Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 12/05/2021 09:36 |
Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |
875
Cô đơn vào cuộc chiến
Có lẽ trong chúng ta ai cũng cảm nghiệm nỗi cô đơn. Giữa chốn đông người cảm thấy lẻ loi. Giữa những tiếng cười nói, thấy mình lạc lõng. Tự dưng nghiệm thấy lặng lẽ nơi này. Chẳng ai nghe mình, chẳng ai thấy mình, dù đang ở đó. Dù đang ở bên nhau, cầm tay mà vẫn thấy lạc lõng cô đơn. Chúng ta cảm nghiệm nhiều khoảnh khắc cô đơn, nhưng có lẽ khoảnh khắc cô đơn nhất, lúc đối diện một mình với sự chết ngay bên.
Chúa Giêsu, Người cũng trải qua bao lần chịu cô đơn như chúng ta. Trong khi làm việc, chữa lành nhiều bệnh nhân, chẳng ai hiểu Người, cho “Người bị mất trí” (Mc 3, 21). Lắm lúc chúng ta vì bạn bè, vì tình nghĩa hết lòng giúp đỡ anh chị em mình. Người khác dửng dưng chê bai, nó mất trí rồi. Chẳng ai hiểu mình vì những điều mình sống thực tâm, nên đôi khi lại nghĩ, dửng dưng như mọi người có lẽ lại hay. Thôi đó cũng là cám dỗ dừng lại để thấy, không phải ai cũng ủng hộ mình dù là những điều tốt lành.
Trên con đường lên Giêrusalem, các môn đệ tranh nhau ngồi chỗ nhất chỗ nhì. Lời rao giảng, bao nhiêu điều các môn đệ chứng kiến, chẳng ai hiểu Chúa và giáo huấn của Người. Lạc lõng cô đơn ngay giữa các môn đệ, gần xong quá trình dài, ở với các môn đệ, thế mà chẳng ai quan tâm Thầy mình muốn gì. Trong gia đình cũng nhiều lạc lõng cô đơn như vậy. Bao nhiêu công khó, nuôi dạy con ăn học, thành người, thành tài. Khi khôn lớn, vợ chồng con cái, về nhà cha mẹ đòi chia gia tài, anh chị em trong gia đình xào xáo lẫn nhau, người này hơn người kia. Trong nhóm làm việc chung, mình đã cố gắng xây dựng tinh thẫn hòa đồng, luôn có người phá rối, chỉ trích, gièm pha...
Cô đơn giữa rừng người tung hô khi vào thành Giêrusalem. Người ta đang mong Đấng giải thoát cứu họ ra khỏi tình trạng chịu áp bức đô hộ. Hầu như dân chúng hò reo chẳng biết Người đang sắp chịu khổ hình. Sự hiểu lầm của người khác cũng làm chúng ta đau khổ, khi chúng ta muốn thực hiện điều tốt hơn cho mọi người. Mọi người chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình đang được và sẽ được. Họ không cần biết một tương lai tốt đẹp phải trải qua thập giá, những điều quen thuộc sẽ bị mất để được điều tốt hơn. Nhất là những khi tái cơ cấu, kiện toàn tổ chức, đòi hỏi tiến lên, rũ bỏ con người cũ để biến đổi...
Nỗi cô đơn đáng sợ nhất khi cận kề cái chết. Khi ung thư giai đoạn cuối, biết cái chết cận kề. Đau đớn thể xác không đau khổ bằng tinh thần và cả tâm hồn. Có nhiều những ý nghĩ chưa bao giờ có. Như một người đã hết lòng kính Chúa, yêu người, giữa cơn bạo bệnh nghĩ mông lung. Tại sao Chúa để con chịu thử thách lớn lao như vậy, tại sao là mình phải chịu?. Quanh quẩn những suy nghĩ, Chúa đã quên con rồi, Chúa đã bỏ con sao?. Tại vườn cây dầu, Chúa Giêsu đã trải qua thử thách này, khi hướng về cuộc thương khó sắp tới,” Cha ơi! Xin cho con khỏi uống chén này” (Mt 26, 39).
Chén đắng đau thương trong đời. Chúng ta có thể hiểu phần nào nỗi cô đơn khủng khiếp, khi người thân nằm yên chờ giờ chết. Trong giờ hấp hối của ba tôi, tôi thấy ba tôi cứ ngước mắt nhìn đâu đó xa xôi. Chúng tôi và nhiều người thân đang ở đó, tay đang nắm tay, lời kinh cầu nguyện vẫn vang vọng, ba tôi vẫn dường như lạc lõng, cô đơn, mắt nhìn về phía không định hình. Không ai hiểu được giờ phút này, cô đơn khủng khiếp thế nào? Chúa ở gần các môn đệ, “xa hơn một chút, chừng khoảng ném một hòn đá” (Lc 22, 41), các môn đệ ngái ngủ, Chúa Giêsu cầu nguyện “máu và mồ hôi nhỏ xuống đất” (Lc 22, 44). Có lẽ tâm trạng đau khổ nhất, sắp rời xa người thân của mình, hay nỗi cô đơn từ đây chỉ có một mình bước vào cuộc chiến sinh tử. Cuộc chiến cuối cùng của đời người, không có ai cùng chung bước, một mình đối diện tử thần. "Cha ơi! sao Cha lại bỏ Con" (Mt 27, 46)
Vượt qua sợ hãi, cô đơn, là điều chúng ta mong mỏi, tiếp tục dấn bước, tiếp tục hành trình. Xin Chúa giúp chúng con can đảm vượt qua! Dù ở trên đường hay cuối đường, sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng đón nhận một nỗi cô đơn và nhiều nỗi cô đơn trong đời.