TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sáng Chúa Nhật Xứ Châu

Thứ năm - 27/05/2021 23:12 | Tác giả bài viết: Khải Nguyễn |   681

Sáng Chúa Nhật Xứ Châu

 
Rạng đông Chúa nhật 16/08/2020
 
Giáo xứ Châu Sơn những ngày Chúa nhật vắng xa Thánh lễ, bỗng nhiên thấy đời nhạt nhẽo vô thường, phải chăng khi mất đi những gì tưởng như bình thường nhỏ nhặt, ta mới nhận ra cốt lõi của niềm hạnh phúc Chúa đã trao ban... 
 
Rạng sáng nay tôi đến nhà thờ, một không gian tĩnh mịch bao trùm, ắng yên đến kỳ lạ, những âm thanh rộn rã thường ngày của những sáng chúa nhật không còn nữa, thay vào đó chỉ còn là những tiếng chim sẻ ríu rít nơi lầu chuông và mấy cây cảnh nơi hoa viên nhà xứ, lòng nghĩ có lẽ nhờ những tiếng chim nhỏ bé ấy mà vị linh mục già đang quỳ một mình với Chúa trong kia thấy đỡ cô quạnh hơn trong những ngày vắng xa Thánh lễ, vắng xa con chiên yêu dấu của Ngài.
 
Rời mấy bậc cấp nhà thờ, tôi băng ngang nhà đa năng, nhẹ nhàng ngồi xuống dưới bóng mát của cây da nơi hoa viên phía trước, vẫn là những chú chim sẻ ấy, chúng bay từ trong nhà thờ, nơi trú ẩn bình yên của chúng, rồi sà xuống đám cỏ, nhảy nhót loanh quanh tìm kiếm hạt cỏ, ấu trùng. Thấy có người đi tới, chúng hoảng hốt bay lên, mắt ngó nghiêng dáo dác, vụng về sợ hãi làm rơi rớt cả thức ăn.
 
Chợt nghĩ phận chim cũng như phận người, cũng phải trải qua bao thăng trầm kiếp nạn của cõi nhân sinh, tuy khác giống, khác loài nhưng không thể sống thiếu nhau, con người cho chim thức ăn, thóc lúa, chim lại bắt sâu bọ, châu chấu, cào cào, côn trùng có hại và mang đến cả những tiếng hót ríu ran. Vậy mà…
 
Hơn 60 năm trước, tại Trung Hoa, bầy chim sẻ ấy cũng đã phải hứng chịu đại họa, đó là ngày 12/02 năm 1958, Chủ tịch nước lúc ấy của họ là Mao Trạch Đông đã ra một sắc lệnh kỳ quái, đó là ra lệnh cho toàn dân phải diệt trừ hết chim sẻ vì chúng ăn thóc lúa gây thiệt hại cho nông nghiệp, vậy là tất cả ổ chim bị phá, trứng bị đập vỡ, các chim non trong tổ bị giết, hàng triệu triệu con chim bị bắn, bị tiêu diệt trong tiếng phèng la, gõ mõ liên hồi của chiến dịch đó, (chiến dịch tiêu diệt chim sẻ của Mao. Nguồn Wikipedia ).
 
Mãi đến tháng tư năm 1960, khi chim sẻ đã hầu như sạch bóng, viện hàn lâm khoa học Hoa Kỳ đưa ra dẫn chứng chim sẻ ăn côn trùng, trứng chấu nhiều hơn lúa thóc, góp phần quan trọng cho hệ sinh thái được cân bằng, lúc đó Mao Trạch Đông mới cho ngừng chiến dịch, nhưng đã quá muộn, bầy châu chấu đã bùng nổ ngoài tầm kiểm soát, khi không còn thiên địch, chúng tung hoành ngang dọc, phá hoại các cánh đồng lúa mạch, hoa màu ngày một khủng khiếp, không cách gì trừ nổi, hậu quả là hơn 30 triệu người chết trong nạn đói từ 1959 đến 1961, một thảm kịch kinh hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc cho mãi đến bây giờ.
 
Người xưa có câu: Gieo nhân nào gặt quả nấy thật không sai, 60 năm sau, chu kỳ ấy lặp lại và cũng khởi nguồn từ nước Trung Hoa, khi tâm con người thiếu đi điều thiện, đại dịch đã dần dần tái lặp và lan rộng ra từ Vũ Hán, đất nước Trung Quốc ngập chìm trong lũ lụt và dịch bệnh, thiên tai, nhân tai liên tiếp, đến bây giờ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, có lẽ một phần vì đường lối của lãnh đạo nước họ đi ngược lại với nền văn minh trái đất, chính sách Hòa Bình mà Việt Nam và các nước tiến bộ đang theo đuổi.
 
Nhờ sự trừng phạt của mẹ thiên nhiên, quy luật của vạn vật mới dạy ta biết tôn trọng mọi chủng loài sinh cảnh, mọi hùng quan kỳ vỹ, sống thuận hoà với các vật loài cây cối, chim muông, bởi đó chính là những quà tặng tuyệt vời mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại chúng ta.
 
Vì hằng đêm, dưới bầu trời đầy sao, giữa muôn ngàn tinh tú, khi ta dõi xem trời đất muôn vật, cùng những trật tự lạ thường đang định hình trong vũ trụ, ta tin có đấng Toàn năng đã sáng tạo muôn loài,
 
Để rồi khi ta ca vang tiếng hát “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”, thì tất thảy mọi sinh linh trên trái đất này sẽ biết cùng nhau yêu thương, cùng nhau chung sống, gìn giữ những nét tinh hoa của tạo hóa, đất trời, hành tinh đẹp đẽ mà chúng ta đang sống.
 
Rời nhà thờ, tôi dắt xe trở ngược, bất giác ngoái đầu trông lại, một lần nữa nhìn lên tháp chuông phía hừng đông nhà thờ cao ngút, tự nghĩ nơi ấy, chốc lát nữa sẽ lại đầy sắc nắng của bình minh...
 
Những quả chuông đồng im ắng ấy rồi mai đây sẽ lại ngân vang lên những tiếng trầm vui rộn ràng giục giã, con dân giáo xứ sẽ lại hòa mình trong vòng tay yêu thương và trái tim của Chúa từ nhân... 
 
Và nơi ấy phía xa xa, trong góc nhỏ cuối giáo đường trống vắng, vẫn thấy thấp thoáng bóng hình hai vị linh mục, một già một trẻ hình như vẫn còn quỳ gối nguyện cầu, ẩn sâu trong tâm thức, chắc chắn các ngài vẫn luôn trông ngóng, đợi chờ những con chiên nhỏ bé chúng ta...
 

Khải Nguyễn – tháng 8/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây