TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đường vào tình yêu

Thứ ba - 11/05/2021 23:39 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   727
Đường vào tình yêu

Đường thánh giá… đường vào tình yêu

Năm tuần của Mùa Chay đã khép lại. Chỉ còn đúng một tuần nữa, toàn thể Giáo Hội sẽ long trọng cử hành Lễ Phục Sinh. Cử hành Chúa Nhật Phục Sinh mà không nói đến việc tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu, theo lời linh mục Charles E.Miller nói, thì “cũng giống như vào xem một bộ phim hoạt hình Disney lúc nó sắp đến hồi kết thúc”.

“Nếu chúng ta chỉ xem đoạn cuối bộ phim”, cha Charles E.Miller nói tiếp, “Chúng ta chỉ thấy cảnh vị hoàng tử đẹp trai đánh thức nàng công chúa diễm lệ đang ngủ, rồi họ cử hành lễ cưới và sống hạnh phúc bên nhau. Vì chỉ xem đoạn cuối, chúng ta không hiểu làm sao một lời nguyền ác độc đã giáng xuống nàng công chúa đang ngủ, và làm sao chỉ có vị hoàng tử mới có thể đánh thức nàng dậy và hồi phục cho nàng một cuộc sống mới”.

Cho nên, để các tín hữu có thể nhìn rõ toàn cảnh biến cố Phục Sinh, Giáo Hội dành riêng một tuần lễ, được gọi là Tuần Thánh, để “tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu”, hay nói cách khác, đây là lúc, Giáo Hội mời gọi mọi người tín hữu chiêm ngưỡng lại cuộc “Vượt Qua” của Đức Giêsu, cuộc vượt qua đau khổ để đến vinh quang, bằng chính cái chết của Ngài, trên thập tự tại đồi Golgotha, một cái chết thể xác, để đem lại sự sống thần diệu muôn đời, cho những chi thể trong Nhiệm Thể của Người là chính chúng ta, người Kitô hữu, một cuộc sống mới.

Và, thật phải đạo, khi hôm nay, chúng ta hãy đem ký ức trở về Giêrusalem nhìn lại cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu, để nhìn rõ “Con đường nào Chúa đã đi qua. Con đường nào Ngài ra pháp trường… Thánh giá nào Ngài vác trên vai…” và hơn hết là để nhận rõ “Đường tình đó Ngài dành cho ta”.(*)

**
Vâng, hơn hai ngàn năm xa trước đó, cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu được bắt đầu bằng sự kiện Ngài vào Giêrusalem. Thánh Gioan kể rằng, một rừng người “cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo vang: Hosana. Hosana. Chúc tụng… Chúc tụng vua Israel ” (Ga 12, 12-13).

Còn thánh Luca thì diễn tả “Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường”. Và “Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!”...

Với những diễn tiến như thế, không ai có thể nghĩ rằng, cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu là một “cuộc thương khó”. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau, quả đúng là một “cuộc thương khó” bắt đầu xảy ra cho Đức Giêsu.

Chuyện kể rằng, sau bữa tiệc Vượt Qua theo truyền thống, Đức Giêsu “đi ra núi Oliu”. Tại đây, trong thinh lặng của nguyện cầu, Đức Giêsu xao xuyến bồi hồi đến nỗi “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất”.

Có một người trong nhóm mười hai phản bội Ngài. Và tệ thật, bàn tay kẻ phản bội Ngài lại cùng đặt trên bàn với Ngài… (Lc 22, 21).

Bàn-tay-kẻ-phản-bội… Vâng, chính là bàn tay Giuđa Iscariot - Y đã âm thầm đi gặp các thượng tế và lãnh binh Đền Thờ để thảo luận về cách thức nộp Đức Giêsu cho họ và thương lượng về tiền thưởng cho y...

Sự toan tính của Giuđa quá hoàn hảo đã khiến cho các thượng tế hào phóng thưởng cho y ba mươi đồng bạc. Và khi được Giuđa cho biết thời cơ đã đến, một toán người liền được các thượng tế và kỳ mục phái đi truy nã Đức Giêsu.

Giêrusalem, hôm đó, phủ trùm bầu không khí của bạo lực và chết chóc. Màn đêm núi Oliu, nơi kẻ phản bội biết chắc Đức Giêsu cùng các môn đệ đang hiện diện để cầu nguyện, bỗng náo động bởi tiếng binh khí va chạm cùng tiếng vó ngựa khua vang cả một góc trời đêm. Sự trang nghiêm của nguyện cầu bị phá vỡ bởi những tiếng hò hét. Và khi kẻ dẫn đầu là Giuđa Iscariot xuất hiện. Y lại gần Đức Giêsu để hôn người.

Hôn Đức Giêsu… một cử chỉ thân thiện ư! Thưa không. Đó là một ám hiệu. Giuđa Iscariot đã nói với các đồng bọn rằng, “Tôi hôn ai chính là người đó. Các anh bắt lấy”.

Kinh Thánh chép rằng: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người”. (Gr 17, 9). Vâng, quả đúng ở trường hợp Giuđa, ông ta đã lưu danh của mình bằng một nụ hôn thật nham hiểm. Nụ Hôn Thần Chết!!!

Ba năm công khai rao giảng Tin Mừng, đây không phải lần đầu tiên Đức Giêsu bị họ truy bắt. Đã nhiều lần họ đe dọa, ném đá và tìm cách giết Ngài.

Trước kia, chưa bắt Ngài, một phần họ sợ dư luận và một phần là vì Đức Giêsu tìm cách lánh đi. Nhưng hôm nay, Ô kìa! Đức Vua Giêsu – Đấng ngự đến nhân danh Chúa, lại đứng lặng “lòng xao xuyến bởi địch thù gào thét, bởi ác nhân hà hiếp”.(Tv 55).

Người chẳng khác nào như-chiên-bị-dẫn-đi-làm-thịt… Vâng, bắt đầu từ Núi Cây Dầu nơi Đức Giêsu cầu nguyện và cuối cùng là nơi đã táng xác Đức Giêsu.

Đây chính là con đường Chúa đã đi qua, con đường mà ngày nay người ta gọi là Via Dolorosa – Con Đường Đau Buồn - Sầu Khổ - Đau Đớn…

Làm sao không đau buồn trước sự kiện “tan hàng” khi chưa có lệnh “đầu hàng” của các môn đệ. Làm sao không sầu khổ khi “gà chưa kịp gáy” thì người môn đệ của mình “đã ba lần chối là không biết Thầy”.

Và có đau đớn không kia chứ, ba cú té ngã, những lời chứng gian, những hành vi nhục mạ khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người… và tát Người túi bụi, thế mà, Người vẫn “như cừu câm nín khi bị xén lông” (Is 53, 7). Chưa hết, ngay tại Golgotha, thấy Ngài “ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai” (Tv 22, 8).

Phải chăng “Thế này là để lời Sách Thánh ứng nghiệm”! Phải chăng, chuyện phải xảy ra như thế để ứng nghiệm với lời Kinh Thánh, rằng: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi không che mặt cho người ta phỉ nhổ”? (Is 50, 6).

Thưa, đúng vậy. Chuyện phải xảy ra để đúng với lời công bố của Đức Giêsu “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án và xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người” (Mc 10,33)...

Và vở kịch Thánh Thiêng kết thúc tại Golgotha, một rừng người đứng thành từng nhóm đau đáu ngước nhìn Đức Giêsu. Ngài đầu đội mão gai, hai tay dang trước trời cao, thân hình dính chặt vào thập giá bằng những chiếc đinh.

“Mọi sự đã hoàn tất”. Vâng, Đức Giêsu đã hoàn tất điều mà năm xưa Ngài đã nói với ông Nicôđêmô, rằng, “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14-15)

***
Hôm nay, trên đường đời ta đi, còn rất nhiều cây thập giá, những cây thập giá bệnh tật và nghèo đói, những cây thập giá cô đơn và bất hạnh, những cây thập giá bất trung và bội phản đang đè nặng trên nhiều người, họ bị bỏ rơi bởi sự bận rộn và thờ ơ, bởi sự hối hả ngược xuôi trên dòng đời… Những cây thập giá đó, ai sẽ là người cùng gánh vác, chỉ một Simon-Kyrênê ư! Hay phải là tất cả chúng ta!

Đúng vậy, phải là tất cả chúng ta. Cho nên, sẽ thật là phải đạo, khi hôm nay, chúng ta sẽ phải là “con lừa của Chúa” để mà chuyên chở “gánh nặng cho nhau”, bởi có như thế, như lời tông đồ Phaolô nói, chúng ta mới là người “chu toàn luật Đức Kitô” (Gl 6, 2)

Vâng, đó cũng là cách thế tốt nhất cho việc đi tiếp con đường thánh giá của Chúa Giêsu – một cách tuyệt hảo để chúng ta có thể nghe Thiên Chúa nói với chúng ta trong ngày quang lâm rằng, “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây