TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chiến đấu để qua cửa hẹp

Thứ tư - 26/05/2021 22:12 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   622

Chúa Nhật XXI – TN – C

Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp

Bạn có muốn được lên Thiên Đàng? Bạn có chắc mình sẽ được lên Thiên Đàng? Có lẽ, vâng có lẽ không ít người sẽ trả lời là muốn. Hơn thế nữa, sẽ có người tin rằng mình sẽ được lên Thiên Đàng, bởi vì mình đã chịu phép rửa tội, mình đã tin vào Đức Giê-su.

Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thì vẫn chưa đủ, bởi vì cho dầu chúng ta đã rửa tội, cho dầu chúng ta đã tin vào Đức Giê-su, nhưng biết đâu chúng ta vẫn sống trong tội lỗi. Mà, như chúng ta được biết, dù tội đó là tội nhỏ, không phải tội lớn, đều phân cách chúng ta khỏi Thiên Chúa, cho dù chỉ là một lời nói dối rất nhỏ.

Muốn có phần chắc được vào Thiên Đàng ư! Thưa, còn phải làm theo những lời Đức Giê-su đã truyền dạy. Và, một trong những lời truyền dạy (rất quan trọng) đó, chính là: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp”. Lời truyền dạy này đã được ghi trong Tin Mừng thánh Luca.

**

Vâng, theo thánh sử Luca kể lại thì, hôm ấy: Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy.

Không hẹn mà gặp, có một người đến gặp Đức Giê-su. Người này đến gặp Ngài để làm gì? Thưa, người này tìm đến không phải để tranh luận hay xin Đức Giêsu làm một phép lạ nào đó, nhưng là để hỏi Ngài một vấn đề, một vấn đề có liên quan đến sự cứu độ.

Và, khi diện đối diện với Đức Giê-su, người này cất tiếng hỏi rằng “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”

Tại sao người này lại nghĩ rằng “người được cứu thoát thì ít?” Thưa, là bởi, đối với người Do Thái xưa, họ nghĩ, chỉ có dân tộc của họ, một dân tộc được Thiên Chúa chọn làm “dân riêng” của Người, mới là những người được hưởng ơn cứu thoát.

Thế nhưng, với Đức Giê-su, đó không phải là điều Ngài truyền dạy. Thiên Chúa, qua lời truyền dạy của Ngài, là một Thiên Chúa của tình yêu, “…yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (x.Ga 3, 16-17).

Thiên Chúa, mà Đức Giê-su rao giảng, là một Thiên Chúa, “…sẽ tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của (Người)” (x.Is 66, 18).

Hôm đó, thay vì trả lời nhiều hay ít, Đức Giê-su nói với người đã tìm đến gặp mình, rằng: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”.

Thiên Chúa, qua lời Ngôn sứ Isaia, là một Thiên Chúa như thế đấy, cớ sao lại dám nghĩ rằng “người được cứu thoát thì ít”! “Ơn cứu độ” không là của riêng ai, không chỉ là sự độc quyền của dân tộc Israel.

Hôm ấy, Đức Giê-su còn đưa ra một tình huống cho những ai còn chần chờ, còn ngần ngại trước lời truyền dạy “qua cửa hẹp”, xem ra có vẻ khó nghe của Ngài, tình huống rằng: “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại, mà anh em còn đứng ngoài, bắt đầu gõ cửa và (năn nỉ): Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi vào!” thì, những người “còn đứng ngoài” đó sẽ nhận được câu trả lời, còn khó nghe hơn nữa, câu trả lời rằng: “Ta không biết các anh từ đâu đến!”

Rất… rất minh bạch, người nào không chiến đấu để qua cửa hẹp… người ấy dẫu cho “đã từng ăn uống trước mặt ngài…”, Đức Giê-su vẫn xem họ như là “những quân làm điều bất chính”.

***

“Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào…” Vâng, thiết tưởng đã là một Ki-tô hữu, chúng ta nên xem đây là một lệnh truyền. Thế nên, ngay hôm nay, chúng ta hãy thực hiện lệnh truyền này. Thực hiện như thế nào? Thưa, hãy vào cửa hẹp.

Đừng… đừng hiểu hai chữ “cửa hẹp” theo nghĩa đen. Khi nói đến “cửa hẹp”, Đức Giê-su không ám chỉ đến cánh cửa hẹp làm bằng gỗ, điều Ngài muốn nói, đó là những “hạn hẹp” mà một người tin vào Ngài sẽ phải đối diện.

Những hạn hẹp đó chính là sự “từ bỏ”, phải bỏ lại đằng sau nhiều điều. Chính việc bỏ lại nhiều điều, nó giúp chúng ta trở nên nhẹ nhàng, chính sự nhẹ nhàng đó giúp chúng ta dễ dàng “cúi xuống” để đi vào cửa hẹp.

Chúng ta sẽ từ bỏ điều gì? Điều gì sẽ là điều chúng ta phải từ bỏ?

Thưa, điều thứ nhất, đó là “từ bỏ thế gian”. Từ bỏ thế gian, vì chúng ta, như lời Đức Giê-su nói: “không thuộc về thế gian”. Vâng, rất khó khăn cho việc “đổi hướng” này. Vì, việc đổi hướng này chính là “qua cửa hẹp”. Thế nhưng, đây là quyết định quan trọng cho đời ta. Bởi, quyết định này giúp chúng ta biết được số phận của mình, linh hồn của mình sẽ đi về đâu, sau khi không còn ở thế gian này.

Điều thứ hai, đó là từ bỏ lối sống của thế tục. Điều này khó hơn. Khó là bởi, lối sống của thế tục rất dễ dãi. Với lối sống thế tục, chúng ta muốn làm gì, muốn nói gì, muốn ăn, muốn mặc như thế nào, tùy sở thích của chúng ta. Nhưng, khi tin Chúa, chúng ta phải khác, chúng ta phải khác với thế tục từ cách ăn mặc cho đến sự suy nghĩ, quan niệm, lời nói, cử chỉ, việc làm.

Đừng nghĩ rằng, với đời sống tu trì, chúng ta sẽ từ bỏ được lối sống thế tục. Bởi, vào dòng tu chỉ là rời bỏ thế tục, rời xa đám đông, con người, mà thôi. Ngay trong dòng tu, lối sống thế tục vẫn hiện diện.

Điều này không ai có thể chối cãi. Thì đây, nhiều người đã tin Chúa nhưng hành trang theo Ngài vẫn nặng mùi thế tục và lối sống thế tục. Họ đem những điều này vào trong nhà dòng, vì vậy không ít nhà dòng lâm cơn khủng hoảng. Những người này không từ bỏ lối sống thế tục, nghĩa là vẫn còn lòng tham, ích kỷ và kiêu căng. Vâng, đó là lý do mà chúng ta có được câu ca rằng: “Thân con là thân lúa miến. Gieo vào nhà dòng và mục nát với bề trên”.

Nói tắt một lời, nếu chúng ta vẫn sống theo lối sống thế tục trong một môi trường sống mới, thì vẫn chưa phải là môn đệ Chúa.

Về lối sống thế tục, thánh Phao-lô có lời dạy rằng: “Phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư mất, vì bị những ham muốn lừa dối”.

Vâng, vì những “ham muốn” nên chúng ta rất khó từ bỏ. Rất khó từ bỏ, nhưng nếu chúng ta “để Thần Khí đổi mới tâm trí” mình, chúng ta sẽ không khó để từ bỏ lối sống của thế tục.

Điều thứ ba cần từ bỏ, đó là “cái tôi” của mình. Từ bỏ thế gian và lối sống của thế gian là điều quan trọng. Nhưng từ bỏ cái tôi còn quan trọng hơn nữa. Quan trọng hơn nữa là bởi, lịch sử con người trong xã hội cũng như trong Giáo Hội, đã có không ít người lãnh đạo chỉ vì cái tôi của mình nên đã gây ra biết bao thảm cảnh chết chóc cho con người, cũng như sự chia rẽ giữa Giáo Hội này với Giáo Hội kia.

Phải dẹp bỏ cái tôi của mình, như lời Phao-lô khuyên bảo: “Hãy cởi bỏ con người cũ xưa…”

Trên con đường đi vào cửa hẹp, khoảng trống không đủ chỗ cho hai con người song hành. Con người cũ (cái tôi) phải để lại, nhờ đó, con người mới, đó là con người được tái sinh, mới có thể khoan thai bước đi.

Khi nói tới điều kiện để đi theo mình, Đức Giê-su cũng đã có lời truyền dạy: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình…”

****

Với lời truyền dạy (nêu trên) của Đức Giê-su, chúng ta thấy việc phải qua cửa hẹp (sự từ bỏ) quan trọng như thế nào.

Thế nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi mình, rằng: Sau bao nhiêu năm là một Ki-tô hữu, tôi đã và đang “chiến đấu để qua được cửa hẹp?”

Nói một cách thiết thực, chúng ta có chiến đấu để vượt qua được những cám dỗ của Satan và những quyến rũ của thế gian? Chúng ta có chiến đấu để vượt qua được những việc do tính xác thịt gây ra, đó là: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa chè chén, và những điều khác giống như vậy”? (x.Gl 5, 19-21)

Đây… đây là một trận đồ bát quái mà satan và thế gian đang bủa vây chúng ta, nhìn mà nản quá, phải không thưa quý vị?

Thực tế… thực tế là vậy, và chẳng có gì khiến chúng ta phải nản lòng, nếu chúng ta không sờn lòng và bền chí, trong cuộc chiến đấu này. Bởi, khi chúng ta không sờn lòng và bền chí, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng: “Gia-vê Thiên Chúa sẽ ở với ta, trong mọi nơi ta đi”.

Vâng, hôm nay Gia-vê Thiên Chúa vẫn đang ở với chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế”. Người vẫn ở với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể. Qua việc tham dự Bàn Tiệc Thánh Thể, Thiên Chúa, qua Đức Giê-su sẽ cùng đồng hành với chúng ta, một sự đồng hành “làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, (của chúng ta), nên mạnh mẽ”. (x.Dt 12, 13).

Trong cuộc chiến đấu này, Lm. Charles E. Miller thêm cho chúng ta một lời khuyên, ngài khuyên rằng: “Chúng ta phải là những người trung tín, luôn kết hiệp với Đức Ki-tô trong nhiệm thể của Người là Giáo Hội. Đây là cách bảo đảm rằng, chúng ta sẽ vượt qua mọi cuộc tranh chấp, mọi điều phiền toái trên cõi đời này, để bước vào vương quốc vĩnh cửu trên trời”.

Đúng vậy, nếu chúng ta là những người trung tín, luôn kết hợp với Đức Ki-tô, trong nhiệm thể là Giáo Hội, hãy tin, cuộc chiến đấu này phần chiến thắng sẽ nghiêng về phía chúng ta.

Thưa quý vị, quý vị có tin! Nếu có tin, ngay hôm nay hãy thực hiện lời truyền dạy của Đức Giê-su, lời truyền dạy rằng: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây