TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Người mục tử nhân lành

Thứ ba - 11/05/2021 23:49 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   909
Người mục tử nhân lành

Đức GIÊSU: Người mục tử nhân lành

Thói đời, mỗi vị lãnh tụ, nhất là những vị lãnh tụ độc tài, khi trở thành người lãnh đạo quốc gia, họ thường tìm đủ mọi phương cách, có thể bằng những truyền thuyết, có thể bằng những huyền thoại, để tạo cho mình những vầng hào quang, để tạo cho mình thành một con người thần thánh. Họ thường thể hiện điều đó qua những khẩu hiệu đao to búa lớn. Đọc lịch sử, chỉ lịch sử cận đại thôi, cũng đủ để chúng ta thấy nhan nhản những con người như thế.

“…Ở Rumania, Nicolae Ceauşescu tự xưng mình là ‘Thiên tài của vùng Carparthians’, một vùng núi rộng lớn ở Trung Âu, kéo dài từ Slovakia qua miền Nam Ba Lan, miền Tây Ukraine đến tận phía Đông Bắc của Romania. Còn vợ của ông, Elena, người được cử làm Phó Thủ tướng, thì được tuyên truyền như một ‘Quốc mẫu’, một nhà khoa học vĩ đại (dù bà thực sự bỏ học từ năm 14 tuổi, và tất cả các cái gọi là ‘công trình khoa học’, kể cả luận án tiến sĩ của bà, đều do người khác viết).

Rafael Trujillo, nhà độc tài ở Dominican Republic từ 1930 đến 1938 và từ 1942 đến 1952 thì tự xem mình là Thượng đế. Ông ta ra lệnh cho mọi nhà thờ trong nước phải khắc câu ‘Chúa ở trên Trời, Trujillo ở dưới Thế’ (God in Heaven, Trujillo on Earth) và mọi bảng xe đều khắc câu ‘Trujillo vạn tuế’.

Francisco Macias Nguema, nhà độc tài ở Equatorial Guinea từ năm 1968 đến 1979 cũng thế, cũng tự xưng mình là Thượng đế. Dưới thời ông, biểu ngữ chính trong nước ghi ‘Không có Thượng đế nào khác ngoài Macias Nguema’.

Saparmurat Niyazov, Tổng thống xứ Turkmenistan từ năm 1990 đến 2006 thì ra lệnh đổi tên 12 tháng trong năm theo tên ông và người thân trong gia đình của ông. Ông cũng viết sách và ra lệnh bất cứ người dân nào, để được thi lấy bằng lái xe, cũng phải thuộc lòng nguyên cả cuốn sách của ông…” (*)

Và còn nhiều lãnh tụ khác, với những lời xưng tụng đầy kiêu căng ngạo mạn, đại loại như “lãnh tụ vĩ đại… lãnh tụ kính yêu, lãnh tụ muôn đời” v.v… và v.v… mà không tiện nêu danh tính nơi đây…

Nhưng, có một người, người đó không cần tự tạo hào quang cho mình, không cần tự tôn vinh mình bằng những “rổ danh từ”, bằng những lời “khua môi múa mép” nêu trên, mà chỉ cần một lời nói giản dị, người đó là Đức Giêsu Kitô.

Vâng, Đức Giêsu Kitô, khi nói về mình, Ngài đã nói: “Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành”.

**

Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, bằng những lời giảng dạy cũng như qua những lần làm phép lạ chữa lành cho dân chúng, Đức Giêsu luôn chứng tỏ cho mọi người thấy, rằng, Ngài chính là Thiên Chúa, Thiên Chúa của tình yêu, một Thiên Chúa như là Người Mục Tử nhân lành.

Trong một lần xuất hiện tại Giêrusalem, Đức Giêsu đã xác định điều đó qua một bài giảng đầy nhân bản. Ngài đã ví mình là một người Mục Tử, một người Mục Tử dám “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”.

Hôm đó, trước đám đông cử tọa, Đức Giêsu đã nói một cách cương quyết, rằng “Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (Ga 10, 11&14)

Nhưng... thật đáng tiếc, lời nói của Đức Giêsu lại là cớ làm cho người Do Thái chia rẽ nhau. Đã có người xầm xì nói Ngài bị “quỷ ám và điên khùng”. Nhưng cũng có người phản đối cho rằng “Người bị quỷ ám đâu có nói được như vậy! Quỷ có thể mở mắt cho người mù được sao?”

Dù có sự chia rẽ như thế, nhưng trước những phép lạ Ngài làm, tất cả họ đều nghĩ rằng, Đức Giêsu phải là Đấng Kitô, chứ ai lại là một tên “chăn chiên”!!! Cho nên, để cho rõ “trắng đen”, khi thấy “Đức Giêsu đi đi lại lại... tại hành lang Salômôn”, họ tìm đến Ngài và muốn Ngài cho họ được biết sự thật, sự thật rằng, Ngài có phải là “Đấng Kitô” mà lâu nay đã khiến “lòng trí họ phải thắc mắc”. (Ga 10, 24).

Đối với Đức Giêsu, không quá khó để trả lời những gì họ thắc mắc. Nhưng, nếu có khó, như lời Đức Giêsu đã nói, khó là bởi, Ngài “đã nói với (họ) rồi mà (họ) không tin”.

Đức Giêsu đã nói gì? Thưa, trước đó, Ngài đã nói rằng “Tôi còn những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”.

Kết thúc buổi chất vấn, Đức Giêsu, một lần nữa, nhấn mạnh, rằng “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”.

Ai có thể ban cho sự sống đời đời! Phải chăng chính là Đấng Kitô?

Hôm đó, Đức Giêsu đã nói “Tôi và Chúa Cha là một”. “Là một”... Vâng, “Tôi và Chúa Cha” là-một-thông-điệp Đức Giêsu muốn gửi đến mọi người, rằng, Ngài chính là “Đấng Kitô – Người Mục Tử nhân lành”.

***
Kinh Thánh thường dùng hình ảnh con chiên để nói về con người. Thánh Vịnh 100, 3 có chép rằng: “Chính Người đã dựng nên ta, ta thuộc về Người, ta thuộc dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt”.

Xưa kia, khi Đức Giêsu nói “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”, lập tức, có một số người gọi Ngài là “đồ điên”, và có một số người đã lấy đá ném Ngài.

Ngày nay, những hạng người đó cũng không phải là thiếu. Chỉ với một ít kiến thức ba xu, họ, những tên bồi bút của một vài trang mạng vớ vẩn, đã không tiếc lời công kích Đức Giêsu rằng, thì là mà, Ngài đã biến “con người” thành “con vật” khi gọi những người theo Ngài là “con chiên”.

Có thể nói, những lời công kích đó là những lời chỉ có những hạng người thiếu lương thiện mới thốt ra. Và thật là không cần thiết để bàn cãi với những người thiếu lương thiện đó.

Vâng, Skip Heittzig trong một bài viết mang tựa đề “The good sherperd and his happy sheep” có viết “Chúa gọi chúng ta là chiên vì Ngài biết bản chất của con người. Với bản năng thích hùa theo đám đông, sự sợ hãi và nhút nhát của chúng ta, sự bướng bỉnh và ngu dại của chúng ta và bản chất chống nghịch của chúng ta, chúng ta rất giống những con chiên, hơn nữa chiên không thể tự mình sống còn. Chúng đòi hỏi sự quan tâm thường trực, sự giải cứu và sự chăm sóc của người chăn, nếu không chúng sẽ chết.

Dù vậy, điểm quan trọng ở đây không phải chúng ta giống như những con chiên, nhưng đúng hơn, chúng ta có một người chăn tuyệt vời. Đó là ý nghĩ của David trong Thánh Vịnh 23: “CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ”.

Skip Heittzig kết luận, “Đó là điều để khoe khoang, hãy nhìn xem Đấng chăn giữ tôi là ai? Hãy xem ai là người kiểm soát cuộc đời của tôi?” (ngưng trích)

David từng là người chăn chiên, ông ta biết, cuộc sống của chiên sẽ như thế nào là do người chăn như thế nào.

Với chúng ta cũng vậy. Là một Kitô hữu, cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào là do chúng ta “nghe Lời Chúa” như thế nào.

Nếu, nếu chúng ta nghe lời Chúa Giêsu nói “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” và như Samuel khi xưa, mà đáp lời Ngài, rằng “Lạy Đức Chúa... tôi tớ Ngài đang lắng nghe”. Hãy tin... hãy tin, cuộc sống của chúng ta đã thuộc về “ràn chiên của Chúa”.

Đã thuộc về ràn chiên của Chúa, sẽ chẳng có gì ngăn trở Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng “Ta chính là người Mục Tử nhân lành” của con.

Petrus.tran

***
(*) trích từ blog’s Nguyen Hung Quoc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây