TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Xin cho con biết tự hạ

Thứ tư - 26/05/2021 22:13 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   675

Chúa Nhật XXII – TN – C

Xin cho con biết tự hạ

Yêu thương và tha thứ, hiền lành và khiêm nhường, đó là những đức tính không thể thiếu của một người Ki-tô hữu. Gọi là không thể thiếu, bởi đó là những điều chính Đức Giê-su Ki-tô đã truyền dạy.

Thật vậy, Tin Mừng thánh Gio-an có ghi lại lời Ngài đã truyền dạy rằng: “Đây là điều răn của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em… Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”.

Và trước đó, vào một ngày nọ, Đức Giê-su cũng đã có lời tuyên phán rằng: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”.

Yêu thương thì đối nghịch với hận thù. Khiêm nhường thì đối nghịch với kiêu căng. Thế nên, với những lời truyền dạy của Đức Giê-su, người môn đệ của Ngài không được phép để cho sự hận thù, sự kiêu căng, tính ngạo mạn lưu trú trong con người của mình. Những ai có lối sống kiêu căng, ngạo mạn, người ấy không có mặt ở Nước Trời.

“Thiên Chúa chống cự kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm nhường”, tông đồ Gia-cô-bê đã có lời khuyến cáo như thế.

Còn với Đức Giê-su thì sao! Thưa, với những ai kiêu căng, tự cao tự đại, Ngài có lời khuyên dạy rằng: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống”. Lời khuyên này đã được Đức Giêsu công bố trong dịp Ngài tham dự một buổi tiệc, tại nhà một thủ lãnh nhóm Pharisêu.

**

Vâng, hôm đó, vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-siêu để dùng bữa, và khi chứng kiến cảnh “khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi”, nên Ngài đã dùng một dụ ngôn, một dụ ngôn để dạy cho mọi người một bài học căn bản về thuật xử thế trong giao tiếp đời thường.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã dạy rằng: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất…”. Tại sao vậy? Thưa, Ngài nói tiếp rằng: “kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘xin ông nhường chỗ cho vị này’. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối”…

Đúng… đúng là thật đáng xấu hổ nếu chúng ta rơi vào trường hợp đó. Thưa quý vị, quý vị đã có lần nào rơi vào trường hợp đó? Nếu có, có phải là “mất mặt bầu cua” không nhỉ!

Vậy, phải làm gì khi được mời đi ăn cưới? Thưa, Đức Giêsu có lời dạy, rằng: “khi anh được mời, thì hãy vào chỗ ngồi cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên kia cho…”

Và Ngài kết luận: “Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn”.

Hôm ấy, nhân sự kiện này, Đức Giê-su đã có lời khuyên dạy, một lời khuyên dạy thấm đậm sự khiêm nhường, lời khuyên rằng: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

***

Thật ra, không phải tự nhiên những người được mời “cứ chọn cỗ nhất mà ngồi”. Họ là “các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu” (x.Lc 14, 3).

Mà, vào thời Đức Giê-su, thứ bậc trong bữa tiệc được ấn định tùy theo danh giá, chức vị hay tài sản của vị khách đó. Thế nên, hôm ấy, những người chọn cỗ nhất ngồi là để khẳng định chức vị danh giá của mình. Ngồi cỗ nhất còn là nơi được ngồi gần vị chủ nhà, một vinh dự ai mà không muốn!

Thế nhưng, với Đức Giê-su, những người càng có chức vị lớn, những người càng có địa vị cao, họ lại càng phải chứng tỏ sự khiêm nhường, sự hạ mình qua cách cư xử giao tiếp nơi đời thường.

Hôm ấy, để phản ứng với những người dựa vào chức tước địa vị cao mà lại kiêu căng, ngạo mạn cứ đòi cho được “cỗ nhất” để ngồi, Đức Giê-su đã nói lập trường của mình một cách nhẹ nhàng với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi”.

Với lập trường nêu trên của Đức Giê-su, có mâu thuẫn với những điều Kinh Thánh đã dạy: “Có ba điều tôi hết lòng ao ước, cả ba đều đẹp lòng Đức Chúa và người ta: anh em hoà thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu” chăng?!

Thưa không. Hôm ấy, nhìn một bữa tiệc đời thường đầy sự phân biệt, Đức Giê-su hướng tới một bữa tiệc tuyệt vời hơn, đó là Bữa Tiệc Thiên Quốc. Vẻ đẹp của Bàn Tiệc Nước Trời không có chuyện “bánh ít cho đi, bánh quy cho lại”, lại càng không có cảnh chiếu nhất chiếu nhì. Ngược lại, Bàn Tiệc Thiên Quốc, phải được “bình đẳng” cho tất cả mọi người.

Thế nên, hôm ấy, Đức Giê-su có lời khuyên: “Hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”… dẫu rằng: “Họ không có gì đáp lễ”. Sau đó, Ngài nói tiếp: “Như thế… mới thật có phúc”. Và cuối cùng, Ngài kết luận, ơn phúc đó “sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.

Vâng, những điều Đức Giê-su truyền dạy, thật có gì đó, giống như lời Kinh Thánh xưa đã dạy: “Được đặt làm chủ tọa ư? Con đừng có lên mặt, giữa thực khách, hãy xử sự như một người đồng bàn, lo cho người ta, rồi mới ngồi vào chỗ. Chu toàn mọi bổn phận xong, con hãy yên vị và chung vui với mọi người” (Hc 32, 1-2).

****

“Phàm ai tôn mình lên…” thì sao, thưa quý vị? Thưa, “…sẽ bị hạ xuống”. “Còn ai hạ mình xuống…” thì sao, thưa quý vị? Thưa, “…sẽ được tôn lên”.

Vâng, đó là lời Đức Giê-su đã tuyên phán. Thế nên, đã là một Ki-tô hữu, một người môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta phải sống một đời sống khiêm nhu tự hạ.

Đừng nghĩ rằng, tôi chỉ là một phàm nhân đầy tội lỗi và yếu đuối, thật khó mà thực thi đời sống tự hạ mình. Cũng đừng nghĩ rằng, tự hạ mình thiên hạ sẽ coi ta là kẻ nhu nhược. Nghĩ như thế chẳng khác nào chúng ta hãy còn tơ tưởng, còn nặng lòng với danh vọng, với chức vụ, với chiếu nhất chiếu nhì.

Mà một khi còn tơ tưởng, còn nặng lòng với danh vọng, chức vụ, chiếu nhất, chiếu nhì thì làm sao chúng ta có thể kềm hãm được lòng ham muốn, sự ganh tị trong tâm hồn chúng ta.

“Ganh tị”. Vâng, đừng quên, nó là mầm mống gây ra tội ác. Câu chuyện anh em nhà Giacóp là một ví dụ điển hình. Chỉ vì ganh tị với Giuse, những người anh của ông đã bán ông cho lái buôn rồi sau đó dàn dựng lấy máu dê thấm vào chiếc áo của ông, để rồi cha của ông sau khi nhận được tấm áo đó đã nghĩ rằng “Giuse đã bị thú dữ xé xác” (St 37, 33).

Với thánh Phaolô, ngài nói “Tôi báo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: …làm điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Trời” (Gl 5, …22).

Cho nên, đừng bao giờ để cho những cám dỗ của thời đại, đại loại như: quyền lực, danh vọng, tiền bạc v.v… điều khiển lên cuộc đời ta, khiến cho ta trở nên “kiêu ngạo, nói lộng ngôn, xấc xược, lên mặt kiêu căng…” (2Tm 3, 2-4), nhưng hãy nhìn vào Chúa Giêsu mà học lấy “sự hiền lành và khiêm nhường” của Ngài.

Đây, bài học thứ nhất. Trong bữa tiệc ly, có hình ảnh “tự-hạ-mình” nào đẹp hơn hình ảnh “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13, 4-5)!

Và, đây, bài học tiếp theo. Có hình ảnh tự-hạ-mình nào đẹp hơn hình ảnh Đức Giê-su “Hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”? (x.Pl 2, 8).

Không, tự hạ mình không khó, chỉ cần dẹp bỏ sự ngạo mạn, tính kiêu căng ra khỏi con người chúng ta. Làm sao dẹp bỏ? Thưa, hãy nhận ra mình là ai… tôi là ai?

Tôi là ai ư! Là một “tội nhân” trước mặt Thiên Chúa, chứ là ai! Kinh Thánh đã chẳng từng nói: “vì mọi người đều đã phạm tội”, tội chết, đó sao!

Thưa, quý vị, quý vị có lần nào nhìn thấy hình ảnh một tội nhân (tội chết) ra pháp trường? Họ làm sao nhỉ? Thưa, mặt họ cúi gằm xuống đất, họ đâu có ngước mặt lên với vẻ mặt kiêu căng ngạo mạn, phải không thưa quý vị!

Khi… khi chúng ta nhận ra mình chỉ là một tội nhân trước mặt Thiên Chúa, chúng ta không có lý do gì để ngạo mạn kiêu căng. Và, khi tính kiêu căng, ngạo mạn không tồn tại trong chúng ta, há lẽ nào chúng ta lại không tự hạ mình được!

Thế nên, thật phải đạo khi hôm nay chúng ta mượn lời cầu nguyện của thánh Augustino như là mẫu mực cho lời cầu nguyện của mình mà cất lên khẩn cầu với Đức Giê-su, lời khẩn cầu rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa… Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa”.

Rất vắn tắt, mỗi sáng thức giấc, hãy ngước nhìn thánh giá Chúa Ki-tô, và hãy cất tiếng khẩn cầu với Ngài rằng: “Xin cho con biết tự hạ”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây