TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chẳng lẽ con sao?

Thứ tư - 12/05/2021 23:10 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1046
Chẳng lẽ con sao?

Chúa Nhật Lễ Lá.

Chẳng lẽ con sao?

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, điều căn bản để giúp cho con người sống và tồn tại, mỗi ngày, là gì? Có lẽ, không ít người sẽ trả lời rằng, đó là: ăn uống và hít thở. 

Đúng, nhưng, đó chỉ là về phương diện thể chất. Cuộc sống của con người còn liên quan đến phương diện tinh thần. Và ở phương diện tinh thần, có những điều còn quan trọng hơn cả ăn và uống, bởi không có nó, con người chẳng muốn ăn và cũng chẳng muốn uống. Những điều quan trọng hơn, đó là: tình yêu và niềm hy vọng. 

Thật vậy, như sách có câu: “Cuộc sống không có tình yêu khác nào khu vườn không có ánh nắng” và như Thomas Fuller nói: “Nếu không phải nhờ hy vọng, trái tim sẽ tan vỡ”. Nói tắt một lời, sống mà không có tình yêu và niềm hy vọng thì sống cũng bằng như chết. 

Khi nói tới tình yêu, người ta thường hay dùng hình ảnh một trái tim. Tại sao là trái tim mà không phải là hình ảnh nào khác? Thưa, vì trái tim là hình ảnh sống động của sự sống, mà một tình yêu sắt son thì lại cần có sự sống động như thế. 

Tuy nhiên, thực tế của cuộc đời, một tình yêu sắt son kiểu “Romeo – Juliet” hay kiểu “một mái nhà tranh hai quả tim vàng” là điều hiếm thấy, mà nếu có thấy, có lẽ, chỉ thấy trên tiểu thuyết và phim ảnh, mà thôi.

Đối với Ki-tô giáo, khi nói tới tình yêu, tất nhiên, hình ảnh “trái tim” vẫn là hình ảnh đáng trân trọng, như chúng ta vẫn thấy trên tấm hình “trái tim Chúa Giê-su”. 

Tuy nhiên, có một hình ảnh, có lẽ ít khi chúng ta nghĩ tới, mới chính là biểu tượng cho “tình yêu thương” của Ki-tô giáo, một tình yêu thương “Người liều mạng sống vì người mình yêu”, đó là hình ảnh cây thập giá. 

Tại sao lại là hình ảnh “thập giá”? Thưa, là bởi, đó là hình ảnh về cái chết của Đức Giê-su, một cái chết “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”.

Chính vì thế, hôm nay, Giáo Hội dành đúng một tuần, gọi là “Tuần Thánh”, được bắt đầu bằng Chúa Nhật Lễ Lá, hầu đưa toàn thể người tín hữu trở về Giê-ru-sa-lem xưa, để chiêm ngưỡng lại con đường tử nạn của Đức Giê-su, một con đường mà hôm nay được biết đến với tên gọi là “Via Dolorosa”, một con đường đem đến cho chúng ta “tình yêu và niềm hy vọng”.

**
“Via Dolorosa”, cái tên được biết đến như một cung đường sầu khổ, một sự sầu khổ và đớn đau mà Đức Giê-su đã phải đi qua.

Vâng, trớ trêu thay, khi chỉ vài hôm trước, con đường này đã được trải thảm bằng những tấm áo choàng cùng với một rừng người cầm cành thiên tuế ra đón Đức Giê-su. Họ nghênh đón Ngài với những lời reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” (x.Mc 11, 8-10)

Nhưng rồi có ngờ đâu, chỉ vài hôm sau, Đức Giê-su đã phải chết thê thảm như một tội đồ trên thập tự tại đồi Golgotha.

Vâng, cuộc tử nạn của Đức Giê-su bắt đầu bằng một cuộc bố ráp tại vườn Ghếtsimani. Vài hôm trước đó, nhóm thượng tế đã sắp đặt một kế hoạch truy bắt Ngài. Kế hoạch đó đã được Giuđa Iscariot vạch ra. Trước đó, y đã lén lút đi gặp các thượng tế và lãnh binh Đền Thờ để bàn về cách thức nộp Đức Giêsu cho họ. Được các thượng tế hứa hẹn rằng, sẽ “cho hắn ba mươi đồng bạc”, vì thế cho nên “từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.” (x.Mt 26, 15-16).

Và khi giờ đã đến. Khi những vệt nắng cuối cùng khuất hẳn bầu trời Giêrusalem. Một nhóm người được các thượng tế và kỳ mục sai đi truy nã Đức Giêsu.
Trong khi đó, Đức Giê-su, tại Ghếtsimani, trong thinh lặng của nguyện cầu, Ngài cảm thấy hãi hùng và xao xuyến. Vâng, làm sao không hãi hùng và xao xuyến cho được, vì kẻ phản bội lại là một người trong nhóm mười hai.

Ánh đuốc bập bùng cùng với tiếng vó ngựa phá tan sự tĩnh lặng của nguyện cầu. Còn tiếng gươm giáo và gậy gộc va chạm đã khiến cho ai nấy phải rợn người. Vòng vây mỗi lúc một xiết chặt hơn. Ghếtsimani bỗng chốc phủ trùm bầu không khí của bạo lực và chết chóc.

Và khi Giuda Iscariot xuất hiện, sự trang nghiêm thường nhật của y không còn nữa. Y xông đến hôn Đức Giê-su, một ám hiệu mà y đã nói với đồng bọn: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy.” (Mt 26, 48).

Ba năm công khai rao giảng Tin Mừng. Đây không phải lần đầu tiên người ta tìm bắt Đức Giêsu. Đã nhiều lần người ta tìm cách giết Ngài, đe dọa và ném đá Ngài. Đức Giêsu đều tìm cách lánh đi. (Ga 8,59).

Nhưng hôm nay, tại vườn Ghếtsimani, Giêsu người Nazareth, Ngài đứng lặng “lòng xao xuyến bởi địch thù gào thét, bởi ác nhân hà hiếp”. (Tv 55).

Toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ người Do Thái ập đến bắt Đức Giêsu. Họ trói Ngài rồi điệu đến dinh thượng tế Caipha.

Họ bắt Ngài chỉ vì Ngài đã dám tuyên bố rằng “Tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày sẽ xây cất lại” (Mt 25,61). Họ bắt Ngài chỉ vì Ngài nhìn nhận mình chính là “Đấng Kitô Con Thiên Chúa”.

Bảy mươi mốt thành viên Hội Đồng Công Tọa quá đỗi bất ngờ trước chiến tích của tên “phản thùng” Giuda. Màn đấu tố Đức Giêsu suốt đêm tại dinh thượng hội đồng không làm họ mãn nguyện. Họ muốn tìm một đồng minh từ Philatô, nên đã “dẫn độ” Đức Giê-su đến dinh quan tổng trấn.

Tại dinh quan tổng trấn. Philatô xuất hiện. Ông ta đã chết lặng khi nhìn thấy thân thể rã rời của Đức Giêsu sau một đêm bị những trận đòn tra tấn. Hình hài của Đức Giêsu, thật đúng như những gì ngôn sứ Isaia đã tiên tri về Ngài: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi người ta phỉ nhổ” (Is 50, 6).

Cuộc thẩm vấn “chớp nhoáng” giữa Philatô và Đức Giêsu diễn ra chóng vánh, trước mắt ông ta, Đức Giêsu “chẳng can tội gì đáng chết” (Lc 23,14).

Thật đáng tiếc! Philatô, ba lần muốn phóng thích Ngài, nhưng cả ba lần ông ta đều được đáp lại bằng những tiếng gào thét man rợ của nhóm kỳ mục và đám đông dân chúng: “Giết! Giết nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá”.

Phiên tòa bị nát vụn bởi sự nhu nhược của Philatô. Đức Giêsu, như bị bủa vây bởi sự hèn nhát của quan tổng trấn. Ông ta, chứ không ngoài ai khác, đã lộ tâm địa của một kẻ bàng quan. Qua việc “rửa tay”, ông phủi bỏ trách nhiệm của mình.

Dẫu biết chắc rằng các cáo buộc chống lại Đức Giêsu không đạt tiêu chuẩn của một cuộc điều tra tư pháp, đúng luật lệ. Dẫu biết rằng, những lời chứng đều là “chứng gian” (Mt 26, …59). Thế nhưng, Philatô vẫn ngoảnh mặt làm ngơ trước “công lý và sự thật”. Để rồi, mệt mỏi vì những tiếng gào thét cuồng nộ của đám đông, quan tổng trấn ngượng ngùng “trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá” (x.Mc 15, …15)

***
Via Dolorosa – Con Đường sầu khổ bắt đầu trải ra cho Đức Giêsu. Mấy hôm trước, Ngài đã được đón tiếp như một quân vương. Nhưng hôm nay, ôi thật là sầu thảm. Lưỡi gươm và những mũi đòng đã được thay cho những nhành thiên tuế.

Trên đường ra pháp trường, không ít người nhìn ba cú té ngã của Đức Giê-su bằng con mắt khinh miệt. Thế nhưng, họ đâu biết rằng, qua ba cú té ngã đó, nó gợi lên sự sa ngã của Adam, tình trạng sa ngã của nhân loại, và gợi lên mầu nhiệm Đức Giê-su gánh lấy sự sa ngã của chúng ta.

Rồi những lời chứng gian, những hành vi nhục mạ “khạc nhổ vào Người… bịt mặt Người… và tát Người túi bụi”. Thật ra, những điều đó phải xảy ra, như lời Đức Giêsu nói “Thế này là để lời Sách Thánh ứng nghiệm”.

Vâng, đúng là để ứng nghiệm với lời ngôn sứ về Ngài, rằng “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca…” (Is 53, 7).

****
Via Dolorosa – Con Đường sầu khổ rồi cũng phải đến. Vở kịch “thần thiêng” rồi cũng đi vào màn chót. Trên đồi Golgotha, một rừng người, đứng thành từng nhóm đau đáu ngước nhìn Đức Giêsu. Ngài đầu đội mão gai, hai tay dang trước trời cao, thân hình dính chặt vào thập giá bằng những chiếc đinh.

Thêm một tràng những lời khích bác, nhục mạ, sỉ vả, nhạo cười. Đức Giê-su vẫn “như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53, 7).

Đúng, có gì phải kêu ca, bởi, những gì Đức Giê-su phải gánh chịu, chính là những gì Ngài đã nói với Mẹ Ngài năm xưa trong một lần lên Giê-ru-sa-lem, rằng: “Con có bổn phận ở nhà của Cha con”. Bổn phận đó chính là phải thực hiện điều Ngài đã tuyên bố, rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”, và cái cách Ngài phải thực hiện chính là cái chết của mình, một cái chết trên thập giá tại Golgotha.

Hôm đó, tại Golgotha, sau khi Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma-xa-bac-tha-ni, nghĩa là: lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con”, Kinh Thánh ghi lại rằng: Ngài “tắt thở”.

Vâng, tất cả chỉ là vì tình yêu. Chỉ vì tình yêu, Đức Giêsu mới có thể “hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nộ lệ… vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự” (Pl 2, 7-8).

Chính tình yêu “hiến mạng sống mình cho người mình yêu”, Đức Giêsu đã làm cho cuối con đường Via Dolorosa không chỉ có đồi Golgotha hay tăm tối của sự chết, nhưng còn có niềm vui của Phục Sinh, của niềm hy vọng được sống lại do Đức Giêsu Kitô là Chúa ban cho.

Nói tắt một lời, đó là “tình yêu và niềm hy vọng” của mỗi chúng ta hôm nay, người môn đệ của Ngài.

*****
Chúa Nhật hôm nay, Phụng Vụ Lời Chúa đọc bài “Tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu”.

Bài đọc có vẻ khá dài. Và, nếu được phép so sánh, vâng, nó cũng dài như cuộc đời Kitô hữu của chúng ta, hôm nay.

Nếu được phép so sánh, hãy thử so sánh xem, những vấp ngã của các môn đệ xưa, phải chăng cũng là những vấp ngã của chúng ta, hôm nay?

Xưa, Phê-rô, trước lời chất vấn của người đầy tớ gái, rằng “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Na-da-rét, ông Giê-su đó chứ gì?” Ông liền chối: “Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì!”

Nay, là một Ki-tô hữu, qua việc kê khai vào mục “tôn giáo” của tờ chứng minh nhân dân, của bản sơ yếu lý lịch, chúng ta có khai là “Công Giáo” hoặc chí ít là “Thiên Chúa giáo”, hay ta lại lập lờ như Phê-rô xưa, khai một chữ “không” to tướng?

Nếu được phép so sánh, hãy thử so sánh xem, những hành động, những lời nói của dân Do Thái xưa, phải chăng cũng là của chúng ta hôm nay?

Xưa, người Do Thái, thay vì chấp nhận thả Đức Giê-su, một người, theo lời tổng trấn Phi-la-tô nói “không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy”, họ lại đòi thả “Baraba”, một tên sát nhân bỉ ổi.

Nay, trong mọi lựa chọn luân lý của mình, trước “bất công và bạo lực”, chúng ta lên án nó, hay chúng ta “đòi thả Baraba”, nhu nhược thỏa hiệp nó? Trước lòng nhân từ và thói hung hãn, chúng ta chọn nhân từ hay chọn “đòi thả Baraba – thói hung hãn”?

Xưa, dân Do Thái đã nói với Philatô rằng: “Chúng tôi chẳng có vua nào cả, ngoại trừ Ceasar!”

Nay, trong một xã hội cổ vũ cho một nền văn minh sự chết, một nền văn minh cho rằng “Thượng đế đã chết rồi”, chúng ta cũng hòa giọng điệu của mình như thế, mỗi khi, vì lợi lộc tiền bạc, vì danh vọng trần thế, chúng ta sẵn sàng bán rẻ những lý tưởng cao đẹp, những lý tưởng như “sự gì Thiên Chúa liên kết loài người không được phân ly”, để chọn lấy những cái thứ yếu, thấp hèn?

Xưa, dân Do Thái thách thức Đức Giêsu khi Ngài bị treo trên thập giá bằng những lời ngạo mạn: “Nếu ngươi là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá, cứu lấy chúng ta, và cứu cả ngươi nữa”.

Nay, trong những lúc nguyện cầu, chúng ta cầu nguyện như thế nào? Chúng ta “xin” những điều tốt lành, nếu được nhận lời, ta cho rằng, Chúa yêu chúng ta, nếu không được, chúng ta có phàn nàn, hoài nghi tình yêu thương của Ngài?

******
Trở lại bài “Tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu”. Vâng, khi nghe bài này, khuynh hướng chung là chúng ta thường lên án tất cả những người, trực tiếp cũng như gián tiếp, gây ra cái chết của Đức Giê-su.

Chúng ta luôn đặt ra những câu chất vấn rằng: Tại sao họ lại bạc tình trước một con người đã cứu chữa biết bao người bệnh tật, đau yếu, cho kẻ chết sống lại và đã cho họ ăn no nê? Tại sao họ lại chọn một kẻ sát nhân thay vì Đức Giê-su, Đấng đã công bố trước mặt họ thông điệp, rằng: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. v.v…

Về cuộc tử nạn của Đức Giê-su, Ron Rolheiser, OMI, trong bài “Viết lại cuộc xử án của chúng ta” đã nhận xét: “Có vẻ như, chẳng có nhiều thay đổi trong thế giới ngày hôm nay. Vẫn còn không ít người chọn lựa cách hành xử như cách hành xử của những người trong cuộc xử án và kết án Đức Giêsu năm xưa. Vẫn còn không ít người, vì mù quáng, vì lợi lộc thế gian, sẵn sàng “bán đứng” đức tin của mình. Vẫn còn không ít người, vì danh vọng, vì quyền lực do thế gian ban cho, sẵn sàng la to, rằng: Đóng đinh hắn vào thập giá! Thế đấy…” (nguồn: internet)

Thế nên, thưa bạn, bạn và tôi, sau khi đọc xong bài viết này, chúng ta hãy nhìn lên Thánh giá Chúa Giê-su Ki-tô, hãy can đảm mà nói với Ngài, như xưa các môn đệ cũng đã nói với Ngài, rằng: “Chẳng lẽ con sao?”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây