TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thinh Lặng Biểu Lộ Sự Khôn Ngoan

Thứ sáu - 07/05/2021 18:57 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   854
thanhgiuse[1]
thanhgiuse[1]

Thinh Lặng Biểu Lộ Sự Khôn Ngoan

 

Thánh Giuse không nói một lời nào vì tiếng nói của thinh lặng tuyệt vời khi được diễn tả: thinh lặng để lắng nghe; lắng nghe để học hỏi cho biết; biết thế nào để phụng sự. Một xâu chuỗi sự khôn ngoan của thinh lặng, lòng nhân ái của Thánh Giuse được bày tỏ qua lời không tiếng này.

Thinh lặng để lắng nghe.

Lòng nhân ái thì không cần lời nói mà là hành động kín đáo. Trình thuật Thánh Kinh diễn tả Thánh Giuse được sứ thần báo mộng cho biết Đức Maria mang thai, “thai nhi bởi quyền năng Chúa Thánh Thần”. Việc âm thầm của Thánh Giuse bày tỏ một ước nguyện muốn lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa và của Đức Maria trong sự kiện Maria có thai.

Để lắng nghe tiếng nhau, cần có thinh lặng để lắng lòng lại giữa những xao động, giữa những ồn ào của đố kỵ, của ghen ghét, của dư luận. Đó là sự bình tâm cần thiết của việc nghe. Trong việc lắng để nghe tiếng Chúa nói cũng vậy. Thường khi con người nghe những điều trái ý, hoặc khác với điều mong muốn, con người thường hay nổi nóng, dễ mất kiểm soát được chính mình, hoặc làm to sự việc.

Lắng cũng có nghĩa để lòng an tĩnh, sự an tĩnh để nghe thôi cũng đã đủ để làm vơi đi những đau khổ từ nơi người khác đang muốn thổ lộ. Biết lắng nghe bằng cả tâm hồn là biểu lộ sự cảm thông sâu xa, muốn hiệp thông chia sẻ thân tình với trăn trở của người khác khi đối thoại. Muốn lãnh nhận ý muốn từ nơi Thiên Chúa để thi hành bằng cả nghị lực, trí khôn, tâm hồn. Thánh Giuse đêm về trong thinh lặng, ngài cũng lắng nghe, nghe điều Chúa nói qua sứ thần: “đón nhận Maria”, “đưa hài nhi sang Ai Cập”, “trở về Nazareth”, “lạc mất – tìm con”.

Lắng nghe để thấu hiểu.
Sự nhận biết của của người với người khác chỉ đích thực khi biết lắng nghe. Lòng nhân ái cũng thể hiện qua cách biết lắng nghe, bởi vì khát vọng sâu xa của con người là muốn được ai đó thấu hiểu để tôn trọng và giá trị sự hiện diện của họ. Khi thấu hiểu nhau về những hoàn cảnh đưa đẩy, con người dễ dàng thông cảm sẻ chia cho nhau những bất hạnh hay những tật nguyền trong đời.

Đức Maria mang thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Thấu hiểu nhau là kết quả của đời sống cầu nguyện như Thánh Kinh trình thuật về Mẹ Maria “Suy đi nghĩ lại”, Thánh Giuse gặp gỡ sứ thần Chúa trong giấc mộng, mau mắn hiểu được sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử cứu độ.

Hiểu biết Thiên Chúa là nguồn cội của việc thấu hiểu nhau. Trong gia đình nếu có điều bất hòa giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau, không thấu hiểu nhau, còn nghi vấn, còn chưa cảm thông và chia sẻ thật sự, cũng hãy bắt đầu cầu nguyện với nhau và với Chúa. Điều này sẽ khai mở một chiều sâu của đời sống hiểu nhau và chia sẻ cùng nhau thật sự. Thánh Augustine cầu nguyện: “Xin cho con biết Chúa, để con biết con”.

Thấu hiểu để phụng sự.
Theo lời Kinh Hòa Bình “phụng sự Chúa trong mọi người” đó là con đường kiến tạo hiệp nhất và hòa bình, thánh Phanxico Assisi đề nghị. Trong cuốn sách “phụng sự để dẫn đầu” của tác giả James M. Strock, dẫn giải có ba năng lượng lớn nhất để phụng sự: Lý Trí – Tình yêu – Dũng cảm, và để thực hiện cần trả lời bốn câu hỏi: “Bạn đang phục vụ ai? Làm thế nào bạn có thể phục vụ tốt nhất? Đóng góp của bạn có phải là duy nhất không? Mỗi ngày bạn có hoàn thiện hơn không?

Phụng sự tha nhân không là một việc thi hành cho có, nhưng thực ra đó là một vai trò rất đặc biệt để trở thành một nhà lãnh đạo (CEO) hoặc nói cách khác là một con người thi hành sứ vụ yêu thương thực sự.

Một người cha – mẹ dẫn dắt gia đình với cách thức hết lòng – hết trí khôn – hết cả năng lực nơi mình, là người cha – mẹ “mến Chúa hết lòng, hết sức, hết cả trí khôn”. Điều răn thứ nhất cũng là điều răn cụ thể mỗi ngày trong đời sống khi thi hành sứ vụ của mình để hoàn thiện và nên thánh.

Thánh Giuse và Đức Maria trong đời sống phụng sự cũng đã hết lòng – hết sức – hết cả trí khôn để thực hiện sứ vụ của mình. Khám phá trong các tường thuật về đời sống của các ngài nơi sách Thánh Kinh có thể thấy những từ diễn tả về lý trí – trái tim và năng lực: Suy đi nghĩ lại – Xin vâng – mau mắn thi hành – vội vã lên đường…

Thinh Lặng biểu lộ sự khôn ngoan, biết lắng nghe và thực hành điều công chính để nên thánh mỗi ngày trong đời sống. Theo gương Thánh Giuse học hỏi trong thinh lặng để lắng nghe nhau và lắng nghe Chúa, biết Chúa để biết con, cuối cùng phụng sự Chúa nơi anh chị em với tất cả khả năng Chúa ban cho.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây