là viên thuốc Aspirin khổng lồ, chỉ lúc đau thì họ mới chạy đến”.

Không có đời sống cầu nguyện tốt, còn là bởi, “Người ta chú ý quá nhiều vào phương pháp, phương tiện và nguồn lực, nhưng lại để ý quá ít đến Đấng là Nguồn của sức mạnh.” (Hudson Taylor)

Đúng vậy, Thiên Chúa – Đấng là nguồn của sức mạnh – là một kho ân điển, qua môi miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Người đã phán rằng: “Hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ trả lời ngươi và sẽ tỏ cho ngươi biết những điều lớn lao và bí ẩn mà ngươi không biết” (x.Gr 33, 3)

Trong những ngày còn tại thế, Đức Giê-su, khi dạy cho các môn đệ cầu nguyện, Ngài cũng đã coi trọng việc hướng tâm hồn lên, một tâm hồn hướng lên Thiên Chúa, một Thiên Chúa là Cha “xin thì sẽ được, tìm thì sẽ thấy”. Sự kiện này đã được thánh sử Luca ghi lại chi tiết như sau.

**

Vâng, tin mừng thánh Luca ghi lại rằng: “Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an dạy môn đệ của ông”.

Xin-Thầy-dạy-cầu-nguyện-ư! Ô hay! Các ông, là tín đồ Do Thái giáo, chẳng lẽ trước kia các Rabbi không dạy các ông cầu nguyện sao!

Thưa, chẳng những được dạy, các ông còn đọc Kinh Thánh ngay khi còn nhỏ. “Trong các gia đình Do Thái, trẻ em ngay từ lúc còn nhỏ đã bắt đầu đọc thuộc lòng Kinh Thánh, đây đã trở thành định luật không thể thay đổi. Trẻ Do Thái sẽ đọc thuộc các cuốn Ngũ kinh: Sáng thế ký, Sách Xuất hành, Sách Lê-vi ký, Sách Dân số ký và Sách Phục truyền luật lệ ký. Đây là những cuốn bắt buộc người Do Thái phải đọc trong đời” (nguồn: internet).

Thế nên, có phần chắc, hầu hết các tín hữu Do Thái đều biết cầu nguyện. Và theo truyền thống, họ cầu nguyện ba lần mỗi ngày và bốn lần trong ngày lễ Sabát hoặc các ngày lễ quan trọng khác. Ngoài các buổi cầu nguyện chung, người Do Thái còn cầu nguyện riêng và đọc kinh tạ ơn cho những sinh hoạt khác, trong ngày.

Thế thì, vì sao người môn đệ đó lại xin Đức Giêsu dạy cầu nguyện? Xin thưa, Do Thái giáo có nhiều hệ phái khác nhau và tùy theo mỗi hệ phái, cách thức cầu nguyện cũng khác nhau. Các khác biệt có thể kể đến như: “kinh đọc, mức độ thường xuyên của các buổi cầu nguyện, số lượng kinh cầu trong các buổi phụng vụ, cách sử dụng nhạc cụ và thánh ca, các lời kinh cầu theo ngôn ngữ tế lễ truyền thống hoặc tiếng địa phương” (nguồn: internet).

Mười hai môn đệ là một tập hợp của nhiều vùng miền khác nhau, rất có thể, giữa các ông, với sự bảo thủ theo hệ phái, nên đã không có một sự thống nhất trong việc cầu nguyện.

Nay, sau nhiều lần chứng kiến hình ảnh Thầy-của-mình cầu nguyện với một tâm hồn ngây ngất hướng lòng lên Chúa Cha,vâng, chắc hẳn hình ảnh linh thiêng đó đã in đậm vào tâm trí các ông với những câu hỏi “vì sao”? Vì sao! Vì sao mỗi lần Thầy Giêsu cầu nguyện, trời và đất như có sự tâm giao? Vì sao chỉ một lời Thầy Giêsu cầu nguyện “thì trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người…” (Lc 3, 22).

Vâng, rất có thể, đó là lý do khiến các ông khao khát được chính ông Thầy của mình, chứ không phải “ông Gioan tu rừng”, dạy cho các ông cách cầu nguyện.

Hôm ấy, đáp lại lòng khao khát của các môn đệ, Đức Giêsu đã dạy rằng: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con,và xin đừng để chúng con xa chước cám dỗ”. (x.Lc 11, 2-4).

***

Có gì khác biệt giữa bài cầu nguyện mà Đức Giêsu đã dạy các môn đệ, với những bài cầu nguyện theo truyền thống đạo Do Thái?

Thưa có, khác biệt thứ nhất và quan trọng nhất, đó là, qua bài cầu nguyện, Đức Giêsu đã cho các môn đệ biết rằng, Thiên Chúa không phải là một “ông thần” xa lạ và ngăn cách, nhưng là một Thiên Chúa rất gần gũi với con người, một Thiên Chúa là “Cha”, một người Cha không còn ngăn cách với chúng ta bởi hàng rào “các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng lóe”, nhưng là một người Cha sẵn sàng ban cho những ai đến “cầu xin”, sẵn sàng tiếp đón những ai đến “tìm” và sẵn sàng tiếp nhận những ai đến “gõ cửa”.

Vâng, hôm ấy, sau khi dạy các môn đệ cầu nguyện và hãy gọi Thiên Chúa là Cha, Đức Giê-su đã gửi đến các ông một thông điệp, thông điệp về một người Cha mà các ông sẽ cầu xin, thông điệp rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”.

Và, như một cách nhấn mạnh về thông điệp này, Đức Giê-su đã làm một so sánh rất thực tế, rằng: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

Khác biệt thứ hai cũng không kém phần quan trọng, đó là, qua bài cầu nguyện, Đức Giêsu đã “nâng cấp tình người” lên một bậc. Nếu luật xưa đã dạy “không báo oán, không cưu thù” thì nay, qua bài cầu nguyện, Đức Giêsu dạy rằng, chẳng những không báo oán, không cưu thù mà còn phải “tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”.

Có thể kết luận rằng, qua bài cầu nguyện này, Đức Giêsu đã gửi đến các môn đệ xưa, (và hôm nay là cho chúng ta), một thông điệp, thông điệp rằng: Thiên Chúa là Đấng sẵn sàng tuôn đổ kho ân điển của Người cho bất cứ ai “cứ lì ra” cất tiếng kêu xin.

****

Đã là một Ki-tô hữu, có phần chắc, không ai trong chúng ta lại không nhiều lần cất tiếng cầu nguyện bằng bài kinh cầu nguyện này. (kinh Lạy Cha).

Thế nhưng, dù đã nhiều lần cất tiếng cầu nguyện bằng bài kinh cầu nguyện này, nó cũng chưa chắc đã đem lại cho chúng ta những gì chúng ta cầu xin (đúng như nội dung bài cầu nguyện).

Tại sao? Thưa, như đã nói ở trên, rất có thể chúng ta chưa có được “một đời sống cầu nguyện tốt”. Nói rõ hơn, chúng ta chưa thật sự nhận Thiên Chúa là CHA của mình.

Thì đây, có bao giờ trong nhà thờ gọi Thiên Chúa là Cha, “Lạy Cha…”, nhưng khi ra ngoài chợ đời, chúng ta mua gian bán lận, chúng ta dối trá, lừa bịp, đại loại như: chiếc Iphone “ma de in tàu”, chúng ta lột bỏ, dán vào đó made in Korea v.v…?

Nếu có, chúng ta chưa thật sự nhận Thiên Chúa là Cha. Nếu có, chúng ta không là con của Satan thì là con của ai? Satan không là cha của chúng ta, thì ai là cha chúng ta đây! Bởi vì như chúng ta biết Satan là cha dối trá.

Chúng ta “xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực này ấy”, thế nhưng khi phải đối diện trước một chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền bạc, giữa Thiên Chúa và danh vọng, giữa Thiên Chúa và quyền lợi v.v… chúng ta có quay mặt làm ngơ trước người “Cha ở trên trời” của chúng ta?

Nếu có, như thế chúng ta chưa thật sự nhận Chúa là Cha… Mà, chưa thật sự nhận Thiên Chúa là CHA của mình, chúng ta chưa có được “một đời sống cầu nguyện tốt”.

Thế nên, mỗi khi cầu nguyện bằng bài kinh cầu nguyện này, đừng đọc như một “con vẹt”, như là để “trả bài” trước mặt Thiên Chúa. Đọc như thế, có thể nói rằng, chúng ta đang biến mình thành “cái máy cassette tụng kinh”, đọc như thế có khác nào “lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời”.

Vâng, Đức Giêsu nói: “Đừng bắt chước họ”. (Mt 6, 8).

Chúng ta đã được dạy rằng, khi cầu nguyện bằng những bài kinh nguyện mẫu, hãy “miệng đọc lòng suy”, và đừng quên lời thánh Phaolô dặn dò rằng, hãy đem tất cả tâm tình của một người con trải lòng ra “cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều (chúng ta) thỉnh nguyện” (x.Pl 4, 6).

“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”. Vâng, hãy đọc với tất cả tâm tình “miệng đọc lòng suy”. Nếu không đọc với tâm tình như thế, thì, những lời cầu nguyện của chúng ta, dù được đọc hàng triệu lần, thì cũng chỉ như: “Dã tràng se cát biển đông. Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”. Nói, theo cách nói nhà đạo, “chẳng sinh ơn ích gì”.

Vì thế, phải cầu nguyện (đọc kinh) với “một đời sống cầu nguyện tốt”. Muốn có một đời sống cầu nguyện tốt, hãy nhờ đến “Thần Khí Chúa”. Nói rõ hơn, phải cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.

Tại sao? Thưa, theo thánh Phao-lô,qua thư gửi cho tín hữu Roma, chúng ta được biết: “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa”.

Và, khi đã được Thần Khí Chúa hướng dẫn, ngài Phao-lô cho biết thêm: “Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: Áp-ba! Cha ơi!”

Cũng như xưa, Đức Giê-su đã truyền dạy cho các môn đệ, hôm nay, Ngài tiếp tục truyền dạy chúng ta, dạy rằng: phải gọi Thiên Chúa là Áp-ba! Cha ơi…

Là một Ki-tô hữu, chúng ta phải gọi Thiên Chúa là Áp-ba! Cha ơi…

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây