TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chết cho người mình yêu

Thứ tư - 05/04/2023 10:48 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   847
Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16 – 17).
RaoGiangTG
RaoGiangTG

Chết cho người mình yêu


 
 
Câu chuyện bắt đầu từ một câu hỏi của cô bé tuổi mười lăm: Cha ơi: sao Chúa không chọn cách khác để cứu độ nhân loại, có nhiều cách mà phải không cha?
Đúng là có nhiều cách Chúa cứu độ nhân loại, tại sao Chúa lại chọn cách nhập thể làm người rồi đón nhận cái chết trên thập giá. Chúng ta có thể hỏi nhiều câu hỏi tại sao, tại sao như thế, nhưng chúng ta có thể tự hỏi lại mình, tại sao Chúa lại chọn cách thức như thế cho chính chúng ta? Một tình yêu điên rồ và cũng là một tình yêu tinh tuyền.


Điên rồ vì tình yêu
Nếu như một người cha mẹ biết được rằng con mình bị bọn tống tiền bắt cóc, điều cha mẹ của bé ấy sẽ làm gì? Trả bất cứ giá nào cho bọn tống tiền để chuộc con? Dĩ nhiên, nhưng bọn tống tiền đòi giá đắt hơn, đòi chính mạng sống của người cha mẹ phải chết để đứa con tự do, người cha mẹ nếu yêu con hơn mạng sống mình sẽ làm gì? Dĩ nhiên, vì mạng sống con mình cũng chấp nhận, chấp nhận tất cả để chuộc lại tự do cho con cái.
Tình yêu có phải sự điên rồ? phải, có khi tình yêu thôi thúc đến không còn lý trí, nhưng Tình Yêu Thiên chúa không là mất trí mà là “hết linh hồn hết trí khôn, hết sức”. Một tình yêu tuyệt đối là một tình yêu cho đi tất cả. Chính vì trao đi tất cả nên: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga, 16). Một tình yêu điên rồ có thể thấy ở đâu đó trong cuộc đời này, một phần nào diễn tả: khi người mẹ chỉ mong chết thay cho con, một người cha hy sinh mạng sống mình để cứu con, khi người anh, chị em sẵn sàng trao tặng cho nhau một phần thân thể.
Cái điên rồ vì tình yêu Thiên Chúa thật khó diễn tả hơn, làm sao có thể yêu thương, đến nỗi chấp nhận mọi sỉ nhục, roi đòn, trong khi chính Người có đủ sức mạnh hay quyền phép để cứu Con ra khỏi. Như người cha, mẹ bán cả gia tài để chữa trị cho con, dùng mọi sự quen biết để cứu con, tại sao không? Chúa Cha thinh lặng nhìn Con chịu roi đòn, sỉ nhục, chịu chết dưới tay người đời? Vậy mới thấy tình yêu đích thực là một tình yêu: “Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả, cho đi tất cả” (1Cor 13, 7). 
Một tình yêu tinh tuyền.
Tình yêu tinh tuyền diễn tả bằng sự nhẫn nại. Trong văn hóa “fast food”, cái gì người ta cũng muốn giải quyết nhanh chóng, nhanh chóng giải quyết vấn đề xung đột bằng chiến tranh, bạo lực, bắt bớ... Những căn bệnh lâu dài người ta chỉ mong giải quyết nhanh bằng cách “an tử”. Những đau khổ tâm hồn đến cùng cực người ta giải quyết bằng “tự tử”. Không chấp nhận hôn nhân bế tắc và chọn giải quyết nhanh, ly dị... Văn hóa “fast food” cũng đi vào hành vi thường nhật, nó cho thấy cái trẻ con trong con người trưởng thành, khi người ta hờn giận, ghen ghét...
Một tình yêu tinh tuyền bao giờ cũng đòi nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ.
Tình yêu tinh tuyền diễn tả bằng hành động tích cực. Chúa Giêsu, trên thập giá đón nhận bao sự khinh miệt, roi đòn, xúc phạm, và kể cả chịu đóng đinh, vẫn một lời: “Xin tha cho chúng”. Tình yêu tinh tuyền là tình yêu chiến thắng các xúc cảm: giận, oán, ghét, thù hận... Kiên vững trong yêu thương, nghĩ tích cực về kẻ đang làm hại mình, Chúa Giêsu đã cho rằng những người đang giết chết Người họ hành động vì họ đã không biết. Chính trong suy nghĩ tích cực này mà lòng khoan dung được bồi thêm và tình yêu tha thứ được tỏ bày.
Tình yêu tinh tuyền là tình yêu cả kẻ thù. Trong tám câu kệ luyện tâm của Langri Thangpa, người Tây Tạng vào thế kỷ 11 viết:
“Mỗi khi tôi hợp tác với ai, ước gì tôi nghĩ về mình như kẻ thấp kém nhất và coi người khác tôn quý tự đáy lòng tôi.
Khi tôi thấy người ta ác tâm, bị dồn ép bởi tội lỗi, bạo lực và hoạn nạn. Ước gì tôi được ôm lấy những con người đáng quý ấy như gặp được một kho báu.
Khi người khác do ghen tỵ, ngược đãi tôi bằng nhục hình, phỉ báng và những điều tương tự. Ước gì tôi chấp nhận thua thiệt để dâng chiến thắng cho những họ.
Khi có người mà tôi giúp đỡ lại làm tôi tổn thương đau đớn. Ước gì tôi xem người ấy như vị thầy của mình.”
Những lời ước nguyện trong câu kệ này cũng cho thấy họa lại đều răn mới của Chúa: “yêu thương nhau như chính Thầy yêu thương anh em”  (Ga 15, 12).  Một tình yêu tinh tuyền là ôm lấy hết tội nhân, gánh hết tội đời, để chuộc tội và để tha thứ: “Để cứu chúng ta thoát khỏi cõi đời xấu xa hiện tại, Đức Giê-su Ki-tô đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta” (Gl 1, 4).
Tình yêu điên rồ là kết quả của một tình yêu tinh tuyền không tỳ vết. Thiên Chúa yêu thế nhân đến tận cùng vì một điều đơn giản: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 8) và tình yêu đó được bày tỏ: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16 – 17).
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây