TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nam Du 2

Thứ tư - 26/05/2021 21:59 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   686
NAM DU 2



 
Những Ngôi Chùa Khmer
       
Từ Trung Tâm Truyền Giáo Phanxicô Tắc Sậy (Giáo phận Cần Thơ) đến Nhà thờ Đức Mẹ La Mã Bến Tre (Giáo phận Vĩnh Long) hơn 220 km phải đi qua tỉnh Sóc Trăng.
 
Sóc Trăng là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở cửa Nam sông Hậu, cách Cần Thơ 62 km.
 
Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh'leang của tiếng Khmer mà ra. Srok tức là “xứ”, “cõi”, Kh'leang (ឃ្លាំង) là “kho”, “vựa”, “chỗ chứa bạc”. Srok Kh'leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là “Sốc-Kha-Lang” rồi sau đó thành Sóc Trăng.
 
Tỉnh Sóc Trăng có 331.164,25 ha diện tích tự nhiên với 1.326.740 nhân khẩu (2019). Sóc Trăng là địa bàn cư trú của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng với người Chăm bản địa.
 
Tính đến năm 2009, toàn tỉnh có 10 tôn giáo khác nhau gồm có 390.997 người, nhiều nhất là Phật giáo có 332.392 người, tiếp theo là Công giáo có 51.454 người, đạo Cao Đài có 4.658 người, đạo Tin Lành có 1.659 người, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam chiếm 468 người, Phật giáo Hòa Hảo có 255 người. Còn lại các tôn giáo khác như Hồi giáo có 99 người, Minh Lý Đạo có 8 người, Minh Sư Đạo và Bửu Sơn Kỳ Hương mỗi đạo chỉ có 2 người.
 
Sóc Trăng là tỉnh có hơn 200 ngôi chùa của cả ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Nổi tiếng thì phải kể đến Chùa Dơi (Chùa Mã Tộc, Mahatup), Chùa Đất Sét (Bửu Sơn tự)Chùa Khléang, Chùa Chén Kiểu (Chùa Sro Lôn), chùa La Hán, chùa Bốn Mặt (Chùa Barai), Chùa Quan Âm linh ứng, Chùa Khánh Sơn, Chùa Hương Sơn, Chùa Đại Giác...
 
Với cộng đồng người Khmer, ngôi chùa không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa mà còn là nơi đại diện cho bộ mặt cuộc sống của người dân tại địa phương. Bởi thế, những ngôi chùa Khmer được xây dựng dựa trên tinh thần văn hóa Phật giáo Tiểu thừa thông qua nét kiến trúc và trang trí độc đáo.
 

Chùa Dơi

 
Trong những ngôi chùa thuộc tỉnh sóc Trăng, chúng tôi hân hạnh được thăm Chùa Dơi và Chùa Sro Lôn.



 
Chùa Dơi tên thật là Wathserâytêchô - Mahatup (phiên âm từ tiếng Khmer) có kiến trúc hòa trộn giữa hai nền văn hóa Việt Nam - Campuchia, nghĩa là do phúc đức tạo nên. Về sau đồng bào Kinh và Hoa đọc trại từ Mahatup thành “Mã Tộc”. Cho nên cũng có nhiều người gọi là: “Chùa Mã Tộc”. Ngoài ra dân gian gọi là chùa Dơi bởi vì trong chùa này có nhiều dơi.
 
Theo người Khmer, Mahatup là trận kháng cự lớn (Tup: kháng cự; Maha: lớn). Nơi đây đã diễn ra một trận đánh ác liệt của phong trào nông dân nổi dậy chống bọn phong kiến ngày xưa. Sau trận đánh đó, dân chúng tản cư trở về sinh sống, họ cho rằng vùng đất này có điềm lành (đất lành) nên xây chùa thờ Phật. Bởi họ cần có một Đấng tối cao che chở - vì các trận đánh của phong trào nông dân ở những nơi khác đều bị thất bại, nhưng ở nơi đây trận chiến diễn ra ác liệt nhưng họ đã giành chiến thắng.
 
Chùa được khởi công xây dựng vào từ năm 1569 dương lịch, cách nay 450 năm. Kiến trúc Chùa Dơi cũng giống như bao kiến trúc Chùa Khmer khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Về họa tiết trang trí, điêu khắc, hội họa mang sắc thái văn hoá Khmer cổ (4).
 
Chùa Chén Kiểu

Chùa Sro Lôn (tiếng KhmerWath Sro Loun, hay Wath Chro Luông, tục gọi là Chùa Chén Kiểu) là một ngôi chùa cổ thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, tọa lạc bên Quốc lộ 1A. Nét đặc sắc ở ngôi chùa là sử dụng những chén, dĩa sứ ốp lên tường trang trí nên có tên gọi là chùa Chén Kiểu. Tương truyền, chùa Sro Lôn được dựng bằng cây lá từ năm 1815, và được trùng tu nhiều lần cho đến tận năm 1980 mới hoàn thành như hiện nay.




 
Ấn tượng đầu tiên khi đến đây là cổng chùa với 3 ngôi tháp được chạm khắc, đắp nổi với hoa văn và sắc màu rực rỡ mang đậm màu sắc văn hóa Khmer Nam Bộ. Kỹ thuật ốp sứ độc đáo đã tạo nên vẻ đẹp riêng rất ấn tượng của ngôi chùa.
 
 Cũng như các ngôi chùa khác của người Khmer, chùa Chén Kiểu bao gồm chánh điện, nhà hội và tháp bảo, nơi để sách kinh dạy học. Do khan hiếm gạch men để trang trí nên các vị sư đã vận động mọi người thu gom các mảnh chén, đĩa kiểu để ốp lên tường. Mặt sau chính điện là một mảng tường đắp nổi bởi nhiều chén, dĩa kiểu trông rất đẹp mắt và sắc sảo, nên tên chùa có tên gọi khác là chùa Chén Kiểu.
 
Mỗi cuộc hành trình, tôi thường đến những nơi thờ tự, để cầu nguyện cùng chiêm ngưỡng những kiến trúc Nhà Thờ và những bức tượng thánh. Tôi cũng rất thích tham quan các Thiền viện, hoặc chùa, để tìm ý nghĩa của bình yên, thanh thản khi cuộc đời đang vào buổi hoàng hôn. Những ngôi chùa Khmer đã mang lại trong tôi cảm giác bình yên, thanh thản.
 
Linh Địa Đức Mẹ La Mã Bến Tre (Giáo phận Vĩnh Long)
 
Kitô giáo có mặt tại Giáo phận Vĩnh Long vào nửa đầu thế kỷ XVII. Sau thời kỳ bắt đạo khủng khiếp, từ 1661 đến năm 1665, sử tích ghi nhận: họ đạo Cái Nhum chính là Trung tâm của việc loan báo Tin Mừng ở miền Nam và việc loan báo Tin Mừng ở đây do các linh mục dòng Phanxicô đảm trách. Trong thế kỷ XVIII, Giáo phận Vĩnh Long chỉ có khoảng năm họ đạo (Cái Nhum, Cái Mơn, Cái Bông, Bãi Xan, Mặc Bắc). Số giáo dân không đáng kể. Đa số giáo dân trốn chạy khỏi ảnh hưởng của lệnh cấm đạo ở miền Trung Việt Nam và cũng để đi tìm đất canh tác sinh sống.



 
Trong thời kỳ cấm đạo của các vua nhà Nguyễn, các thừa sai, linh mục, tu sĩ và giáo dân đã dùng mạng sống để minh chứng Tin Mừng Đức Kitô trước nhà cầm quyền. Trong số này, nổi bật là cha Thánh Philiphê Phan Văn Minh và Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu.
 
 Giáo phận Vĩnh Long được thành lập ngày 08/01/1938, tách từ giáo phận Sài Gòn, bao gồm tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và một phần của Đồng Tháp (Sa Đéc ngày nay).
 
Giám mục đương nhiệm là Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai (7/10/2015 - ).
 
Diện tích Giáo phận khoảng 6.771,79 km2. Dân cư đa số là người Kinh, Khmer và Hoa.
 
Tính đến tháng 12 năm 2017, dân số khoảng 4.192.709 người theo nhiều tôn giáo khác nhau: Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Công giáo, Tin lành... Trong đó người Công giáo khoảng 209.271 Kitô hữu (chiếm 5%).
 
Giáo phận có 10 hạt, 211 giáo xứ và giáo họ, 185 linh mục Triều và 29 linh mục Dòng, 89 chủng sinh và 45 dự tu, 720 tu sĩ (nam: 55; nữ: 665) và 436 giáo lý viên.
 
Giáo phận Vĩnh Long có 3 Trung tâm hành hương
 
a. Trung tâm hành hương Fatima: 
Do Đức Giám mục Antôn Nguyễn Văn Thiện thành lập năm 1965 để kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (Bồ Đào Nha - năm 1917), và để giáo dân xa gần hành hương, cầu nguyện và học hỏi về Đức Mẹ.
 
b. Trung tâm hành hương Đình Khao
Do Đức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu thành lập năm 1980 một để giáo dân hành hương, kính viếng, cầu nguyện và học hỏi về thánh Philipphê Phan Văn Minh và các Thánh Tử Đạo Việt Nam đặc biệt vào các ngày 03/07 và 24/11.
 
c. Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã
 Năm 1950, trong những ngày chiến tranh loạn lạc, với bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cũ nát, Đức Mẹ đã cứu giúp che chở cho giáo dân Bàu Dơi (La Mã).
 
 Ngày 11/02/1952, Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục cho phép tổ chức hành hương kính viếng ảnh Mẹ tại La Mã để kính nhớ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Từ đây La Mã trở thành Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Mã Bến Tre của Giáo phận. (5)
 
Lịch Sử Họ Đạo La Mã, Bến Tre
 
Trung tâm hành hương Ðức Mẹ La Mã, Bến Tre: Ðịa chỉ xã Hương Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
 
Bầu Dơi là một cánh đồng rộng mênh mông đã được khai phá, chằng chịt sông rạch, với ít xóm nhà lá của nông dân. Bầu Dơi là ấp của làng Hiệp Hưng, cách tỉnh lị Bến Tre 24km. Phần đông dân chúng theo Phật giáo hoặc đạo ông bà.
 
Năm 1930 hạt giống Phúc Âm mới được gieo vào vùng xa xôi này. Một người trong đó có ông Hạt và gia đình đã đến Cái Bông gặp cha Luca Sách xin tòng giáo.
 
Cha Luca Sách với sự hợp tác của thầy Phêrô Niềm đến Sơn Đốc cất một nhà dạy giáo lý. Ba tháng sau 10 gia đình gồm 50 người lớn bé được lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Điều tất yếu của một họ đạo là ngôi nhà nguyện, để giáo dân hôm sớm họp nhau đọc kinh và tham dự Thánh lễ một đôi lần. Cha sở Cái Bông tặng một ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lồng trong khung kính đặt trong nhà nguyện.
 
Ngày 11-11-1949, Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục từ Vĩnh Long đến thăm viếng và chúc lành họ đạo. Ngài thấy tận mắt cảnh khổ của giáo dân và lòng nhiệt thành cao độ của họ đạo, Đức cha đổi họ Bầu Dơi thành La Mã, một danh xưng đầy ý nghĩa, hướng về dĩ vãng huy hoàng của Giáo hội mà cũng hàm ý hy vọng về tương lai.
 
Sự Lạ La Mã
 
Ngày 02-02-1950 xảy ra một vụ đụng độ lớn trong vùng. Giáo dân bỏ chạy tán loạn. Nhà cửa tan hoang. Nhà nguyện trưng bày ảnh Đức Mẹ cùng chung số phận và ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp biến đâu mất.
 
Ngày 05-5-1950, một bà già theo đạo Cao Đài, là Võ Thị Liễng, bì bõm theo con rạch xúc cá, đụng phải khung ảnh nằm dưới bùn. Khung ảnh được vớt lên. Khung kiếng vẫn còn nguyên nhưng tượng ảnh đã phai màu hết, chỉ thấy sắc xám lem lét bùn và có nhiều lỗ rách. Bà già tri hô. Nhiều người chạy ra xem. Ông Thành cũng đến, xin lại khung ảnh, đem về... treo ngay đầu hè để che nắng đỡ mưa. Nhà ông đã tan, còn ảnh tượng thì đen thui... đầy bùn dơ, còn gì nữa mà kính thờ!
 
Ông biện Hạt, cha anh Thành, đến thăm con, mắng con một mẻ vì bất kính. Vốn sợ tội, ông đem bức ảnh về nhà, đặt trên tủ thờ trước tấm vách lá giữa nhà.

Ngày 07-10-1950, một cuộc lùng rát bất ngờ. Một chiếc tàu nhỏ của Pháp tiến vào bắn phá lung tung. Ông Hạt và người con trai Út, tên là Trọng, chạy không kịp, vội ẩn núp dưới tấm vách lá sau bàn thờ. Tiếng súng vừa êm, ông chạy ra trước tủ thờ để cám ơn Chúa và Đức Mẹ. Ông khựng lại, nhà ông cũng như bao nhà khác, bị đạn xuyên qua tơi bời, duy chỉ có bàn thờ và tấm vách lá sau bàn thờ còn nguyên vẹn. Ông nhìn lên bàn thờ và sửng sốt: Bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở dưới bùn hơn 3 tháng, phai nhạt hết hình, nay bỗng dưng nổi hình lên rõ ràng xinh đẹp lạ thường. Hai cha con vừa chứng kiến một phép lạ. Ông la lên: Phép lạ! Phép lạ! Cả xóm vừa hồi cư, chạy đến. Tất cả đều nhìn thấy: Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mấy tháng trước mất hẳn hình, nay lộ rõ lại, duy 2 mũ triều thiên trên đầu Đức Mẹ và Chúa còn lu mờ. Hai mũ triều này đến ngày 15-8-1951 lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời mới lộ rõ.
 
Ngày 15-8-1951, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, mọi người được chứng kiến Mũ Triều thiên lộ hiện ra trên đầu Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng. Một điều lạ nữa: Khi bức Ảnh vớt lên, ảnh gắn chặt vào kiếng, có nhiều lỗ thủng. Bây giờ, chân dung Mẹ hiện ra rất xinh đẹp và các lỗ thủng cũng biến mất. Kể từ đây, Nhà Thờ Ðức Mẹ La Mã Bến Tre trở thành nơi kính viếng cho tất cả mọi người yêu mến Mẹ, và Mẹ đã thực hiện nhiều dấu lạ cho mọi người, nhất là những người lương dân có lòng tin nơi Mẹ (6).
 
Để đến Nhà Thờ Ðức Mẹ La Mã, chúng tôi phải băng qua thành phố Vĩnh Long. Thăm Nhà thờ Chính tòa Vĩnh Long, kính thánh Anna.



 
Nhà thờ được xây dựng từ năm 1964 tới năm 1967 theo đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nên khi xây dựng, người ta đã chỉnh sửa lại phần lớn chi tiết thiết kế ban đầu, nên kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã phủ nhận đó là công trình do ông thiết kế. Nhà thờ chính tòa Vĩnh Long hiện là nhà thờ có sức chứa lớn ở Việt Nam, với chiều dài 100 mét, chiều rộng 36 mét và chiều cao đến mái là 27 mét.
 
Sau khi thăm và cầu nguyện tại nhà thờ Vĩnh Long, chúng tôi dùng cơm trưa. ‘Cơm niêu Nam Bộ’, một món mới của miền sông nước. Giá rẻ bất ngờ!
 
Đoàn đến Nhà Thờ Ðức Mẹ La Mã Bến Tre vào buổi chiều. Cầu nguyện và dâng thánh lễ kính dâng Mẹ Hằng Cứu giúp với những nguyện ước của mình.
 
Dừa là một đặc sản của Bến Tre: Nước dừa Bến Tre, kẹo dừa Bến Tre, bánh tráng dừa Bến Tre... Về Bến Tre phải thưởng thức nước dừa Bến Tre mới là pro. Nhưng có lẽ, sau 2 ngày ngồi xe mệt mỏi và sự giao thông thuận lợi đưa quả dừa Bến Tre đi khắp mọi miền đất nước, giờ đây, thưởng thức dừa Bến Tre cũng nhàn nhạt như bao quả dừa khác! Hay cần có một khung cảnh khác hơn là quán cóc ven đường!
 
Trung Tâm Hành Hương Ba Giồng (Giáo phận Mỹ Tho)
 
Từ Nhà Thờ Ðức Mẹ La Mã Bến Tre đến Trung Tâm Hành Hương Ba Giồng, kính thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu và 27 vị thánh tử đạo, khoảng 60 km.
 
Giáo phận Mỹ Tho được thành lập năm 1960, nhưng có quá trình hình thành và phát triển từ hơn 200 năm trước. 
 
Theo khẩu truyền của các tín hữu họ đạo Ba Giồng, khoảng năm 1700, đời vua Minh Vương cai trị nước Nam, có khoảng 30 gia đình Công giáo ở Phú Yên phải rời quê hương bằng 20 chiếc ghe bầu để trốn cuộc bách hại đạo. Họ xuôi theo đường biển vào Nam kỳ. Cuối cùng, họ vào được sông Vàm Cỏ rồi men theo nhánh phía Tây của con sông đến một vùng đồng hoang vắng vẻ và định cư. Những người này chính là các tín hữu đầu tiên của họ đạo Ba Giồng (x. Nam Kỳ Địa Phận, Năm 1918, trg. 487-490).
 
Trải qua những cuộc bách hại thời vua Minh Mạng và vua Tự Đức, các tín hữu họ đạo Ba Giồng đã phải tản lạc đến nhiều nơi để sinh sống.
 
Thời Đức Giám mục Francois Pérez coi sóc Đàng Trong (1691-1728), ngài mời các thừa sai Phan Sinh từ Manila đến truyền giáo. Một trong những vùng được ngài trao cho các thừa sai Phan Sinh là vùng địa giới mà sau này gọi là Lục tỉnh Nam Kỳ. Năm 1722 cha José Garcia được cử xuống vùng này. Từ địa điểm ban đầu là Chợ Quán, cha mở rộng vùng truyền giáo xuống miền Tây. Cha đón tiếp các tín hữu từ miền Trung di tản vào, rồi hướng dẫn họ tới những nơi định cư. Ngoài ra, cha lặn lội đến những xóm nhà xa xôi hẻo lánh để tìm người có đạo rồi quy tụ họ thành từng nhóm (x. Dấu Ấn Mọn Hèn – trg. 37). 
 
Đất Mỹ Tho đã thấm máu nhiều vị anh hùng tử đạo, như các tín hữu ở Ba Giồng, ở Mỹ Quí Đông (gần Cai Lậy), đặc biệt là thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu (linh mục) bị trảm quyết năm 1861 và thánh Anrê Nguyễn Kim Thông (giáo dân) chết vì bị hành hạ kiệt sức năm 1855.
 
Ngày 27/11/1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII ban sắc chỉ Quod Venerabilis Fratres, chính thức phân chia Giáo phận Sài Gòn thành 3 giáo phận: Sài Gòn, Đà Lạt và Mỹ Tho. Sắc chỉ được công bố vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 08.12.1960. 
 
Địa giới giáo phận Mỹ Tho gồm các tỉnh: Tiền Giang, Long An và 2/3 tỉnh Đồng Tháp.
 
Dân số (2017) trên địa bàn là 4.194.184 người. Công giáo là 137.260 người. Giáo phận có 6 hạt. Tỉnh Tiền Giang có hạt Mỹ Tho và Cái Bè. Tỉnh Long An có hạt Tân An và Đức Hòa. Tỉnh Đồng Tháp có hạt Cao Lãnh và Cù Lao Tây. Giáo phận có 94 giáo xứ. Năm 2017, Giáo phận có 141 linh mục (triều: 137; dòng: 4), 64 chủng sinh, và 24 dự tu. Dòng nữ có 211.
 
Giám mục đương nhiệm là Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm (2014 – ) (7).
 
Chiều tối, chúng tôi mới đến Trung tâm hành hương Cha Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu: Ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, Tiền Giang.
 
Đêm đến, trời mát mẻ. Mọi người đi dạo một vòng. Mọi điều yên bình như một làng quê lặng lẽ.
 
Sáng chủ nhật, chúng tôi cùng dâng thánh lễ với cộng đoàn giáo xứ. Tôi đến sớm. Đọc kinh cùng cộng đoàn. Ngày nay, sự tiện lợi của máy tính ngập tràn các nhà thờ và cộng đoàn đọc tất cả những kinh đọc chiếu trên màn hình. Kinh Chúa Thánh Thần, Kinh Tin, Kinh Cậy, Kinh Kính Mến, Kinh Nghĩa Đức Tin, Kinh Mười Điều Răn, Kinh Sáu Điều Răn. Kinh Bảy Phép Bí Tích. Kinh Mười Bốn Mối, Kinh Cải Tội Bẩy Mối, Kinh Phúc Thật Tám Mối… Những kinh này, giới trẻ ngày nay, hay cả những người U60 cũng không thuộc hết. Nhìn trên màn hình, mọi người đều đọc thông suốt. Và từ đó, lời kinh thấm vào tâm hồn con người.



 
Thánh lễ bắt đầu với cha chủ tế, linh mục Nguyễn Tấn Sang, là nhạc sĩ – ca sĩ Nguyễn Sang, người sáng lập chương trình Tiếng Hát Vì Người Nghèo, và với cha khách. Đoàn rước ra trước bàn thờ bái gối. Cử chỉ này của quý cha và lễ sinh làm sống lại trong tôi những kỷ niệm thơ ấu, nơi xứ đạo Phước Long thân thương. Tôi cũng mong ước Thánh Thể Chúa được yêu mến và kính trọng hơn trong đời sống hằng ngày. Thánh Thể Chúa được rước lấy với thái độ cung kính và thờ lạy. Kỷ niệm được cung kính quỳ và rước Thánh Thể Chúa còn mãi sáng ngời trong tôi. Nghe đâu, tại Ban Mê vẫn có một vài xứ đạo giữ được tập tục cung kính này.
 
Trước Thánh lễ, cha xứ mời gọi mọi người lên những hàng ghế trên đầu, nhường những ghế còn lại cho những người đi sau.
 
Một hình ảnh khác đập vào mắt tôi, đó là, rất đông người nữ mặc áo dài đi tham dự thánh lễ. Đến với Chúa, là đến với cả tâm hồn lẫn thể xác. Bên trong với một lòng yêu mến và bên ngoài, với một thái độ cung kính. Ôi xứ đạo bình dị và nếp sống đạo chân chất! Xứ đạo của cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu và 27 vị thánh tử đạo.
 
Sau thánh lễ, cha chủ tế cùng toàn thể cộng đoàn ra trước tượng cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu cầu nguyện. Một giáo xứ hiệp nhất. Một giáo xứ yêu thương.
 
Khi cầu nguyện xong, tôi lang thang đi xem những ảnh tượng, những phù điêu. Tôi gặp một pho tượng cho tôi nhiều cảm xúc. Từ trên nhà nghỉ, tôi nhìn thấy phía sau Trung tâm, tượng Chúa Giêsu, một tay đang bị đóng đinh vào thập giá, tay kia đang ôm lấy một người đau khổ.
 
Chúa đang bị đóng đinh, đang bị bỏ rơi, đang bị sỉ nhục trên thập giá. Ngài vẫn luôn nhìn thấy những đau khổ của con người. Ngài đưa bàn tay đẫm máu để ôm lấy con người, dâng lên Chúa Cha, trong hy lễ tự hiến trên đồi Golgotha.



 
Trước khi lên đường trở về, cha xứ đãi đoàn một bữa sáng, cùng với những câu chuyện sống đạo, dấn thân, phục vụ người nghèo... trong yêu thương và khiêm hạ.
 
Cám ơn cha đã cho chúng con một bữa sáng ngon miệng và những câu chuyện thấm đẫm tình người, trong một xã hội đang muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống mình, bằng những thực hành ngược lại với giáo huấn của Tin Mừng, của Thầy Giêsu. Người không biết Chúa đã đành, mà ngay cả những người có đạo cũng thế!
 
Ngày cuối
       
Giáo phận Phú Cường
 
Trên đường trở về Ban Mê, ngang qua giáo phận Phú Cường. Chúng tôi dừng chân và kính viếng nhà thờ Chính tòa Phú Cường. Một nhà thờ nguy nga tuyệt mỹ, được khởi công ngày 13.6.2009 và được cung hiến ngày 25.4.2014 với tước hiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn mạch yêu thương.
 
Giáo phận Phú Cường là vùng đất rất hiểm trở nên trong cuộc bách hại dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, vùng Lái Thiêu được chọn làm cơ sở đặt Toà Giám mục. Vì thế các thừa sai, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân bớt bị bách hại. Mở đầu cho trang sử được ghi bằng máu là linh mục Phêrô Đoàn Công Quí, tử đạo này 31.7.1859, được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh ngày 19.6.1988. Tiếp theo là vụ tàn sát 27 vị tại họ đạo Thị Tính vào các ngày 09-10.07.1868.
 
Giáo phận Phú Cường được thành lập ngày 14.10.1965 với trọng sắc “In Animo Nostro” (Trong Lòng Ta), bởi Đức Giáo hoàng Phaolô VI. Đồng thời, Đức Giáo hoàng bổ nhiệm linh mục Giuse Phạm Văn Thiên (02.5.1906 - 15.02.1997) - Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, làm Giám mục tiên khởi Giáo phận Phú Cường. 
 
Khi mới thành lập, Giáo phận Phú Cường, có 51.488 Kitô hữu trên tổng số 715.000 dân (chiếm 7,2%); 43 linh mục; 6 giáo hạt (Bình Long, Lạc An, Phú Cường, Phước Thành, Tây Ninh và Thala); 39 họ đạo có cha chánh xứ hiện diện và 106 thánh đường lớn nhỏ.
 
Giáo phận Phú Cường thuộc vùng Đông Nam Bộ, nay gồm các tỉnh thành: Tây Ninh, Bình Dương, với huyện Lộc Ninh, Bình Long, Hớn Quản, Chơn Thành và Bù Đốp của tỉnh Bình Phước và huyện Củ Chi thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng diện tích toàn Giáo phận là 9.543.35 km2. Dân số toàn giáo phận là 3.997.581 với nhiều sắc tộc khác nhau: Hoa, Khmer, Nùng, Tày (tỉnh Bình Dương); Stiêng, Khmer, Nùng, Tày (tỉnh Bình Phước); dân tộc Chăm, Khmer, Mường, Tày, Nùng, Thái, Xinh Mun, Phù Lá, Ba Na (tỉnh Tây Ninh). Nhưng chủ yếu vẫn là sắc tộc Kinh.
 
Hiện nay (12.2017), giáo phận Phú Cường có 157.008 tín hữu (chiếm 3,9%), 136 linh mục triều, 27 linh mục dòng; 67 đại chủng sinh; 26 chủng sinh; hơn 1.148 tu sĩ (nam: 354, nữ: 794) thuộc hơn 140 cộng đoàn của 60 Hội Dòng và Tu Hội khác nhau; và gần 1.074 giáo lý viên đang phục vụ trên cách đồng truyền giáo thuộc 7 giáo hạt (Bến Cát, Bình Long, Củ Chi, Lạc An, Phú Cường, Phước Thành và Tây Ninh), trải đều trong 105 giáo xứ, 07 giáo họ và 13 giáo điểm.
 
Ngoài Công Giáo còn có nhiều tôn giáo khác, tín đồ lớn nhất là Phật giáo với nhiều hệ phái. Tỉnh Tây Ninh thì tập trung và phát triển mạnh Cao Đài - Tây Ninh. Tin Lành hoạt động mạnh trong cộng đồng dân tộc Stiêng. Hồi giáo chỉ phát triển trong bộ phận người Chăm. Đặc điểm này cũng tạo nên một nét đặc biệt trong mục vụ đối thoại liên tôn - đại kết, qua đó giúp nhau tìm về Chân - Thiện - Mỹ.
 
Giám mục đương nhiệm là Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước (2011 - ) (8)
 
Bước chân vào thánh đường, tôi choáng ngợp với sự rộng rãi, lộng lẫy và nguy nga. Một thánh đường gô-tích với ba ngọn tháp cao vút. Những ngọn tháp vươn lên trời xanh như khát vọng vươn cao của các Kitô hữu tại Phú Cường.


       
Một chú ý khác. Đó là những ‘feuilles’. Những ‘tờ giấy’, ‘tờ phiếu’ được đặt cuối thánh đường để mọi người khi đi vào, hoặc ra về đều có thể cầm lấy. Nội dung của ‘feuilles’ A3 này là gì? Thưa, là Lời Chúa ngày Chúa nhật; là chỉ dẫn của chủ chăn giúp người tín hữu sống Lời Chúa hằng tuần; là giáo huấn của Hội Thánh, là thắc mắc của giới trẻ sống đạo hôm nay; là những công tác của các hội đoàn cùng những chỉ dẫn cần thiết cho tín hữu khi cần liên hệ với giáo xứ. Và cùng với những quảng cáo thương hiệu của ngành nghề trong giáo xứ, giúp phát triển đời sống xã hội và thăng tiến đời sống đức ái, giữa một xã hội đang đánh mất dần đức tin và tình yêu đồng loại.
 
Đi một ngày đàng học một sàng khôn
 
Những chuyến đi bao giờ cũng để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp, những tình cảm tuyệt vời và những hiểu biết thú vị. Nam Du lưu lại trong tôi những gì?
 
Đời sống đạo giáo xứ Ba Giồng, quê hương của Cha Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu và 27 vị thánh tử đạo, đã đánh thức tuổi thơ yêu dấu, nơi xứ đạo bình yên, với những lời kinh đã nuôi sống tiền nhân trong những thử thách, trong những bách hại đức tin. Tôi cũng thao thức, khi thấy trong giờ kinh tại giáo xứ Thánh Tâm, quê tôi, trước những thánh lễ ngày Chúa Nhật, chỉ vài người già, U70, đọc những Kinh Nghĩa Đức Tin, Kinh Mười Điều Răn, Kinh Sáu Điều Răn, Kinh Bảy Phép Bí Tích, Kinh Mười Bốn Mối, Kinh Cải Tội Bẩy Mối, Kinh Phúc Thật Tám Mối một cách rời rạc, không ai tiếp nối. Thế hệ tín hữu sau ngày thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam (1960), và nhất là, sau mùa xuân 75, đã không còn biết nhiều về những lời kinh đã nuôi sống bao thế hệ cha ông cho đến ngày hôm nay.
 
Tôi cũng thao thức làm thế nào để đưa Lời Chúa đến với mọi người, kể cả những người không tin Chúa? Chưa tin Chúa? Những tờ ‘feuilles’ tại nhà thờ Chính Tòa Phú Cường là một gợi ý?
 
Tôi hy vọng với Ban Thường Vụ Mục Vụ Giáo Xứ mới, trẻ trung, năng động, đầy nhiệt huyết có những bước đột phá, đưa giáo xứ Thánh Tâm, nhà thờ Chính Tòa Ban Mê Thuột, ngày một phát triển trong đời sống đức tin và thăng tiến trong đời sống đức ái.
 
Con xin chân thành cám ơn quý cha trong Ban Văn Hóa-Truyền Thông, Ban Giáo Lý Đức Tin, đã cho con đồng hành trong chuyến đi Bắc Tiến và Nam Du, giúp con nhìn thấy những cảnh đẹp quê hương cùng cảm nhận sức sống đức tin mảnh liệt của Dân Chúa ngày càng phát triển.
 
Ban Mê, những ngày cuối tháng 7.2019
 Nguyễn Thái Hùng
 
 Tags: Nam Du 2

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây