TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

“NGƯỜI ĐÃ SỐNG LẠI THẬT…”

Thứ ba - 11/05/2021 23:44 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   711
“NGƯỜI ĐÃ SỐNG LẠI THẬT…”

“NGƯỜI ĐÃ SỐNG LẠI THẬT…”

Ngày 31.03 năm nay (2013) toàn thể Giáo Hội Công Giáo long trọng Mừng Chúa Giêsu Phục Sinh. Theo thông lệ, trước thánh lễ chính Chúa Nhật Phục Sinh, Giáo Hội còn cử hành một thánh lễ khác nữa, gọi là lễ Vọng Phục Sinh vào chiều ngày thứ bảy trước đó.

Mừng Chúa Giêsu Phục Sinh, với bạn, bạn thường tham dự Thánh Lễ vào chiều thứ bảy Vọng Phục Sinh hay là chính lễ Chúa Nhật Phục Sinh? Có một số người tâm sự rằng, “cứ mỗi lần đến lễ Phục Sinh, tôi không thể không tham dự ngày lễ Vọng Phục Sinh, bởi tham dự ngày lễ Vọng, qua những bài đọc, nó gợi lại trong tôi cả một chuỗi dài chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đối với nhân loại”.

Thật ra, tham dự thánh lễ vào chiều thứ bảy hay sáng Chúa Nhật không quan trọng, điều quan trọng là Mừng Chúa Phục Sinh, chúng ta có cảm nghiệm và tin rằng, Chúa Giêsu đã “từ trong cõi chết Người đã Phục Sinh” hay không?

Đối với các môn đệ xưa, cụ thể là hai ông Phêrô và Gioan, thì ngay từ những giây phút đầu tiên bên ngôi mộ táng xác Thầy mình, các ông “đã thấy và đã tin”.

**
Vâng, tông đồ Gioan, một trong hai người môn đệ hiện diện nơi ngôi mộ trong giờ phút linh thiêng đó, đã kể lại rằng, “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ…”

Bà Maria Macdala là ai? Xin thưa, bà chính là một trong số những người đã đứng gần thập giá Đức Giêsu vào những giờ phút cuối cùng, trên đồi Golgotha.

Vì là người hiện diện trong giờ phút sinh tử đó, chúng ta có thể tin, bà ta đã nghe những lời cuối cùng của Đức Giêsu, rằng, “Thế là đã hoàn tất”. Chúng ta cũng có thể tin, bà ta đã nhìn thấy ông Giosep, người Arimathe, liệm xác Thầy Giêsu, đã thấy ông Nicôđêmô “mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương” ra mộ, và cuối cùng là đã thấy họ “lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn” thi hài Đức Giêsu, đúng “theo tục lệ chôn cất của người Do Thái” (Ga 19, 38-40).

Vâng, hôm đó, vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, khi bà Maria Mácđala đến mộ… thì hỡi ơi! bà thấy “tảng đá đã lăn ra khỏi mộ”.

Trong sự hốt hoảng, bà ta chạy về gặp ông Simon Phêrô và một người môn đệ khác. Đứng trước mặt hai người môn đệ đó, bà quả quyết rằng: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”(Ga 20, 2).

Nghe xong, mặc dù chưa biết thực hư thế nào, nhưng nguồn tin của bà Maria Macdala như một niềm hy vọng về điều Đức Giêsu đã nói với các ông khi còn sống, rằng, “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”.

Hôm nay, tính từ hôm thứ sáu, ngày Thầy Giêsu bị đóng đinh trên thập giá tại Golgotha, đã là ngày thứ ba…

Là ngày thứ ba! Vâng, nghĩ tới đó, tông đồ Phêrô và môn đệ kia vội vàng đi ra mộ. Câu chuyện được kể tiếp rằng: “Cả hai ông cùng chạy”. Khi tới ngôi mộ, nơi Thầy Giêsu đã được mai táng. Một cảnh tượng khác thường đã xảy ra. Hai ông không thấy xác Thầy Giêsu, hai ông chỉ thấy “những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (Ga 20,..7).

Có một sự khác thường khó hiểu. Vâng, thật khó hiểu khi những “băng vải tẩm thuốc thơm quấn thi hài Đức Giêsu” hôm mai táng Ngài, nay đã được “xếp riêng ra một nơi”…

Ai… ai đã tạo ra sự khó hiểu đó! Phải chăng, sự khó hiểu đó, có thể gọi là dấu chỉ về một nguồn ánh sáng… “Ánh Sáng Phục Sinh”!

Có thể là vậy, bởi, khi bước vào ngôi mộ, nhìn thấy ngôi mộ trống, các ông “đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8).

***
Các ông “đã thấy và đã tin”. Các ông đã thấy gì để rồi các ông tin! Xin thưa, các ông chẳng thấy gì cả. Chẳng thấy Đức Giêsu Phục Sinh. Có chăng, các ông chỉ thấy khăn liệm, băng vải đã được xếp ngay ngắn và ngôi mộ trống.

Vâng, chính ngôi mộ trống, như là nguồn “ánh sáng Phục Sinh” đã rọi sáng niềm tin của các ông, đã mở toang cánh cửa tâm hồn các ông, để các ông hiểu rõ hơn về những điều Kinh Thánh đã chép, rằng “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”. (Ga 20, 9).

Hơn nữa, bốn mươi ngày sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu còn hiện ra nhiều lần để củng cố đức tin các ông và “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”. Đức Giêsu, “Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong suốt bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1,3)

Nhờ thế, mà sau này, dù phải đối mặt với các tư tế, các kỳ mục, các kinh sư, ông Phêrô và Gioan vẫn không sợ hãi mà tuyên tín rằng “Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết” (Cv 4,10).

Sau này, khi tông đồ Phaolô trở lại, ngài còn xác tín rằng, “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin anh em cũng trống rỗng” (1Cor 15, 14)

****
Trung thành lời dạy của các thánh tông đồ, Giáo Hội vẫn luôn tuyên xưng rằng, Đức Giêsu – “Ngày thứ ba Người sống lại thật như lời Thánh Kinh”.

Hơn hai ngàn năm trôi qua, thật đáng tiếc là sự kiện “Đức Giêsu Kitô Phục Sinh” vẫn luôn là đề tài gây nhiều tranh luận trái chiều.

Thật vậy, không phải chỉ có các thượng tế và kỳ mục đạp đổ niềm tin Đức Giêsu Phục Sinh bằng cách dùng thủ đoạn hối lộ “cho lính một số tiền lớn” để họ vu khống lên rằng, “các môn đệ của (Giêsu) đã đến lấy trộm xác” xưa kia.

Hôm nay, vẫn còn không ít người, vẫn kiên trì dùng những thủ đoạn đó. Họ đưa ra những sự dối trá và lừa lọc rất thâm độc để tấn công Hội Thánh Chúa, đả phá sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.

Chỉ một thời gian ngắn, từ năm 1990 đến năm 1995, thế mà đã có tới vài chục cuốn sách, mấy trăm bài báo mổ xẻ đủ khía cạnh chung quanh đề tài Đức Giêsu Phục Sinh. Các học giả khơi lại không khí bài bác Kitô của Phong Trào Enlightenment thế kỷ 18 ở Âu Châu. Họ bươi móc đủ thứ chứng cớ lấy ra từ những kho sách cổ, khoa học thực nghiệm hay khoa khảo cổ học để tấn công Chúa Giêsu của sự thờ phượng (the Cultic Jesus). (nguồn: internet)

Triết gia người Đức, David Strauss, đã nêu lên vấn đề này trong tác phẩm “The life of Jesus critically examined” với lập luận cho rằng: Các tín hữu đầu tiên của Kitô giáo đã cố tìm mọi cách để gán cho Giêsu đủ thứ huyền thoại về một Đấng Cứu Thế mà mọi người mong đợi. Tác giả cuốn sách cố chứng minh rằng, Đức Giêsu của Kinh Thánh chỉ là một Giêsu của huyền thoại.

Có lẽ, chúng ta không cần tranh luận gì về những điều mà họ đã viết, bởi những gì họ đã viết đều có một điểm chung, đó là “sự dối trá và lừa lọc”. Mà những ai “dối trá và lừa lọc” thì, xin mượn lời của Benjamin Franklin để kết luận: “Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực.”

Có thể nói, sự dối trá và lừa lọc chẳng khác nào những tảng đá hoài nghi, những khối đá kiêu ngạo. Và để loại trừ những tảng đá hoài nghi, những khối đá kiêu ngạo, có nguy cơ che lấp ngôi mộ tâm hồn của chúng ta, đập nát niềm tin của chúng ta, không gì tốt hơn là hãy nghe chính Lời Chúa qua Thánh Kinh.

Thánh Kinh không thể lừa dối chúng ta, bởi những gì đã được viết trong Thánh Kinh, nếu là sự lừa dối, tất nhiên không thể tồn tại đến hôm nay. Vâng, “ai đó có thể lừa dối một số người trong một lúc, và lừa dối hết mọi người trong vài lúc, nhưng không thể mãi mãi lừa dối được tất cả mọi người.” (Abraham Lincoln)

Vì thế, thật phải đạo khi hôm nay, chúng ta hãy nghe lại lời Chúa Giêsu đã phán khi xưa, rằng, “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26)

Và cũng đừng quên, nơi bàn tiệc Thánh Thể, với niềm tin, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu Phục Sinh, một Giêsu đã phán hứa rằng, “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54).

Trở lại câu chuyện Phêrô và Gioan. Ra tới mộ, hai ông chỉ thấy ngôi mộ trống. Không thấy “Vinh quang Phục Sinh” của Thầy Giêsu, nhưng hai ông đã tin.

Nhắc lại điều này để chúng ta thấy rằng, niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh không phải là “thấy mới tin” nhưng là nhờ “tin mà thấy”.

*****
Vâng, bà Maria Mácđala, Phêrô cùng với người môn đệ kia, dù chỉ có một lần tiếp cận ngôi mộ, thế mà họ đã tin.
Còn chúng ta hôm nay, biết bao nhiêu lần Mùa Phục Sinh đến, chúng ta đã tiếp cận ngôi mộ táng xác Chúa Giêsu, chúng ta đã được nghe kể về những chứng tích chứng thực sự Phục Sinh của Đức Giêsu, qua việc nghe Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta còn được biết có những môn đệ đã dùng chính cái chết của mình để bảo vệ chân lý đó… chúng ta “nghe và tin”?

Nếu chúng ta vẫn không tin… Ôi!, thật bất hạnh về sự sinh ra của chúng ta…

Còn nếu chúng ta “nghe và tin” rằng “Người đã sống lại thật”… Vâng, chúng ta hãy mừng vui lên và cùng nhau cất tiếng nguyện ca, rằng “ Ngợi khen Vua Kitô, sống lại và ra khỏi mồ. Tin Mừng Vượt Qua đây rồi. Phúc trường sinh đến ai ơi. Phúc trường sinh đến ai ơi.” (*)

Petrus.tran

---------
(*) Hoan ca Phục Sinh - Hùng Lân.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây