“Từ nay đừng phạm tội nữa…”
Hôm nay, Chúa Nhật thứ V Mùa Chay, nếu tính thêm Chúa Nhật lễ lá thì chỉ còn hai tuần nữa là đến lễ Phục Sinh. Có thể nói, đây là những ngày quan trọng nhất trong Mùa Chay, quan trọng bởi đó là những ngày sẽ có những buổi tĩnh tâm giảng phòng, sẽ có những buổi sám hối cộng đồng và nhất là sẽ có nhiều linh mục đồng loạt ngồi tòa giải tội chờ đón mọi tín hữu đến xưng tội.
Khi nói tới việc đến tòa giải tội, có thể nói rằng, không một Kitô hữu nào mà không hơn một lần “ngại” đến đó. Có nhiều lý do để ngại, nào là, ngại vì quá lâu không đi xưng tội… Ngại là vì vị linh mục khó tính quá… Ngại là vì lỡ phạm quá nhiều tội nên không biết phải xưng tội gì… Ngại là vì không biết Chúa có tha thứ không… v.v…
Trong sự “ngại ngùng” đó, chúng ta phải làm gì?
Vâng, Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay (Chúa Nhật thứ V Mùa Chay C), qua câu chuyện “người phụ nữ ngoại tình” sẽ giúp chúng ta vượt qua những gì mà chúng ta cho là “ngại”, là “trở ngại” để chúng ta không còn chìm đắm trong mặc cảm lỡ phạm tội như nguyên tổ xưa, sau khi phạm tội đã mặc cảm “sợ hãi và trốn chạy” Thiên Chúa.
**
Bối cảnh câu chuyện được kể lại trong Tin Mừng thánh Gioan (8, 1-11).
Chuyện kể rằng, khi bình minh bắt đầu ló dạng trên đỉnh núi Oliu thì cũng là lúc Đức Giêsu “trở lại Đền Thờ”. Sự hiện diện của Ngài nơi Đền Thờ như một cơn bão cát đã làm ngứa mắt các thượng tế và những người Pharisêu.
Làm sao không ngứa mắt cho được khi cơn bão những lời rao giảng của Đức Giêsu, vào ngày hôm qua, rằng “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống”, đã tác động lớn lên toàn thể dân chúng, có nhiều người nghe các lời ấy thì nói, Đức Giêsu “là vị ngôn sứ”. Có kẻ khác nói, Ngài là “Đấng Kitô”.
Họ, những người Pharisêu và các kinh sư bực tức và đã “ghim” những lời đồn đãi đó, chờ thời cơ để hãm hại Ngài.
Và rồi thời cơ đã đến. Hôm đó, khi toàn dân đến với Đức Giêsu và khi Người ngồi xuống giảng dạy thì… màn kịch bắt đầu được diễn.
Mở màn là hình ảnh “một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình”… ê chề và nhục nhã. Một nhóm người “dẫn độ” nàng đến trước mặt Đức Giêsu, nhóm người đó gồm những khuôn mặt quen thuộc trông đểu cáng và giả dối, đó là các ông kinh sư và Pharisêu.
Họ vây quanh nàng. Họ tố cáo nàng, phỉ báng nàng. Họ lớn tiếng yêu cầu Đức Giêsu làm quan tòa. Họ đòi Đức Giêsu phải xét xử bị cáo ngay. Họ gào thét lên rằng “Thưa Thầy, trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8, 5)
Nghĩ cái gì đây? Bắt một người phạm tội ngoại tình, nhân chứng vật chứng đâu không thấy… làm sao để kết án! Nghĩ cách đem “luật rừng” để kết án bà chị kia ư? Đúng là đểu cáng và cay độc. Sự đểu cáng và cay độc không chỉ nhắm vào người phụ nữ phạm tội ngoại tình mà còn nhắm vào Đức Giêsu.
Thật vậy, “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (Ga 8, 6).
Tố cáo gì đây? Thưa, nếu Đức Giêsu im lặng, chắc hẳn họ sẽ nhao nhao lên mà nói “im lặng là đồng lõa”! Nếu Đức Giêsu lên án! Vâng, không thấy Ngài lên án.
Đức Giêsu không im lặng. Ngài lên tiếng bằng cách “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Chắc hẳn những gì Đức Giêsu đã viết ra “rõ mồn một” trước mắt họ cũng như những kẻ hiếu kỳ vây quanh.
Và sau khi vì bị họ “cứ hỏi mãi”. Đức Giêsu đưa ra một phán quyết: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8, 7).
***
“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.
Phải chăng đây là giải-pháp-tình-thế? Thưa không. Tiêu chuẩn mà Đức Giêsu đưa ra còn cao hơn gấp bội tiêu chuẩn của ông Môsê. “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”. (Mt 5, 27-28).
Vậy, trong vụ án “người phụ nữ ngoại tình” nêu trên, ai là người đã phạm tội? Câu trả lời là: tất cả mọi người… Vâng, rất có thể, họ, “kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi” đã nhìn-người-phụ-nữ-bị-bắt-quả-tang-phạm-tội-ngoại-tình-mà-thèm-muốn… cho nên, họ đã chột dạ vì câu hỏi của Đức Giêsu, sự chột dạ đó đã khiến “họ bỏ đi hết”!
“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.
Phải chăng, đây là giải pháp Đức Giêsu đưa ra để “bao che” tội mà người phụ nữ đã phạm?
Thưa không, đưa ra giải pháp đó, Ngài không bao che nhưng là tỏ lòng bao dung. Lòng bao dung của Đức Giêsu được biểu lộ qua câu nói “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11).
****
“Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Phải chăng, Đức Giêsu cũng sẽ nói với chúng ta điều này khi chúng ta bước tới tòa giải tội? Xin thưa, đúng vậy. Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Isaia, đã phán rằng “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết. Có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông”. (Is 1,18)
Thế nên, đừng ngại ngùng, hãy đến tòa giải tội ngay hôm nay.
Đừng ngại ngùng, dẫu cho quá lâu chúng ta đã không đi xưng tội.
Đừng ngại ngùng, dẫu cho chúng ta gặp phải một vị linh mục hơi khó tính.
Đừng ngại ngùng vì chúng ta không biết mình sẽ phải xưng những tội gì.
Xưa kia, chúng ta không biết Đức Giêsu đã viết trên đất điều gì. Nhưng hôm nay, chúng ta có thể khẳng định, trên Thập giá, tại đồi Golgotha, Ngài đã dùng máu và thân xác của Ngài, để viết lên một lời duy nhất “Lời Vọng Tình Yêu”.
“Trên đồi cao trong gió lao xao gọi mời tình yêu.
Giêsu gục ngã treo trên thập giá giang tay ôm tội đọa đày!
Thân tàn rơi con Chúa Trời nghe hồn chợt đơn côi.
Ôi! nhân loại hỡi sao chưa hoài tới (tội)
Mà nỡ quên ân tình biển khơi.
Chỉ vì tình yêu Chúa chịu nhục thân chết cho trần gian.
Vì Ngài chỉ đến sống cho tình yêu, chết cho tình yêu.
Để cứu muôn người lỗi tội đưa về trời đẹp tươi”…
Những lời Đức Giêsu đã viết trên thập giá, phải chăng chính là lời kêu gọi chúng ta hãy cất đi tất cả những “ngại ngùng” nêu trên, nếu có? Phải chăng, đó là những lời của lòng bao dung, hôm nay, qua vị linh mục ngồi nơi tòa giải tội, Ngài sẽ lại nói với chúng ta rằng “Tôi không lên án… đâu. Thôi, cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”?
Đúng vậy, hãy nhìn xem trường hợp cố giáo sư Trần Duy Nhiên. Vâng, qua bài “Chúa đã quỳ xuống chân tôi”, chúng ta đã nhìn thấy rõ những “ngại ngùng” của ông ta. Ông ta thú nhận rằng, “đã mười năm rồi, tôi không còn nhớ phải xưng tội như thế nào cho đúng cách nữa”. Ông ta thở dài rằng, “Cả mười điều răn, tôi không sót một điều nào không phạm”.
Kinh khủng nhỉ! Với lời than thở trên, rất có thể ông ta phạm tội “phá thai”!
Thế nhưng, lòng bao dung và sự tha thứ của Chúa Giêsu, qua con người linh mục Stanilav Hoàng Đắc Ánh, sau khi ngài đọc đoạn Tin Mừng dụ ngôn người con hoang đàng… rồi quỳ sụp xuống dưới chân Francis Trần Duy Nhiên, đã làm cho Francis Trần Duy Nhiên phải cất đi tất cả “ngại ngùng”, trong thổn thức, ông ta đã kể lại rằng: “Tôi thấy Chúa Giêsu quỳ xuống chân mình. Cả cuộc đời tôi, tôi chưa ngày nào quên hình ảnh ấy!” Và vị cố giáo sư đã thốt lên “Xin cha tha tội cho con.” Sau đó, theo lời ông ta kể lại, thì ông ta nghe cha Ánh nói “Cha tha tội cho con..” và ông ta đã òa lên khóc.
“Cha tha tội cho con.” Vâng, không ai có thể phủ nhận rằng, đây chính là lời Chúa Giêsu, qua môi miệng cha Hoàng Đắc Ánh, nói với Trần Duy Nhiên.
“Cha tha tội cho con.” Không ai có thể phủ nhận rằng, lời nói này cũng đồng nghĩa với lời Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ phạm tội ngoại tình năm xưa, “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
*****
“Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Hãy đóng khung câu Kinh Thánh này vào tâm hồn mỗi chúng ta. Và đừng quên mang nó đến, đặt vào con tim của những ai, vì một phút sao lòng yếu đuối mà đã phạm tội, hơn là bắt họ phải trưng bày con tim rướm máu, con tim đầy thương tích tội lỗi của mình, trước cộng đoàn, trước công chúng..
Làm như thế, trước hết, chúng ta đã dẹp bỏ được tất cả những gì gọi là “ngại ngùng” để mà đến với quan tòa Giêsu và hơn hết, chúng ta có thể tiếp nối Ngài nói với những ai lầm đường lỡ bước rằng “Chúa không lên án… đâu. Thôi… cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”
Vâng, “Sin no more - Từ nay đừng phạm tội nữa…”
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn