TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy ngồi xuống

Thứ ba - 11/05/2021 23:58 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   739
“Mọi người đều ăn, và ai nấy đều no nê”. (Lc 9, 17).
Hãy ngồi xuống

Hãy ngồi xuống…

Theo truyền thống, tháng sáu hàng năm là tháng Giáo Hội dành đặc biệt để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, với lễ kính Thánh Tâm vào ngày 07/06/2013.

Truy cập google mục hình ảnh về Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy dung nhan Chúa Giêsu được phác họa kèm theo một “trái tim” với một vòng gai quấn chung quanh nằm trước ngực dưới một cây thánh giá.

Tại sao là trái tim mà không là một hình ảnh khác? Thưa, bởi, “từ thời xa xưa người ta cho rằng, trái tim là nguồn mạch mọi cảm xúc. Trao cho ai trái tim đồng nghĩa với sự hiến dâng trọn vẹn, hiến dâng một tình yêu vĩnh hằng” (nguồn: internet).

Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là dịp chúng ta kính nhớ đến tình yêu của Ngài đã dành cho nhân loại. Tình yêu của Chúa Giêsu đã dành cho nhân loại, theo Kinh Thánh ghi lại, chính là một tình yêu “dám hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu”.

Cũng theo Kinh Thánh, khi nói nói về Đức Giêsu, Ngài được mô tả như là hiện thân về một tình yêu của Thiên Chúa, là “Chiên Thiên Chúa”, là Đấng “đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ (Ngài) mà được cứu độ”. Và đặc biệt hơn, trong một lần nói về vai trò và sứ mạng của mình, Đức Giêsu đã tuyên bố rằng, “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào”.

Giữa lời nói và việc làm, đối với Đức Giêsu, chỉ là một. Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, tất cả những gì Đức Giêsu nói đều được phơi bày qua việc làm của Ngài.

Thật vậy, tới bất cứ đâu, nơi làng quê hay thị tứ, nơi núi đồi hay bên một dòng sông, nói tắt một lời, bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của Đức Giêsu, tại nơi đó, mọi người đều đón nhận được tình yêu thương và lòng bao dung của Ngài.

Còn đối với những người tìm đến Đức Giêsu thì sao! Xin thưa, là một tâm tình chạnh lòng thương xót, lòng thương xót của một người mục tử nhân lành thổn thức trước một đàn chiên, là những người đi theo Ngài, bơ vơ không người coi sóc. Câu chuyện Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều như một minh chứng hùng hồn cho những lời nhận định nêu trên.

**
Vâng, câu chuyện đó đã được kể lại rằng: sau những ngày được sai đi “rao giảng Nước Thiên Chúa (nay) các tông đồ trở về thuật lại cho Đức Giêsu những việc các ông đã làm”.

Các ông đã làm những gì? Thưa, ngoài việc loan báo Tin Mừng, các ông còn “chữa bệnh” cho nhiều người. Tuy không có một thống kê nào nói đến sự thành công của chuyến truyền giáo vừa qua, nhưng có thể tin rằng các ông đã hoàn thành sứ mạng Đức Giêsu giao phó.

Lý lẽ nào để có thể tin! Thưa, sự kiện có một đám đông dân chúng, không quản ngại đường xa cách trở, tiếp tục bám theo các môn đệ, mặc cho các ông đã cùng với Đức Giêsu “lui về thành kia gọi là Bêtsaida”. Vâng, có lẽ họ muốn được nghe chính Đức Giêsu giảng dạy cho họ.

Và đúng là cầu được ước thấy. Khi thấy lòng nhiệt thành của họ, Đức Giêsu tiếp đón họ và giảng cho họ nghe “về Nước Thiên Chúa”. Họ nghe một cách say sưa và có vẻ như đám đông dân chúng không bận tâm về chuyện “ngày đã bắt đầu tàn” (Lc 9, 12)

Trái lại, khuôn mặt của nhóm mười hai hằn in những vết nhăn. Các ông nhăn vì rừng người đang ngồi quanh đây vẫn cứ an nhiên tự tại, thay vì họ phải đi vào các làng mạc nông trại quanh đây tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn. Các ông nhăn vì chỉ có được năm chiếc bánh và hai con cá làm sao lo phần ẩm thực cho khoảng chừng năm ngàn người… Chưa hết, điều tệ hại là chính Thầy Giêsu truyền lệnh rằng “Chính anh em hãy cho họ ăn”.

Mặc cho các ông nại đủ lý do, Đức Giêsu vẫn đưa ra một phán quyết, một phán quyết đi ngược lại những gì các ông đã suy nghĩ, vâng, Đức Giêsu đã truyền cho các ông rằng, “hãy bảo họ ngồi”.

Câu chuyện được kể tiếp rằng, sau khi các môn đệ bảo mọi người ngồi xuống, Đức Giêsu “cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông”.

Câu chuyện kết thúc có hậu: “Mọi người đều ăn, và ai nấy đều no nê”. (Lc 9, 17).

***
Theo truyền thống, sự kiện Đức Giêsu “cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ…” được coi như là tiên báo về việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể.

Thật vậy, tại nơi bữa Tiệc Vượt Qua, cũng vẫn là những cử chỉ đã thực hiện như hôm Đức Giêsu hóa bánh, Ngài “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ”… Giờ đây, bánh không còn là bánh nữa. Nhưng là như lời Đức Giêsu đã phán “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em”. Cũng vậy, rượu không còn là rượu, nhưng là “Giao Ước Mới lập bằng Máu Thầy”…

Cho nên, thật là sai lầm khi một số người cho rằng Bí Tích Thánh Thể là do Giáo Hội tự nghĩ ra.

Lm Giuse Đinh lập Liễm khi nói về Bí Tích Thánh Thể, đã có lời viết rằng “Bí tích Thánh Thể không do Hội thánh, không do bất cứ ai bịa ra, nhưng là do chính Chúa Kitô thiết lập. Thánh lễ ngày nay tái diễn và làm sống lại Thánh lễ Chúa Kitô đã dâng khi xưa trên thánh giá để tiếp tục chuyển ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời và mọi nơi”.

Và sau đó Lm Liễm có lời tiếp rằng “Thánh Thể chính là lương thực nuôi sống linh hồn ta trong hành trình làm người, cũng là hành trình đi về quê hương trên trời. Chính Đức Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống đời đời” (Ga 6,54-55).

Ngay cả khi Đức Giêsu biết rõ ràng, rằng: Khi Ngài nói ra những điều ấy, người ta sẽ không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi. Ngài vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề Đức Giêsu nói ra quan trọng và cần thiết như thế nào.

Và để kết luận, Lm Liễm đã có lời khuyên “Ước mong rằng việc rước Mình và Máu thánh Chúa vào lòng sẽ làm cho chúng ta trở nên giống Chúa để có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”.

****
Trở lại với câu chuyện Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều. Chuyện kể rằng, sau khi mọi người ăn no nê, một bản tường trình được công bố, rằng “Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng”.

Câu chuyện trong Kinh Thánh không thấy nói tới “những miếng vụn còn thừa” sẽ được làm gì? Nhưng hôm nay, phải chăng “những miếng vụn còn thừa…” vẫn có một chút giá trị để sử dụng nó? Xin thưa, đúng vậy.

Hãy xem lại video clip có tựa đề: “Chicken a-la-carte” với “những miếng vụn còn thừa…” và chúng ta sẽ thấy nó đã được sử dụng như thế nào.

Cho nên, thật phải đạo khi hôm nay chúng ta hãy thử tự hỏi lòng mình rằng, trong ta còn đó những-miếng-vụn-còn-thừa?

Hãy nhớ rằng, những miếng vụn còn thừa không chỉ là vật chất nhưng có thể là một vài giây thăm viếng hỏi han một người già neo đơn!... cũng có thể là một nụ cười hiền lành, cũng có thể là lòng bao dung v.v…?

Vâng, nếu chúng ta biết sử dụng những miếng vụn còn thừa, hãy tin, với bất cứ ai đến với ta, hoặc bất cứ ai ta đến với họ, ta có thể nói với họ rằng: “Anh hãy ngồi xuống” bên tôi...

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây